Báo Đồng Nai điện tử
En

Đòn đánh bất ngờ (Bài 2)

10:02, 04/02/2013

Theo các sử gia và các nhà phân tích chiến lược, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân ta vào các đô thị trên toàn miền Nam đã làm đảo lộn hoàn toàn thế chiến lược của Mỹ, đẩy địch vào thế bị động, bế tắc trên chiến trường, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, tìm một giải pháp thương lượng hòa bình tại bàn đàm phán.

Theo các sử gia và các nhà phân tích chiến lược, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân ta vào các đô thị trên toàn miền Nam đã làm đảo lộn hoàn toàn thế chiến lược của Mỹ, đẩy địch vào thế bị động, bế tắc trên chiến trường, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, tìm một giải pháp thương lượng hòa bình tại bàn đàm phán.

* Khẩn trương vào trận

Cuối năm 1967, trên chiến trường Biên Hòa - Long Khánh, quân địch còn mạnh và được bố trí dày đặc tại các vị trí xung yếu. Trong đó, phía Mỹ và quân chư hầu có: Lữ đoàn dù số 173, Lữ đoàn bộ binh số 199, 314 và Trung đoàn thiết giáp số 11 đóng tại Suối Râm (Long Khánh); Bộ Tư lệnh dã chiến 2 Mỹ đóng tại Long Bình; các trận địa pháo đặt tại Gia Ray, Sông Thao, Trảng Bom, Suối Đĩa; Trung đoàn quân chư hầu Thái Lan đóng tại Long Thành, Nhơn Trạch. Phía quân ngụy có 5 tiểu đoàn bộ binh thuộc Sư đoàn 18; 46 đại đội bảo an; 5 tiểu đoàn lính dù và thủy quân lục chiến; 2 trung đoàn pháo; 1 trung đoàn thiết giáp; 1 sư đoàn không quân; 7 đại đội trợ chiến; 2 tiểu đoàn biệt động quân và hàng ngàn dân vệ, cảnh sát.

Sân bay Biên Hòa bị tiến công bốc cháy năm 1968. Ảnh: T.L
Sân bay Biên Hòa bị tiến công bốc cháy năm 1968. Ảnh: T.L

Xét về tương quan lực lượng, quân địch trên địa bàn đông gấp nhiều lần so với lực lượng của ta, lại được trang bị các loại vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại, nên nhiệm vụ tiến công của bộ đội trong chiến dịch hết sức khó khăn. Để đảm bảo cho chiến dịch giành thắng lợi quyết định, các đơn vị hậu cần trên chiến trường Biên Hòa, gồm: Hậu cần Tỉnh ủy, Tỉnh đội U1và Hậu cần 814 miền đã bí mật vượt qua hàng rào kiểm soát gắt gao của địch, khẩn trương vận chuyển vũ khí, đạn dược từ Chiến khu Đ về cất giấu tại các kho vừa mới thiết lập quanh TX. Biên Hòa; đồng thời tiến hành thu mua dự trữ 500 tấn lương thực, 100 tấn thực phẩm để phục vụ bộ đội ăn no chiến đấu dài ngày.

Riêng các cánh CZ1, CZ2 đặc công cùng với lực lượng biệt động TX. Biên Hòa thường xuyên đột nhập vào nội ô thị xã nắm tình hình, vẽ sơ đồ và hướng dẫn các trinh sát Sư đoàn 5 điều nghiên các mục tiêu đóng quân của địch. Cùng thời điểm này, Thị ủy Biên Hòa khẩn trương chỉ đạo các cơ sở mật bí mật vận chuyển vũ khí từ căn cứ Bàu Hàm, Hưng Lộc về cất giấu ở Gò Me, Hiệp Hòa, Bình Đa, chuẩn bị hỗ trợ cho quần chúng nhân dân nổi dậy và xây hầm bí mật để lực lượng biệt động thị xã bám trụ chiến đấu.

Ở mặt trận Bà Rịa - Long Khánh, Bộ Chỉ huy miền tăng cường cho tỉnh Tiểu đoàn 440 phối hợp với đội biệt động thị xã, đội trinh sát vũ trang và bộ đội địa phương cùng du kích các xã vùng ven tiến công địch ở Long Khánh, Định Quán, Bà Rịa.

Riêng ở Phân khu 4 và Đặc khu rừng Sác, Trung ương Cục đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị ở đây cắt đứt tuyến giao thông thủy trên sông Lòng Tàu; đánh quân cảng Nhà Bè, Cát Lái, Sài Gòn, Dinh Độc Lập, Tòa đại sứ Mỹ, Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy, cầu Rạch Chiếc, Chi khu Thủ Đức, quận 9, các đồn bót, trụ sở tề ngụy...

* Trận đánh lúc giao thừa

Ông Phan Văn Trang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa, nguyên Phó chính ủy Mặt trận Biên Hòa lúc ấy nhớ lại, chiều 30 Tết Mậu Thân 1968, tại bìa rừng Sông Mây (Trảng Bom), sau khi quán triệt lần cuối mục đích, ý nghĩa của trận đánh, các lực lượng tham gia chiến dịch nhận lệnh hành quân tiến về các mục tiêu đã được vạch trước.

Đúng giờ giao thừa (nhằm ngày 31-1-1968), pháo tên lửa ĐKB của Trung đoàn 724, pháo binh miền bắt đầu nổ súng, bắn liên tục 110 quả đạn vào sân bay Biên Hòa, gây thiệt hại nặng cho sân bay, khiến máy bay địch không thể cất cánh được. Sau khi tiếng pháo dứt, Đại đội 1, Tiểu đoàn 1 đặc công Biên Hòa và Trung đoàn 4 chủ lực miền đồng loạt nổ súng, đánh chiếm một góc sân bay Biên Hòa. Địch phản kích ác liệt và cho máy bay từ Tân Sơn Nhất đến ứng cứu, ném bom dữ dội vào đội hình tiến công của quân ta. Xe tăng Mỹ từ căn cứ Hóc Bà Thức vào chi viện, bắn vào sườn Trung đoàn 4 để bịt lối ra. Lúc này, cuộc chiến đấu trong sân bay Biên Hòa diễn ra rất ác liệt. Đại đội 1 phát triển đánh vào khu cư xá của bọn giặc lái và chuyên viên kỹ thuật Mỹ, diệt và làm bị thương hàng trăm tên.

Ở hướng Quân đoàn 3 ngụy, lực lượng biệt động thị xã và một đại đội đặc công của Sư đoàn 5 tiến công chiếm được một góc căn cứ ở phía Tây, nhưng không phát triển được vì sức kháng cự khá mạnh của quân địch.

Ở khu vực Long Bình, sáng mùng 1 tết (1-2-1968), Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 5 và đặc công Sư đoàn 5 đã tấn công vào bãi đậu trực thăng của sở chỉ huy Bộ Tư lệnh dã chiến 2 Mỹ, phá hủy nhiều máy bay trực thăng. Quân Mỹ cho xe tăng bao vây tiểu đoàn, dùng máy bay bắn rốc-két vào đội hình tiến công, gây cho đơn vị nhiều tổn thất.

Từ hướng Bắc tổng kho Long Bình, một đại đội của Tiểu đoàn 2 đặc công U1 do đồng chí Trần Văn Thái chỉ huy đã đột nhập vào kho Long Bình ở cao điểm 53, dùng thuốc nổ đánh phá hủy 127 dãy nhà kho chứa bom, đạn của Mỹ. Tiếng nổ và đám cháy trong trận đánh kéo dài nhiều ngày liền làm chấn động TX. Biên Hòa và các vùng lân cận.

Sau một ngày đêm tiến công quyết liệt ở mặt trận Biên Hòa, các lực lượng vũ trang giải phóng đã loại khỏi vòng chiến đấu trên 5 ngàn quân Mỹ, ngụy; phá hủy và làm hư hỏng 120 máy bay, 127 kho bom, đạn và nhiều phương tiện chiến tranh của địch.

Tại Trảng Bom, bộ đội huyện tấn công vào yếu khu Trảng Bom, diệt một số sinh lực địch. Tại Hưng Lộc và ngã ba Dầu Giây, một bộ phận bộ đội huyện và Đại đội 25 công binh tỉnh nổ súng đánh các đồn bót, làm chủ ngã ba Dầu Giây và các ấp dọc theo quốc lộ 1 và quốc lộ 20 trong nhiều ngày.

Tại huyện Vĩnh Cửu, bộ đội huyện tấn công vào Chi khu Công Thanh và đánh địch phản kích, bắn cháy 14 xe tăng, diệt 80 tên Mỹ - ngụy, trong đó có tên quận trưởng. Du kích các xã: Thạnh Phú, Thiện Tân, Tân Định, Lợi Hòa, Bình Hòa hỗ trợ nhân dân nổi dậy truy lùng bọn ác ôn, phá rã bộ máy kềm kẹp của địch, làm chủ thị trấn 3 ngày.

Tại hai huyện Long Thành và Nhơn Trạch, bộ đội và du kích địa phương đã đánh vào các chi khu, phá sập Cầu Đúc, cầu Phước Tân trên lộ 15. Chi bộ xã Phước An lãnh đạo du kích và nhân dân bao vây bức rút bót Vũng Gấm, làm chủ ấp 10 ngày.

Trên mặt trận Bà Rịa - Long Khánh, rạng sáng 1-2-1968, Tiểu đoàn 440 và Đội biệt động thị xã đồng loạt tiến công 3 mục tiêu: Khu 33 chiến thuật, Trụ sở CIA Mỹ và Tòa hành chính Long Khánh và đánh sập 10 lô cốt, phá hủy 1 xe quân sự. Đại đội 3, Tiểu đoàn 440 và Đại đội cối của tỉnh đánh vào căn cứ Hoàng Diệu, phá hủy 6 khẩu pháo, diệt 1 đại đội ngụy. Chi bộ mật xã Bảo Vinh đã chỉ đạo nội tuyến trong trung đội dân vệ xã làm binh biến đưa trung đội này trở về với cách mạng.

Kết thúc đợt 1 Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, quân dân miền Nam nói chung, quân dân Biên Hòa - Long Khánh nói riêng đã gây cho địch tổn thất nặng nề, trận đánh đã trở thành sự kiện vang dội trong và ngoài nước. Đây là đòn báo hiệu sự thất bại thảm hại không gì cứu vãn nổi của quân xâm lược Mỹ trên chiến trường Việt Nam.

Đức Việt

Tin xem nhiều