Báo Đồng Nai điện tử
En

Người con Đồng Nai nằm lại Trường Sa

09:07, 24/07/2014

Ngày 17-1, Trung úy liệt sĩ Phan Văn Hạnh (ngụ xã Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch) nằm lại biển khơi, để lại người vợ trẻ và đứa con thơ. Máu anh đã đổ giữa lòng biển quê hương, tên anh đã khắc vào lịch sử Hải quân Việt Nam.

Ngày 17-1, Trung úy liệt sĩ Phan Văn Hạnh (ngụ xã Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch) nằm lại biển khơi, để lại người vợ trẻ và đứa con thơ. Máu anh đã đổ giữa lòng biển quê hương, tên anh đã khắc vào lịch sử Hải quân Việt Nam.

Mỗi lần con gái hỏi về cha, chị Nguyễn Thị Dung lại lấy di vật của chồng và nói đó là tất cả những gì cha con để lại.
Mỗi lần con gái hỏi về cha, chị Nguyễn Thị Dung lại lấy di vật của chồng và nói đó là tất cả những gì cha con để lại.

Chúng tôi đến thăm nhà chị Nguyễn Thị Dung, vợ liệt sĩ Trung úy Phan Văn Hạnh, ở tổ 1, ấp 2, xã Phú Thạnh. Căn nhà cấp 4 nằm trong hẻm sâu đã từng là tổ ấm của Trung úy Hạnh cùng vợ và con gái. Chị Dung đón chúng tôi trong niềm xúc động: “Anh Hạnh hy sinh nửa năm rồi, lòng tôi không thể nguôi ngoai được. Căn nhà này do anh ấy xây, lúc anh còn sống luôn đầy ắp tiếng cười, giờ trở nên lạnh lẽo quá”.

* Rạn san hô nhuộm máu đào liệt sĩ

Vợ chồng chị Dung cùng rời huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) vào Đồng Nai lập nghiệp. Xã Phú Thạnh là nơi anh chị dừng chân và xây tổ ấm gia đình. Năm 2007, họ làm đám cưới và một năm sau thì sinh con gái đầu lòng. Sau khi học xong lớp trung cấp máy tàu tại Trường trung cấp kỹ thuật Hải quân (quận 2, TP.Hồ Chí Minh), anh Hạnh được cấp trên điều về làm nhân viên thiết bị bờ Trạm 94, Căn cứ bảo đảm hậu cần kỹ thuật 696, Vùng 2 Hải quân và được phong hàm trung úy. Chuyến làm nhiệm vụ đầu tiên trên biển của anh Hạnh là theo tàu trực tết (năm 2013) tại vùng biển Nhà giàn DK1.

Cụm đảo Tốc Tan là một trong những đảo chìm, rạn đá san hô rộng hình vòng cung thuộc quần đảo Trường Sa, có chiều dài khoảng 20km, rộng khoảng 7km, diện tích trung bình 75km2. Hải quân Việt Nam đã xây dựng trên thềm san hô của cụm bãi đá phía Tây 3 nhà lâu bền: một nhà ở thềm san hô phía Tây Bắc (nhà B), một nhà ở thềm san hô phía Bắc (nhà C) và một nhà ở thềm san hô phía Đông Nam (nhà A).

Ngày 27-3-2013, anh Hạnh về thăm vợ con được 20 ngày rồi nhận nhiệm vụ mới. “Trước yêu cầu tăng cường lực lượng cho tuyến đảo chìm, anh ấy được đơn vị điều động ra Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân nhận nhiệm vụ, rồi đi đảo Tốc Tan C. Hôm chia tay mẹ con tôi, anh Hạnh còn xoa đầu con gái, bảo: “Bố đi rồi sẽ về, con ở nhà chăm cây mít cho nhanh lớn nhé”. Ai ngờ, đó là lần chia tay cuối cùng. Ngày anh Hạnh còn sống, 2 bố con ăn mít, con gái lấy hạt trồng. Anh Hạnh nói đùa, sau chuyến đi biển dài ngày về, anh sẽ được ăn mít do con gái trồng. Bây giờ cây mít đã cao hơn 1m, mà anh ấy thì không còn nữa” - chị Dung kể chuyện trong nước mắt lưng tròng.

8 giờ ngày 17-1, Trung úy Phan Văn Hạnh và đồng đội nhận nhiệm vụ tuần tra bảo vệ quanh đảo Tốc Tan C bằng xuồng máy. Khi ra khỏi rạn san hô ngầm, anh và đồng đội điều khiển xuồng chạy quanh đảo kiểm tra đường biên thì bất ngờ gặp phải luồng sóng lừng cuồn cuộn từ đại dương xô tới. Dù đã cố gắng điều khiển chiếc xuồng, nhưng do gió quá lớn, luồng xoáy chảy mạnh đã làm chiếc xuồng lật úp. Anh Hạnh bị cạnh xuồng đè dìm xuống biển, không thể thoát ra được… Khi đồng đội đi cùng đỡ anh lên, anh mở mắt nhìn mọi người lần cuối rồi khép lại, trút hơi thở cuối cùng...

Nhận được tin anh Hạnh và đồng đội gặp nạn, chỉ huy đảo đã điều một tổ cán bộ, chiến sĩ ra cứu hộ, song không còn kịp nữa. Ôm đồng đội trong tay, các chiến sĩ bảo vệ đảo Tốc Tan C chết lặng, nước mắt mọi người hòa vào sóng biển. Ngay sau đó, đồng đội đã đưa thi thể anh Hạnh vào đảo, rồi chuyển theo tàu HQ-636 về cảng Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân.

Buổi sáng đau buồn ấy, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ ở Căn cứ 696, Bộ Tư lệnh Vùng 2 hải quân tập trung trên cầu cảng, tất cả lặng lẽ xót thương cho người lính trẻ. Còn chị Nguyễn Thị Dung khóc ngất trên cầu cảng, đứa con gái 5 tuổi của chị cứ ngơ ngác nhìn về phía tàu. Cháu bé chưa nhận biết được rằng, đó là lần đón cha về lần cuối.

* Mong ước người vợ trẻ

Trong niềm đau chưa thể nguôi ngoai, chị Dung bê ra giữa nhà chiếc va li cũ cho chúng tôi xem. Trong đó là di vật của Trung úy Hạnh được chuyển về từ đảo Tốc Tan C sau ngày anh hy sinh. Một chiếc mũ, bộ quần áo thao tác, cái bấm móng tay, tấm bằng tốt nghiệp, đôi giày đen, bức ảnh của vợ và con chụp trước ngày ra đảo... Chị Dung nhìn lên bàn thờ chồng, giấu giọt nước mắt, nói: “Tiền làm căn nhà này chủ yếu vay bên nội và đồng đội của anh, đến bây giờ vẫn chưa trả hết. Sau ngày anh Hạnh hy sinh, mẹ con tôi sống trong nỗi đau khắc khoải. Hình ảnh anh cứ hiện về trong tâm trí, khiến 2 mẹ con sống trong căn nhà trống vắng càng thấy cô đơn. Lúc còn sống, anh Hạnh là người rất chu đáo, giản dị, tất cả mọi thứ đều nhường nhịn cho vợ con”.

Trung úy Phan Văn Hạnh bên vợ con lúc còn sống.
Trung úy Phan Văn Hạnh bên vợ con lúc còn sống.

Nỗi đau mất mát không thể nói hết, nhưng niềm mong mỏi nhất của chị Dung hiện tại là có việc làm ổn định để có điều kiện nuôi con. “Tôi chỉ mong được làm công nhân viên tại Căn cứ bảo đảm hậu cần kỹ thuật 696 Vùng 2 Hải quân - đơn vị chồng tôi công tác, để có thời gian chăm con. Hồi tháng 4-2014, tôi đã làm hồ sơ xin việc gửi Ban Quân lực của căn cứ, nhưng đến nay chưa có tin phản hồi. Tôi đã hỏi thăm đồng đội của chồng hiện đang công tác tại đơn vị cũ, các anh bảo đơn vị anh Hạnh trước khi hy sinh thuộc Vùng 4 Hải quân, nên Vùng 4 mới có thể giải quyết được” - chị Dung chia sẻ.

Tốt nghiệp đại học sư phạm mầm non, chị Dung hiện chưa xin được việc làm. Để mưu sinh, những ngày hè này chị xin làm bảo mẫu tại Trường tiểu học Phú Thạnh. Với đồng lương 2 triệu đồng/tháng, mẹ con chị sống rất chật vật, nhiều khi chị muốn mua cho con hộp sữa bột cũng chẳng đủ tiền.

Hỏi về chế độ tiền tuất của liệt sĩ, chị Dung cho biết: “Sau khi anh Hạnh hy sinh, cơ quan anh nói làm chế độ liệt sĩ. Con gái tôi được hưởng tiền tuất con liệt sĩ đến 18 tuổi theo quy định. Nhưng hiện tôi chưa nhận được chế độ, tôi vẫn đang chờ…”.

Mai Thắng

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều