Báo Đồng Nai điện tử
En

Tết Mậu Thân diệt đồn Giồng Ông Đông

11:02, 06/02/2013

“Đặc khu rừng Sác”, cái tên đã đi vào lịch sử dân tộc với những chiến công oanh liệt của Đoàn 10 đặc công trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Người được mệnh danh là “pho sử sống”, từng là “linh hồn” của đặc công rừng Sác chính là Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Bá Ước (Bảy Ước), nguyên Trung đoàn trưởng, kiêm Chính ủy Đoàn 10.

“Đặc khu rừng Sác”, cái tên đã đi vào lịch sử dân tộc với những chiến công oanh liệt của Đoàn 10 đặc công trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Người được mệnh danh là “pho sử sống”, từng là “linh hồn” của đặc công rừng Sác chính là Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Bá Ước (Bảy Ước), nguyên Trung đoàn trưởng, kiêm Chính ủy Đoàn 10.

Trong hàng ngàn trận đánh của đặc công rừng Sác, trận tiêu diệt đồn Giồng Ông Đông diễn ra đêm mùng 2 Tết Mậu Thân 1968 đã thể hiện rõ bản lĩnh, tài thao lược của vị chỉ huy huyền thoại này.

* Binh vận trước lúc công đồn

Đại tá Lê Bá Ước kể lại, trước Tết Mậu Thân mấy ngày, Trung đoàn được lệnh của Bộ Chỉ huy miền tổ chức đánh địch theo chỉ đạo tổng tiến công. Vốn là đơn vị đặc công, chuyên sử dụng thuốc nổ với kỹ thuật cá nhân là chính nên mọi người rất ít khi chạm tới súng hay cuốc, xẻng đào công sự. Nhưng với tinh thần tổng tiến công, đồng chí Bảy Ước và đồng chí Tám Sơn (Trung đoàn trưởng) đã bàn bạc, thống nhất tiêu diệt đồn Giồng Ông Đông, xã Phú Hữu (nay thuộc xã Phú Đông, huyện Nhơn Trạch), nơi có một đại đội bảo an địch đóng giữ, thường xuyên đàn áp nhân dân địa phương.

Đại tá Lê Bá Ước giới thiệu một kỷ vật là chiếc đế giày còn lại của phi công Mỹ.
Đại tá Lê Bá Ước giới thiệu một kỷ vật là chiếc đế giày còn lại của phi công Mỹ.

Sau khi triển khai kế hoạch, tinh thần bộ đội hừng hực khí thế quyết tâm. Các đơn vị từ Cần Giờ, Nhơn Trạch đến Cát Lái đều bám sát ấp chiến lược mà quên cả ngày tết, luôn trong tư thế sẵn sàng đợi lệnh. Dù thời gian gấp, chưa điều nghiên kỹ tình hình địch, nhưng với khí thế hừng hực, đơn vị vẫn sốc lại lực lượng, lựa chọn một bộ phận khẩn trương thực thi phương án.

Ngày mùng 1 Tết, đồng chí Bảy Ước bí mật vào dân tìm hiểu thêm tình hình. Bà con thông báo rõ quy luật hoạt động của đám bảo an và cho biết chỉ huy đồn Giồng Ông Đông là Chuẩn úy Sáu, quê ở Bến Tre. Nghe vậy, đột nhiên ông nảy ra sáng kiến…

Ngay đêm hôm đó, trong khi đơn vị triển khai đội hình, đồng chí Bảy Ước nhờ một cụ già địa phương dẫn đường tới gần đồn địch. Lựa chỗ có địa hình thuận lợi, ông bắc loa kêu gọi dõng dạc: “Chuẩn úy Sáu, tôi biết rõ anh quê ở Bến Tre và đang chỉ huy lực lượng bảo an ở đây. Ngày Tết cổ truyền, cha mẹ và vợ con anh đang mong đợi. Hiện nay, cách mạng đang tổng tiến công mãnh liệt ở mọi nơi, anh hãy buông súng và đưa lính ra đầu hàng ngay, chúng tôi không tiến công đồn. Bằng không, tất cả sẽ bị tiêu diệt”. Ông gọi loa mấy lần liên tiếp, trong đêm tối nghe vọng tận tâm can.

“Chúng có bắn ra không, thưa bác?”  - chúng tôi hỏi chen ngang.

“Lúc đầu tụi chúng im phăng phắc. Dường như lời kêu gọi đã làm nao núng tinh thần phần đông tụi lính nên chỉ ít phút sau, một số thằng bỏ chạy ra bờ ruộng, một số chạy thục mạng về sau, trong đó có cả tên Chuẩn úy Sáu” - Đại tá Lê Bá Ước cho biết.

* Dấu ấn của bộ đội đặc công

“Vậy là các bác chưa đánh mà địch đã tự rút khỏi đồn. Tên chỉ huy cũng trốn chạy thì tụi lính còn tâm trạng đâu mà chống đỡ!” - chúng tôi nói như để chia sẻ cùng ông.

Đại tá Lê Bá Ước lắc đầu bảo, trong đồn còn thằng chỉ huy phó và mấy đứa ác ôn hô hào chống trả. Chúng bắn xối xả về phía tiếng loa nên ông phải rút khỏi đó.

Lúc này, nhận lệnh tiến công của đồng chí Tám Sơn, DKZ 75 và súng máy 12,7 ly của đơn vị đồng loạt nổ giòn giã. Đặc công xé hàng rào áp sát đồn địch, tiêu diệt mấy lô cốt xung quanh và quá nửa số lính của đại đội bảo an địch. Nhưng do nắm địch không kỹ, đơn vị không phát hiện được khẩu đại liên của địch ở dưới hầm. Đến lúc này mới thấy hỏa lực của địch nguy hiểm. Khẩu DKZ duy nhất của đơn vị lại hết đạn, 12 ly 7 cũng bị trục trặc. Xung kích 1 đã phát triển vào bên trong, xung kích 2 gặp khó khăn bởi khẩu đại liên bắn quá dữ. Đồng chí Tám Sơn bò tới chỗ ông nói: “Anh Bảy, cho xung kích 3 lên thôi”.

Vừa lúc đó, ông Bảy Ước nhận được báo cáo, có 2 trường hợp hy sinh sau khi cắt hàng rào lô cốt, trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Nở, Chủ nhiệm trinh sát của Trung đoàn. Cái tin ấy làm ông Bảy Ước thêm dứt khoát, quyết đoán. Ông nói với đồng chí Tám Sơn: “Không nên đưa xung kích 3 vào nữa, mà tổ chức rút quân ngay, bởi bộ đội ta ít kinh nghiệm công đồn theo kiểu bộ binh. Nếu tiếp tục kéo dài sẽ bất lợi, nhất định bọn chúng sẽ gọi hỏa lực chi viện. Nhưng trước khi rút, phải cử người bí mật tiếp cận, dùng lựu đạn tiêu diệt cho được khẩu đại liên bên trong rồi rút về căn cứ”.

Đồng chí Tám Sơn nhất trí, hạ lệnh lui quân. Lúc đó là 4 giờ sáng ngày mùng 3 tết. Và đúng như linh tính của ông Bảy Ước, khoảng 30 phút sau, Mỹ cho pháo kích dữ dội khu vực xung quanh đồn rồi ồ ạt đổ quân xuống ứng cứu. Ngồi trên xuồng về căn cứ, đồng chí Tám Sơn gật gù: “Anh Bảy liệu việc hay dữ!”. “Còn khẩu đại liên, các bác có diệt được không?” - chúng tôi hỏi.

Ánh mắt vị thủ lĩnh đặc công rừng Sác vụt sáng lên và nói: “Diệt được chứ, đặc công mà! Tôi xuống xuồng ngồi đợi, chừng hơn chục phút sau thì nghe tiếng lựu đạn nổ. Ngay lập tức tiếng đại liên im bặt, thế là biết nó bị “hạ” rồi. Hầm nào thì hầm, giấu kín đến mấy, nhưng khi đã bắn sẽ lộ mục tiêu. Chỉ cần thế thôi, lính của tôi sẽ có cách bịt miệng nó ngay”.

Vậy là, trận tiến công đồn Giồng Ông Đông, mặc dù đánh không đúng sở trường, nhưng Đoàn 10 đặc công rừng Sác vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ, tiêu diệt và làm mất sức chiến đấu của gần 1 đại đội bảo an. Cũng trong thời điểm ấy, các đơn vị của Đoàn 10 đồng loạt triển khai tiến công ở nhiều nơi trên địa bàn giáp ranh Sài Gòn. Cả Đặc khu Rừng Sác hừng hực khí thế tổng tiến công vào những mục tiêu trọng yếu làm lung lay tinh thần quân địch, mở đường cho thắng lợi cuối cùng.

Trước khi chia tay, Đại tá Lê Bá Ước nói với chúng tôi: “Trận thắng đầu Xuân Mậu Thân 1968 đã tạo đà cho chúng tôi mở rộng địa bàn hoạt động, vận dụng nhiều cách đánh thích hợp để tiêu diệt quân thù. Đây là dấu ấn quan trọng trong nghệ thuật quân sự độc đáo của bộ đội đặc công”. Nói rồi, ông nở nụ cười mãn nguyện như lan tỏa hơi ấm mùa xuân...

Hoàng Thành

(Ghi theo lời kể của Đại tá Lê Bá Ước)

 

 

 

Tin xem nhiều