Báo Đồng Nai điện tử
En

Ông "MC" ấp Tập Phước

09:04, 15/04/2014

Từ Thanh Hóa vào huyện Long Thành định cư, 8 năm qua gia đình ông Trịnh Hồng Sơn (64 tuổi, ngụ ấp Tập Phước, xã Long Phước, huyện Long Thành) đã nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống của người dân nơi đây.

Từ Thanh Hóa vào huyện Long Thành định cư, 8 năm qua gia đình ông Trịnh Hồng Sơn (64 tuổi, ngụ ấp Tập Phước, xã Long Phước, huyện Long Thành) đã nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống của người dân nơi đây. Gần đây, ông Sơn còn góp mặt vào các hoạt động của ấp, xã và trở thành người dẫn chương trình không thể thiếu trong các hoạt động của Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ… địa phương.

Ông Trịnh Hồng Sơn ghi chép cẩn thận tên các “cầu thủ” để không mắc sai sót khi bình luận trận đấu bóng của thanh niên trong ấp.
Ông Trịnh Hồng Sơn ghi chép cẩn thận tên các “cầu thủ” để không mắc sai sót khi bình luận trận đấu bóng của thanh niên trong ấp.

Thấy chúng tôi đến, ông Trịnh Hồng Sơn vội vàng giao lại công việc đang làm dang dở cho người con trai út rồi niềm nở mời chúng tôi vào nhà. Từ sự gợi ý nhiệt thành của chúng tôi, ông Sơn đã bỏ qua sự ngại ngần để kể về việc ông trở thành người dẫn chương trình của ấp Tập Phước.

* Từ “bình luận viên” bóng đá…

 “Trước khi vào Nam lập nghiệp, tôi đã có 16 năm làm kế toán cho một hợp tác xã nông nghiệp, 11 năm phụ trách mảng văn hóa - thông tin và làm Đài Truyền thanh xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Đài Truyền thanh xã Cầu Lộc quê tôi ngày đó, ngoài việc tiếp âm từ đài huyện, còn phải làm chương trình, tin tức riêng. Nếu không tính những thông báo của UBND xã, mỗi ngày Đài Truyền thanh xã phải phát khoảng 4 tin và 1 bài. Cán bộ phụ trách Đài Truyền thanh xã phải đi xuống các thôn để lấy tin, chứ đâu có chuyện ngồi một chỗ mà đợi người ta gửi tin đến được. Tôi cũng phải tự đọc tin, bài phát trực tiếp trên loa, nên dần dần biết cách điều chỉnh giọng nói sao cho dễ nghe, câu chữ không bị “dính” vào nhau” - đưa cho chúng tôi xem những bức hình chụp kỷ niệm 11 năm làm công tác truyền thanh xã, ông Sơn kể lại.

Khoảng đầu năm 2013, gia đình ông Sơn xây dựng sân cỏ nhân tạo để phục vụ nhu cầu rèn luyện thể thao của thanh niên trong ấp Tập Phước. Thấy những trận đấu bóng đá chỉ có tiếng hò hét của cầu thủ hai đội bóng, mà thiếu sự theo dõi của người dân, ông Sơn bèn mua giàn loa và micro rồi tự mình làm “bình luận viên” mỗi trận đấu bóng phát cho người dân xung quanh nghe. Nghe tiếng ông bình luận trên loa, nhiều người đã tụ họp lại xem bóng đá. Lâu dần, Trưởng ấp Tập Phước Đoàn Xuân Hòa đã đề nghị ông Sơn đứng ra dẫn chương trình cho các hoạt động của ấp.

“Lúc mới được ông trưởng ấp gợi ý, tôi hơi lưỡng lự vì nghĩ mình lớn tuổi rồi, nên lui về phía sau làm chỗ dựa tinh thần, còn chuyện xông pha phía trước để thế hệ trẻ đảm trách. Nhưng với sự động viên của gia đình và bản thân tôi suy nghĩ còn góp được chút sức nào cho địa phương thì cố gắng làm. Đây cũng là công việc “chuyên môn” của tôi, nên tôi đồng ý tham gia dẫn chương trình cho những hoạt động của ấp” - ông Sơn nở nụ cười hiền khi bộc bạch với chúng tôi.

Có chất giọng tốt, cách diễn đạt mạch lạc và dễ hiểu, tháng 5-2013 ông Sơn đã tham gia và đạt giải nhất cuộc thi kể chuyện điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của xã Long Phước. Đến tháng 11-2013, ông đại diện xã Long Phước đi thi và đạt giải nhất cuộc thi kể chuyện tấm gương học tập đạo đức Hồ Chí Minh cấp huyện.

Ông Sơn tâm sự với chúng tôi: “Dù ở nông thôn, nhưng tôi cũng cảm nhận được sự vận động mạnh mẽ của cuộc sống người dân nơi đây. Điều đó đã khiến một người “về vườn” như tôi có thêm động lực để tham gia vào những công việc chung của địa phương”.

* …Đến “MC” ấp Tập Phước

Lấy cuốn sổ bìa da đã nhuốm màu thời gian từ trong túi xách ra, ông Sơn chỉ cho chúng tôi xem những bản thảo lời dẫn chương trình mà ông đã đảm trách hơn một năm qua. Ông kể, sau khi nhận được kế hoạch chương trình của địa phương giao, ông phải hỏi thật kỹ thành phần tham dự, thời lượng các tiết mục để tìm lời dẫn, cách dẫn sao cho phù hợp.

“Với thành phần tham dự sự kiện là người lớn tuổi thì cách dẫn chương trình phải nghiêm túc, câu chữ dùng phải cẩn thận. Thành phần tham dự là đoàn viên thanh niên, những người trẻ tuổi thì tôi phải sôi nổi hơn, tránh để xảy ra tình trạng MC làm cho khán giả “cụt hứng” vì quá kiểu cách, trịnh trọng. Điều quan trọng nhất là phải chuẩn bị kịch bản, lời dẫn thật kỹ, không để xảy ra sai sót lúc đứng nói trước khán giả. Dẫn các chương trình cho người dân trong ấp không cần quá trang trọng, nhưng không vì thế mà tôi lơ là trong quá trình thực hiện” - nói đoạn, ông Sơn chỉ cho chúng tôi xem những điều cần phải làm, những ghi chú về việc dẫn chương trình được ông tỉ mỉ ghi chép vào cuốn sổ cũ.

Ông Trịnh Hồng Sơn chăm sóc sân cỏ trước khi trận bóng bắt đầu.
Ông Trịnh Hồng Sơn chăm sóc sân cỏ trước khi trận bóng bắt đầu.

Từ chương trình thành lập Câu lạc bộ thơ ca ấp Tập Phước, đến kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh 26-3, Ngày quốc tế Phụ nữ 8-3…, mọi chương trình của ấp Tập Phước đều có sự góp mặt của “MC” Trịnh Hồng Sơn. Ông Sơn tâm sự, ngày còn làm công tác truyền thanh ở quê, ông đã luyện giọng nói cho phù hợp với người nghe và cách xử lý những tình huống bất ngờ khi đang đọc tin tức. Vì vậy, việc trở thành người dẫn chương trình với ông khá dễ dàng.

Trao đổi với chúng tôi, Trưởng ấp Tập Phước, xã Long Phước (huyện Long Thành) Đoàn Xuân Hòa đánh giá rất cao sự nhiệt tình, năng nổ của ông Trịnh Hồng Sơn. Không chỉ sống hòa đồng với người dân xung quanh, những đóng góp của ông Sơn trong mỗi chương trình của ấp còn làm tăng thêm tính sôi động cho các hoạt động đoàn thể của địa phương.

“Người dẫn chương trình là người kết nối khán giả với từng tiết mục, không thể đứng lên nói chung chung được, phải có cách dẫn dắt phù hợp với mỗi tiết mục. Trước khi bắt đầu một chương trình, tôi phải tự nói trước gương để luyện động tác, điệu bộ, không để bị “cứng” khi đứng trước sân khấu” - vừa nói, ông Sơn vừa trình diễn động tác chào khán giả cho chúng tôi xem.

Ông Sơn đang mải mê trò chuyện với chúng tôi thì có một nhóm thanh niên đến thuê sân đá bóng và nhờ ông làm “bình luận viên”. Ông Sơn vui vẻ nhận lời và mời chúng tôi ra sân để tận mắt chứng kiến ông làm “bình luận viên” bóng đá. Trong cái nắng nóng đến ngột ngạt của buổi chiều tháng 4, giọng ông Sơn vẫn vang lên sôi nổi, hào hứng theo từng đường bóng của hai nhóm thanh niên trong ấp.

Minh Thành - Đỗ Hồng

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều