Báo Đồng Nai điện tử
En

Mùa lục bình trên sông

10:03, 17/03/2014

Khoảng đầu tháng 3 hàng năm, khi thấy lục bình dồn thành từng mảng lớn, bung hoa nở rộ, người dân sống dọc hai bên bờ sông La Ngà (huyện Định Quán) lại khấp khởi mừng.

Khoảng đầu tháng 3 hàng năm, khi thấy lục bình dồn thành từng mảng lớn, bung hoa nở rộ, người dân sống dọc hai bên bờ sông La Ngà (huyện Định Quán) lại khấp khởi mừng. Họ chèo xuồng dọc theo bờ sông, chọn những thân cây dài từ 50-60cm cắt sát gốc, đem phơi nắng cho lục bình héo khô rồi buộc thành bó lớn bán cho các cơ sở gia công các sản phẩm từ cây lục bình.

Với những hộ dân sống ven sông La Ngà, ngoài nguồn thu từ việc bán thân lục bình phơi khô cho các cơ sở gia công, cây lục bình còn mang lại cho họ nhiều lợi ích trong chăn nuôi.

* Tháng 3 lục bình…

Năm nay, theo dòng nước lớn từng đám lục bình từ nơi khác trôi đến và tấp vào hai bên bờ sông La Ngà. Chỉ vài tháng, chúng đã xanh tốt, che hết cả lối đi của những chiếc ghe đánh cá. Đứng trên bờ, chị Đỗ Thị Ngọc (35 tuổi, ngụ xã Phú Ngọc) phải dùng tay đẩy hết sức mới đưa chiếc ghe ra xa bờ, bắt đầu chuyến “thu hoạch” lục bình để mưu sinh. “Lục bình bám chặt nhau thành mảng lớn. Đám rễ của chúng gắn kết chặt đến nỗi mọi người rất khó đưa ghe ra sông” - chị Ngọc nói.

Lục bình kết thành mảng rộng lớn dọc bờ sông.
Lục bình kết thành mảng rộng lớn dọc bờ sông.

Nhiều năm làm nghề “thu hoạch” lục bình trên sông, chị Ngọc cho hay, khác với miền Tây lục bình xuất hiện vào mùa lũ, lục bình trên sông La Ngà thường trôi trên các dòng sông, rồi tấp vào các dải đất ven sông, hoặc các cù lao từ đầu mùa khô. Sau đó, chúng lớn dần và bắt đầu nở hoa vào khoảng đầu tháng 3.

Đến khi 3 tháng tuổi, cây lục bình bước vào giai đoạn trưởng thành, thân cây đạt độ dài 50-60cm, cũng là lúc thích hợp để thu hoạch. Người dân cắt cây lục bình sát gốc, vạt bỏ lá, đem phơi ngoài nắng độ vài hôm cho lục bình héo khô rồi đem bán.

Từ khi mỗi ký thân lục bình khô được các chủ cơ sở gia công đan lát thu mua với giá 8-10 ngàn đồng/kg thì người dân quanh vùng không còn coi lục bình là cây hoang dại nữa. Nghề vớt lục bình trên sông vừa tăng thu nhập, giải quyết việc làm khi nông nhàn, vừa góp phần giải tỏa bớt đám lục bình gây cản trở các phương tiện lưu thông trên vùng sông nước.

Vào mỗi buổi sáng, nhiều người lại rủ nhau chèo xuồng bơi dọc bờ sông vớt lục bình. Nhìn họ dùng chân chèo chống đưa ghe bơi xa còn hai tay liên tục túm những cây lục bình dài thượt, nặng trĩu cắt gốc trông rất thành thạo. Lục bình về nhiều, chẳng mấy chốc mà xuồng ai cũng đầy ắp. “Lục bình có sẵn trên sông, tôi không mất nhiều công sức để đi tìm như mấy thứ khác. Muốn nhanh đầy ghe, phải chọn những đám lục bình có thân cao, tươi tốt và đang trổ hoa. Có khúc sông, lục bình tốt đến nỗi hai cha con tôi vớt, cắt đầy ghe mà chỗ vừa cắt chỉ mới rộng bằng cỡ tấm chiếu” - ông Lê Văn Mẫn (ngụ xã La Ngà) tâm sự.

Khi lục bình nở hoa, hai cha con ông Mẫn khấp khởi mừng vì thiên nhiên lại ban tặng cho họ cơ hội để làm ăn. Những ngày thời tiết nắng nóng suốt từ sáng đến tối là thời điểm thích hợp nhất để phơi lục bình. “Trời thế này chỉ cần 2 hôm là mớ lục bình này khô hết. Mỗi chiều cắt khoảng 30kg cây tươi và mang về phơi còn được 12kg cây khô, tính ra cũng kiếm được 100 ngàn đồng” - ông Mẫn cho hay.

Sau giờ học buổi sáng, em Lê Văn Minh (12 tuổi) thường phụ cha đi cắt lục bình rồi đem phơi khô. Mỗi ký thân lục bình khô bán được, giúp em kiếm thêm thu nhập để trang trải việc học hành. “Vớt lục bình dễ òm, thân cây nhẹ lại mềm nên công việc không quá khó khăn với em. Hai cha con em thường hoán đổi công việc cho nhau khi tay đã quá mỏi. Thường thì ba vớt, còn em chèo xuồng. Chỉ khi đi vào các đám lục bình quá dày, việc chèo xuồng mới đổi cho cha thôi” - Minh bộc bạch.

* Lục bình có ích

Sông La Ngà mùa khô năm nay nước dâng cao hơn mọi năm. Có lẽ vì thế mà những chiếc ghe, xuồng đổ về đây cũng tấp nập, nhộn nhịp hơn trước. Mỗi sáng sớm, trước buổi đi giăng câu hay thả lưới, nhiều chủ ghe phải rất vất vả, cố gắng luồn lách để đưa ghe ra khỏi đám lục bình dày đặc đang bám thành mảng lớn trên mặt sông.

Hai cha con ông Lê Văn Mẫn chèo ghe vào các đám lục bình để bắt đầu công việc mưu sinh.
Hai cha con ông Lê Văn Mẫn chèo ghe vào các đám lục bình để bắt đầu công việc mưu sinh.

Mùa lục bình dày đặc cũng là dấu hiệu thông báo cho ngư dân sống dọc sông La Ngà mùa bắt cá bống sông bắt đầu. Những con cá bống đũa, bống cát, bống vồ… vàng ươm dính vào tấm lưới hay chiếc vợt khiến nhiều người thích thú khi kéo lên. “Đây là đặc sản của con sông này. Chỉ tháng 3 mới có cá bống, đặc biệt là bống đũa, con nào con nấy béo tròn. Nước sông mát, lại được kiếm mồi dưới những tán lục bình nên cá bống nhanh lớn lắm” - ông Vũ (41 tuổi, ngụ xã La Ngà) cho biết.

Chị Đỗ Thị Ngọc, ở xã Phú Ngọc, làm nghề vớt lục bình, cho biết: “Cây lục bình dễ sống, phát triển nhanh, khắp các dòng sông ở đâu cũng có, nhiều nơi còn coi lục bình là thứ nguy hại cho môi trường, gây tắc nghẽn giao thông đường thủy, cản trở dòng chảy trên sông... Nhưng mấy năm trở lại đây, thân lục bình khô bỗng có giá nhờ các cơ sở đan lát thu mua làm nguyên liệu”.

Theo ông Vũ, cá bống thường sống dưới đám rễ lục bình, đến khi lục bình trên sông vắng thì chúng cũng mất hút theo. Canh vào thời điểm này, ông Vũ chuẩn bị đồ nghề rồi chèo ghe đến các mép nước gần đám lục bình để thả lưới. Đầu giờ chiều, nước chuẩn bị rút thì việc giăng lưới thích hợp nhất, có ngày mình ông kiếm được hơn 2kg cá bống. Tính ra, cây lục bình cũng góp phần giúp ông thuận lợi trong việc thả lưới bắt cá.

Vào mùa lục bình kết thành từng mảng lớn, nổi bạt ngàn trên sông, người dân còn tận dụng chúng làm thức ăn chăn nuôi. Gia đình bà Nguyễn Thị Lộc (52 tuổi, ngụ xã La Ngà) mấy hôm nay vui không kém, bởi đàn bò 7 con của gia đình bà được vỗ béo bằng hỗn hợp thức ăn gồm: lục bình thái nhỏ trộn với cám gạo, bã đậu nành, nên con nào cũng béo mập, nhanh lớn.

“Mùa khô năm nay, tôi không còn lo nguồn thức ăn của đàn bò cạn kiệt. Lục bình nổi đầy trên sông, cứ ra sông vớt về bỏ rễ, đem băm nhuyễn là có thể cho bò ăn được. Cây lục bình tưởng nguy hại vậy mà có lợi với người nông dân như chúng tôi” - bà Lộc hồ hởi nói.

Thanh Hải

 

Tin xem nhiều