Báo Đồng Nai điện tử
En

Để nghề cá Sa Huỳnh phát triển bền vững (Bài cuối)

10:08, 30/08/2013

Là địa phương có lượng tàu thuyền đánh bắt xa bờ nhiều nhất của tỉnh Quảng Ngãi, sản lượng khai thác hàng năm đạt gần 40 ngàn tấn hải sản các loại, nhưng nghề cá ở Sa Huỳnh (xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ) vẫn còn chồng chất nhiều khó khăn, việc phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.

>>> Ấn tượng Sa Huỳnh (Bài 1)

>>> Những tỷ phú của thôn (Bài 2)

Là địa phương có lượng tàu thuyền đánh bắt xa bờ nhiều nhất của tỉnh Quảng Ngãi, sản lượng khai thác hàng năm đạt gần 40 ngàn tấn hải sản các loại, nhưng nghề cá ở Sa Huỳnh (xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ) vẫn còn chồng chất nhiều khó khăn, việc phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.

Chuẩn bị hậu cần cho chuyến ra khơi.
Chuẩn bị hậu cần cho chuyến ra khơi.

Sợ thiên tai lẫn “nhân tai”

Chia sẻ với chúng tôi về việc phát triển nghề đánh bắt, khai thác hải sản của Sa Huỳnh, Phó chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh Nguyễn Duy Trinh cho biết, kinh tế mũi nhọn của Sa Huỳnh là ngư nghiệp. Hàng năm, thu nhập từ nghề khai thác, đánh bắt xa bờ của ngư dân đóng góp trên 60% GDP của xã. Tuy nhiên, do việc phát triển thiếu đồng bộ, công tác đầu tư của Nhà nước về hậu cần nghề cá, hệ thống luồng lạch, nơi neo đậu tàu thuyền, vốn vay ưu đãi cho ngư dân tu sửa, đóng mới phương tiện, mua sắm ngư lưới cụ còn hạn chế và chưa kịp thời, đặc biệt giá xăng dầu tăng vọt, đã ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển nghề cá ở địa phương.

[links(left)]Thành viên Ban Chấp hành Hội Nghề cá xã Phổ Thạnh Trần Thanh Nga, chủ nhân 2 đôi tàu công suất lớn chuyên đánh bắt ở các ngư trường truyền thống Hoàng Sa và Trường sa, đã đưa ra bài tính: “Để đưa được một đôi tàu cỡ 400CV ra khơi phải có từ 1,2-1,4 tỷ đồng chi phí cho xăng dầu, đá cây, ngư cụ, lương thực, thực phẩm, nước uống cho bạn chài. Thời gian đi, về cho một chuyến biển kéo dài từ 45-60 ngày, nếu may mắn trúng luồng cá lớn thì chủ tàu thu về vài trăm triệu đồng cho một chuyến biển, bạn chài cũng được chia vài chục triệu đồng/người. Tuy nhiên, đâu phải lúc nào cũng gặp may mắn như thế, có chuyến biển đi về không đủ trang trải chi phí bỏ ra, chủ tàu lẫn bạn chài đều... “đói”. Đó là chưa kể, những lúc gặp phải thiên tai và cả “nhân tai” trong lúc ra khơi đánh bắt, thì còn khó khăn hơn nhiều!”.

Nói về chuyện “nhân tai”, ông Trần Minh Dữ, lão ngư có 43 năm vật lộn với sóng gió Hoàng Sa và Trường Sa, nói: “Nghề biển được mọi người ví như nghề đánh bắt bọt nước, 5 ăn 5 thua, may nhiều nhưng rủi cũng không ít”. Năm 2012, ông Dữ là một trong 3 ngư dân của xã Phổ Thạnh bị Trung Quốc bắt giữ và tịch thu phương tiện khi đang đánh bắt hải sản ở vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Nhớ lại giây phút đó, ông Dữ bày tỏ sự phẫn nộ, bức xúc: “Lúc ấy cũng đã gần xế chiều. Đôi tàu của tôi gồm một chiếc lớn có công suất 360CV và chiếc nhỏ 150CV, đang hành nghề giã cào trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam, thì từ xa xuất hiện nhiều tàu lớn của Trung Quốc có trang bị súng ống chạy rất nhanh đến vị trí hành nghề của chúng tôi và đe dọa, khống chế. Sau đó, họ bắt giữ người và kéo tàu của chúng tôi về giam giữ ở khu vực đảo Hải Nam. Về sau, thông qua đường ngoại giao của Chính phủ, Trung Quốc chỉ trả lại cho tôi chiếc tàu nhỏ, sau khi đã thu hết ngư lưới cụ, phương tiện hành nghề. Riêng chiếc tàu lớn trị giá gần 2 tỷ đồng, tôi đành mất trắng”.

Anh Phan Cam, một ngư dân kỳ cựu của xã Phổ Thạnh, chủ nhân đôi tàu cá trị giá hơn 3 tỷ đồng, kể thời gian gần đây, khi ngư dân Việt Nam hành nghề ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam thường bị ngư dân Trung Quốc xâm phạm trái phép lãnh hải Việt Nam quấy phá. Ỷ số đông và có tàu lớn, khi thấy tàu của ngư dân Việt Nam đánh bắt riêng lẻ, họ dùng tàu đâm thẳng vào tàu của ngư dân Việt Nam; còn nếu thấy ngư dân việt Nam đông thì ngư dân Trung Quốc cũng dè chừng, không dám manh động. Anh Phan Cam nói chắc nịch: “Trước những mối đe dọa như thế, ngư dân chúng tôi vẫn quyết tâm bám ngư trường, bảo vệ vùng biển, đảo Hoàng Sa, Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc”.

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng ngư dân Sa Huỳnh vẫn cho tàu ra khơi bám biển.
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng ngư dân Sa Huỳnh vẫn cho tàu ra khơi bám biển.

Ngư dân Sa Huỳnh cần gì?

Thấy được khó khăn ấy nên những năm qua, để góp phần hỗ trợ ngư dân an tâm bám biển, Đảng ủy, UBND xã Phổ Thạnh đã kiến nghị với Nhà nước ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phù hợp, giúp cho ngư dân giảm bớt phần nào những khó khăn khi hành nghề giữa trùng khơi đại dương.

Riêng ở địa phương, UBND xã Phổ Thạnh cũng có những chính sách kịp thời để hỗ trợ ngư dân, như: thành lập các cơ sở thu mua, chế biến hải sản giúp ngư dân tiêu thụ sản phẩm sau mỗi chuyến ra khơi; thành lập các tổ tự quản tàu thuyền giúp nhau trên biển; giải quyết nhanh về mặt pháp lý các thủ tục hỗ trợ xăng dầu, vay vốn; thành lập nghiệp đoàn nghề cá để tuyên truyền cho ngư dân nắm bắt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho họ và hỗ trợ ngư dân mua sắm, trang bị đầy đủ các phương tiện cần thiết khi ra khơi (máy Icom, máy bộ đàm) để liên lạc với đất liền, hỗ trợ nhau ứng phó khi gặp rủi ro, sự cố.

Chỉ tính từ năm 2006 đến nay, qua sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, bình quân mỗi năm ngư dân Phổ Thạnh được vay vốn ưu đãi của Nhà nước từ 25-30 tỷ đồng để cải hoán, tu sửa, đóng mới tàu thuyền, mua sắm ngư lưới cụ ra khơi, bám biển. Đó là chưa kể hàng chục tỷ đồng vốn khác mà các ngư dân trong xã đã giúp đỡ, hỗ trợ cho các bạn nghề khi có nhu cầu mua sắm, tu sửa phương tiện.

Không đâu xa, trong năm 2012, xã Phổ Thạnh có 3 ngư dân bị phía Trung Quốc bắt và thu giữ phương tiện trái phép là ông Trần Duy Nam, Lục Nghĩa Minh và Trần Minh Dữ. Thông qua cuộc vận động “Tấm lưới nghĩa tình vì Hoàng Sa, Trường Sa”, các ngư dân này đã được hỗ trợ 200 triệu đồng/người để đóng mới phương tiện tiếp tục vươn khơi. Riêng trường hợp ông Nguyễn Duy Nam, do có nhiều khó khăn nên được hỗ trợ thêm 400 triệu đồng để ông có điều kiện đóng lại tàu mới.

Cũng theo ông Nguyễn Duy Trinh, khó khăn của ngư dân Phổ Thạnh còn rất nhiều, nhưng điều mà bà con cần nhất hiện nay là có đầu ra cho sản phẩm một cách ổn định, không để tái diễn điệp khúc “trúng mùa, rớt giá”. Đặc biệt, những năm gần đây, do phương tiện tàu thuyền ở địa phương phát triển quá nhanh, trong khi âu tàu chật hẹp, thiếu chỗ neo đậu, luồng lạch bị cát bồi lấp, nên có nhiều phương tiện công suất lớn khi đánh bắt trở về không thể vào lại được bờ, phải đi đậu nhờ ở các tỉnh: Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu và bán luôn sản phẩm tại đó, khiến cho địa phương không giải quyết được việc làm cho người lao động tại chỗ, ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu của xã và sự phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá ở địa phương.

Bên cạnh đó, cái lo nhất của ngư dân là trong quá trình hành nghề trên biển, bà con rất cần sự hỗ trợ, ứng cứu kịp thời của các cơ quan chức năng mỗi khi gặp phải tàu nước ngoài xâm nhập trái phép lãnh hải Việt Nam quấy nhiễu, bắt bớ, tịch thu phương tiện. Nếu ngăn chặn, giải quyết tốt vấn đề này và kèm theo những chính sách, cơ chế hỗ trợ phù hợp, kịp thời hơn nữa, sẽ góp phần giúp nghề cá ở địa phương phát triển bền vững, trong đó lực lượng ngư dân sẽ là những người lính tiên phong trên mặt trận giữ gìn vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Đức Việt

 

 

Tin xem nhiều