Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 1: "Mũi tên xuyên" không xuyên thủng được lòng yêu nước

10:08, 01/08/2014

50 năm trước, bằng tình yêu Tổ quốc và lòng quả cảm vô biên, bộ đội Hải quân Việt Nam đã làm nên chiến thắng trận đầu. Chiến thắng lẫy lừng ấy đã trở thành động lực cho Hải quân Việt Nam tiếp tục bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc sau này...

50 năm trước, bằng tình yêu Tổ quốc và lòng quả cảm vô biên, bộ đội Hải quân nhân dân Việt Nam, quân và dân miền Bắc đã làm nên chiến thắng trận đầu. Chiến thắng lẫy lừng ấy mãi khắc ghi trong tâm khảm người dân đất Việt, là kết quả của sự đoàn kết quân - dân, trở thành động lực cho Hải quân Việt Nam bảo vệ biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc trong tình hình Trung Quốc đẩy mạnh mưu đồ xâm lược nhằm từng bước hiện thực hóa “đường lưỡi bò” phi lý.

Tàu Hải quân Việt Nam bắn máy bay địch bảo vệ vùng biển Đông - Bắc năm 1964.                  Ảnh tư liệu
Tàu Hải quân Việt Nam bắn máy bay địch bảo vệ vùng biển Đông - Bắc năm 1964. Ảnh tư liệu

Với quyết tâm bảo vệ Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã bước vào cuộc chiến đấu không cân sức cả về so sánh lực lượng, phương tiện vũ khí và trang bị. Nhưng với ý chí chiến đấu kiên cường của các chiến sĩ Hải quân Việt Nam, tàu khu trục Maddox của đế quốc Mỹ đã rút chạy khỏi vùng biển Việt Nam.

* Phân đội 3 dũng cảm

Sau cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm ngày 1-11-1963, đế quốc Mỹ đã lên kế hoạch mở rộng chiến tranh xâm lược Việt Nam, leo thang chiến tranh ra miền Bắc hòng ném bom Thủ đô Hà Nội. Năm 1964, đế quốc Mỹ tạo ra cái gọi là “Sự kiện vịnh Bắc bộ” để lấy cớ tấn công phá hoại miền Bắc, ngăn chặn chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.

Đêm 31-7, rạng sáng 1-8, tàu Maddox của Hải quân Mỹ tiến sâu vào vùng biển Quảng Bình và ngày 2-8 đã xâm phạm vùng biển Thanh Hóa. Ngày 5-8, Mỹ tiếp tục cuộc tập kích bằng đường không vào một số vùng ven biển miền Bắc. Chúng đưa ra kế hoạch bằng mọi cách đánh phá 94 mục tiêu trên miền Bắc của ta trong 12 ngày đêm với sự tham gia của toàn bộ lực lượng không quân Mỹ ở Thái Bình Dương.

Trước tình hình tàu Maddox của Mỹ xâm phạm chủ quyền lãnh hải miền Bắc Việt Nam, Bộ Tư lệnh Hải quân đã chuyển trạng thái chiến đấu lên cao, đồng thời giao nhiệm vụ cho 3 tàu: 333, 336, 339 (thuộc Phân đội 3) tiến hành xuất kích, do Đại úy Lê Duy Khoái, chỉ huy các biên đội tàu phóng lôi và Trung úy, Phân đội trưởng Nguyễn Xuân Bột chỉ huy.

Rạng sáng 2-8-1964, mọi công tác chuẩn bị hoàn tất, nhưng gió mùa Đông - Bắc với những cơn sóng biển cấp 4-5 khi ấy đã khiến các tàu phải mất hơn 8 giờ mới hoàn thành chặng đường 100 hải lý, gấp đôi thời gian dự kiến. Tới Hòn Nẹ (hòn đảo nhỏ nằm ngoài khơi Vịnh Bắc bộ, thuộc tỉnh Thanh Hóa), Phân đội 3 lại nhận lệnh hành quân ngay vào Hòn Mê (tỉnh Thanh Hóa). Khi phát hiện tàu Maddox ở phía Nam Hòn Mê, Phân đội trưởng Nguyễn Xuân Bột ra lệnh cho đội hình 3 tàu chạy cách nhau 50m, chiến sĩ rađa Nguyễn Văn Luyện tiếp tục bám sát mục tiêu.

Nhận thấy có 3 tàu của ta đang tiếp cận, tàu khu trục Maddox tăng tốc chạy về hướng cửa Ba Lạt (giáp ranh 2 tỉnh Nam Định và Thái Bình). Dựa vào hỏa lực mạnh, tàu Maddox đã dùng pháo lớn bắn dữ dội, khiến Phân đội 3 phải di chuyển đội hình để tránh pháo địch.

Chỉ huy trưởng phân đội lệnh cho tàu 333 tăng tốc để chặn tàu địch, tạo điều kiện thuận lợi cho 2 tàu 336 và 339 tấn công. Tiếp cận được góc mạn tàu địch 1.100, cự ly 7-8 liên (1 liên tương đương 350m đường biển), thuyền trưởng tàu 339 hạ lệnh phóng ngư lôi và chuyển hướng rời khỏi khu vực tác chiến.

Trên trời bất ngờ xuất hiện 5 máy bay địch tập kích. Chúng điên cuồng bắn phá. Một quả bom ném trúng khoang máy chính của tàu 339 làm cho tàu hỏng máy và bốc cháy, cán bộ, chiến sĩ trên tàu vừa tập trung dập lửa, sửa chữa hỏng hóc, vừa ngoan cường bắn trả bằng súng 14,5 ly và súng trung liên. Sau khi tàu 339 phóng ngư lôi, tàu 336 tiếp tục tiếp cận mục tiêu, tiến hành phóng ngư lôi rồi chuyển hướng rời khỏi khu vực tác chiến.

Pháo trên tàu Maddox của Mỹ vẫn nhả cấp tập vào đội hình tác chiến của Phân đội 3. Một quả đã rơi trúng vào tàu 336, Thuyền trưởng Phạm Văn Tự trúng đạn hy sinh, Thuyền phó Nguyễn Văn Chuẩn dù bị thương vẫn chỉ huy điều khiển tàu chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Tình hình thật nguy cấp, tàu 333 tăng tốc 42 hải lý/giờ, mở góc ra ngoài biển. Cột ăngten của tàu bị pháo địch đánh gục, không thể báo cáo được lên cấp trên. Quả ngư lôi trái cũng trúng đạn, rơi tuột xuống biển, khiến tàu bị lệch hẳn một bên vì chỉ còn quả ngư lôi bên phải.

“Kế hoạch “Mũi tên xuyên” chỉ là cái cớ từ sự vu khống “Sự kiện Vịnh Bắc bộ” của Mỹ, chứ thực ra Mỹ đã chuẩn bị từ trước, với mưu đồ đánh chiếm, phá hủy toàn bộ hệ thống tàu thuyền của Hải quân Việt Nam nằm ven biển các tỉnh duyên hải Bắc và Trung bộ. Nhưng chúng đã lầm, tinh thần chiến đấu lúc đó sôi sục, quân - dân miền Bắc, bộ đội Hải quân đã cho chúng nếm đòn. Đó là trận thua đau đớn nhất của kẻ xâm lược” - cựu binh Hải quân, Trung tá Nguyễn Viết Chức, nguyên thuyền trưởng tàu HQ-07, Lữ đoàn 171, Vùng 2 Hải quân, nói.

Khi tàu còn cách tàu địch khoảng 8 liên, Đại úy Khoái ra lệnh: “Phóng đi”. Trung úy Bột muốn cho tàu tiếp cận gần tàu địch hơn để chắc thắng nên đã hạ lệnh tàu tăng tốc tối đa. Tàu 333 cách tàu Maddox của Mỹ 6 liên, 5 liên, rồi 4 liên… Đại úy Khoái hô to: “Chuẩn bị”, mọi người đồng thanh hô theo đầy khí thế: “Bắn”. Quả ngư lôi xé mặt biển lướt đi, tàu Maddox vội vã xoay mũi tàu để tránh, mọi người gần như ngừng thở… Chợt các chiến sĩ hét lên: “Nó trúng ngư lôi rồi…”. Lúc này, mọi người nghe một tiếng nổ từ phía tàu Maddox phát ra ầm vang mặt biển.

* Phần thắng không thuộc về kẻ mạnh

Ngay sau khi tàu Maddox bị đánh đuổi khỏi vùng biển của ta, đêm 4, rạng sáng 5-8, Mỹ đã dựng lên “Sự kiện Vịnh Bắc bộ”, vu khống Hải quân Việt Nam tấn công tàu Mỹ trên vùng biển quốc tế để đánh lừa dư luận thế giới và trong nước Mỹ. Lấy cớ thực hiện kế hoạch đã được vạch ra từ trước, Mỹ sử dụng tối đa lực lượng không quân của 2 biên đội tàu sân bay hòng tiêu diệt lực lượng Hải quân Việt Nam.

Ngày 5-8-1964, sau hàng loạt hành động khiêu khích phá hoại có hệ thống, như: sử dụng lực lượng của 2 biên đội tàu sân bay Constellation và Ticonderoga (gồm 40 máy bay cánh quạt và phản lực hiện đại, cả tiêm kích và cường kích như: AD6, A4D, F8U, F4H…) mở cuộc tấn công mang tên “Pierce Arrow” (Mũi tên xuyên) đánh phá vào các căn cứ hải quân của ta suốt dải ven biển miền Bắc, từ Cảng Sông Gianh (Quảng Bình); Cửa Hội, Vinh (Nghệ An); Lạch Trường (Thanh Hóa) đến Bãi Cháy (Quảng Ninh) hòng tiêu diệt lực lượng Hải quân Việt Nam trong ngày 5-8-1964, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại quy mô lớn.

Tại vùng biển Cửa Hội và TP.Vinh, lúc 12 giờ 20 ngày 5-8-1964, 8 máy bay Mỹ lao vào ném bom, các tàu của Phân đội 5 và 7 đã báo động kịp thời, nhanh chóng triển khai đội hình phối hợp với các lực lượng phòng không đánh trả địch. Trong trận chiến đấu đầu tiên, tàu 187 của ta đã bắn rơi 1 máy bay Mỹ ở phía Tây đảo Hòn Mát 2km. Tại Cửa Ròn và Cảng Sông Gianh, một tốp 8 máy bay Mỹ lợi dụng sự che khuất của núi từ phía Tây đã lao đến ném bom. Tàu đo đạc 527 và các tàu: 181, 183 (thuộc Phân đội 7), 173, 175, 177 (Phân đội 6) đã phối hợp với lực lượng phòng không, dân quân tự vệ anh dũng đánh trả các đợt không kích của địch, bắn cháy 1 máy bay Mỹ và bắn bị thương 1 chiếc khác.

Mai Thắng

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều