Báo Đồng Nai điện tử
En

Khẳng định chủ quyền biển đảo (Bài cuối)

10:03, 22/03/2014

Hàng trăm năm qua, rất nhiều người từ huyện đảo Lý Sơn giương buồm ra khơi xa để xác định chủ quyền đất nước và không bao giờ trở lại mảnh đất tiền tiêu của cha ông gầy dựng. Họ đã về với biển trong cuộc hải trình đầy nghiệt ngã chỉ với mục đích bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc…

Hàng trăm năm qua, rất nhiều người từ huyện đảo Lý Sơn giương buồm ra khơi xa để xác định chủ quyền đất nước và không bao giờ trở lại mảnh đất tiền tiêu của cha ông gầy dựng. Họ đã về với biển trong cuộc hải trình đầy nghiệt ngã chỉ với mục đích bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc…

Đoàn viên thanh niên trước tượng đài tại nhà trưng bày Đội hùng binh Hoàng Sa ở huyện đảo Lý Sơn.
Đoàn viên thanh niên trước tượng đài tại nhà trưng bày Đội hùng binh Hoàng Sa ở huyện đảo Lý Sơn.

 “Hoàng Sa trời nước mênh mông, người đi thì có mà không thấy về. Hoàng Sa mây nước bốn bề, tháng 3 khao lề thế lính Hoàng Sa”. Câu ca não nùng trên là lời tóm tắt số phận của những người đi bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa từ thời phong kiến; đồng thời cho thấy những người “lính đảo” thuở xa xưa đã rất anh dũng khi chọn cho mình một hướng đi, dù biết rõ rất ít có cơ hội quay về.

* Đội hùng binh Hoàng Sa

Nhà trưng bày Đội hùng binh Hoàng Sa ở trung tâm huyện đảo Lý Sơn trưng bày nhiều hiện vật liên quan đến lịch sử giữ đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Trong số hiện vật, dù chỉ là mô phỏng, như: đôi chiếu, nẹp, thẻ tre và những sợi dây mây… là hành trang bất ly thân của những binh phu Hoàng Sa cách nay hàng trăm năm.

Hàng năm, vào giữa tháng 3 âm lịch, người dân đảo Lý Sơn tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Không biết nghi thức này có từ bao giờ, nhưng chắc hẳn chỉ xuất hiện từ khi có Đội hùng binh Hoàng Sa gánh vác sứ mệnh lịch sử thiêng liêng trên biển Đông của Tổ quốc. Người lính Hoàng Sa khi ấy phải lênh đênh cùng sóng gió trong 6 tháng trên chiếc thuyền nhỏ, vì vậy số phận coi như gửi cho mây trời và bọt biển. Trước khi ra đi, mỗi người lính tự chuẩn bị cho mình một đôi chiếu, 7 đòn tre, 7 sợi dây mây, 1 thẻ bài. Nếu không may ngã xuống thì đôi chiếu, tre, dây mây dùng để bó xác người chết thả trôi trên biển cùng chiếc thẻ bài đã ghi tên, phiên hiệu. Tuy nhiên, suốt thời gian dài sau đó, chẳng có mấy xác người trôi được về bản quán. Dù biết khó có cơ may trở về, nhưng trước khi ra đi, gia tộc tổ chức lễ tiễn đưa, thầy cúng nặn hình nhân thế mạng đặt cạnh linh vị ghi tên, tuổi người lính đi Hoàng Sa xem như là thế mạng cho người sống…

Đầu năm 2013, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Thời Chúa Nguyễn (cuối thế kỷ 16), Đội hùng binh được gọi là dân binh. Tiếp đến, vào những năm 1803, 1815, 1816, ba lần vua Gia Long phái quân ra Hoàng Sa để thực thi chủ quyền. Sau này, Đội hùng binh được củng cố thành Thủy quân Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa và Bắc Hải. Nhiệm vụ chủ yếu của lực lượng này là đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ, cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền lãnh thổ và khai thác tài nguyên biển đảo. Đội hùng binh ngày ấy được tuyển chọn 70 người vào định chế, đều là những ngư dân trên đất đảo Lý Sơn giỏi nghề đi biển. Tháng 2 (âm lịch), số dân binh nhận lệnh ra đi, đến tháng 8 mới về. Thế nhưng, hầu hết trong số họ đã mãi mãi ở lại nơi khơi xa.

Ghé thăm nhà ông Phạm Trọng Tuyền, 70 tuổi, ở thôn Đông, xã An Vĩnh (huyện đảo Lý Sơn), chúng tôi được xem “công lệnh” của triều Nguyễn năm 1836 cấp cho Cai đội trưởng Phạm Hữu Nhật (còn gọi là Phạm Văn Triều, SN 1804). Những tờ lệnh ấy được ông Tuyền cất giữ cẩn thận, bởi ông là hậu duệ đời thứ 5 của cụ Nhật.[links(right)]

Sách Đại Nam thực lục nêu rõ, ngay từ khi còn trẻ, Phạm Hữu Nhật đã cùng ngư dân trong làng gia nhập đội Hoàng Sa. Đó là năm Minh Mạng thứ 17 (Bính Thân 1836), Cai đội trưởng Nhật vâng lệnh vua dẫn 5-6 chiếc thuyền nhỏ với khoảng 10 người/thuyền rời đảo Lý Sơn đến Hoàng Sa. Tới nơi, Đội hùng binh dừng lại cắm mốc, dựng bia chủ quyền, đo đạc thủy trình, trồng thêm cây cối, thu lượm sản vật ở đảo. Năm 1854 là chuyến đi lần cuối của Phạm Hữu Nhật, vì sau đó ông bị mất tích trên biển.

* Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam!

Có thể nói, cả đảo Lý Sơn như một bảo tàng sống động lưu giữ chứng tích Hoàng Sa và Trường Sa mà các bậc tiền hiền đã có công thực hiện từ đời này sang đời kia. Dòng tộc nào trên đảo này cũng có người tham gia Đội hùng binh đi khai thác và bảo vệ chủ quyền hải phận của Tổ quốc. Nhiều người ra đi không trở về, nhưng dấu tích của họ còn hiện diện trên bài vị dựng trang trọng nơi bàn thờ qua nhiều đời. Con cháu của các bậc tiền nhân chưa bao giờ quên thắp nhang cho bài vị của cha ông trong các dịp lễ, tết. Đó cũng là nét văn hóa truyền thống đầy ý nghĩa, gắn kết với lịch sử giữ nước liên tục qua các thời kỳ.

Hàng năm, người dân huyện đảo Lý Sơn đều tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Trong ảnh: Thả mô hình thuyền đi  đảo Hoàng Sa để ghi nhớ công ơn Đội hùng binh Hoàng Sa.
Hàng năm, người dân huyện đảo Lý Sơn đều tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Trong ảnh: Thả mô hình thuyền đi đảo Hoàng Sa để ghi nhớ công ơn Đội hùng binh Hoàng Sa.

Giới thiệu với khách tham quan về lịch sử bi tráng của Đội hùng binh Hoàng Sa khi xưa, nhân viên thuyết minh tại nhà trưng bày Đặng Thị Hiền cũng là hậu duệ đời thứ 15 của cai đội Đặng Văn Xiểm, một trong những người được phái ra đảo Hoàng Sa trấn giữ lãnh thổ cách nay đúng 180 năm. Theo lời chị Hiền, tờ lệnh cấp cho những người đi chinh phục Hoàng Sa do các quan đầu tỉnh cấp ngày 15-4 năm Minh Mạng thứ 15 (1834) được gia tộc họ Đặng bảo quản, lưu giữ đến năm 2009 hiến tặng lại cho Nhà nước. Trong tờ lệnh điều binh ghi rõ tên, tuổi, nhiệm vụ của những người tham gia chuyến đi như sau: Giao cho ông Võ Văn Hùng ở đảo Lý Sơn chọn số thanh niên khỏe mạnh và giỏi nghề bơi lặn để gia nhập đội thuyền; giao Đặng Văn Xiểm lo việc đà công (dẫn đường); giao Võ Văn Công phụ trách lương thảo. Tờ lệnh còn nêu cách tổ chức binh thuyền thành hải đội và thời gian ra khơi rất cụ thể.

Lịch sử đã chứng minh rành rành khí phách của những đội hùng binh từ thời chúa Nguyễn đến nhà Nguyễn sau này trong những lần ra khơi bảo vệ chủ quyền đất nước. Sự hy sinh thân mình của các thành viên trong đội được hòa lẫn giữa biển khơi một cách cao cả, anh dũng. Đến nay, những ngôi mộ chiêu hồn (mộ gió, không có hài cốt) của những người tham gia Đội hùng binh vẫn được các dòng tộc ở huyện đảo Lý Sơn thờ phụng.

Trong ít ngày lưu lại Lý Sơn, chúng tôi có đến thắp nhang một vài khu mộ gió của những người đã hy sinh vì đất nước. Theo những bô lão trên đảo, người trong đất liền khi thắp nhang trước mộ các cụ tiền nhân cũng là nghĩa cử ghi nhớ công lao của người xưa trong việc xác định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chính là của Việt Nam.

Tạ Nguyên

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều