Báo Đồng Nai điện tử
En

Ông già Chơro và 15 bài cồng, chiêng

11:02, 14/02/2014

Trong những nghệ nhân đánh cồng, chiêng của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Đồng Nai, nghệ nhân Điểu Luận là một trong số rất ít người còn gắn bó với cồng, chiêng. Đã bước vào tuổi 75, nhưng ông vẫn rất yêu nghề và không hề có ý rời tay khỏi những chiếc cồng, chiêng.

Trong những nghệ nhân đánh cồng, chiêng của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Đồng Nai, nghệ nhân Điểu Luận là một trong số rất ít người còn gắn bó với cồng, chiêng. Đã bước vào tuổi 75, nhưng ông vẫn rất yêu nghề và không hề có ý rời tay khỏi những chiếc cồng, chiêng.

* Đội trưởng đánh cồng, chiêng

Ngay từ thuở nhỏ, được nhìn thấy các già làng, trưởng bản đánh những bài cồng, chiêng vào mỗi dịp lễ, tết hay hội họp ở nhà dài, ông Điểu Luận đã lấy làm thích thú và say mê. Mỗi nhịp cồng, chiêng vang lên đều thể hiện sức sống mãnh liệt và kết đọng nhiều giá trị văn hóa của người Chơro. Nó là sức mạnh, thể hiện tinh thần kết nối mọi thành viên trong cộng đồng dân tộc.

Ông Điểu Luận (trái) và già làng Điểu Văn Cao đang tập những bài cồng của dân tộc Chơro.
Ông Điểu Luận (trái) và già làng Điểu Văn Cao đang tập những bài cồng của dân tộc Chơro.

Ông Điểu Luận tâm sự: “Ngày xưa, hễ nghe tiếng cồng, chiêng rộn ràng ở nhà dài, mọi người đều biết có chuyện làng, chuyện nước, bởi hồi đó lấy đâu ra loa đài hay điện thoại để thông báo. Tôi may mắn được những người đi trước truyền nghề và tự học bằng sự yêu thích nên sẽ cố gắng góp sức bảo tồn truyền thống dân tộc”.

12 tuổi, ông Điểu Luận bắt đầu làm quen với từng nhịp cồng. Thấy đoạn nào hay, ông thử đánh. Rồi ông cũng đánh được tấm 5, tấm 6, những tấm cồng đơn giản nhất trong bộ cồng 6 chiếc dành cho nam. Với người tập đánh cồng chiêng giỏi từ chỗ đánh cho biết đến khi thành thục là cả một giai đoạn dài có khi mất đến 5-7 năm, thậm chí có người cả đời chưa đánh được hết 6 chiếc cồng.

“Khoảng 5 năm thì tôi đánh được 6 chiếc, năm 30 tuổi mới đánh thành thạo từng chiếc. Trong 6 chiếc cồng, từ chiếc 1-4 là khó nhất, nên không phải ai yêu cồng, chiêng cũng chơi được. Từ đam mê hóa thành động lực thôi thúc, tôi gắn bó suốt đời với bộ cồng, chiêng. Bây giờ tay tôi đã bớt khéo léo, đôi chân bớt khỏe khoắn và đôi mắt cũng mờ dần vì tuổi đời ngày càng cao, nhưng khi nghe ai mời đi đánh cồng là tôi sẵn sàng” - ông Điểu Luận cho hay.

Ông nói thêm, trong đội cồng, chiêng của tỉnh, ông cùng 5 nghệ nhân lớn tuổi khác đã từng đi nhiều nơi biểu diễn. Làm đội trưởng đội cồng, chiêng nhiều năm nay, dù đã có tuổi nhưng ông chưa có ý ngơi nghỉ hay rời tay khỏi chúng. Bạn bè của ông có người đã lớn tuổi như ông Điểu Buộc (80 tuổi), Điểu Nhơn (85 tuổi) sắp lui về nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già.

Nắm chặt bàn tay, ông Điểu Luận vừa đánh cồng, vừa kể lại: “Một lần đi diễn ở Tây Nguyên, một vị giáo sư chuyên nghiên cứu về văn hóa dân tộc nói với tôi rằng, cồng, chiêng ở Tây Nguyên đánh bằng nhịp nên ai cũng có thể chơi được. Nhưng với cồng, chiêng Đồng Nai, nó lạ và hay lắm, tiết tấu của mỗi bài như nồi cơm sôi. Lớn lửa quá sợ khê, mà nhỏ lửa lại sợ cơm không chín, mất hết vị ngon. Người chơi phải biết điều chỉnh, gia giảm âm lượng để bài cồng hoàn hảo hơn”.

Từ chỗ chơi vì sự yêu thích, đến nay ông Điểu Luận vẫn luôn giữ được lửa đam mê. Những bài cồng, chiêng mà ông và các nghệ nhân lớn tuổi khác biểu diễn, với người Chơro, đó chính là linh hồn của dân tộc. Suốt cuộc đời gắn bó với cồng chiêng, ông Điểu Luận là một trong những người góp phần làm nên nét đặc trưng riêng của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Đồng Nai nói chung và người Chơro nói riêng.

* Góp nhặt văn hóa từ 15 bài cồng, chiêng

Mỗi khi tiếng cồng, chiêng vang lên không đơn thuần là tín hiệu báo tin, biểu diễn văn nghệ, mà nó còn chứa đựng bao tâm huyết của người chơi. Sau nhiều năm dày công vun đắp, tìm kiếm và xây dựng lại những bài cồng, chiêng, bây giờ ông Điểu Luận đã hoàn thành xong 15 bài cồng, chiêng chính của người Chơro. Mỗi bài là mỗi giai điệu thể hiện rõ thông điệp của người chơi. “Nếu người Kinh có rất nhiều bài hát với các nội dung khác nhau thì người Chơro chúng tôi cũng vậy. Mở đầu lễ hội có bài “Nhập lễ”, rồi “Ca tụng tổ tiên”, đến “Tiễn đưa người quá cố”. Những bài dành cho tình yêu nam nữ, ca ngợi tinh thần lao động luôn được sử dụng nhiều” - ông Điểu Luận cho biết.

Ông Điểu Luận lau chùi cẩn thận bộ cồng, chiêng mới được tỉnh cấp.
Ông Điểu Luận lau chùi cẩn thận bộ cồng, chiêng mới được tỉnh cấp.

Nói xong, ông lấy ra bộ “đồ nghề” cần phải có khi nghệ nhân biểu diễn. Đó là chiếc khố bằng vải thổ cẩm, bộ tóc giả dài ngang vai và bộ cồng 6 chiếc dành cho nam. “Nếu đúng điệu thì người chơi phải đi từ đầu đến cuối nhà dài cho đến khi hết một bài mới được chuyển sang bài mới. Khuôn mặt, bước đi, nhịp tay phải thể hiện cho đúng nội dung của bài cồng” - ông Điểu Luận cho biết thêm.

Điều khiến ông trăn trở nhất về văn hóa cồng, chiêng là lớp trẻ người Chơro không còn mặn mà với nét văn hóa này. Ông phải góp nhặt từng chi tiết một, với mong muốn các bài cồng, chiêng thêm đầy đủ và hoàn hảo hơn. Nhưng ở xã Túc Trưng (huyện Định Quán), nơi có đông người Chơro sinh sống, số người biết chơi hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ông Điểu Luận tâm sự: “Sinh ra và lớn lên ở đây, tôi được tham gia nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào nên ngay từ nhỏ đã thấy thích thú các loại cồng, chiêng và các loại nhạc cụ của dân tộc mình. Bộ cồng, chiêng có 12 chiếc, 6 chiếc cho nam gọi là cồng, còn 6 chiếc cho nữ là chiêng. Điểm khác biệt của hai bên là nam dùng tay đánh cồng, còn nữ dùng những chiếc chày để gõ vào bộ chiêng”.

Là già làng có uy tín trong đồng bào Chơro ở ấp Đức Thắng 1, xã Túc Trưng, nhiều năm nay, ông Điểu Văn Cao (65 tuổi) đã cùng với ông Điểu Luận tập lại các bài cồng, chiêng phổ biến của người Chơro. Ông muốn lưu giữ nó bằng cách đào tạo ra những nghệ nhân ưu tú để thay ông tiếp tục hành trình lưu giữ “linh hồn” cho văn hóa dân tộc.

“Mới đây, tỉnh đã cấp kinh phí để mua bộ cồng, chiêng 12 chiếc. Cùng với 15 bài do nghệ nhân Điểu Luận cung cấp, hy vọng chúng tôi sẽ phục hồi lại văn hóa cồng, chiêng. Tôi may mắn khi có sự chỉ dạy tận tình từ ông ấy. Cuộc sống hiện đại, chuyện giao thoa văn hóa là điều không tránh khỏi, nhưng tôi chỉ mong muốn Nhà nước có nhiều chính sách đầu tư cho việc bảo tồn, phát huy văn hóa bản địa, đưa chúng quay trở lại và thấm sâu hơn vào “máu thịt” đồng bào dân tộc các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ” - già làng Điểu Văn Cao chia sẻ.

Thanh Hải

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều