Báo Đồng Nai điện tử
En

Lòng dân trong chiến dịch (Bài cuối)

11:02, 06/02/2013

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 ở mặt trận Biên Hòa, Bà Rịa - Long Khánh đã giành được nhiều thắng lợi quyết định, tiêu diệt được nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh; đẩy địch vào thế lúng túng, bị động. Góp phần vào chiến thắng chung đó, phải kể đến sự đóng góp công sức to lớn của nhân dân và các cơ sở cách mạng trong việc chuẩn bị mọi yêu cầu cần thiết của chiến trường.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 ở mặt trận Biên Hòa, Bà Rịa - Long Khánh đã giành được nhiều thắng lợi quyết định, tiêu diệt được nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh; đẩy địch vào thế lúng túng, bị động. Góp phần vào chiến thắng chung đó, phải kể đến sự đóng góp công sức to lớn của nhân dân và các cơ sở cách mạng trong việc chuẩn bị mọi yêu cầu cần thiết của chiến trường.

* Tiền tuyến cần, hậu phương có

Nhắc lại câu chuyện lịch sử cách đây 45 năm, đồng chí Phan Văn Trang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Phó chính ủy Mặt trận Biên Hòa thời ấy cho biết, công sức đóng góp của người dân trong chiến dịch rất lớn. Sự hỗ trợ kịp thời của nhân dân, của các cơ sở cách mạng đã giúp các mũi tiến công của quân chủ lực và các lực lượng vũ trang địa phương có thêm sức mạnh để giành chiến thắng quyết định.

Theo lời đồng chí Phan Văn Trang, sau khi nhận mệnh lệnh của Khu ủy và Bộ Tư lệnh miền, các đồng chí trong cấp ủy TX.Biên Hòa cùng nhiều cán bộ đã bí mật vào nội ô để củng cố các cơ sở, truyền đạt nhiệm vụ chuẩn bị cho đợt tổng công kích và chỉ đạo Đội biệt động thị xã, các đoàn viên xung kích làm nhiệm vụ dẫn đường trinh sát cho bộ đội chủ lực.

Nhân dân Bà Rịa - Long Khánh vận chuyển vũ khí, lương thực phục vụ bộ đội tiến công địch trong chiến dịch xuân Mậu Thân 1968.
Nhân dân Bà Rịa - Long Khánh vận chuyển vũ khí, lương thực phục vụ bộ đội tiến công địch trong chiến dịch xuân Mậu Thân 1968.

Càng gần đến ngày tết, không khí chuẩn bị đón tết của nhân dân càng thêm nhộn nhịp. Tranh thủ thời cơ này, các tổ chức Đảng và quần chúng cách mạng càng khẩn trương chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ chiến dịch. Cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, truyền đơn, khẩu hiệu kêu gọi nhân dân nổi dậy đã được may và in xong, theo đường dây giao liên công khai chuyển vào thị xã. Má Bảy Vết, má Hai Thay cùng bà con xóm Gò Me lo nấu bánh tét ăn tết nhiều hơn so với mọi năm, sẵn sàng cung cấp cho bộ đội vào đợt tiến công. Lúc này, hàng ngàn mét dây điện, hàng trăm lố pin được các cơ sở thu mua để chuyển ra các vị trí bàn đạp. Đội biệt động thị xã phân công nhau hướng dẫn các trinh sát của Sư đoàn 5 làm nhiệm vụ điều nghiên mục tiêu.

Trước tết vài ngày, Thị ủy Biên Hòa đã bố trí 1 chuyến xe lam chở vũ khí (được ngụy trang thành xe chở trái cây) vào thị xã. Số vũ khí này được chuyển đến giấu tại nhà má Bảy Vết và các cơ sở mật khác ở Gò Me.[links(right)]

Trưa 29-1-1968, hàng chục chiến sĩ biệt động và Đội vũ trang tuyên truyền TX.Biên Hòa theo đường dây công khai vào thị xã và được bố trí ở tại nhà các cơ sở mật, như: má Bảy Vết, má Hai Thay, ông Hai Tiến... Riêng nhà má Hai Thay cùng lúc che giấu hàng chục chiến sĩ.

Khi tiếng súng tiến công của bộ đội hướng vào các mục tiêu Mỹ - ngụy trong nội ô Biên Hòa bắt đầu, thì tại gia đình các cơ sở mật, vũ khí được giấu dưới các hầm bí mật đã được lấy lên cấp cho các chiến sĩ biệt động đánh địch. Trong 2 ngày đêm chiến đấu ròng rã, địch phản kích quyết liệt, các mũi tiến công của ta chịu nhiều thiệt hại, hy sinh, bộ đội ta được lệnh rút ra ngoài để củng cố lại lực lượng.

Lúc này, tại Trường Mỹ nghệ, hơn 20 chiến sĩ biệt động thị xã không rút ra được. Trong tình thế hiểm nguy, Lê Minh Tâm (15 tuổi, con má Bảy Vết) được giao nhiệm vụ tìm quần áo rằn ri của lính ngụy hóa trang cho các chiến sĩ biệt động và dẫn đường cho đơn vị này rút ra ngoài.

Để vượt qua được Ty Cảnh sát ngụy tại Biên Hùng, các chiến sĩ bộ đội trong sắc phục lính ngụy vừa chạy, vừa la “Việt Cộng tới… Việt Cộng tới…”. Bọn cảnh sát nghe tiếng la vội bỏ trạm gác rút chạy vào trong. Lợi dụng tình huống này, các chiến sĩ biệt động khẩn trương chạy về hướng Cây Chàm, sau đó vượt sông Đồng Nai về căn cứ Thị ủy ở Hóa An an toàn.

*“Chú dám chết, tui cũng dám hy sinh”

Ở mặt trận TX.Long Khánh, trước áp lực của địch, các lực lượng chiến đấu của ta được lệnh tạm thời rút ra ngoài. Riêng tại xã Bảo Vinh, du kích vẫn được lệnh tiếp tục bám trụ ở lại chiến đấu.

Đêm mùng 6 Tết, du kích Bảo Vinh B, sau khi điều nghiên tình hình địch đã quyết định đánh một trận bất ngờ, tiêu diệt bọn lính bảo an ở đồn B. Kế hoạch trận đánh được phân công cho tổ du kích đặt mìn ở một ngã ba gần đồn, đợi sáng ra, chặn đánh địch khi chúng từ trên đồn đi xuống. Tuy nhiên, tổ đánh mìn không hoàn thành nhiệm vụ, trận đánh bị vỡ, đồng chí Võ Văn Trụ, người chịu trách nhiệm lãnh đạo, không kịp rời vị trí nên phải ẩn nấp ở hầm nhà má Nguyễn Thị Duyên, cách đồn B không xa.

Ngay sau đó, hàng chục tên lính bảo an kéo đến nhà má Duyên lục soát. Tên ác ôn Năm nghi ngờ nhà má chứa “Việt Cộng” nên đòi xét hầm. Trước tình hình này, má Duyên hết sức bối rối, vì má thừa biết đây là căn hầm đồng chí Tư Trụ từng trú để hoạt động. Phía cuối căn hầm còn có một lỗ thoát hiểm khi cần thiết.

Trong lúc má Duyên chưa biết phải làm thế nào để cứu đồng chí Tư Trụ khỏi sa vào tay giặc thì bên trong hầm, đồng chí Tư Trụ cũng hết sức bối rối. Làm sao giết được tên Năm mà không ảnh hưởng đến mẹ con má Duyên, nếu cùng lúc mẹ con má cùng tên ác ôn xuống hầm. Cầm súng trong tay, đồng chí Tư Trụ nhớ lại câu nói của má Duyên, khi đồng chí vừa về hoạt động ở vùng này: “Chú dám chết, tui cũng dám hy sinh”.

Tên Năm ác ôn vẫn tiếp tục giục má Duyên xuống hầm. Dù trong lòng hết sức lo lắng, nhưng má Duyên vẫn giữ vẻ bình tĩnh để đánh lạc hướng bọn giặc, đồng thời má gọi chị Vui, con gái của má, dùng chiếc đèn dầu thắp sáng để cùng với tên Năm chui xuống hầm.

Do căn hầm được thiết kế để chứa đồng chí Tư Trụ, nên má Duyên thừa hiểu, lúc này đồng chí đang ẩn nấp ở khoang bí mật bên trong hầm, gần cửa thoát hiểm. Vừa soi đèn chui xuống hầm, má Duyên lấy chiếc chiếu ở dưới hầm vờ giũ cho sạch, khiến ngọn gió làm cho ngọn lửa của cây đèn chị Vui đang cầm trên tay chao đảo, chiếc chiếu sẽ che khuất tầm nhìn của tên Năm để tạo cơ hội cho đồng chí Tư Trụ thoát hiểm. Động tác được thực hiện đúng lúc tên Năm vừa chui vào bên trong hầm, khiến ngọn đèn trên tay chị Vui bị ngọn gió phụt tắt.

Nhưng tên Năm vẫn chưa chịu thua cuộc. Khi 2 mẹ con má Duyên bước ra khỏi hầm, hắn lại bảo thắp đèn và đòi xét hầm một lần nữa. Lần này, hắn xuống trước. Trong lúc chị Vui đang chần chừ với cây đèn trong tay, tên Năm đã đến gần chỗ đồng chí Tư Trụ ẩn nấp. Nhanh như cắt, đồng chí Tư Trụ bóp cò súng. Một tiếng nổ đanh gọn vang lên trong hầm, tên Năm chưa kịp la lên tiếng nào đã chết. Tranh thủ thời cơ này, đồng chí Tư Trụ tung nắp hầm ở phía cửa thoát hiểm nhảy lên và chạy thoát ra phía sau. Bọn địch bên ngoài nhanh chóng kéo vào, nhưng chỉ kịp thấy bóng “Việt Cộng” khuất ở phía sau hàng rào và bắn theo một loạt đạn làm đồng chí Tư Trụ bị thương nhẹ, nhưng vẫn thoát.

Sau sự kiện này, cả nhà má Duyên bị địch bắt để tra tấn. Riêng má Duyên, bọn chúng đánh đập hết sức dã man, nhưng má vẫn không khai nhà chứa “Việt Cộng”, mà chỉ nhận người trong hầm là một thanh niên trốn lính.

Đức Việt

 

 

Tin xem nhiều