Báo Đồng Nai điện tử
En

Lắng nghe "hơi thở thời gian"

10:07, 12/07/2014

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, giữa lòng đô thị nhộn nhịp của TP.Biên Hòa vẫn còn những người thợ đang hàng ngày cần mẫn, tỉ mỉ với từng vòng quay của kim giây, kim phút trên những chiếc đồng hồ đã hoen ố màu theo thời gian.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, giữa lòng đô thị nhộn nhịp của TP.Biên Hòa vẫn còn những người thợ đang hàng ngày cần mẫn, tỉ mỉ với từng vòng quay của kim giây, kim phút trên những chiếc đồng hồ đã hoen ố màu theo thời gian.

Theo lời kể của những người thợ sửa đồng hồ lâu năm, một góc chợ Biên Hòa trước kia đã từng được gọi là phố “sửa thời gian”. Bởi trong những thập kỷ trước, nơi đây có rất nhiều tiệm sửa đồng hồ lớn, nhỏ.

* Phố “sửa thời gian”

 Vào những năm đầu sau ngày đất nước thống nhất, chợ Biên Hòa có hơn 100 tiệm sửa đồng hồ hoạt động rất nhộn nhịp. Nghề sửa đồng hồ vẫn còn là một nghề thịnh hành và dễ kiếm tiền nhất lúc bấy giờ. Vẫn ở chỗ quen bên lề đường Cách Mạng Tháng Tám giao cắt với đường Nguyễn Thị Hiền (phường Thanh Bình), ông Phạm Kiều Long đã gắn bó với nghề sửa đồng hồ hơn 35 năm. Đôi mắt bây giờ đã không còn tinh tường như trước, nhưng ông Long vẫn nguyên vẹn niềm đam mê làm “sống lại” những “cỗ máy thời gian” đã cũ. Nói về cơ duyên của mình với cái nghề “sửa thời gian” này, ông Long kể: “Sau giải phóng, tôi làm nghề bốc vác và đạp xích lô mưu sinh nhưng cực quá mà tiền công cán lại không đủ nuôi gia đình. Thấy người em họ khấm khá với nghề sửa đồng hồ nên tôi quyết định chuyển sang học nghề này với hy vọng thoát khỏi cảnh nghèo. Thời đó, đồng hồ có giá lắm, muốn mua một chiếc cũng phải có nhiều tiền, hư là đem đi sửa chứ ít có điều kiện mua cái mới hay sắm các loại đồng hồ trang sức như bây giờ”.

Ông Phạm Kiều Long với chiếc kính lúp quen thuộc ngày ngày vẫn ngồi bên góc đường Nguyễn Thị Hiền sửa đồng hồ cho khách.
Ông Phạm Kiều Long với chiếc kính lúp quen thuộc ngày ngày vẫn ngồi bên góc đường Nguyễn Thị Hiền sửa đồng hồ cho khách.

Bất kể trời nắng hay mưa, những người thợ vẫn ngày ngày có mặt đều đặn ở “tiệm” sửa đồng hồ của mình. Gọi là tiệm nhưng thực ra mỗi người thợ chỉ cần một chiếc tủ kính nhỏ nằm bên vỉa hè hay một góc trong khu chợ, cùng bộ đồ nghề tinh gọn, vài chiếc đồng hồ cũ được tân trang, dây đeo… là đã có thể “cứu sống” được biết bao nhiêu cỗ máy thời gian. Mặc dù đã gần bước sang tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng cứ tầm 7 giờ sáng hàng ngày, ông Long lại đẩy chiếc tủ kính nhỏ sát vào vỉa hè, xếp những chiếc ghế nhỏ ra bên cạnh để cho khách tới sửa ngồi chờ lấy. Mở hộc tủ lấy dụng cụ và những chiếc đồng hồ chưa sửa xong bỏ lên trên kệ tủ, đeo chiếc kính lúp nhỏ vào một bên mắt phải, đôi tay mở nắp chiếc đồng hồ, tỉ mỉ lau máy chiếc đồng hồ hiệu Omega sản xuất từ thời xưa, ông Long chia sẻ: “Nhờ cái nghề này tôi có đồng ra đồng vô nuôi 3 đứa con ăn học nên người. Dù đã đến tuổi về nghỉ dưỡng già nhưng cái nghề thành cái nghiệp, ở không cũng thấy mệt mỏi tay chân. Làm nghề sửa đồng hồ ít phải đi lại, ngày ngày ngồi ở góc này có mấy ông bạn quen rồi có khách tới nhờ sửa đồng hồ nói chuyện lại vui với tuổi già. Còn mê với nghề thì còn làm”.

Sinh ra trong một gia đình có cha là thợ sửa đồng hồ, năm 14 tuổi, ông Phạm Văn Thuận (tiệm sửa đồng hồ Đức Thịnh, đường Cách Mạng Tháng Tám, phường Thanh Bình) đã tự mày mò làm vài việc nho nhỏ cho chiếc đồng hồ, như: thay dây, đánh bóng… “Khi còn nhỏ tôi thường xuyên được xem cha sửa biết bao nhiêu loại đồng hồ lớn nhỏ, có cả chiếc đồng hồ treo tường có quả lắc rất to mà bây giờ nhiều gia đình vẫn còn lưu giữ. Được cha chỉ bảo cặn kẽ khi sửa với từng loại đồng hồ rồi cũng tự mày mò, dần dần tôi thấy thích thú với công việc này” - ông Thuận kể quá trình học nghề của mình cách nay hơn 40 năm.

Những đồng tiền xu được ông Phạm Văn Thuận làm thành những mặt đồng hồ độc đáo.
Những đồng tiền xu được ông Phạm Văn Thuận làm thành những mặt đồng hồ độc đáo.

Ngày nay, điện thoại di động trở nên phổ biến, các loại máy tính bảng có chức năng cài giờ, đồng hồ trang sức nhiều kiểu dáng, chủng loại khác nhau vừa túi tiền ngày càng nhiều khiến người sửa đồng hồ cũng ít dần. Vì vậy mà những cửa tiệm sửa đồng hồ cũng bớt dần giữa lòng đô thị. “Ngày đó, cứ cách 1-2m là lại có 1 tiệm, có khi 2-3 tiệm ngồi sát nhau mà khách vẫn đông. Hiện nay khách tới cũng giảm hơn trước rất nhiều, chủ yếu vẫn là khách quen từ mấy chục năm nay, mỗi ngày có khoảng 5-7 khách, nhiều thì hơn chục người. Thu nhập trước đây một ngày từ 500-600 ngàn đồng, bây giờ chỉ được từ 200-300 ngàn đồng” - ông Thuận nói.

* “Bác sĩ” của những kỷ vật thời gian

Hơn 25 năm gắn bó với nghề, những người sửa đồng hồ có không biết bao kỷ niệm. Cầm chiếc đồng hồ đeo tay đã rất cũ của khách đưa cho tôi xem, ông Phạm Thành Nhơn (đường Nguyễn Hiền Vương, phường Thanh Bình), chia sẻ: “Một vài người già thường mang tới sửa những chiếc đồng hồ rất cũ, mặt trên bị trầy xước hết, bộ máy hầu như chẳng còn sử dụng được gì nhưng họ vẫn yêu cầu sửa. Với nhiều người, những chiếc đồng hồ cũ kỹ như vậy chắc chắn là một kỷ vật vô giá và khó phai theo thời gian. Khi nhìn những vị khách của mình vui vẻ nhận lại chiếc đồng hồ đã “hồi sinh“, người thợ chúng tôi cũng cảm thấy vui lây. Có lẽ, đó chính là động lực để chúng tôi ngày càng gắn bó và yêu nghề hơn”.

Nghề sửa đồng hồ đòi hỏi ở người thợ tính kiên trì, nhẫn nại và ham học hỏi. Nhớ lại một thời hoàng kim của nghề, ông Nhơn cho biết:  “Cách đây 20 năm, tôi còn phải đi tới tận nhà khách hàng để sửa những chiếc đồng hồ quả lắc to mà họ không thể đưa tới tiệm. Có lúc gặp “bệnh” khó chữa, tôi phải sửa liên tục từ sáng tới 8 giờ tối để kịp ngày giao lại cho khách”. Người ta thường nói vui rằng những người thợ sửa đồng hồ lâu năm cũng giống như những bác sĩ giỏi. Bởi họ có thể “bắt” được mọi loại “bệnh” cho chiếc đồng hồ bằng kinh nghiệm của mình. “Con người nếu bị bệnh có thể nói cho bác sĩ biết, còn như chiếc đồng hồ chỉ có thể nhờ ở sự hiểu biết của người thợ để tìm ra đúng “bệnh” mà chữa. Lấy lại được thời gian cho chiếc đồng hồ giống như tìm lại được nhịp đập cho trái tim của một con người vậy” - ông Long tâm sự.

Ông Phạm Văn Thuận cần mẫn sửa đồng hồ.
Ông Phạm Văn Thuận cần mẫn sửa đồng hồ.

Cứ như vậy, thợ sửa đồng hồ không chỉ là người giữ nhịp thời gian mà còn là những người đầy sáng tạo để mang lại vẻ đẹp riêng cho sản phẩm của mình. Vào những lúc rảnh rồi, họ tự mày mò chế lại những linh kiện bị hỏng, tân trang lại những loại đồng hồ cũ rồi bán lại với giá rẻ để tăng thêm thu nhập. Họ trở thành cầu nối cho những người thích sưu tầm đồng hồ tìm tới chuyện trò hay trao đổi những loại đồng hồ cũ, dây đeo phù hợp với sở thích.

Trong cuộc sống ngày càng hối hả, nhộn nhịp, đâu đó vẫn có những người thợ luôn lặng lẽ, miệt mài và đam mê với âm thanh tích tắc của những chiếc đồng hồ cũ, cổ, vẫn đầy nhiệt huyết trong việc níu giữ thời gian và làm sống lại những kỷ niệm xưa cũ của nhiều người.

Là một người thợ giỏi nghề, ông Phạm Văn Thuận còn thích sưu tập những loại đồng xu cổ ở nhiều nước khác nhau, như: Pháp, Mỹ, Anh, Tây Ban Nha… Từ những đồng xu cổ đó, ông Thuận đã nảy sinh ý tưởng biến chúng thành mặt đồng hồ độc đáo. Những khi ít khách, ông lại lục lọi gia tài tiền xu cổ của mình, tìm những mặt xu ưng ý rồi kiên trì mài cho thật mỏng. Đôi bàn tay khéo léo chùi từng chữ cái nhỏ trên mặt đồng xu cho khách, ông Thuận nói: “Để làm hoàn chỉnh một mặt đồng hồ phải mất gần 1 tuần. Muốn làm cho thật đẹp, người thợ phải cần mẫn, khéo léo trong từng động tác từ việc đưa vào máy mài cho thật mỏng đồng xu, xịt lên trên mặt tiền một lớp sơn mỏng cho tới việc đánh bóng những dòng chữ và biểu tượng có trên đồng xu. Sau đó canh cho thật chuẩn để khoan một lỗ nhỏ ở giữa đồng tiền làm trục lắp kim giây và kim phút”. Từ những thú vui riêng ông đã chia sẻ chúng đến với mọi người và được nhiều người ưa thích. Niềm vui lớn nhất của ông đó là nhận được “đơn hàng”… hơn 10 cái của những Việt kiều Mỹ.

 

Phúc Lộc

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều