Báo Đồng Nai điện tử
En

“Con cọp” núi Gia Lào (Bài 1)

08:02, 21/02/2013

Chỉ cần ý tưởng lóe sáng, cộng với nghị lực và ý chí muốn thay đổi bản thân, họ táo bạo gạt bỏ những chướng ngại, dấn thân để thực hiện khát vọng…

Chỉ cần ý tưởng lóe sáng, cộng với nghị lực và ý chí muốn thay đổi bản thân, họ táo bạo gạt bỏ những chướng ngại, dấn thân để thực hiện khát vọng…

Sau khi thôi làm cán bộ Đoàn, chàng trai tuổi con cọp Ngô Xuân Dần (ngụ ấp Trung Hưng, xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc) khăn gói ra vùng miền Trung nắng gió học bí quyết tạo trầm từ cây dó bầu.

* Quyết định táo bạo

Sau những năm tháng lăn lộn cùng phong trào Đoàn ở ấp Trung Hưng (từ khi học THPT đến lúc lấy bằng trung cấp tài chính kế toán), thủ lĩnh Dần đã làm cho tổ chức Đoàn ở ấp trở nên sôi nổi qua các chương trình: văn hóa - văn nghệ, vần đổi công, lập thân - lập nghiệp… Chính vì vậy, năm 2003, anh được bầu làm Bí thư Đoàn xã Xuân Trường nhiệm kỳ 2003-2006. Trên cương vị mới, Dần đã mở lối cho thanh niên địa phương bằng phong trào bảo lãnh vay vốn ngân hàng, cải tạo vườn tạp nổi đình, nổi đám.

Anh Ngô Xuân Dần giới thiệu vườn ươm cây dó bầu.
Anh Ngô Xuân Dần giới thiệu vườn ươm cây dó bầu.

Để dự án cải tạo vườn tạp được cấp trên phê duyệt (với 30 đoàn viên, mỗi đoàn viên được vay 10 triệu đồng), anh Dần ngoài việc cất công tìm hiểu cách thức lập dự án, còn mạnh dạn “đứng mũi chịu sào”, nhận trách nhiệm về mình nếu dự án phá sản. Anh Dần bật mí, gia tài của anh lúc ấy chỉ có 1 hécta rẫy trồng điều (được cha mẹ cho khi cưới vợ, giá trị hơn 100 triệu đồng). Tuy vậy, anh vẫn “liều lĩnh” đứng ra lập dự án vay 300 triệu đồng từ ngân hàng, khi mà 30 đoàn viên thanh niên của dự án cải tạo vườn tạp đều độc thân, sống phụ thuộc gia đình. “Lý do để mình liều như thế là vì đoàn viên mình ai cũng muốn được vay vốn làm ăn và họ trả nợ nếu dự án không hiệu quả” - anh Dần khẳng định.[links(right)]

Sau khi vay vốn, các đoàn viên thanh niên xã Xuân Trường nhanh chóng bắt tay vào việc cải tạo được hàng chục hécta điều kém năng suất sang điều cao sản. Họ mua phân bón, thuốc và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào chăm sóc cây điều già trên vùng đất cằn cỗi để cho sản lượng tăng gấp đôi, gấp ba lần; đồng thời mạnh dạn sử dụng nguồn vốn vay chuyển đổi sang trồng tiêu, cây ăn trái, trồng hoa màu, nấm rơm và chăn nuôi. Thủ lĩnh Dần còn hướng dẫn cho họ cách “lấy ngắn nuôi dài”, lấy nguồn phụ phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi để cải tạo đất.

“Nhờ sự táo bạo của anh Dần mà thanh niên tụi tôi sớm lập thân, lập nghiệp; khi tách khỏi gia đình nhanh chóng tạo dựng được cuộc sống, làm giàu ngay tại nơi mình sinh ra, chứ không phải rời quê đi nơi khác tìm cơ hội” - anh Ngọc Tuấn, cựu đoàn viên thanh niên ấp Trung Hưng, nay là nông dân làm ăn giỏi của xã Xuân Trường, chỉ tay vào 2 hécta tiêu, sầu riêng và hệ thống ao - chuồng đang cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm của mình nói.

* Nuôi giấc mộng trầm

Đang thời kỳ phong độ công tác Đoàn, bỗng dưng “con cọp núi Gia Lào” Ngô Xuân Dần làm đơn xin từ nhiệm để tập trung chăm lo kinh tế gia đình. Anh Dần kể lại, khi “về vườn”, anh tiến hành xây trang trại chăn nuôi heo với quy mô 100 con heo thịt, 7 con heo nái. Để có vốn đầu tư chuồng trại và con giống, anh táo bạo đi vay nóng bên ngoài. Sau 2 năm chăn nuôi, anh đã phải đứt ruột cầm búa đập phá chuồng vì thua lỗ. Đang lúc quẫn trí, anh chợt nhớ đến 120 cây dó bầu do cha anh trồng trong vườn đang trong giai đoạn cấy trầm. “Nhìn thợ cấy trầm, tôi nảy ý định phải tầm sư học cho được cái nghề này mới thỏa chí” - anh Dần nói.

Để có tiền về vùng Trà My (tỉnh Quảng Nam) học nghề cấy trầm, Ngô Xuân Dần bán lô đất gần nhà lấy 140 triệu đồng. Bán được đất, anh tạm biệt vợ con, rồi ôm hết số tiền đón xe về vùng Trà My. Vốn bản tính thật thà, ham học hỏi, khéo bắt chuyện, sau một tháng lang thang khắp vùng đất trầm Trà My, anh được các bậc tiền bối về trầm chia sẻ bí quyết.

Anh Dần cho hay, anh được các bậc tiền bối chia sẻ kinh nghiệm nghề có hôm tại bàn nhậu, hoặc khi nhẩn nha trong vườn dó bầu, hay sau lễ kết nghĩa anh em… Khi tiền đã cạn túi, anh vội về nhà và nhìn vợ con nheo nhóc vì chuyến đi mạo hiểm của mình mà lòng áy náy. Đã “phóng lao thì phải theo lao”, Ngô Xuân Dần tiếp tục tìm nơi vay mượn tiền để tiến hành ươm giống, sắm đồ nghề đi cấy trầm thuê cho nông dân khắp các tỉnh: Đồng Nai, Bình Phước, Bình Thuận…

Năm 2010, phong trào trồng dó bầu trên địa bàn Đồng Nai và các tỉnh lân cận được nông dân hồ hởi đón nhận. Sẵn tâm lý đó, Ngô Xuân Dần nhanh chóng mở rộng vườn ươm, đào tạo nhóm thợ chuyên đi cấy trầm và mở đại lý thu mua trầm. Từ một nông dân trắng tay, nợ nần như chúa chổm, Ngô Xuân Dần nhanh chóng gầy dựng lại cơ nghiệp, thu hút các thành viên trong gia đình theo nghề trầm. “Trong lúc nông dân đang hoài nghi về giá trị thực của cây trầm và những mánh khóe, kiểu làm ăn gian dối của cánh thợ cấy trầm trôi nổi, thì cách làm của tôi được mọi người ủng hộ. Dù tiền công cấy trầm chỉ 100 ngàn đồng/cây, nhưng tôi vẫn tự tin ký hợp đồng bảo đảm với nông dân sẽ bồi thường bằng giá trị cây dó bầu nếu sau khi cấy xong cây bị chết, hoặc không tạo được trầm” - anh Dần kể lại.

Bí thư Đoàn xã Xuân Trường Lương Minh Tân cho hay, dự án cải tạo vườn tạp mà cựu Bí thư Đoàn xã Ngô Xuân Dần mở lối cho đoàn viên thanh niên đã chứng tỏ được tấm lòng của anh với phong trào. Riêng với cây dó bầu, hiện anh Dần đang lôi kéo, giúp đỡ thanh niên trong xã cùng anh thực hiện ước mơ làm giàu ngay chính quê hương của mình.

Chỉ hơn 2 năm theo đuổi giấc mộng làm giàu từ cây dó bầu, Ngô Xuân Dần nhanh chóng trở thành “ông chủ nhỏ”, với thu nhập hai năm liên tục luôn đạt mức 400 triệu đồng/năm từ nghề bán cây giống, cấy trầm và thu mua trầm. Chính cái tính liều của Ngô Xuân Dần đã khiến các nông dân trong vùng ví anh như “con cọp” núi Gia Lào. “Con cọp” này mỗi khi xuất hiện là để giúp người, chứ không hại dân!

Ở tuổi 39, anh Dần bộc bạch, anh mơ ước làm giàu một cách chân chính bằng sức lực của bản thân, không ham làm giàu từ sự rủi may của nghề nông, hoặc gieo rắc họa cho họ từ cây dó bầu. Anh bộc trực chia sẻ: “Bây giờ tôi muốn đem những điều mình đã làm được về với nông dân Xuân Trường làm giàu, chứ không lấy tiền của họ để làm giàu cho riêng mình”.

Đoàn Phú

 

 

 

 

Tin xem nhiều