Báo Đồng Nai điện tử
En

Giải pháp cho người nghiện (Bài cuối)

10:08, 21/08/2015

Theo quy định pháp luật hiện hành, những người nghiện ma túy được xem là người mắc bệnh mãn tính cần được chữa trị, không phải là tội phạm nên việc quản lý các đối tượng nghiện đang trở thành vấn đề cấp bách cần được các cơ quan, ban, ngành cùng chung tay thực hiện.

Theo quy định pháp luật hiện hành, những người nghiện ma túy được xem là người mắc bệnh mãn tính cần được chữa trị, không phải là tội phạm nên việc quản lý các đối tượng nghiện đang trở thành vấn đề cấp bách cần được các cơ quan, ban, ngành cùng chung tay thực hiện.

* Khi con nghiện lên “cơn”

Thượng tá Phạm Thọ Bình, Phó trưởng phòng tham mưu Công an tỉnh, cho biết: “Giữa tội phạm hình sự và tội phạm ma túy có mối liên hệ rất chặt chẽ với nhau. Tình hình trật tự an toàn xã hội ngày càng phức tạp khi các đối tượng nghiện vẫn sống lang thang ngoài xã hội. Người nghiện ma túy có thể làm bất kỳ điều gì, như: đâm chém, cướp của, giết người, mua bán ma túy, trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản…, miễn là họ có thể kiếm tiền thỏa mãn cơn nghiện của mình”.

Những người cai nghiện trong giờ lao động tại Trung tâm giáo dục - lao động xã hội Đồng Nai ở xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc.
Những người cai nghiện trong giờ lao động tại Trung tâm giáo dục - lao động xã hội Đồng Nai ở xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc.

Dù đã 2 năm trôi qua, nhưng nhiều người dân xã Long Tân (huyện Nhơn Trạch) vẫn không thể quên được chuyện bị cáo Phan Văn Mạnh (24 tuổi, ngụ xã Long Tân) trong lúc say ma túy đã cướp đi sinh mạng của 2 đứa trẻ sinh đôi mới 7 tháng tuổi và suýt tước luôn mạng sống của mẹ ruột, chị gái mình bằng con dao chặt đá. Với hành vi mất nhân tính của mình, Mạnh đã phải trả giá bằng bản án tử hình.

Viện Kiểm sát nhân dân huyện Trảng Bom vừa truy tố các đối tượng trong nhóm trộm cắp liên huyện, gồm: Phạm Bá Cường (30 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa), Lượng Công Minh (43 tuổi), Lê Tấn Tài (29 tuổi, cùng ngụ huyện Long Thành), về tội trộm cắp tài sản. Theo kết quả điều tra, chỉ vì cần tiền mua ma túy sử dụng, các đối tượng này (mới ra tù) đã lập băng nhóm đi trộm cắp tài sản tại nhiều địa phương, gây hoang mang cho người dân.

“Trong 5 năm qua, tình hình người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng, số người mới nghiện chưa được kiềm chế, tỷ lệ tái nghiện còn cao. Qua phân tích cho thấy, thành phần đối tượng nghiện tập trung chủ yếu vào nhóm có trình độ học vấn thấp, đối tượng có tiền án, người không có nghề nghiệp, thu nhập ổn định và một số đối tượng là công nhân, học sinh, sinh viên đua đòi ăn chơi bị dụ dỗ, lôi kéo. Đáng chú ý, tình trạng thanh thiếu niên sử dụng ma túy tổng hợp trong các quán bar, vũ trường, nhà nghỉ thời gian gần đây ngày càng nhiều, trong đó có nhiều đối tượng nghiện liên quan đến tội phạm hình sự” - trích báo cáo tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy từ năm 2011-2015 của Ban Chỉ đạo phòng chống AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội tỉnh.

Không có tiền để mua ma túy sử dụng, vào ngày 14-4, Nguyễn Duy Hồ (24 tuổi, ngụ huyện Xuân Lộc) đã chặn đầu xe của cháu Võ Duy Khanh (14 tuổi, ngụ huyện Xuân Lộc), rồi dùng bơm kim tiêm gí vào đầu Khanh đe dọa, cướp chiếc xe máy và điện thoại di động của cháu.

Nghiện ma túy lâu năm và bản thân đã mắc căn bệnh AIDS, Nguyễn Phi Tiến (ngụ phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) đã trở nên bất chấp pháp luật, trở thành kẻ sản xuất, mua bán trái phép chất ma túy. Ngày 25-2, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh đã phối hợp với Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Tây Ninh tiến hành bắt, khám xét tại nhà Tiến và thu giữ 1 bánh heroin, 17kg chất bột ma túy, cùng 4 máy ép ma túy.

Việc biến con nghiện thành tội phạm hình sự là điều đơn giản, một sớm một chiều. Ranh giới đó rất mong manh, ảnh hưởng rất lớn đến trật tự xã hội và những hệ lụy xảy ra là điều không thể tránh khỏi.

* Giải pháp nào cho người nghiện?

Để đảm bảo sức khỏe cho người nghiện, cũng như đảm bảo sự an toàn cho xã hội, các cơ quan chức năng đã vào cuộc để giúp người nghiện sớm trở lại cộng đồng thành công dân tốt.

Bác sĩ chuyên khoa I Phùng Văn Thanh, Phó phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế), cho biết: “Hiện nay, để thực hiện các nghị định 111 và 221, Sở Y tế đã hoàn thành việc cấp chứng chỉ tập huấn về điều trị cắt cơn nghiện ma túy cho 200 cán bộ y, bác sĩ trong tỉnh để họ có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện ma túy. Ngoài ra, việc triển khai uống methadone tại 2 điểm Bệnh viện đa khoa TP.Biên Hòa và Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS Đồng Nai bước đầu đã đạt hiệu quả. Những người nghiện khi uống methadone sẽ không gây hội chứng cai và tránh được những cơn vật vã thèm thuốc. Việc uống methadone như là loại thuốc thay thế và phải dùng suốt đời. Sở Y tế cũng đã thí điểm việc sử dụng thuốc cedemex tại phường Tam Hiệp (TP.Biên Hòa) để cắt cơn cho người nghiện. Nếu dùng thuốc đúng liều và người nghiện có quyết tâm cao, chỉ trong khoảng thời gian 6 tháng đến 2 năm có thể cai nghiện được. Có điều, chi phí điều trị bằng thuốc cedemex khá cao nên nhiều người không có khả năng sử dụng”.

Say ma túy dẫn đến giết 2 đứa trẻ vô tội, Phan Văn Mạnh đã phải lãnh án tử hình.
Say ma túy dẫn đến giết 2 đứa trẻ vô tội, Phan Văn Mạnh đã phải lãnh án tử hình.

Để có biện pháp tốt cho việc cai nghiện ma túy, ông Đặng Xuân Hòa, Phó chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh, cho biết: “Hiện nay, mỗi xã, phường đều có tổ công tác cai nghiện với sự tham gia của đại diện các ban, ngành, đoàn thể và đội tình nguyện viên thường tổ chức vận động, giúp đỡ những người nghiện ma túy tự cai”.

Ông Hòa cho biết thêm, do 2 điểm uống methadone đã quá tải nên sắp tới tỉnh sẽ mở thêm tại các huyện: Long Thành, Định Quán và TX.Long Khánh. Trong tháng 4-2015, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh đã trình UBND tỉnh dự án chuyển đổi Trung tâm giáo dục - lao động xã hội Đồng Nai thành cơ sở cai nghiện của tỉnh. Cơ sở này sẽ tập trung những người cai nghiện bắt buộc và cả người cai nghiện tự nguyện, đồng thời cũng là nơi tập trung những người nghiện sống lang thang để có điều kiện quản lý.

Về vai trò của ngành công an trong việc quản lý các đối tượng nghiện ma túy, theo Thượng tá Bình: “Người nghiện ma túy hiện được xem là người bệnh, chứ không phải tội phạm nên ngành công an không có vai trò lớn trong quản lý. Tuy nhiên, ngành công an lại có trách nhiệm rất lớn trong việc đấu tranh với các loại tội phạm sản xuất, buôn bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Công an tỉnh sẽ phối hợp với Sở Y tế, Sở Lao động - thương binh và xã hội cùng các ban, ngành, đoàn thể thực hiện đẩy lùi ma túy ra khỏi đời sống xã hội”.

“Sở dĩ việc tổ chức cai nghiện ma túy hiện nay chưa đạt kết quả cao là do bản thân người nghiện chưa quyết tâm cao, gia đình người nghiện chưa thật sự là chỗ dựa vững chắc cho họ và các cơ quan chức năng chưa làm hết trách nhiệm trong việc giúp đỡ người nghiện để họ có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng” - Thượng tá Bình nói thêm.

Tố Tâm

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều