Báo Đồng Nai điện tử
En

Những anh hùng khuấy đảo hậu cứ quân thù (Bài 2)

09:03, 31/03/2015

Gần 50 năm trước, Tiểu đoàn 2 đặc công U1 Biên Hòa (chốt 2 - đặc công U1) đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện khen ngợi vì chiến công đánh đòn phủ đầu vào tổng kho Long Bình, căn cứ hậu cần chiến lược của Mỹ ở miền Nam.

Gần 50 năm trước, Tiểu đoàn 2 đặc công U1 Biên Hòa (chốt 2 - đặc công U1) đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện khen ngợi vì chiến công đánh đòn phủ đầu vào tổng kho Long Bình, căn cứ hậu cần chiến lược của Mỹ ở miền Nam. Những vụ nổ vang trời khắp các dãy nhà kho đang chìm trong biển lửa khiến 8 kho bom đạn của Mỹ bị nổ tung, 125 ngàn quả đạn pháo, tên lửa, bom bị phá hủy… Những trận đánh đã giáng một đòn nặng nề, làm đảo lộn chiến lược của địch, tạo ảnh hưởng lớn đến cục diện tại các mặt trận khác.

Hình ảnh tổng kho Long Bình bị đặc công U1 tấn công. Ảnh tư liệu
Hình ảnh tổng kho Long Bình bị đặc công U1 tấn công. Ảnh tư liệu

Đầu năm 1966, Mỹ, quân đội chế độ Sài Gòn và các nước chư hầu mở cuộc càn quét vào các căn cứ ở miền Đông Nam bộ nhằm tiêu diệt quân chủ lực cách mạng. Lúc này, Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 2 đặc công U1 Biên Hòa đã kết hợp với lực lượng vũ trang địa phương củng cố phát triển các cơ sở nội tuyến và vùng ven; từng bước thiết lập vành đai tiến công tiêu hao sinh lực và phương tiện chiến tranh cao cấp của địch trong TX.Biên Hòa.

* Táo bạo chống Mỹ

Để phối hợp với nhiều mặt trận khác, đánh bại 2 cuộc phản công chiến lược mùa khô của đế quốc Mỹ (1965-1966, 1967-1968), Tỉnh đội Biên Hòa đã chỉ đạo đặc công U1 Biên Hòa tìm cách tiến công vào tổng kho Long Bình với phương châm đánh táo bạo, chắc thắng, đánh bồi nhằm phá hủy bom đạn, phương tiện chiến tranh của địch.

Tổng kho Long Bình rộng khoảng 24km2, nằm cách Sài Gòn về phía Đông Bắc 20km, cách TX.Biên Hòa 7km. Trong tổng kho Long Bình, địch đặt Bộ Tư lệnh dã chiến 2 và Bộ Tư lệnh hậu cần số 1 của Mỹ, đồng thời là kho bom đạn lớn của Mỹ ở miền Nam Việt Nam được xây dựng từ giữa năm 1965.[links(right)]

Địch tổ chức phòng thủ tổng kho Long Bình rất chặt chẽ, ngoài lực lượng Mỹ và quân đội Sài Gòn có 2 ngàn lính đồn trú thường xuyên, còn có từ 7-12 lớp rào kết hợp gài mìn bao bọc xung quanh; bên trong có nhiều tuyến hào nối các lô cốt, đường đi, lối lại ngang dọc, hai bên đường đều rải hàng rào kẽm gai.

Trận đánh đầu tiên của đặc công U1 nhằm vào tổng kho Long Bình ngày 22-6-1966, do đồng chí Nguyễn Văn Tư (Tư Già) chỉ huy. 6 chiến sĩ đặc công đã vượt rào và chướng ngại vật tiếp cận khu kho đồi 53 đặt mìn có gắn kíp nổ hẹn giờ bằng đồng hồ. Đến sáng 23-6-1966, khu kho đồi 53 bắt đầu nổ, toàn bộ khu kho trùm trong khói lửa, gây thiệt hại nặng cho địch, hủy diệt 40 ngàn quả đạn pháo các loại của Mỹ.

Vào các ngày 17-11-1966 và 10-12-1966, tổng kho Long Bình tiếp tục bị Tiểu đoàn 1 đặc công U1 tấn công với những vụ nổ kinh hoàng, gây thiệt hại rất lớn cho địch và làm ảnh hưởng đến cục diện của nhiều chiến trường. Đây là những trận tiến công đầu tiên của đặc công Biên Hòa vào tổng kho Long Bình, mở đầu cho hàng loạt trận đánh sau này. Trận đánh đã giành thắng lợi lớn và được Bộ Chỉ huy Miền tặng thưởng Huân chương Quân công giải phóng hạng ba và 4 Huân chương Chiến công giải phóng.

* Sống mãi ký ức tiểu đoàn

Ông Nguyễn Tấn Vàng, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 đặc công U1, kể lại bên cạnh những chiến thắng giòn giã tại tổng kho Long Bình trong thời gian Mỹ mới vào chiến trường miền Nam, Tiểu đoàn 2 còn khuấy đảo những vị trí trọng yếu của quân thù tại TX.Biên Hòa, góp phần gây sức ép trên các mặt trận khác và quan trọng hơn là tại bàn đàm phán Hiệp định Paris.

“Tháng 12-1965, Quân ủy Trung ương đã đề ra 6 phương thức tác chiến chiến lược, trong đó có 3 phương thức được bộ đội đặc công không ngừng hoàn thiện đạt hiệu suất cao là đánh phá các căn cứ hậu cần, kho tàng, sân bay, hải cảng, cơ quan đầu não địch; triệt phá các đường giao thông thủy, bộ quan trọng, tạo ra thế bao vây chia cắt địch; cuối cùng đẩy mạnh hoạt động quân sự ở các đô thị, từ hình thức tác chiến nhỏ kết hợp đấu tranh chính trị, làm công tác dân vận, địch vận, quân báo đến tác chiến lớn, kết hợp tiến công và khởi nghĩa” - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Lê Bá Ước, nguyên Tỉnh đội trưởng Biên Hòa, nhớ lại vai trò của lực lượng đặc công trong những năm tháng hào hùng đó.

Để giành thắng lợi về mặt chiến lược, giữ thế mạnh trên bàn đàm phán Hiệp định Paris, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Trung ương Cục miền Nam quyết định bố trí lại chiến trường, mở các đợt tiến công đánh bồi, đánh nhồi vào mùa xuân 1969. Theo kế hoạch này, ngày 23-2-1969, các mũi tiến công đồng loạt nổ súng vào các vị trí ở TX.Biên Hòa. Tại khu vực tổng kho Long Bình, chỉ có Đại đội 9, Tiểu đoàn 2 đặc công U1 lọt vào được trong khu vực kho. Đơn vị nhanh chóng tiến công vị trí các kho đồi 53, hàng chục dãy kho bom đạn và nhiên liệu phát nổ dữ dội, lửa cháy sáng rực một góc trời.

Địch dùng một trung đoàn xe tăng hàn kín các lối ra vào kho Long Bình. Trên không, máy bay trực thăng vũ trang của địch vừa rọi đèn pha, vừa phản kích ác liệt xuống trận địa.

Trải qua giai đoạn kháng chiến chống Mỹ 1965-1972, Tiểu đoàn 2 đặc công U1 đã phá hủy hơn 300 kho chứa bom đạn, gần 600 ngàn quả đạn pháo các loại và rốc-két, trên 800 ngàn tấn đạn, 600 tấn mìn định hướng, nhiều bồn xăng và phuy xăng chứa hàng triệu lít nhiên liệu. Từ đó, đơn vị đã được tặng thưởng các danh hiệu, như: Huân chương Quân công hạng nhất, nhì. Riêng Đại đội 9 và đồng chí Bùi Văn Hòa được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Đại đội 9 bị bao vây trong khu kho, đã phân tán thành từng tổ, tiểu đội, lợi dụng địa hình, địa vật đánh trả địch quyết liệt. Nhưng do lực lượng không cân sức, Đại đội 9 đặc công đã đánh địch đến viên đạn, hơi thở cuối cùng, chỉ còn 2 đồng chí thoát được ra ngoài.

Cho đến tận những tháng nửa cuối năm 1972, trước thời điểm đàm phán tại Paris vài tháng, vào đêm 12-8-1972, Tiểu đoàn 2 đặc công U1 Biên Hòa lại tiếp tục cử tiếp cận tổng kho Long Bình, phá khóa đặt thuốc nổ trong các kho. Rạng sáng hôm sau, từ kho Long Bình, những tiếng nổ long trời lở đất vang lên, cả khu vực hàng chục km2 sáng rực. Trước thiệt hại quá lớn này, Tư lệnh Quân đoàn 3 của quân đội Sài Gòn phải ra lệnh “tiết kiệm bom pháo tối đa”, mỗi khẩu pháo trong toàn quân đoàn chỉ được phép bắn 3 quả đạn/ngày.

Bị thất bại liên tiếp về mặt quân sự trên khắp các chiến trường vào năm 1972, đặc biệt là bị thua đau trong chiến dịch 12 ngày đêm dùng B.52 đánh phá Hà Nội và các mục tiêu quan trọng khác ở miền Bắc, Tổng thống Mỹ Nixon buộc phải xuống thang chiến tranh, ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và rút hết quân Mỹ về nước.

Kết quả đó có phần đóng góp không nhỏ từ các trận đánh của Tiểu đoàn 2 đặc công U1 vào hậu cứ của kẻ thù, làm ảnh hưởng đến sự tiếp viện cho các đơn vị đang đối đầu với quân giải phóng tại nhiều mặt trận. Để rồi chỉ vài năm sau đó, chế độ Sài Gòn đã hoàn toàn sụp đổ sau hàng loạt thất bại trên các chiến trường, từ đó non sông thu về một mối, đất nước thống nhất sau hàng chục năm chia cắt đầy đau thương.

Đăng Tùng

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều