Báo Đồng Nai điện tử
En

Giữ cầu cho xe tăng vào Sài Gòn (Bài 1)

11:04, 24/04/2015

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, bên cạnh đòn tiến công chiến lược đập tan "cánh cửa thép" Xuân Lộc, việc đánh vào các hậu cứ địch...cũng đã được quân và dân ta thực hiện bằng sự mưu trí, dũng cảm, góp phần mở đường cho đại quân ta tiến về giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước...

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, bên cạnh đòn tiến công chiến lược đập tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc, việc đánh vào các hậu cứ địch ở Biên Hòa cũng như công tác chuẩn bị giải phóng Biên Hòa - Long Thành - Nhơn Trạch… đã được quân dân địa phương phối hợp với bộ đội chủ lực thực hiện bằng sự mưu trí, dũng cảm và tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, góp phần mở đường cho đại quân ta tiến về giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước vào mùa xuân 1975.

Ông Tám Hải (trái) ôn lại chuyện xưa với ông Bảy Nghề (Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch).
Ông Tám Hải (trái) ôn lại chuyện xưa với ông Bảy Nghề (Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch).

Làm nhiệm vụ bảo vệ Huyện ủy Nhơn Trạch và tấn công các cứ điểm của địch trong địa phận huyện, Đại đội 240 (C240) huyện Nhơn Trạch đã góp phần không nhỏ trong đại thắng mùa xuân 1975. Với gần 20 chiến sĩ, cả đại đội đã bảo vệ cứ điểm cầu Phước Thiền (thuộc huyện Nhơn Trạch ngày nay) để cho xe tăng quân chủ lực tiến vào Sài Gòn theo hướng Đông Nam.

* C240 anh hùng

“Tay trái mất gần 4 đốt do thử mìn, cằm bị đạn M16 xuyên qua khi tấn công đồn địch, mất 11 cái răng và khuôn mặt bị biến dạng…” - vừa chỉ vào những thương tật trên cơ thể, ông Lê Thanh Hải (thường gọi Tám Hải, Đại đội phó C240 huyện Nhơn Trạch thời điểm năm 1975) vừa khoe đó là chứng tích của một thời chiến đấu gắn bó với C240. Tham gia kháng chiến từ khi 14 tuổi, ông Tám Hải nhận nhiệm vụ giao liên cho Huyện ủy Nhơn Trạch, len lỏi giữa những cánh rừng, những con lạch để đem tin tức đến các đơn vị du kích, chủ lực của huyện trước khi gia nhập C240.

“C240 ra đời vào những năm đầu 1960. Khi ấy, chúng tôi có khoảng 100 người, chủ yếu sử dụng vũ khí lấy từ kẻ thù. Những năm đầu thành lập, đại đội vừa làm công tác vũ trang, tuyên truyền, xây dựng cơ sở cách mạng, tuyển thêm tân binh, làm công tác dân vận, vừa bảo đảm chiến đấu. Để làm phá sản thế kiềm cặp của địch, đại đội đã tổ chức hàng loạt trận đánh công đồn, gây cho địch nhiều thiệt hại lớn và làm phá sản kế hoạch gom dân, lập ấp của địch” - ông Tám Hải kể lại.

Tháng 3-1975, tin thắng trận từ khắp các mặt trận liên tục được truyền tai nhau giữa các chiến sĩ C240 khiến ai nấy đều phấn khởi. Giữa tháng 4-1975, các trục đường chính hướng về Sài Gòn đã bị quân giải phóng khép chặt ở các phía. Quận Nhơn Trạch (theo cách gọi của chế độ cũ) nằm lọt thỏm giữa vòng vây bộ đội, các địa phương lân cận đều được giải phóng, quân lính Việt Nam Cộng hòa chỉ còn đường vượt sông để về Sài Gòn.

“Ngày 25-4-1975, khi chúng tôi đang phục kích chờ đánh một cứ điểm của địch thì được lệnh triệu tập về căn cứ học sa bàn chuẩn bị đánh chiếm cầu Phước Thiền, giữ vững tuyến đường cho xe tăng tiến về Sài Gòn. Nhận định rằng kẻ thù có thể hủy cầu, cản bước tiến quân giải phóng nên C240 được lệnh tiến công cấp tốc, sử dụng toàn lực đánh bật trung đội dân vệ địch đang giữ cầu và tiếp tục bảo vệ đến khi có lệnh rút. Mờ sáng 27-4-1975, chúng tôi khi đó còn 2 trung đội với 18 người, chia thành 2 mũi tập kích. Hầu hết mọi người đều được trang bị AK47, RPD và B41 là những vũ khí cá nhân tốt nhất của quân ta lúc đó, nên không ngại phải đọ hỏa lực với địch” - ông Đặng Văn Hải (thường gọi là Năm Hải, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Long Thành, nguyên Đại đội trưởng C240), tâm sự.

* Trắng đêm giữ cầu

Trang bị của lực lượng dân vệ địch bấy giờ có tiểu liên M16, súng phóng lựu M79 nên sức tấn công rất đáng gờm, chưa kể đối phương gồm một trung đội đủ quân ẩn náu trong lô cốt vững chãi, nên việc tấn công của C240 rất khó khăn. Khi đó, do tình hình chiến sự ngày càng căng thẳng nên trong bán kính vài cây số quanh cầu Phước Thiền hầu như không có một bóng người. Rạng sáng 27-4-1975, khi chỉ còn cách cầu hơn 100m, cuộc đọ súng giữa hai bên đã nổ ra. Một chiến sĩ của C240 đã gục xuống trong loạt đạn đầu tiên từ phía kẻ thù, 2 cánh tập kích liền tìm vị trí ẩn nấp và bắn trả.

“Hai bên thi nhau đọ hỏa lực nhưng lô cốt địch ở cầu thì co cụm một chỗ, còn 2 cánh của chúng tôi tản ra nên kẻ địch không thể xác định được chúng tôi có bao nhiêu quân. Sau gần một giờ súng nổ không ngớt, cả trung đội dân vệ địch đã bỏ cầu chạy tán loạn; kẻ chạy về hướng Cát Lái, kẻ chạy xuống ruộng 2 bên đường. Chúng tôi chia nhau truy kích và bắt sống được khá nhiều, những tên chạy về hướng Long Thành cũng bị Quân đoàn 2 bắt giữ” - ông Tám Hải kể.

Chiếm được cầu Phước Thiền, C240 nhanh chóng củng cố lại lô cốt, công sự ở hai bên cầu đề phòng đối phương tập trung lực lượng phản kích. Đến thời điểm đó, trong lòng mỗi người lính vẫn luôn canh cánh một nỗi lo là bị máy bay địch thả bom phá cầu sẽ làm chậm bước tiến của đại quân giải phóng.

Trong ngày 27-4-1975, quân dân Long Thành đã cùng với các đơn vị quân chủ lực làm chủ quận lỵ Long Thành. Huyện ủy Nhơn Trạch đã huy động lực lượng địa phương chuẩn bị trận địa pháo ở xã Phú Hội và Long Tân để Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2) đặt pháo 130 ly bắn vào các mục tiêu ở nội ô Sài Gòn.

Chỉ huy tiểu đoàn khi ấy đã cho một số anh em đi tìm các loại vũ khí phòng không ở chốt dân vệ, bảo an quanh đó. Câu chuyện của những người lính bảo vệ cầu khi ấy xoay quanh vấn đề sẽ đánh vào đâu trong trận tiếp theo, nếu giải phóng xong quận Nhơn Trạch thì sẽ làm gì, còn cầm súng hay về với cuộc sống đời thường…

“Chúng tôi ngồi nhẩm lại với nhau mà không khỏi rơi nước mắt. Hơn 10 năm vừa đánh giặc vừa bổ sung quân thay cho số người đã hy sinh, vậy mà từ 100 người vào năm 1961, đến năm 1975 chỉ còn gần 20 anh em. Số lượng hy sinh thật sự không thể nào chỉ trong phút chốc mà nhớ hết được. Quận Nhơn Trạch là một địa phương trọng yếu, ngay bên hông Sài Gòn nên ở đây luôn có nhiều đơn vị của quân đội Sài Gòn đóng quân, như: Sư đoàn Bộ binh 18, bảo an, biệt động quân, và Trường bộ binh Thủ Đức nằm ở Long Thành từ năm 1974, sẵn sàng chi viện cho các đơn vị địch, luôn kiềm hãm hoạt động của chúng tôi” - ông Năm Hải kể lại.

Khoảng 15 giờ ngày 27-4-1975, trong lúc C240 đang canh gác cầu Phước Thiền thì một máy bay L19 của không quân Sài Gòn bay đến gần cầu ném pháo sáng. Thấy hành động của máy bay địch, ông Tám Hải hét lớn, yêu cầu mọi người bỏ vị trí trên cầu, tản sang 2 bên đường và dùng súng nhằm vào máy bay mà bắn. Máy bay tiếp tục lượn vài vòng rồi lao xuống cắt bom, nhưng không rơi trúng cầu. Tuy mục tiêu vẫn còn nguyên vẹn, nhưng chiếc máy bay kia vẫn quay đầu bay đi.

Suốt đêm hôm đó, cả Đại đội 240 luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, nhưng đến tận sáng hôm sau vẫn không có một đơn vị nào của đối phương quay lại chiếm cầu. Sau khi xe tăng của Quân đoàn 2 băng qua cầu, tiến về hướng Cát Lái, C240 được lệnh cùng với mũi tấn công đó tiến vào trung tâm quận Nhơn Trạch truy quét tàn quân còn sót lại của địch rồi làm nhiệm vụ bảo vệ Huyện ủy Nhơn Trạch về tiếp quản.

Đăng Tùng

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều