Báo Đồng Nai điện tử
En

Xoa dịu nỗi đau da cam

10:08, 08/08/2014

Từ thăm hỏi, tặng quà mỗi dịp ốm đau, đến kêu gọi sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm khi lễ, tết đến, những người làm công tác chăm lo nạn nhân chất độc da cam chỉ mong xoa dịu phần nào nỗi đau của họ.

Từ thăm hỏi, tặng quà mỗi dịp ốm đau, đến kêu gọi sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm khi lễ, tết đến, những người làm công tác chăm lo nạn nhân chất độc da cam chỉ mong xoa dịu phần nào nỗi đau của họ.

Không lương, không tiền bồi dưỡng, chỉ có chức danh Chi hội trưởng Chi hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở cơ sở, nhưng nhiều người vẫn hăng say, đam mê với công việc của mình.

* Đồng cảm…

Bước sang tuổi 63, căn bệnh ung thư vòm họng đe dọa đến tính mạng do di chứng của chất độc da cam, nhưng đều đặn mỗi tháng ông Nguyễn Xuân Lê (ngụ xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu) vẫn đến thăm hỏi, động viên 30 gia đình có người nhiễm chất độc da cam trong xã. Gắn bó với công việc này gần 10 năm, chưa bao giờ ông nghĩ mình đang cho đi thứ gì, mà chỉ đồng cảm với những nạn nhân da cam, bởi bản thân ông và một đứa con cũng dính phải thứ chất độc quái ác này.

Ông Đặng Quang Dũng đến thăm một gia đình nạn nhân da cam ở KP.7, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu.
Ông Đặng Quang Dũng đến thăm một gia đình nạn nhân da cam ở KP.7, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu.

Ngày bắt đầu làm Chi hội trưởng Chi hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Vĩnh Tân, ông Lê vui vẻ đón nhận và dùng những bước chân, tấm lòng của mình làm nên điều có ích cho cộng đồng. Nhiều người bảo ông đã về hưu mà vẫn tham công tiếc việc, nhưng ông bảo nhìn cảnh các nạn nhân da cam vật vã trong bệnh tật, chống chọi với cuộc sống kinh tế khó khăn, ông chẳng thể nào dứt ra được. “Là thương binh hạng 4/4, lại bị nhiễm chất độc da cam nên tôi hiểu được nỗi đau của những bậc cha mẹ sinh con ra nhưng không mang hình hài của người bình thường. Trong 5 đứa con, chỉ mỗi đứa thứ 3 bị ảnh hưởng chất độc da cam nhưng tôi đau đớn lắm” - ông Lê tâm sự.

Năm 2008, sau khi điều trị bệnh ung thư vòm họng, sức khỏe đã ổn định, ông Lê bắt đầu tham gia Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Khi đến thăm các gia đình có con em bị tàn tật do di chứng của loại chất độc ác nghiệt này, ông cảm thấy đau thấu ruột như những đứa trẻ tàn tật ấy chính là con mình đẻ ra. Mỗi lần hay tin có cháu bé nào đau đớn, không vượt qua được, người ta lại thấy ông “đội” mưa gió đến thăm. “Theo chỉ tiêu của Hội, một trường hợp nạn nhân da cam đau ốm mỗi năm chỉ được 1kg đường, 2 hộp sữa; gia đình nạn nhân da cam cần vốn làm ăn sẽ được cho vay vốn với lãi suất 1%. Tuy nhiên, khó khăn về vật chất, tinh thần mà nạn nhân da cam và gia đình họ chịu đựng là vô vàn. Tôi chỉ là chỗ dựa về mặt tinh thần, động viên, hỏi han họ mà thôi” - ông Lê nói.

Đào Nguyên, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, cho biết: “Từ trước đến nay, khi tham gia công tác giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, những người là Chi hội trưởng Chi hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở cơ sở không được hỗ trợ bất cứ khoản tiền nào, vậy mà họ vẫn tham gia hoạt động rất nhiệt huyết. Có người gần 70 tuổi, sức khỏe yếu nhưng chẳng nề hà bất cứ công việc gì, sẵn sàng lặn lội vài chục cây số đến thăm hỏi, động viên các nạn nhân da cam”.

Điều tối kỵ với ông Đặng Quang Dũng (60 tuổi, Chi hội trưởng Chi hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu) khi thăm các nạn nhân da cam là tránh nói về khuyết tật cơ thể vì khơi lại nỗi đau mặc cảm, dễ tổn thương tâm lý khiến họ ngại tiếp xúc. “Nhiều nạn nhân mặc cảm vì thấy mình là gánh nặng của gia đình, không còn muốn sống. Nếu chúng tôi không kịp thời động viên, làm công tác tư tưởng thì chẳng biết sự tình đến đâu. Vì vậy, mỗi lần thấy tôi đến, nhiều người vui lắm. Họ vui không phải bởi có quà, có tiền hỗ trợ, mà họ còn nghĩ mình là chỗ dựa tinh thần vững chắc” - ông Dũng trầm tư cho biết.

Có nhiều lúc, ông Dũng đi tay không đến thăm, nhưng nhiều người vẫn đón nhận ông bằng tình cảm chân thành như một thành viên trong gia đình. Với ông, công tác chăm lo cho những nạn nhân chất độc da cam ngoài sự nhiệt tình, tâm huyết còn phải xuất phát từ sự đồng cảm.

* Xoa dịu nỗi đau

Ông Nguyễn Thành Thuật, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Vĩnh Cửu, cho biết tham gia vào công tác chăm lo những nạn nhân chất độc da cam ngoài những người bị nhiễm dioxin, thành viên Hội Cựu chiến binh, còn có những người có sức khỏe bình thường. Tất cả đều chọn và gắn bó lâu dài với công việc này, xuất phát từ tấm lòng muốn sẻ chia với những hoàn cảnh bất hạnh, khó khăn. Để có nguồn quỹ, các thành viên trong Hội phải thường xuyên đi vận động từ các cá nhân, doanh nghiệp... Chúng tôi làm việc này không chút tư lợi, mà luôn là nhịp cầu nối giữa người hảo tâm với những nạn nhân da cam. “Tôi gắn bó với Hội từ những ngày đầu thành lập. Mỗi lần đi vận động, tôi không ngại chai mặt vì tôi làm việc này không vì tư lợi. Đồng đội, con em đồng bào còn khó khăn, đau khổ càng khiến tôi phải phấn đấu hơn. Trong xã hội này còn rất nhiều người có tấm lòng tốt, điều cơ bản là phải biết khơi gợi tình yêu thương trong họ” - ông Thuật chia sẻ.

Từng giữ chức Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Thạnh Phú, có mức “lương” hỗ trợ đều đặn hàng tháng, ông Lê Văn Út (63 tuổi) sẵn sàng từ bỏ để làm công việc không công, nhưng vô cùng bận rộn ở Chi hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Thạnh Phú. Hơn 5 năm gắn bó với chi hội, ông Út tích cực vận động trụ trì một ngôi chùa ở huyện Vĩnh Cửu trợ cấp hàng tháng cho 7 gia đình có nạn nhân da cam gặp hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã.

Bất kể ngày mưa nắng, hễ có đoàn từ thiện hay Việt kiều đến thăm Chi hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Thạnh Phú, ông Út lại “đặt vấn đề” để có thêm nguồn kinh phí. So với những xã khác, 18 gia đình có người nhiễm dioxin ở Thạnh Phú đều có cuộc sống kinh tế ổn định hơn. Ông Út tâm sự, còn khỏe ngày nào ông sẽ cố gắng giúp đỡ những nạn nhân da cam ngày ấy. “Tôi không có người thân bị nhiễm chất độc da cam, nhưng thấy công việc này hữu ích cho xã hội thì tôi làm. Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam là trách nhiệm không của riêng ai, người ta bỏ tiền của thì mình bỏ tí công sức có đáng gì. Tôi thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn khi anh Thuật kéo tôi đến với công việc này. Từ làm đến đam mê, rồi thấy nó trở thành một phần trách nhiệm “đặc biệt” mình phải làm từ lúc nào không hay” - ông Út tâm sự.

Thanh Hải

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều