Báo Đồng Nai điện tử
En

Mai một nghề dệt của người Chơro

11:08, 23/08/2015

Những chiếc khố nam, váy nữ... của người Chơro tại Đồng Nai hiện chỉ còn là ký ức, thay vào đó là áo thun, quần jean như người Kinh thường sử dụng. Trải qua những biến cố lịch sử của đất nước, cùng với sự giao lưu tiếp biến văn hóa với các dân tộc khác đã làm cho nghề dệt truyền thống của người Chơro chỉ còn trong trí nhớ một số người.

Những chiếc khố nam, váy nữ... của người Chơro tại Đồng Nai hiện chỉ còn là ký ức, thay vào đó là áo thun, quần jean như người Kinh thường sử dụng. Trải qua những biến cố lịch sử của đất nước, cùng với sự giao lưu tiếp biến văn hóa với các dân tộc khác đã làm cho nghề dệt truyền thống của người Chơro chỉ còn trong trí nhớ một số người.

Ông Điểu Sao và một phần khung dệt trong nhà cộng đồng (ảnh do TS. Lâm Nhân cung cấp).
Ông Điểu Sao và một phần khung dệt trong nhà cộng đồng (ảnh do TS. Lâm Nhân cung cấp).

Người Chơro mặc đồ truyền thống trong cuộc sống đời thường rất hiếm, có chăng chúng chỉ xuất hiện thấp thoáng qua những lễ hội cổ truyền. Trước xu hướng hòa nhập ngày càng mạnh mẽ trên tất cả các mặt của đời sống, người Chơro không có nhiều lựa chọn để giữ những giá trị truyền thống của nghề.

* Chỉ còn trong ký ức

Để tìm được người hiểu biết sâu sắc về nghề dệt truyền thống của người Chơro ở Đồng Nai rất khó khăn. Số người biết về cách dệt, cách nhuộm hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hiện nay, ông Điểu Sao (ngụ ấp Đồng Xoài, xã Túc Trưng, huyện Định Quán) và con gái Điểu Thị Bích là một trong số ít người còn nắm được cơ bản cái “hồn” nghề dệt của dân tộc mình.

Theo ông Điểu Sao, trước đây công việc dệt thổ cẩm do cánh phụ nữ đảm nhiệm, được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Để dệt được một sản phẩm, người Chơro sử dụng bộ dụng cụ dệt bằng tay, gồm: bộ tách hạt bông vải, dụng cụ cuốn bông vải thành chỉ, phần gỗ đeo vào lưng người dệt, cây lật, cây giữ chỉ cho đều, dao chặt xếp chỉ, cây chặn chỉ, cây đảo chỉ, cây đè đưa chỉ lên xuống, cây xoay, cây chịu lực. Công việc làm ra tấm thổ cẩm rất vất vả và tốn nhiều thời gian. “Người Chơro trước đây phải trồng bông, lấy bông đánh thành những cây bông dài khoảng 20cm, sau đó đưa vào quay thành những sợi chỉ. Để chỉ được bền chắc, những sợi chỉ phải được nhúng vào nước gạo đã nấu sôi, đem phơi khoảng 1 tuần rồi quấn thành những cuộn tròn, lúc này mới có chỉ để đưa lên khung dệt” - ông Điểu Sao kể.

Muốn có màu thổ cẩm bền, đẹp tự nhiên, người Chơro phải vào rừng tìm những lá cây khác nhau. Để tạo ra màu tím và màu đen, họ nhúng sợi vải vào nước nóng đun sôi từ cây mockđoi và cây sơ vut nhoi, sau đó cho sợi vải vào hỗn hợp sáp ong và nước gạo để nguội sẽ ra màu tím; muốn thành màu đen thì sợi sẽ được ngâm bùn từ 3-5 ngày.

“Muốn bảo tồn và phát huy nghề dệt, chỉ có người Chơro không thể làm được. Cần phải có sự quan tâm, đầu tư của chính quyền, của Nhà nước, đặc biệt là từ các mạnh thường quân. Nếu không, chúng ta chỉ bàn cho vui mà thôi” - TS. Lâm Nhân nhấn mạnh về cách giúp người Chơro tìm lại nghề truyền thống của dân tộc.

Ông Điểu Sao kể: “Khi dệt thổ cẩm, người dệt phải ngồi, chân duỗi thẳng đạp lên một thanh gỗ để làm căng hay chùng chỉ tùy ý. Một đầu của giàn sợi được buộc vào cột nhà, các sợi vải được đưa vào cây giữ chỉ theo thứ tự nhất định, sau đó mắc vào cây chặn chỉ và cây đảo chỉ. Đầu chỉ kia được nối vào phần gỗ đeo ở lưng người dệt. Khi dệt phải dùng chân và lưng căng giàn sợi, một tay đập go, một tay luồn thoi sợi”.

Theo đó, để dệt thành một tấm mền hay chiếc xà rông phải mất một tháng, còn với chiếc khăn thì khoảng một tuần.

* Nguy cơ mất nghề dân tộc

Tại xã Túc Trưng, những người dân tộc Chơro hiện nay không còn sống biệt lập mà hòa đồng cùng với người Kinh. Bây giờ, họ đi làm rẫy hoặc làm công nhân, không còn mấy ai để ý đến nghề dệt của cha ông mình.

Buồn về nghề, ông Điểu Sao tâm sự: “Dù là nghề truyền thống của dân tộc, nhưng số người biết nghề ở đây hiện chỉ còn khoảng 3-5 người. Trong số đó, có người đã già, chỉ nhớ nghề mang máng; thế hệ trẻ bây giờ không còn ai biết. Chính tôi và con gái, đến việc bỏ chỉ vào khung dệt cũng không nhớ rõ, mà nếu lộn một sợi sẽ không dệt được”.

Chiếc váy được người Chơro dệt, mặc trong các lễ hội của dân tộc.
Chiếc váy được người Chơro dệt, mặc trong các lễ hội của dân tộc.

Để dệt ra một sản phẩm phải mất rất nhiều công sức, nên ít người chịu học và có học cũng khó theo được nghề. Hòa cùng xu thế thị trường, hàng hóa phong phú, đa dạng, người dân tộc Chơro chỉ cần bỏ ra vài chục hoặc vài trăm ngàn đồng đã có thể mua được những bộ quần áo mặc tiện lợi, không phải tốn công như khi dệt trước đây. “Dệt thành cái xà rông, chiếc khăn hay cái mền cũng không dễ. Làm ra nó có khi mất cả tháng, ngồi dệt lại đau lưng nên ít người làm. Giờ còn mấy ai rảnh mà làm, vì người ta đều lo làm ăn, ngồi dệt thì lấy gì ăn” - ông Điểu Sao chia sẻ thêm.

Là người nghiên cứu lâu năm về người Chơro tại Đồng Nai, TS. Lâm Nhân, Trưởng khoa Sau đại học, Trường đại học Văn hóa TP.Hồ Chí Minh, cho biết: “Việc người Chơro không còn nhớ được nghề dệt thổ cẩm do nhiều nguyên nhân. Trước hết, khu vực sinh sống của người Chơro là vùng chiến  tranh xảy ra liên miên, người dân liên tục di chuyển chỗ ở, các chất liệu phục vụ cho nghề khó trồng và khó kiếm, khung dệt cũng khó mang theo khi cuộc sống bất ổn. Bên cạnh đó, nghề dệt của người Mạ, Chăm, Việt và các dân tộc sống xen cư phát triển mạnh hơn, người Chơro dễ dàng trao đổi các sản vật để lấy vải vóc và quần áo. Có thể đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc thất truyền của nghề dệt thổ cẩm của người Chơ ro”.

Cũng là người Chơ ro, ông Điểu Bảo, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, đã có thời gian trực tiếp đi mua nguyên liệu, tổ chức dạy nghề để cùng người dân địa phương khôi phục lại nghề dệt truyền thống nhưng không đạt được như mong đợi. Theo đánh giá của ông Điểu Bảo: “Nghề dệt của người Chơro hiện nay còn rất ít người biết, chủ yếu là ở các cụ cao niên, nhưng do già yếu, trí nhớ của họ không còn tốt nên không còn nhớ rõ. Lớp trẻ hiện nay lại không chịu học, lo đi làm ăn, nên chúng tôi cũng sợ mất đi cái nghề dệt thổ cẩm. Bản sắc văn hóa của chính dân tộc mình, người dân tộc thiểu số phải có ý thức giữ gìn cho mình, chứ Nhà nước chỉ có thể hỗ trợ về chính sách”.

Muốn khôi phục nghề dệt của người Chơro cần có một dự án đầu tư khôi phục một cách đồng bộ, dài hơi. Từ việc khôi phục vùng trồng nguyên liệu dệt (bông), cho đến đầu ra của sản phẩm. Rút kinh nghiệm từ các dự án bảo tồn và phát huy nghề dệt của các dân tộc khác, nếu không duy trì được nguồn tiêu thụ ổn định, tạo công ăn việc làm ổn định, có thu nhập cho người dân..., họ sẽ ngừng sản xuất khi dự án hết kinh phí bao cấp.

Các sản phẩm dệt mà dân tộc Chơro tạo ra đã được nhiều du khách nước ngoài biết đến. Trước đây, nhà ông Điểu Sao cũng đã dệt sản phẩm bán cho du khách, nhưng vì không còn ai dệt, cũng như thiếu định hướng sản phẩm nên lâu nay không còn làm nữa.

Mong muốn giữ và khôi phục nghề của một số người Chơro hiện nay có vẻ khó trở thành hiện thực khi chính bản thân chủ nhân của nghề đang dần quên đi và bị chi phối bởi cuộc sống cơm áo thường ngày.

Thiên Quyết

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều