Báo Đồng Nai điện tử
En

Xứng danh đặc công (Bài cuối)

11:04, 01/04/2015

Sân bay Biên Hòa là một trong những sân bay quan trọng nhất của Mỹ ở miền Nam, với hơn 2 ngàn binh lính được trang bị khí tài hiện đại. Địch coi nơi đây là "pháo đài" quân sự nội bất xuất ngoại bất nhập. Nhưng những trận đánh như vũ bão của bộ đội đặc công đã giáng các trận đòn choáng váng làm kẻ thù khiếp sợ, khiến sân bay bị tê liệt.

Sân bay Biên Hòa là một trong những sân bay quan trọng nhất của Mỹ ở miền Nam, với hơn 2 ngàn binh lính được trang bị khí tài hiện đại. Địch coi nơi đây là “pháo đài” quân sự nội bất xuất ngoại bất nhập. Nhưng những trận đánh như vũ bão của bộ đội đặc công đã giáng các trận đòn choáng váng làm kẻ thù khiếp sợ, khiến sân bay bị tê liệt.

Ông Nguyễn Văn Thanh (trái) cùng đồng đội Nguyễn Văn Hải ôn lại những trận đánh vào sân bay Biên Hòa.
Ông Nguyễn Văn Thanh (trái) cùng đồng đội Nguyễn Văn Hải ôn lại những trận đánh vào sân bay Biên Hòa.

Ngày 2-2-1965, Thị ủy Biên Hòa bố trí, thành lập chốt 1 (Tiểu đoàn 1 đặc công U1 Biên Hòa), lấy Tân Phong và Thiện Tân làm địa bàn đứng chân để xây dựng cơ sở, tạo bàn đạp tiến công vào sân bay Biên Hòa.

* Các trận đánh giòn giã đầu tiên

Ngày ấy, ông Nguyễn Văn Thanh (hiện sống ở xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu) làm chốt trưởng, đã cùng đồng đội được giao địa bàn, nắm tình hình địch tại xã Thiện Tân (nay thuộc huyện Vĩnh Cửu). Ngay khi nhiệm vụ được phân công, cuối năm 1965, đơn vị đã tổ chức những trận đánh nhỏ, phục kích đánh địch tại Sở cao su Ông Phú bằng 2 trái mìn, tiêu diệt trên 30 tên lính Mỹ.

Tháng 1-1966, Bộ Chỉ huy Miền chỉ đạo đội đặc công Biên Hòa bằng mọi cách phải đánh vào kho tàng, sân bay địch. Đây là nhiệm vụ quan trọng và khó khăn vì lúc này đối phương đã bố trí phòng thủ trong sân bay rất chặt chẽ. Đêm mùng 1 tết Bính Ngọ (năm 1966), 4 trinh sát đặc công đã vượt qua các bãi mìn và lớp kẽm gai từ hướng Tây để vào sân bay. Qua thực tế quan sát, tổ trinh sát đã nghiên cứu kỹ và kịp thời bổ sung thêm nhiều điểm vào phương án tác chiến cho trận tập kích.[links(left)]

Đúng như kế hoạch, lúc 0 giờ ngày 23-2-1966, 33 khẩu ĐKB và 4 khẩu pháo, cối của ta đã nã hàng trăm quả đạn vào sân bay Biên Hòa. Bị đột kích bất ngờ, toàn bộ TX.Biên Hòa rung chuyển, chấn động mạnh bởi hàng loạt tiếng nổ liên hoàn. Sau đợt tiến công này, địch thiệt hại nặng nề với 125 máy bay các loại, trong đó có nhiều chiếc phản lực tan xác, hàng trăm tên sĩ quan và giặc lái bỏ mạng. Chưa hết, đường băng sân bay còn bị hỏng nặng, phải 5 ngày sau máy bay mới cất cánh được.

Không dừng lại đó, vào tháng 8-1966, Tiểu đoàn 1 đặc công U1 Biên Hòa đã huy động 4 đồng chí luồn sâu vào hậu cứ địch, nhanh chóng dùng mìn làm cháy 2 chiếc máy bay trực thăng. Điều bất ngờ là bên trong máy bay có số lượng lớn đạn hỏa tiễn để sẵn đã cùng lúc phát nổ, phóng hỏa tiêu hủy liên hoàn 40 kho đạn. “Trận này ta giành thắng lợi lớn khiến địch hoang mang thực sự. Không uổng những ngày anh em đi trinh sát, đầu óc căng như dây đàn, nhưng hết sức tỉnh táo mới chọn được hướng an toàn, nơi không có địch gài mìn, canh gác” - ông Thanh nhớ lại.

Phát huy thắng lợi này, từ đầu năm 1967 đến tháng 11-1967, Tiểu đoàn 1 đặc công U1 Biên Hòa cùng Đội biệt động TX.Biên Hòa liên tục tấn công vào các cơ quan đầu não, căn cứ quân sự của địch bằng nhiều hình thức.

Đêm 3-2-1967, trong lúc bọn Mỹ mở cuộc càn ở Tây Ninh thì Đại đội 1 của Tiểu đoàn 1 đặc công U1 Biên Hòa từ bàn đạp Bình Trị, Hóa An đã vượt sông mở màn cho cuộc tiến công mới. Các đồng chí đặc công dùng mìn hẹn giờ bí mật áp sát vào các bồn chứa xăng dầu ở phía Tây Nam sân bay Biên Hòa. Ngay sau khi lực lượng ta rút ra an toàn thì mìn phát nổ, thiêu hủy 10 triệu lít nhiên liệu.

Trong điều kiện chiến tranh khó khăn, ác liệt nhưng các chiến sĩ đặc công vẫn kiên cường bám sát “pháo đài” sân bay Biên Hòa để tổ chức những trận đánh bất ngờ khiến địch không kịp trở tay. Ngày 12-5-1967, Đại đội 1, Tiểu đoàn 1 đặc công U1 Biên Hòa cùng Đoàn 274 (Bộ Chỉ huy Miền) pháo kích sân bay Biên Hòa, phá hủy 150 máy bay các loại.

Đến ngày 5-11-1967, Đại đội 1 tiếp tục pháo kích sân bay, phá hủy 10 chiếc máy bay khác. Tổn thất lớn về khí tài quân sự của địch chưa kịp khắc phục thì cuối mùa mưa năm 1967, một tổ đặc công đã dùng mìn tiêu diệt 20 tên lính Mỹ trên đường đi tuần tra. Sau đó không lâu, đơn vị lại tổ chức đánh vào Tỉnh đoàn bảo an của địch, làm sập 3 căn nhà, diệt 25 tên, 2 bồn xăng dầu cũng phát nổ.

“Các trận đánh của ta đã khiến quân địch choáng váng và lo sợ. Loạt trận đánh này thể hiện sự dũng cảm, mưu trí và quyết tâm của Tiểu đoàn 1 đặc công U1 Biên Hòa. Đơn vị đã được Bộ Chỉ huy Miền tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhì ngay sau đó” - ông Thanh nói.

* Phải làm cho sân bay địch tê liệt

Tỉnh ủy Biên Hòa xác định, từ sân bay Biên Hòa, không quân Mỹ đã mang bom đạn đi phục vụ các cuộc càn quét và gây nhiều tội ác với đồng bào miền Nam. Tiếp tục vận dụng cách đánh táo bạo, bất ngờ của bộ đội đặc công, quân ta phải làm cho sân bay địch tê liệt hoàn toàn. Đây sẽ là nguồn động viên, cổ vũ to lớn, thúc đẩy quân dân ta tiếp tục tiến lên làm nên những chiến thắng mới trong suốt chặng đường đấu tranh giải phóng dân tộc.

Ông Phan Văn Trang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa lúc bấy giờ, nhớ lại đúng vào giờ “G” đêm 30 tết Mậu Thân 1968, pháo tên lửa ĐKB của Trung đoàn 724 (Bộ Chỉ huy Miền) bắt đầu nổ súng, báo hiệu cho cuộc tổng công kích. Trên 100 quả đạn liên tục bắn vào sân bay Biên Hòa, gây thiệt hại nặng cho địch, khiến máy bay chúng không thể cất cánh. Lúc này, Đại đội 1, Tiểu đoàn 1 đặc công U1 Biên Hòa cùng Trung đoàn 4 chủ lực Miền đánh chiếm một góc sân bay, đồng thời phá hủy 120 máy bay địch. Các đợt ngày 2, 3 Tết Mậu Thân, đặc công U1 Biên Hòa tiếp tục tấn công sân bay. Với quyết tâm cao, ta đã diệt rất lớn sinh lực và phương tiện, nhiên liệu của địch.

Suốt giai đoạn từ năm 1965-1972, Tiểu đoàn 1 đặc công U1 Biên Hòa đã dũng cảm, mưu trí tiêu diệt hơn 400 tên lính Mỹ, 25 tên bảo an và nhiều tên ác ôn chỉ điểm. Những trận đánh, tập kích vào sân bay đã phá hủy hơn 692 máy bay các loại, 13 xe quân sự cùng hàng triệu lít nhiên liệu... Với những thành tích đó, đơn vị được Bộ Chỉ huy Miền khen thưởng Huân chương Quân công hạng nhì, nhiều huân chương chiến công và bằng khen, danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ.

Góp phần chung trong những chiến công vang dội ở chiến trường miền Đông Nam bộ, Tiểu đoàn 1 đặc công U1 Biên Hòa đã thực hiện nhiệm vụ vừa tiến công vào các kho tàng, căn cứ địch vừa đẩy mạnh diệt ác, phá kềm, đấu tranh chính trị trong TX.Biên Hòa.

Ngày 7-1-1972, Tiểu đoàn 1 đặc công U1 Biên Hòa cùng lực lượng vũ trang Phân khu Thủ Biên được cơ sở của TX.Biên Hòa giúp đỡ đã đánh nổ tung 2 kho đạn ở Bình Ý (phía Tây Bắc sân bay Biên Hòa), hủy diệt 10 tấn đạn và rốc-két. Đến đêm 1-8-1972, đơn vị cùng Đoàn đặc công 113 đã dùng pháo kích ĐKB tiếp tục đánh vào sân bay Biên Hòa, phá hỏng 74 máy bay các loại và 13 xe quân sự.

Trong khoảng thời gian này, bộ đội ta liên tục giáng các trận đòn choáng váng khiến kẻ thù khiếp sợ, tê liệt. Điển hình là vào ngày 10-9-1972, một tiếng nổ lớn từ trong sân bay Biên Hòa vang lên, theo đúng kế hoạch hiệp đồng hỏa lực giữa Tiểu đoàn 1 với Đoàn đặc công 113, sân bay Biên Hòa lần nữa chìm trong biển lửa, từng cột khói đen bốc cao, đồng thời làm nổ tung 175 máy bay. Sân bay bị tê liệt suốt 7 ngày, khiến các chuyến bay chi viện cho mặt trận Bình Long, Phước Long của địch phải hủy.

“Sân bay Biên Hòa từng là niềm kiêu hãnh của Mỹ ở miền Nam Việt Nam đã bị tê liệt hoàn toàn. Các trận đánh này thể hiện sự táo bạo, bất ngờ, đạt hiệu suất chiến đấu cao của bộ đội đặc công chúng ta” - ông Thanh nói giọng tự hào.

Thanh Hải

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều