Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi người dân đồng lòng

09:07, 07/07/2013

Công tác đền bù giải phóng mặt bằng luôn là thách thức ở nhiều địa phương. Nhưng ở huyện Định Quán, nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến đất, hoặc thế chấp sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) vay tiền để đóng góp làm đường, xây dựng các công trình phúc lợi.

Công tác đền bù giải phóng mặt bằng luôn là thách thức ở nhiều địa phương. Nhưng ở huyện Định Quán, nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến đất, hoặc thế chấp sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) vay tiền để đóng góp làm đường, xây dựng các công trình phúc lợi.

Với nhiều người, khi những con đường bê tông hoàn thành, người dân trong ấp vận chuyển hàng hóa thuận lợi, học sinh yên tâm đến trường, thì niềm vui với họ như nhân lên gấp bội…

Thế chấp sổ đỏ làm đường

Không tiền, không ruộng vườn, nhưng ông Hoàng Văn Thú vẫn mang sổ đỏ thế chấp ngân hàng để đóng góp cho ấp làm đường. Bà Phạm Thị Thính bên con đường mới ở ấp 3, xã Gia Canh.
Không tiền, không ruộng vườn, nhưng ông Hoàng Văn Thú vẫn mang sổ đỏ thế chấp ngân hàng để đóng góp cho ấp làm đường.

65 tuổi, không còn khỏe mạnh, tiền kiếm được từ nghề chạy xe đạp thồ của ông Hoàng Văn Thú (ấp 3, xã Gia Canh, huyện Định Quán) không nhiều như trước. Thế nhưng, khi nghe ban ấp vận động thế chấp sổ đỏ để có tiền ứng cho người dân đóng góp làm đường, ông đã tích cực tham gia. Nhờ vậy, tuyến đường dài gần 250m, rộng 2,5m với tổng vốn đầu tư xây dựng 300 triệu đồng ở khu dân cư 3, ấp 3, xã Gia Canh đã được xây dựng tươm tất, góp phần đảm bảo an toàn trong việc đi lại cho người dân, nhất là trong mùa mưa lũ.

“Người dân ở đây ai cũng nghèo, lấy đâu ra một lúc số tiền cả trăm triệu đồng để đóng góp làm đường. Bao năm chứng kiến mọi người khổ sở với con đường đất lầy lội, bây giờ có điều kiện làm đường bê tông chẳng lẽ phải tạm dừng để chờ huy động vốn, nên tôi quyết định mang sổ đỏ thế chấp ngân hàng vay 40 triệu đồng đóng góp làm đường. Đây là tuyến đường giao thông nông thôn theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, Nhà nước chi 70%, người dân chỉ góp 30% thôi” - ông Thú cho biết.

Mảnh đất, căn nhà là tài sản quý của gia đình, nay đem đi “cầm cố”, ban đầu ông Thú cũng hơi “lăn tăn”. Bởi, cần thứ gì đó để gọi là tài sản, thì trong nhà ông Thú chỉ có duy nhất chiếc xe đạp thồ cũ kỹ làm kế mưu sinh. Cả gia đình không ruộng, không có nguồn thu nhập nào khác, tất cả chỉ trông chờ vào tiền chở hàng thuê của ông. Nhưng chuyện ấy cứ len lỏi vào bữa cơm, giấc ngủ, khiến ông Thú trăn trở ngày đêm: “Mình không tiền, bà con không tiền thì chẳng bao giờ có đường ngon lành để đi. Gần 40 năm nay, chọn chợ xã làm nơi mưu sinh, chiếc xe đạp thồ vừa là bạn, vừa là “cần câu cơm” của hai vợ chồng. Hàng ngày, cuộc sống cứ bình thản trôi qua, có lẽ đây là quyết định quan trọng chỉ sau quyết định lấy vợ mà thôi”.

Ở xã Gia Canh, từ năm 2012 đến nay, việc đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn trong xã đã thật sự làm thay đổi diện mạo địa phương. Giao thông nối liền thông suốt giữa các ấp với nhau, đảm bảo phát triển kinh tế, đời sống của người dân được tốt hơn. Thời buổi đất đai có giá, thế nhưng người dân hiến tặng đất mở rộng đường, thế chấp sổ đỏ để có kinh phí làm đường ngày càng xuất hiện nhiều ở đây. Ngoài hộ ông Thú, gia đình bà Phạm Thị Thính (60 tuổi, một cán bộ hưu trí) cũng quyết định lấy sổ đỏ thế chấp ngân hàng vay tiền để đóng góp đủ số tiền làm đường còn lại cho địa phương.

Bà Phạm Thị Thính bên con đường mới ở ấp 3, xã Gia Canh.
Bà Phạm Thị Thính bên con đường mới ở ấp 3, xã Gia Canh.

Là một trong những người nhiệt tình thế chấp sổ đỏ vay tiền đóng góp làm đường ở khu dân cư 1B, ấp 3, xã Gia Canh, ông Trần Xuân Quế (60 tuổi) cho biết, việc đem giấy tờ đất đi thế chấp với nhiều người không phải chuyện đơn giản, vì đó là tài sản duy nhất của họ. “Con đường ở đây dài gần 400m, kinh phí gần 450 triệu đồng, chỉ cần vài hộ không có khả năng đóng góp thì cũng “mệt”, nhưng mỗi người chỉ đóng góp một ít là ổn ngay. Người nông dân mà không tiếc đất thì coi như bỏ, nhờ đất mình mới có chỗ nương náu, làm kinh tế nuôi con cái trưởng thành” - ông Quế tâm sự.

Xã cần, dân có

Từ Gia Canh, chúng tôi tiếp tục vượt hàng chục cây số đường rừng tìm đến xã vùng sâu Phú Hòa (huyện Định Quán). Đường cái dẫn vào đây đã được rải nhựa phẳng lỳ, nhưng khi tìm đến những gia đình hiến đất xây nhà văn hóa ấp, chúng tôi khá vất vả, bởi những con đường đất đá lởm chởm, ngoằn ngoèo. Đời sống kinh tế của bà con nông dân vốn khó khăn, nên điều kiện sinh hoạt văn hóa càng khó đảm bảo.

Nguyễn Thị Liên, Chủ tịch xã Phú Hòa (huyện Định Quán), cho biết: “Đến nay, xã Phú Hòa đã đạt 3/19 tiêu chí và 23/54 nội dung xây dựng nông thôn mới. Toàn xã có 4 ấp, với dân số gần 7.800 người mà mới 2 ấp có nhà văn hóa, nên đời sống tinh thần của bà con còn khó khăn. Chúng tôi sẽ cố gắng phấn đấu làm sao để xã sớm có nhà văn hóa cho tất cả các ấp. Cái khó hiện nay là nguồn kinh phí rất ít, chủ yếu dựa vào sự đóng góp của nhân dân…”.

Nhiều năm nay, người dân ở ấp 4, xã Phú Hòa không có nhà văn hóa, những buổi tuyên truyền, sinh hoạt phải tổ chức “lưu động”, luân phiên hết nhà này đến nhà khác. Nay xã có chủ trương xây dựng nhà văn hóa ấp, ai nấy cũng vui mừng.

“Chủ trương là vậy, nhưng không có đất, không có tiền thì cũng chịu. Ngày đầu đi vận động bà con hiến đất cũng khó khăn, nhưng thuyết phục khéo léo, động viên mãi thì họ đồng ý. Dùng đất của dân để xây dựng các công trình công ích phục vụ dân là một việc làm chính đáng. Vì thế, hiểu được điểm này, ai cũng hết lòng ủng hộ” - Trưởng ấp 4 Lại Hùng Lăng cho biết.

Chỉ qua vài lần họp dân lấy ý kiến, vài hộ trong ấp đã đồng ý hiến đất xây nhà văn hóa. Trong đó, hộ ông Chiếng Lỹ Cỏng hiến hơn 500m2, hộ ông Voòng Văn Và hiến gần 700m2. “Cách đây mấy năm, phần đất mà gia đình đóng góp đã hứa bán cho người khác để lấy tiền trả nợ, được định giá hơn 20 triệu đồng. Thời ấy, 20 triệu đồng là số tiền lớn. Nhưng khi nghe các anh ở ấp, xã gợi ý, hơn nữa bà con từ xưa đến nay không có chỗ sinh hoạt, nên tôi không bán đất, mà quyết định hiến toàn bộ diện tích này. Xã cần tới đâu, tôi hiến đất tới đó, chỉ mong sao nhà văn hóa sớm hoàn thành, đường sửa lại cho hoàn chỉnh” - ông Chiếng Lỹ Cỏng (50 tuổi) hồ hởi nói.

Chỉ cho chúng tôi mảnh đất đã đóng góp cho ấp, ông Voòng Văn Và (64 tuổi) bày tỏ, mảnh đất ấy hơi trũng, nhưng nếu lấp đất, gia cố lại xung quanh thì xây nhà văn hóa sẽ thuận lợi. “Đất sát đường dẫn vào ấp, nằm ở vị trí trung tâm, với sự đồng thuận cao, sự đoàn kết, chung tay của nhân dân và chính quyền, tôi tin tưởng việc xây nhà văn hóa sẽ đạt được những kết quả tích cực. Nghèo thì nghèo rồi, mình chịu thiệt thòi một tí đâu có nhằm nhò gì. Xây nhà văn hóa là xây cho con cái, cho tương lai của các thế hệ sau này” - ông Và tâm sự giản đơn như vậy.

Khi nhân dân đồng lòng, mọi khó khăn đều có thể thay đổi. Đường mới, nhà văn hóa mới được hoàn thành chính là sự nỗ lực của cả chính quyền địa phương và sự đồng thuận của người dân.

Thanh Hải

Tin xem nhiều