Báo Đồng Nai điện tử
En

Giữ nghề làm quạt giấy

10:11, 17/11/2014

Quạt giấy làm thủ công xuất hiện khắp mọi miền từ Bắc tới Nam, gắn liền với đời sống người dân Việt từ xa xưa, đi vào thơ ca, đi vào kịch nghệ. Nhưng những năm gần đây, chiếc quạt giấy truyền thống đã nhường chỗ cho quạt nhựa, quạt máy, máy lạnh. Dần dần, nghề sản xuất quạt giấy âm thầm mất đi, chỉ còn vài hộ ráng "gồng mình" duy trì công việc đã truyền qua bao thế hệ này.

Quạt giấy làm thủ công xuất hiện khắp mọi miền từ Bắc tới Nam, gắn liền với đời sống người dân Việt từ xa xưa, đi vào thơ ca, đi vào kịch nghệ. Nhưng những năm gần đây, chiếc quạt giấy truyền thống đã nhường chỗ cho quạt nhựa, quạt máy, máy lạnh. Dần dần, nghề sản xuất quạt giấy âm thầm mất đi, chỉ còn vài hộ ráng “gồng mình” duy trì công việc đã truyền qua bao thế hệ này.

* Cố trụ với nghề

Chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Toàn (51 tuổi, ngụ phường Hố Nai, TP.Biên Hòa) khi ông đang vội thu gọn những bó nan tre phơi ở khoảng sân trước nhà vì trời đang chuyển cơn dông. “Nan quạt (còn gọi xương quạt) phải được làm bằng tre già để chống mọt. Nhiều khi tre già không đủ, phải dùng những cây tre còn non để bù vào nên phải phơi nắng thật lâu mới chống mọt được” - ông Toàn vừa ôm từng bó nan vào nhà vừa giải thích.

Ông Nguyễn Văn Toàn đang tách các xương quạt chuẩn bị dán giấy.
Ông Nguyễn Văn Toàn đang tách các xương quạt chuẩn bị dán giấy.

Theo ông Toàn, gia đình ông bắt đầu làm quạt giấy từ khi nào ông cũng không nhớ rõ, chỉ biết năm 1954 khi cha mẹ ông di cư từ miền Bắc vào Đồng Nai thì nghề đã truyền được mấy đời rồi. Ông còn nhớ như in, chỉ nhờ vào nghề làm quạt giấy mà bao gia đình ở đây đã nuôi dạy con khôn lớn. Quạt giấy dùng trong múa hát, dùng trong sinh hoạt đời thường, làm tín vật gửi lời yêu thương với bài thơ đề trên đó… Nhờ vậy, nghề thủ công này có một thời rất “thịnh”, đã không ít người nhờ nghề làm quạt giấy mà “phất” lên.

“Vì nhiều lý do mà dần dần quạt giấy bị “xếp xó” trong tâm trí mọi người. Ở đây, hiện chỉ còn mỗi gia đình tôi duy trì được nghề làm quạt giấy, nhưng cũng chỉ nhận làm những đơn đặt hàng lớn chứ không còn bỏ mối ở các chợ nữa. Nếu như không có đơn đặt hàng thì tôi đã bỏ nghề này từ lâu rồi. Dẫu biết rằng đó là nghề gia truyền, nhưng không hợp thời thế thì cũng đành chịu…” - ông Toàn tâm sự.

“Nhờ ngày trước tôi đạp xe đi bỏ mối quạt tại các chợ ở TP.Hồ Chí Minh nên bây giờ mới có nhiều công ty tìm đến đặt hàng. Chứ chỉ quanh quẩn ở TP.Biên Hòa chắc giờ này phải bỏ nghề rồi, vì phần lớn khách hàng của tôi đều từ các tỉnh, thành lân cận” - ông Nguyễn Văn Toàn cho hay

Tùy vào mỗi dịp lễ mà các nhà thờ, đình, chùa sẽ đặt hàng gia đình ông Toàn làm từ vài trăm đến vài ngàn chiếc quạt giấy để cấp cho người đến dự lễ. Một số công ty dùng quạt giấy như một hình thức quảng cáo cho các sản phẩm, dịch vụ của họ nên đặt làm để tặng khách hàng. Với những khách hàng như vậy, ông Toàn phải đa dạng mẫu mã sản phẩm, thuê thêm một số người gần nhà gia công một số công đoạn để nhanh chóng hoàn thành đơn hàng. Ông cho biết, với mỗi chiếc quạt giấy giao cho khách hàng, ông thu về được 500 đồng tiền lãi. Trung bình mỗi tháng ông sản xuất hơn 10 ngàn chiếc quạt giấy, nhưng cũng chỉ đủ để duy trì nghề gia truyền không bị mất đi.

“Ngoài sản xuất quạt giấy, tôi còn làm thêm một số công việc khác tại nhà. Nhờ chỗ gia đình tôi làm quạt giấy có tiếng từ những năm 80-90 của thế kỷ trước nên mới có nhiều nơi đặt hàng. Hồi trước, quạt giấy làm ra chủ yếu bỏ mối ở các chợ nên việc làm nhiều, anh em trong nhà làm không hết phải thuê thêm thợ. Giờ chỉ còn mỗi vợ chồng tôi làm, anh em trong nhà lần lượt lập gia đình ra riêng cũng không làm nghề này nữa. Nghề nào cũng có cái thời của nó, gia đình tôi chỉ may mắn là những người cuối cùng còn trụ được với nghề thôi” - ông Toàn nhớ lại.

* Giữ nghề, nghề nuôi

Để làm được một chiếc quạt giấy phải qua nhiều công đoạn, từ mua tre về chẻ nan, đục lỗ, xếp các nan thành xương quạt, phơi nắng, cắt, dán giấy. Phải mất ít nhất 4 ngày mới có thể hoàn thành một sản phẩm hoàn chỉnh. Riêng việc phơi nan đã mất từ 1-2 ngày, tùy thuộc vào thời tiết, những ngày mùa mưa thì càng tốn nhiều thời gian hơn.

Tre mua về được chẻ ra thành những thanh nhỏ tùy theo kích thước quạt, phải chọn tre già để bền chắc với thời tiết, tránh mối mọt. Những thanh tre ấy được sắp xếp thành một xấp khoảng vài thanh rồi đem đi đục lỗ, cố định với nhau bằng đinh để làm xương quạt. Đối với quạt bỏ mối ở các chợ, người sản xuất sẽ dùng các loại giấy nhiều màu sắc, còn quạt làm theo đặt hàng của các công ty sẽ được in những lời quảng cáo theo yêu cầu của công ty đó. Ông Toàn cho biết, do làm theo đơn đặt hàng nên tùy theo yêu cầu của khách hàng mà độ tinh xảo của từng chiếc quạt sẽ được chăm chút hơn và dĩ nhiên giá thành cũng cao hơn.

Ông Nguyễn Văn Toàn thực hiện công đoạn cắt, dán giấy và kiểm tra sản phẩm lần cuối trước khi đóng gói.
Ông Nguyễn Văn Toàn thực hiện công đoạn cắt, dán giấy và kiểm tra sản phẩm lần cuối trước khi đóng gói.

Nan tre dùng làm xương quạt thường để thô, các góc cạnh không được bo tròn, mài nhẵn nên dễ khiến người làm đứt tay, trầy xước. Ngay với người lâu năm trong nghề, trong lúc xếp các nan quạt với nhau, nếu không cẩn thận vẫn có thể bị những vết đứt rất sâu.

“Sau khi dán giấy vào xương quạt phải đem phơi cho khô rồi mới xếp thành nếp gấp. Đó là công đoạn khó nhất. Cách đây khoảng 10-15 năm, khi mọi người còn chuộng những chiếc quạt giấy dày, có độ bền cao thì việc xếp thành nếp gấp tốn nhiều thời gian và dễ làm hư quạt. Bây giờ, nhằm giảm giá thành sản phẩm đến mức thấp nhất, khách hàng thường chọn loại giấy mỏng, các nan tre cũng không cần gọt giũa tinh xảo nên việc xếp nếp gấp nhanh chóng hơn” - ông Toàn đem ra những chiếc nan quạt và bắt đầu mô tả về các bước thực hiện.

Ông tâm sự, tất cả công đoạn, thành phần làm nên chiếc quạt giấy đều giống với những gì cha mẹ ông đã làm cách đây 60 năm. Vì muốn giữ lại những kỷ niệm xưa cũ của gia đình nên ông và vợ thường tự tay dán và xếp nếp những chiếc quạt chứ không giao cho người khác. Ông kể, ngày xưa công việc này toàn do người lớn trong nhà làm, trẻ con tay yếu xếp không cẩn thận là hư ngay. Mà mỗi chiếc quạt xếp hư chỉ có thể bán lại với giá vốn. Ngày nào trong nhà có người đau tay hay bị đứt tay từ hôm trước là hôm đó công việc lại bị dồn, không hoàn thành kịp.

“Giờ thì có muốn hay không cũng chỉ còn vợ chồng tôi làm việc này thôi, mấy đứa nhỏ đi học xa nhà, thỉnh thoảng về nhà mới phụ được. Có nhiều người đặt hàng gia đình tôi sản xuất những chiếc quạt để phục vụ cho việc biểu diễn với kích thước lớn, nhưng vì không đủ người, không có thời gian để làm nên cũng từ chối. Nghề này nuôi anh em chúng tôi lớn lên, giờ bỏ thấy tiếc nên duy trì được tới đâu hay tới đó” - ông Toàn buồn bã nói.

Đăng Tùng

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều