Báo Đồng Nai điện tử
En

Mùa... mua rơm

11:01, 18/01/2013

Trên những cánh đồng lúa vừa thu hoạch xong, rơm được phơi khô vàng óng, nằm trải dài mênh mông chờ thương lái đến tìm mua. Với nhiều người làm nông, dự trữ được một lượng rơm lớn là niềm vui, vì như thế sẽ không lo thiếu rơm phục vụ cho việc trồng trọt, chăn nuôi; công việc sẽ may mắn, thuận lợi suốt năm.

Trên những cánh đồng lúa vừa thu hoạch xong, rơm được phơi khô vàng óng, nằm trải dài mênh mông chờ thương lái đến tìm mua. Với nhiều người làm nông, dự trữ được một lượng rơm lớn là niềm vui, vì như thế sẽ không lo thiếu rơm phục vụ cho việc trồng trọt, chăn nuôi; công việc sẽ may mắn, thuận lợi suốt năm.

Trong cái nắng hanh khô, rơm rạ từ màu xanh, vàng nhạt dần chuyển sang màu vàng óng. Mùi thơm nồng của rơm mới quyện cùng mùi ngai ngái, âm ẩm của đất nâu ruộng đồng trở thành mùi đặc trưng ở làng quê thôn dã - mùi rơm mới.

* Mùi rơm mới

Tại những vùng chuyên trồng lúa ở các xã: Phú Đông, Phú Hữu, Vĩnh Thanh, Phước Khánh (huyện Nhơn Trạch), Long An, Phước Thái (huyện Long Thành)… những ngày này, bà con nông dân đang hối hả bước vào mùa gặt. Sau mấy ngày làm việc cật lực, những cánh đồng lúa trải dài chỉ còn trơ lại những gốc rạ khô, trở thành sân phơi rơm tự nhiên.

Những ruộng rơm vàng óng, nằm trải dài như những tấm thảm tuyệt đẹp...
Những ruộng rơm vàng óng, nằm trải dài như những tấm thảm tuyệt đẹp...

Bước xuống cánh đồng lúa rộng đến vài trăm mẫu ở xã Phú Đông (huyện Nhơn Trạch), chúng tôi như những bóng người nhỏ bé nhanh chóng biến mất, lẫn vào đoàn người đang tất bật với công việc ngày mùa. Bên cạnh những sào lúa đang còn xanh, tại những ruộng lúa vàng đã được thu hoạch, rơm được rải đều, rộng mênh mông. Tại thửa ruộng của gia đình ông Huỳnh Văn Sơn (54 tuổi), rơm đã chuyển sang màu vàng đặc trưng, khô giòn và được buộc lại thành từng bó nhỏ, dựng đứng giữa cánh đồng như những mái nhà.

“Cái đặc biệt của rơm miền Nam là nhờ thời tiết mùa khô, không mưa như ở nơi khác, nên để phơi ngay trên nền đất ruộng. Người nông dân tranh thủ gặt đến đâu phơi đến đó, tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Mất khoảng 2 ngày là rơm khô giòn. Tuy nhiên, khó nhất vẫn là công đoạn đập lúa lấy rạ. Vì rơm ở đây được cắt sát gốc, mà như thế thì không thể tuốt bằng máy, buộc phải dùng sức người để rũ lúa” - ông Sơn nói.

Để có được những bó rơm vàng óng, nông dân khá vất vả trong công đoạn thu hoạch lúa. Tất cả chỉ được cắt bằng tay với những chiếc liềm sắc bén, sau đó dùng cộ để đập lúa. Cộ đập lúa giống như một cái thang, nhưng chiều dài khoảng chừng 1m. Xung quanh cộ được trải một tấm bạt rộng lớn, hai bên cũng được phủ kín bạt cao đến 4-5m. Người đập chỉ việc cầm những nắm lúa, dùng lực mạnh để rũ lúa rơi từ trên cộ đập rơi xuống dưới.

Anh Trần Văn Út (37 tuổi, quê ở tỉnh Tiền Giang), người chuyên đi gặt lúa thuê cho biết: “Thông thường, với sức lực đàn ông, chỉ cần 3 lần đập, lúa sẽ rụng sạch. Để được một công rơm khô, phải rất vất vả, mệt nhọc. Vì chúng chỉ được làm thủ công và bằng sức người là chính”.

Theo lời anh Út, một công rơm bằng 2,7 sào lúa và phải cần 3-5 người gặt, đập liên tục trong ngày mới có thể được một công rơm. Vậy nên, bây giờ rơm đắt tựa như vàng. Thời buổi công nghiệp, cái gì cũng cần đến máy móc, riêng thu hoạch rơm chỉ có sức người hạn hẹp. “Kiếm được người gặt đã khó, tìm người đập lúa còn khó gấp vạn lần. Vì thế mà tiền công chúng tôi kiếm được rất cao, khoảng 300 ngàn đồng/ngày với đàn ông và 200 ngàn đồng/ngày với phụ nữ” - anh Út cho biết.

* Sống nhờ rơm

Mùa gặt, rơm vừa ngốn xong đã được bó thành nắm rộng bằng nắm tay, hay trải dài như những tấm thảm vàng ở giữa đồng. Sau 1-2 ngày, rơm nhanh chóng khô giòn và được nhiều người đến hỏi mua. “Bây giờ, có trăm thứ cần đến rơm. Cứ thử tưởng tượng mà xem, bỗng dưng cuộc sống của người nông dân thiếu vắng những sợi rơm vàng yếu ớt và mỏng manh tưởng như vô giá trị ấy thì công việc nhà nông có thuận lợi được không?” - lời ông Nguyễn Văn Mộc (47 tuổi, ngụ ở xã Vĩnh Thanh) cất lên khiến chúng tôi chợt giật mình. Bởi lâu nay, thứ được xem là “bỏ đi” của ruộng đồng lại có giá trị đến như vậy.

Những năm gần đây, rơm không còn bị rẻ rúng như trước, bởi nhu cầu dùng rơm của người dân tăng cao. Rơm phục vụ việc trồng trọt, chăn nuôi…, thậm chí còn dùng làm vật trang trí, khiến chúng trở thành thứ đắt đỏ, nhưng mua lại không dễ. Nhiều người chuẩn bị tiền từ đầu vụ, nhưng đến cuối vụ vẫn chưa tìm được nguồn rơm để mua. Khom người buộc chặt những bó rơm, ông Mộc nói vui: “Với 5 mẫu ruộng, mỗi vụ tôi có thể thu trên dưới chục triệu đồng từ việc bán rơm. Rơm có giá như vậy không đắt như vàng nữa là gì?”.

Sau khi thu hoạch lúa, rơm được tận dụng để phục vụ cho việc trồng trọt, chăn nuôi…
Sau khi thu hoạch lúa, rơm được tận dụng để phục vụ cho việc trồng trọt, chăn nuôi…

Tuy nhiên, theo những người bán rơm vào dịp cuối năm, những cơn mưa phùn trở thành nỗi lo của họ. Mưa gặp ngay đợt thu hoạch lúa nên rơm thu vụ này luôn bấp bênh; người nông dân không thể chủ động vì việc phơi rơm phụ thuộc vào thiên nhiên. Rơm gặp mưa thường bị đen và nhanh mục nên nhiều vụ, người phơi rơm buộc phải bán giá thấp. Tuy vậy, họ vẫn có thể kiếm lời, bởi nhu cầu rơm rất lớn của người mua.

Cánh đồng lúa mùa này không chỉ nhộn nhịp bởi người gặt, kẻ phơi, mà có phần đông vui hơn khi thương lái gần xa tìm đến hỏi mua rơm. Chị Nguyễn Thị Hạnh (ngụ ở xã Long Đức, huyện Long Thành), người chuyên thu mua rơm ở các ruộng lúa, sau đó đem về bán lại cho những người nuôi bò xung quanh xóm cho biết: “Trời khô hạn nên cây cỏ cháy hết. Hơn nữa, đất bây giờ đều được trồng màu để chuẩn bị phục vụ tết, nên con bò không biết cho ăn ở đâu. Người chăn nuôi phải mua rơm về cho ăn đến tận đầu mùa mưa”.

Với anh Dân (ngụ ở xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom), gia đình có truyền thống trồng nấm nên rơm trở thành thứ “vật liệu” không thể thiếu. Trước mỗi vụ mùa, anh phải lặn lội khắp nơi để hỏi mua rơm. Quá trình vận chuyển tuy xa, nhưng anh vẫn đến tận cánh đồng để tận mắt kiểm chứng chất lượng rơm. “Gia đình tôi trồng nấm thuộc diện tương đối lớn nên cần rất nhiều rơm. Phải đi hỏi khắp nơi, đặt hàng từ trước mới có. Nếu mình đến muộn, chủ ruộng sẽ bán rơm cho những người nuôi trâu, bò. Vì ở đó, họ thu mua với số lượng lớn. Như đợt trước, gặp trời mưa, rơm rất xấu nhưng tôi vẫn phải mua, vì không mua thì họ bán cho người khác” - anh Dân tâm sự.

Với nhiều người làm nông, dự trữ được một lượng rơm lớn sau mùa gặt là niềm vui, vì như thế sẽ không lo thiếu rơm phục vụ cho trồng trọt, chăn nuôi và công việc sẽ may mắn, thuận lợi suốt năm.

Thanh Hải

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều