Báo Đồng Nai điện tử
En

Tình người nơi xóm trọ

11:07, 10/07/2013

Người nhập cư thường gặp khó khăn trong cuộc sống, nhất là thời kỳ việc ít, người tìm việc đông. Tuy vậy, mỗi khi hay tin đồng hương, dân cùng xóm trọ gặp chuyện chẳng lành, họ liền tìm đến nhau để chia sẻ, động viên.

Người nhập cư thường gặp khó khăn trong cuộc sống, nhất là thời kỳ việc ít, người tìm việc đông. Tuy vậy, mỗi khi hay tin đồng hương, dân cùng xóm trọ gặp chuyện chẳng lành, họ liền tìm đến nhau để chia sẻ, động viên.

Giống như bao lao động nhập cư khác trên đất TP.Biên Hòa, bà Năm và bà Tư (đều ở trọ tại KP6, phường Thống Nhất) đồng cảnh góa bụa, nghèo khó, nên hai bà đã bắt tay làm sui gia. Nhờ vậy, anh Sáu (con trai bà Năm) cưới được chị Ba (con gái bà Tư). Đến nay, vợ chồng anh Sáu có 2 mặt con, nhưng mọi người vẫn còn ở nhà trọ, chạy ăn từng bữa...

* Chuyện ở những xóm trọ

Bà Năm tên Võ Thị Liệt, 77 tuổi, quê tỉnh Tiền Giang; còn bà Tư tên Lê Thùy Oanh, 72 tuổi, quê tỉnh Long An. Mỗi bà có 7-8 người con và trên chục đứa cháu, nhưng con cháu họ đều có hoàn cảnh khó khăn. Hơn 15 năm qua, mỗi ngày hai bà vẫn lấy chung mối đậu phộng luộc, rồi lội bộ hàng chục cây số bán dạo, chỉ mong kiếm được 30 ngàn đồng phụ giúp con cháu đong gạo và trả tiền phòng trọ. Bà Tư tâm sự: “Mong sao vợ chồng thằng Sáu làm ăn khá giả, để hai đứa con của nó được sung sướng là tui mừng rồi”.

Người nhập cư vào TP.Biên Hòa làm nghề lao động tự do.
Người nhập cư vào TP.Biên Hòa làm nghề lao động tự do.

Nhưng mong muốn của bà Tư có lẽ khó thành hiện thực, bởi vợ chồng anh Sáu đang lâm vào cảnh khó khăn. Thúng đậu phộng luộc của chị Ba hôm nào cũng ế ẩm, cuốc xe ôm của anh Sáu thì cứ thưa dần khách. Đứa con gái đầu của anh chị mới 14 tuổi phải bỏ học để đi phụ bán quán ăn, nhưng mới bị mất việc làm vì bà chủ quán vừa dẹp tiệm...

Len lỏi vào các khu nhà trọ của dân nhập cư tại các phường: Tân Phong, Thống Nhất, An Bình, Long Bình, Long Bình Tân..., chúng tôi luôn bắt gặp những cặp mắt dò xét của họ. Nhiều lần chúng tôi định tiếp cận hỏi chuyện đều bị họ lảng tránh.

Tại xóm trọ ở KP9, phường Tân Phong, thấy chúng tôi xuất hiện, nhiều phụ nữ đang làm việc vội vã chạy vào phòng khép cửa lại nhìn ra, trẻ con thì bị người lớn í ới gọi về, thanh niên thì khinh khỉnh nhìn đi nơi khác. Mãi một lúc sau, chúng tôi mới bắt chuyện được với chị Vũ Thị Liên (quê tỉnh Thái Bình) khi chị đang ngồi giữa 2 dãy nhà trọ, cùng em trai chặt bắp để luộc bán.

Chị Liên cho biết: “Thấy mấy anh mà em cứ ngỡ bọn thanh niên càn quấy vào khu nhà trọ tìm mấy em gái xinh để tán tỉnh. Ở đây không có công nhân ở trọ, chỉ toàn người nhập cư có gia đình, làm nghề tự do. Thực ra, người khổ như bọn em ở đây nhiều lắm. Như hoàn cảnh của chị Sáng (quê tỉnh Bắc Ninh), chồng bỏ chị đi theo người khác, một mình chị đi bán bắp nuôi 3 con; chị Hương một mình làm nghề mua ve chai nuôi 2 con và mẹ già; còn em hiện nuôi em trai học đại học…”.

Ông Hai Tài (ngụ KP1, phường Quyết Thắng) cho biết: “Địa phương luôn tạo điều kiện cho người nhập cư sinh sống, làm ăn, nhắc nhở họ ở trọ phải đăng ký tạm trú; nếu ai không đủ giấy tờ, thủ tục thì về lại nơi có hộ khẩu thường trú xin giấy tạm vắng để địa phương làm tạm trú cho họ. Chỉ những người sống chui, không đăng ký tạm trú, hoặc không lo làm ăn, mà chỉ lo nhậu nhẹt, hay đánh đập vợ con, gây gổ với hàng xóm, mới sợ bị công an kiểm tra đột xuất”.

* Tình người nơi đất khách

“Thấy tôi già mà còn đi bán vất vả, nhiều người thấy tội nghiệp nên mua một lon đậu phộng 5 ngàn đồng mà đưa 10-20 ngàn đồng, nói là cho thêm để tôi được nghỉ sớm một bữa” - bà Năm nói.

Người lao động đến từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc tham gia một cuộc khảo sát về việc làm do tỉnh tổ chức ở huyện Nhơn Trạch.
Người lao động đến từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc tham gia một cuộc khảo sát về việc làm do tỉnh tổ chức ở huyện Nhơn Trạch.

Còn chị Lê Thị Xuân Trang (quê tỉnh Bình Thuận, ở trọ tại KP2, phường Tân Phong) thì cho biết: “Dân trong khu nhà trọ này đều đi bán bắp dạo. Tụi tôi chỉ lấy bắp của anh Vượng để bán, không lấy hàng của người khác. Anh Vượng rất tốt, như: giúp vốn cho tụi tôi làm ăn, cho mượn xe đạp, xe đẩy... Cũng có người mượn tiền, mượn xe rồi trốn luôn, nhưng anh Vượng không trách, vẫn tiếp tục giúp đỡ những người mới đến còn khó khăn như tôi”.

 Không riêng gì bà Tư và bà Năm, xóm miền Tây của dân nhập cư tại KP6, phường Thống Nhất (TP.Biên Hòa) có hàng chục cảnh đời khó khăn. Người thì chồng mất, vợ bỏ, hoặc chồng hất hủi…, phải đùm bế con thơ dại từ các tỉnh miền Tây lên đây thuê nhà trọ mưu sinh với đủ các nghề. Người già yếu không có con cháu để nương tựa nên tìm đến chốn thị thành để dễ bề kiếm sống, còn thanh niên đến đây tìm cơ hội đổi đời... Không ai giống ai và chẳng ai hơn ai, tất cả phải gồng mình mưu sinh và sống trong những khu nhà trọ bình dân, ẩm thấp.

Để tạo điều kiện tốt cho nhau, những người nhập cư thường sinh sống theo từng nhóm đồng hương, hoặc tập trung lại theo nhóm ngành nghề mưu sinh, như: xóm bán bắp ở KP10, phường Tân Phong; xóm bán chuối ở xã Hiệp Hòa; bán hủ tiếu dạo và chả chiên ở KP5, phường Long Bình; xóm bán dừa gần cầu Hóa An... Tuy vậy, họ vẫn chịu cảnh bị bắt nạt, đe dọa, như: người già, trẻ em bán vé số bị kẻ xấu cướp cả vốn lẫn lời; đẩy xe hàng rong đi bán bị những người trong chợ hất đổ, lại còn dọa nạt; nam thanh niên thì bị thanh niên địa phương gây sự; phụ nữ thì bị giở trò chọc ghẹo khi đi làm đêm...

Ngày ngủ, đêm làm, có lúc ngày làm mà đêm cũng không được ngủ nghỉ, những người nhập cư không bỏ lỡ thời gian “vàng” để mưu sinh. Với họ, những đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, hay nước da vàng ệch, cùng thể trạng còm cỏi và những thiệt thòi nơi nhà trọ không làm họ nản lòng bằng tiếng khóc của trẻ con khát sữa, thèm ăn đang ở nhà với chị, với bà; hay những trận bão không còn nhà, hạt thóc ở quê hương mà người thân họ đang mong đợi từng ngày, từng bữa từ đồng tiền mà họ tích cóp nơi đất khách sớm được chuyển theo đường bưu điện. Chỉ có người đồng cảnh mới thấu hiểu được nỗi khổ, sự vất vả và ước mơ khi những bước chân tha hương cầu thực sáng sớm, trưa nắng, hay chiều tối trên đường phố Biên Hòa của dân ở trọ.

Thành Nhân

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích