Báo Đồng Nai điện tử
En

Tự hào bục giảng

11:11, 14/11/2014

Vốn là người con Phú Hội, thầy Nguyễn Văn Đông, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) bao năm qua không ngừng cùng đồng nghiệp vun đắp cho ngôi trường làng nhỏ bé ngày nào thêm khang trang hơn.

Vốn là người con Phú Hội, thầy Nguyễn Văn Đông, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) bao năm qua không ngừng cùng đồng nghiệp vun đắp cho ngôi trường làng nhỏ bé ngày nào thêm khang trang hơn. Thầy Đông tâm sự, Trường tiểu học Phú Hội gắn bó với thầy từ thuở còn quần xắn, áo túm cuốc bộ tới lớp, đến khi được đứng trên bục giảng, rồi làm người quản lý.

Năm 1997, ngọn đồi Giang Lò (ấp Xóm Hố, xã Phú Hội) được ủi phẳng và mọc lên ngôi trường nhỏ với 1 trệt, 1 lầu. Đây là điểm chính của trường nhằm chia sẻ với những khó khăn về cơ sở vật chất tại các điểm lẻ: Phú Mỹ 1, Phú Mỹ 2, Xóm Hố, Nhà Thờ. Thầy Đông thổ lộ, có được ngôi trường mới, các thầy cô Trường tiểu học Phú Hội như được tiếp thêm sức, thêm đắm say tình yêu nghề.

* Dạt dào kỷ niệm

Gió từ đồi Giang Lò chụp xuống ngôi trường tiểu học giúp cho hàng cây xanh dễ dàng thay áo mới, che bóng mát cho các trò nhỏ của thầy Nghĩa đang vào tiết thể dục. Chỉ tay về hướng các trò nhỏ đang thể dục, thầy Đông cho biết, sau khi tốt nghiệp Trường trung học sư phạm Bà Rịa, thầy được điều về dạy học tại các xã Tam An, thị trấn Long Thành (huyện Long Thành). Mãi đến năm 1990, thầy Đông mới chuyển về dạy tại điểm lẻ Trường PTCS Phú Hội. “Năm 1992 thì Trường PTCS Phú Hội tách thành 2 trường: THCS và tiểu học Phú Hội. Lúc này tôi được về dạy tại điểm trường mà năm xưa mình quần xắn, áo túm cuốc bộ đến lớp” - thầy Đông nói.

Cô Cao Thị Phúc, giáo viên chủ nhiệm lớp 1/2 bên trò nhỏ của mình. Ảnh: Đ.PHÚ
Cô Cao Thị Phúc, giáo viên chủ nhiệm lớp 1/2 bên trò nhỏ của mình. Ảnh: Đ.PHÚ

Thời tiểu học của thầy Đông không được ngồi trong nhà lầu, máy quạt, tivi và đến trường đồng phục mới toanh… như bây giờ. Thời của thầy, học trò có gì mặc nấy. Phương tiện đến trường là đôi chân, chiếc xuồng hay xe đạp cọc cạch. Tuy vậy, những người bạn học của thầy đều luôn biết “tôn sư trọng đạo”, bụng đói vẫn cố gắng đến lớp. “Thầy trò chúng tôi thời đó cuộc sống rất khó khăn, điều kiện dạy và học thiếu thốn mọi thứ. Tuy vậy, các thầy cô giáo vẫn dạt dào trái tim với nghề, say mê gắn bó với tấm bảng đen, viên phấn cứng như than củi chưa được nung chín. Riêng đám học trò thì quý thầy cô như cha mẹ nên các thầy cô thương lắm” - thầy Đông tâm sự.

Từ mái Trường tiểu học Phú Hội năm xưa, thầy Đông cùng rất nhiều đồng nghiệp có cơ hội học cao hơn và được đứng lên bục giảng làm giáo viên. Thầy Đông cho biết, phần lớn các thầy cô giáo Trường tiểu học Phú Hội hôm nay đều là con em của Phú Hội, trải qua thời tiểu học tại mái trường này. Vì vậy, tập thể giáo viên trong trường càng thêm thắt chặt tình đoàn kết. “Nhiều giáo viên trẻ hiện tại của trường là học sinh của tôi và đồng nghiệp. Vì thầy trò cùng xuất phát từ mái trường tiểu học này nên ai cũng hiểu hoàn cảnh của địa phương, đặc điểm gia đình của từng trò nhỏ. Đó là lý do tại sao nhiều năm nay, tập thể cán bộ trường luôn đoàn kết, yêu thương và hết lòng vì học sinh” - thầy Đông nói.

Là đồng nghiệp, đàn em (sau thầy Đông một lớp thời tiểu học), cô Trương Thị Thu Hà, Chủ tịch Công đoàn nhà trường, tỏ bày mỗi ngày đến lớp cô đều nhìn thấy hình ảnh của mình thời tiểu học và dáng dấp những người thầy cần mẫn, dung dị của cô qua hình ảnh thế hệ đàn anh, đàn em đang gắng sức vun đắp cho ngôi trường ngày thêm khang trang, đủ đầy. “Các thầy cô bây giờ không còn cảnh một buổi đi dạy, buổi ra đồng cấy lúa, chạy chợ. Tuy vậy, chúng tôi vẫn không quên kỷ niệm xưa. Chúng tôi vẫn hay kể cho nhau nghe về những người thầy cũ của mình trong chiếc áo bạc màu thời gian. Từ đó, chúng tôi động viên nhau, dìu dắt nhau tiến bộ” - cô Hà nói.

* Sáng ngọn lửa nghề

Sáng nay, em Nguyễn Thị Yến Phương (lớp 2/2) lại vắng lớp, cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Hòa vội vã điện hỏi thăm. Qua trao đổi với phụ huynh, cô Hòa cho hay em Phương lại lên cơn đau tim. Hiện gia đình chưa có đủ tiền phẫu thuật lần 2 cho em. “Hoàn cảnh của em Phương rất đáng thương. Dù bệnh tật, em Phương vẫn học khá giỏi, nhà trường đã có chính sách hỗ trợ giúp đỡ em. Tuy vậy, sự giúp đỡ của trường chỉ trong phạm vi nhỏ. Cho nên, hiện tại em Phương rất cần sự giúp đỡ từ xã hội” - cô Hòa tâm sự.

Với phương pháp học nhóm, Trường tiểu học Phú Hội luôn phát huy được tinh thần chủ động của học sinh.
Với phương pháp học nhóm, Trường tiểu học Phú Hội luôn phát huy được tinh thần chủ động của học sinh.

Trao đổi với chúng tôi, thầy Đông cho biết trường vẫn còn nhiều học sinh khó khăn. Hiện trường đang tiếp nhận gần 200 học sinh là con em công nhân từ các tỉnh khác theo cha mẹ về Phú Hội sinh sống. Từ mô hình nuôi heo đất khuyến học, sự giúp đỡ từ các mạnh thường quân, đoàn thể, những học sinh khó khăn, nghèo được cấp học bổng, trợ cấp học tập, tặng xe đạp, sách vở. “Trường đẹp, ứng dụng phương pháp giáo dục mới hấp dẫn học sinh thôi chưa đủ. Trường phải có chính sách hỗ trợ đi kèm và giáo viên luôn thể hiện trái tim yêu nghề, yêu trò. Đó mới là tình yêu tròn vẹn của người thầy dành cho học sinh của mình” - thầy Đông tâm sự.

Trường tiểu học Phú Hội là trường duy nhất của huyện Nhơn Trạch và là một trong 15 trường tiểu học của tỉnh được chọn triển khai mô hình mô hình VNEN. Dự án mô hình trường học mới VNEN tại Việt Nam (do Ngân hàng Thế giới tài trợ) được triển khai thử nghiệm trên cả nước từ năm học 2012- 2013. Các phòng học dạy theo mô hình VNEN được bố trí giống như phòng học bộ môn, thư viện linh hoạt. Mô hình VNEN thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm, học tập mang tính tương tác và phù hợp với từng cá nhân học sinh; chuyển việc truyền thụ của giáo viên thành việc hướng dẫn học sinh tự học. Lớp học do học sinh tự quản và được tổ chức theo các hình thức làm việc theo nhóm. Học sinh được học trong môi trường học tập thân thiện, thoải mái, không bị gò bó, luôn được gần gũi với bạn bè, thầy cô.

Năm 2004, Trường tiểu học Phú Hội mới có điều kiện gom về một mối, các điểm lẻ được xóa bỏ. Từ đó, ngôi trường của thầy Đông được đầu tư thêm nhiều phòng học mới, đủ sức đón nhận con em trong xã và con em công nhân từ các nơi khác về Phú Hội ở trọ. Thầy Đông cho hay, nhiều năm liền Trường tiểu học Phú Hội đạt danh hiệu xanh - sạch - đẹp, đạt danh hiệu lao động tiên tiến cấp huyện. Hiện trường đang tiếp tục triển khai chương trình lớp học 2 buổi (do Ngân hàng Thế giới tài trợ). “Mô hình này được triển khai từ năm học 2012-2013 đến nay và rất được phụ huynh học sinh, cấp trên đánh giá cao các phương pháp mà trường triển khai, như: học và thảo luận nhóm; giáo viên viết lời nhận xét thay vì cho điểm số” - thầy Đông cho hay.

Tiếp chuyện với chúng tôi khi vừa từ huyện về, cô Lê Thị Thanh Mai, Phó hiệu trưởng nhà trường tự hào khoe, đội ngũ giáo viên của trường luôn ổn định về nhân sự, đạt chuẩn về trình độ. Đội ngũ giáo viên trẻ thì nhiệt tình, tận tụy với nghề, giàu kinh nghiệm, luôn là tấm gương sáng để lớp trẻ nêu gương, học tập. “Hiện cơ sở vật chất của trường được trang bị tương đối đầy đủ cho công tác dạy và học. Học sinh của trường rất ngoan, lễ phép, phụ huynh luôn biết quan tâm việc học của con em mình. Đó chính là điều chúng tôi tự hào về ngôi trường Phú Hội của mình. Vì nơi đây có nhiều thế hệ học sinh là con em Phú Hội thuở còn tiểu học, luôn biết tiếp bước những người thầy năm xưa bám trường, bám lớp, không ngừng thắp lên ngọn lửa yêu nghề” - cô Mai cho biết.

Đoàn Phú

 

 

 

Tin xem nhiều