Báo Đồng Nai điện tử
En

Sống lại một thời đi B

12:09, 02/09/2014

Trong hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B (cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc), ngoài tài liệu về những thông tin cá nhân, như: sơ yếu lý lịch, thẻ cán bộ, thẻ Đảng..., còn có các kỷ niệm đã úa màu thời gian được gợi lại bằng những cảm xúc chân thành, sâu sắc. Lần đầu tiên sau gần 40 năm xa cách, những kỷ vật ấy đã trở về với cán bộ, chiến sĩ Đồng Nai đi B và thân nhân.

Trong hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B (cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc), ngoài tài liệu về những thông tin cá nhân, như: sơ yếu lý lịch, thẻ cán bộ, thẻ Đảng..., còn có các kỷ niệm đã úa màu thời gian được gợi lại bằng những cảm xúc chân thành, sâu sắc. Lần đầu tiên sau gần 40 năm xa cách, những kỷ vật ấy đã trở về với cán bộ, chiến sĩ Đồng Nai đi B và thân nhân.

Những kỷ niệm với họ đến nay còn nóng hổi như lúc còn học tập và làm việc ở miền Bắc để sau này trở lại miền Nam xây dựng quê hương.

* Dịch sách dưới hầm tránh bom

Soạn tập hồ sơ (gồm: thẻ cán bộ, sơ yếu lý lịch và giấy cấp lương thực) vừa được UBND tỉnh trao vào cuối tháng 8-2014, ông Lê Thành Bá (80 tuổi, nguyên Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa) xúc động khi lật từng trang giấy ghi lại quá trình hoạt động hơn 20 năm của mình trên đất Hà Nội.

Niềm vui khi nhận lại kỷ vật của người thân thời đi B.
Niềm vui khi nhận lại kỷ vật của người thân thời đi B.

Ngót 60 năm từ ngày ông Bá tạm biệt gia đình để cùng bạn bè, đồng đội tập kết ra Bắc. Lên đường khi đang ở tuổi 20, nhiều hoài bão, ý định được ông ấp ủ chờ ngày cả nước tổng tuyển cử vào tháng 7-1956 sẽ thực hiện. Nhưng 2 năm đã thành hơn 20 năm đầy máu với nước mắt của cả dân tộc. Chiến tranh ngày càng khốc liệt, những người con của miền Nam ở đất Bắc luôn mong ngóng ngày đoàn tụ.

“5 năm đầu ở miền Bắc, tôi học lớp kỹ sư nông nghiệp. Dân mình còn nghèo, làm nông là chủ yếu nên cho tôi học kỹ sư nông nghiệp là giải pháp đúng đắn của cấp trên lúc bấy giờ. Những mô hình, công trình nghiên cứu về cây lúa, giống cây trồng của tôi và các bạn trong lớp đã góp phần cải thiện sản xuất nông - lâm ở miền Bắc thời đó” - ông Bá bộc bạch.

Nhiều lần chuyển nhà, thay đổi vị trí công tác, bao thứ phải bỏ hay đã thất lạc nhưng những quyển sách lược dịch từ tiếng Nga về nông - lâm - nghiệp vẫn được ông Bá ưu tiên gìn giữ và bảo vệ cẩn thận. Nhiều quyển sách ra đời hơn 40 năm, hồ dán đã mục khiến vài trang sách rời rạc, thậm chí bị mối mọt ăn, nhưng mỗi lần nhìn vào tập sách ấy kỷ niệm xưa xen lẫn những cảm xúc dào dạt lại hiện về trong ông.

Năm 1972, đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh đánh phá miền Bắc. Những trận bom B52 liên tục dội xuống thủ đô, gần như mọi sinh hoạt của người dân đều diễn ra âm thầm dưới hầm tránh bom đạn. “Mỗi ngày chạy xuống hầm không biết bao lần. Ở dưới chẳng biết làm gì, thế là tôi đem giấy bút cùng mấy cuốn sách ra dịch” - ông Bá vừa tìm lại tập sách, vừa tâm sự.

Trong hơn chục cuốn sách “đặc biệt” ấy, có những cuốn dày vài trăm trang, nặng hơn 1kg được hoàn thành trong những đợt lên xuống hầm tránh bom. Sau này, chúng trở thành những tư liệu quý đóng góp vào phát triển nền sản xuất kinh tế nông nghiệp.

“Tôi dịch cuốn Đất và vỏ phong hóa nhiệt đới ẩm của tác giả V.M.Fridland, được Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật in thành sách năm 1973. Cuốn sách này tôi có nhiều kỷ niệm nhất, bởi thời gian hoàn thành khá lâu, sách lại dày, có nhiều thuật ngữ nên nhiều lần mải dịch mà quên mọi người đã rời hầm lên phố từ lúc nào không hay” - ông Bá cười giọng hào sảng rồi nói.

* Sum họp ngày thống nhất

Trong sự dìu dắt của nhiều người, bà Nguyễn Thị Liên (68 tuổi, ngụ phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) bước từng bước lên bục hội nghị nhận lại hồ sơ của người chồng quá cố Nguyễn Văn Chấn. Từ khi nhận được hồ sơ của chồng, bà Liên cứ ôm khư khư trong lòng. Qua mấy câu giục của người con gái: “Mở nhanh lên mẹ, xem trong hồ sơ ba còn để lại những kỷ niệm gì?”, nước mắt bà lại chảy dài, xúc động nói chẳng nên lời.

Chuyện tình mà bà kể lại cho người con gái nghe cũng nhiều dư vị, lãng mạn như trong phim. Năm 1972, cơ quan ông Chấn bị bom đánh phá nên phải sơ tán về làng Lệ Mật, xã Việt Hưng (huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội) và ông lánh tạm ở nhà bà. Hồi đó, ông Chấn được ưu tiên ở gian nhà trên, còn bà Liên cùng gia đình sinh hoạt ở nhà dưới. Rồi tình cảm 2 người nên duyên nhờ những lần bưng cơm cho “vị khách lạ”.

“Ông ấy người miền Nam, quen và lấy cô gái Hà Nội tôi đây làm vợ. Cưới nhau chưa được bao lâu thì ông đi công tác. Dù ở cùng thành phố, nhưng khoảng vài tháng chúng tôi mới gặp mặt một lần. Sau khi sinh cô con gái lớn, ông khăn gói về Nam và sau đó là những tháng ngày nhung nhớ, kẻ Nam người Bắc lúc nào cũng mong ngày sum họp” - bà Liên nghẹn ngào kể lại.

Chồng lên đường làm nhiệm vụ, một mình bà ở lại vừa lao động sản xuất, vừa nuôi con khôn lớn. Đất nước thống nhất nhưng 2 người vẫn chưa được gặp mặt, trong lòng bà không lúc nào nguôi nỗi nhớ chồng. Đầu năm 1978, bà và con gái quyết định vào Nam. Hơn 5 ngày lặn lội nhiều nơi chưa tìm được đơn vị của chồng, đến lúc tìm đến được đơn vị của ông thì ông lại vội vã đi công tác.

“Thời chiến tranh chẳng có thời gian để yêu. Khi sum họp một nhà, ông mải đi công tác, tính tình ít nói nên hiếm khi có thời gian hàn huyên tâm sự cho trọn vẹn. Ông mất đã 10 năm, tôi chưa thể hiểu hết quá trình công tác của chồng. Bây giờ đọc tập hồ sơ này tôi đã mãn nguyện lắm rồi. Cái này tôi đem về cho con cháu để chúng biết cha ông đã chiến đấu và đánh bại kẻ thù mạnh nhất như thế nào” - bà Liên xúc động nói.

Chị Nguyễn Thị Minh Hiền, con gái ông Nguyễn Bình Minh, chia sẻ: “Đọc lại những bức thư, hồ sơ lý lịch của ba, mấy chị em tôi như sống lại một phần của cuộc đời, như được trở về với tuổi thơ bình dị của ngày hôm qua”.

Sau khi tập kết vào năm 1954, ông Nguyễn Bình Minh (86 tuổi, ngụ phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) lập gia đình. 4 người con của ông được sinh ra và nuôi dưỡng trên quê hương miền Bắc thân yêu. Với ông, gia đình nhỏ ở đây, nhưng gia đình lớn vẫn còn ở trong Nam nên ông luôn canh cánh nỗi nhớ miền Nam, mong từng ngày thống nhất để sum họp một nhà.

Vậy mà ngày chia tay, cả gia đình ông lại mang tâm trạng khó tả, ai cũng ngậm ngùi, chỉ kịp ôm nhau tạm biệt bạn bè, bà con láng giềng từng giúp đỡ mình những ngày ở miền Bắc rồi đi cho kịp chuyến xe vào Nam. “Hòa bình, thống nhất đất nước đã đem lại những cuộc đời mới. Các con của tôi đều đã lớn và có công việc ổn định, nhưng chắc chắn một điều là không ai quên được những kỷ niệm tuyệt đẹp ngày ấy” - ông Minh tâm sự.

Sau 40 năm, nhìn lại mớ tài liệu ấy của các cán bộ, chiến sĩ đi B như được sống lại tuổi thanh xuân với một thời kỳ máu lửa, gian khổ đến khó quên. Ngày ấy, họ sẵn sàng đi theo tiếng gọi của Tổ quốc không ngại gian khổ, hy sinh để chờ ngày đất nước thống nhất, Nam Bắc sum họp một nhà.

Thanh Hải

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều