Báo Đồng Nai điện tử
En

Vui buồn quân y bệnh xá

11:11, 30/11/2015

Từ nhiều năm qua, Bệnh xá Trường đại học Nguyễn Huệ (xã Tam Phước, TP.Biên Hòa) đã trở thành địa chỉ cấp cứu và khám, chữa bệnh tin cậy của nhiều hộ dân ở các xã: Tam Phước, Phước Tân (TP.Biên Hòa), An Viễn (huyện Trảng Bom)...

Từ nhiều năm qua, Bệnh xá Trường đại học Nguyễn Huệ (xã Tam Phước, TP.Biên Hòa) đã trở thành địa chỉ cấp cứu và khám, chữa bệnh tin cậy của nhiều hộ dân ở các xã: Tam Phước, Phước Tân (TP.Biên Hòa), An Viễn (huyện Trảng Bom)... Thượng tá, bác sĩ Nguyễn Đình Hải, Bệnh xá trưởng, cho biết: “Hơn 40 năm kể từ khi bệnh xá được dựng tại nơi đây, mỗi thế hệ y, bác sĩ của bệnh xá đều mang trong mình lý tưởng chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, nhân dân chính là góp phần dựng xây đất nước và làm đẹp hình ảnh anh “bộ đội Cụ Hồ” trong mắt nhân dân”.

* Tâm huyết với nghề

Trước khi đến với màu áo blouse trắng, bác sĩ Lê Hồng Khánh là sinh viên khoa Toán của Trường đại học sư phạm Hà Nội. Vì thích môi trường quân đội và muốn trở thành bác sĩ mặc áo lính, anh đã quyết tâm ôn bài để thi vào Học viện Quân y. Do thời gian học tập bị chi phối nhiều, nên sau 3 năm liên tiếp thi vào Học viện Quân y anh mới đậu. Bác sĩ Khánh cho biết: “Hồi nhỏ, tôi thấy nhiều người bệnh do hoàn cảnh khó khăn đã chọn cách tự chữa bệnh, hoặc để bệnh trở nặng mới đến tìm bác sĩ. Vì vậy, tôi muốn làm bác sĩ để mong giúp được nhiều người”.

Tiếp nhận hồ sơ khám bảo hiểm y tế của người dân.
Tiếp nhận hồ sơ khám bảo hiểm y tế của người dân.

Năm 2007, sau khi ra trường, anh về bệnh xá của Trường đại học Nguyễn Huệ nhận công tác. Lúc này, trang thiết bị y tế ở bệnh xá còn thiếu thốn rất nhiều, trong khi lượng bệnh nhân tiếp nhận mỗi ngày không dưới 200 người, các y, bác sĩ ở đây phải luôn làm việc đến quên ăn quên ngủ.

Thượng tá Nguyễn Đình Hải giải thích: “Thời chiến, nhân dân đã đùm bọc, che chở cho bộ đội thì khi hòa bình, chúng tôi phải có nghĩa vụ phục vụ lại nhân dân”. Theo lời bác sĩ Hải, vào năm 1975 khi vừa tiếp quản khu vực này, lãnh đạo nhà trường đã cho xây dựng bệnh xá. Điều kiện cơ sở vật chất khi đó còn nhiều khó khăn, dịch bệnh thường xuyên xảy ra do công tác phòng ngừa trong cộng đồng còn kém, nhưng các y, bác sĩ của bệnh xá đã cố gắng hết sức để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Nói rồi, bác sĩ Hải đi đến giường bệnh của một bệnh nhân khoảng 50 tuổi kiểm tra hồ sơ bệnh án và ân cần hỏi han sức khỏe, dặn dò bệnh nhân phải nghỉ ngơi, ăn uống điều độ. “Nhiều lúc bệnh nhân đông quá, chúng tôi phải làm lấn vào giờ nghỉ cho tới khi khám xong người bệnh cuối cùng” - vừa nói, bác sĩ Hải vừa chỉ tay về phía các bệnh nhân ngồi đợi tới lượt khám ở dãy phòng đối diện.

Đại úy Nguyễn Việt Tuấn, Phó bệnh xá, tâm sự: “Chúng tôi luôn quan niệm bác sĩ quân y phải hết lòng vì bệnh nhân. Vì ngoài lời thề Hippocrates vốn đã thuộc nằm lòng, chúng tôi còn gánh trên vai nhiệm vụ của người lính, sống giữa nhân dân nên phải phục vụ nhân dân hết lòng”.

* Vui, buồn quân y bệnh xá

Được biết, do một số tuyến đường trong Khu công nghiệp Giang Điền (huyện Trảng Bom), Khu công nghiệp Tam Phước và các xã lân cận thưa thớt xe vào buổi tối nên nhiều người dân chủ quan chạy xe với tốc độ cao, dễ xảy ra tai nạn giao thông. Khi nạn nhân được đưa vào cấp cứu tại bệnh xá, các y, bác sĩ ở đây phải phân chia nhau túc trực thường xuyên để kịp thời cấp cứu, theo dõi tình trạng của người bệnh. Bệnh xá vốn dĩ là tuyến khám bệnh ban đầu nên nhân lực mỏng, trang thiết bị cũng kém hơn bệnh viện, nên bác sĩ ở đây gặp không ít khó khăn khi “đụng” ca cấp cứu khó.

Năm 2013, Bệnh xá Trường đại học Nguyễn Huệ đã vinh dự nhận được bằng khen của Bộ Quốc phòng về thành tích 10 năm xây dựng mạng lưới y tế, đồng thời nhận được nhiều thư cảm ơn từ địa phương, các bệnh nhân đã được bệnh xá cứu chữa nhiệt tình khi gặp nạn. Việc làm của các y, bác sĩ tại đây đã gắn chặt thêm tình đoàn kết “quân với dân như cá với nước” giữa nhà trường và nhân dân địa phương.

Bác sĩ Lê Hồng Khánh nhớ lại: “Tôi đã từng trải qua nhiều ca cấp cứu bệnh nhân nguy hiểm, từ tai nạn lao động, tai nạn giao thông đến tai nạn trong đời sống sinh hoạt. Gần đây nhất, vào ngày 4-11, một công nhân trong lúc làm việc đã bị máy cán nát tay trái, mất nhiều máu và bị ngất. Khi cấp cứu bệnh nhân này, tôi không bắt mạch được, nạn nhân lại không thở được, bị tụt huyết áp. Lúc ấy, chúng tôi đã nhanh chóng băng bó giảm đau, cầm máu… và 30 phút sau thì bệnh nhân ổn định trở lại, được chuyển lên tuyến trên an toàn”.

Bác sĩ Khánh còn cho biết, vì tính cấp bách khi xử lý các vụ cấp cứu do tai nạn, nên đòi hỏi y, bác sĩ ở bệnh xá phải luôn trau dồi trình độ chuyên môn, đồng thời bình tĩnh trước áp lực giành giật mạng sống bệnh nhân khỏi tay tử thần. Như tháng 5 vừa qua, bệnh xá cấp cứu một cháu bé bị sặc thức ăn trong tình trạng toàn thân tím tái, suy hô hấp. Lúc đó, các bác sĩ của bệnh xá đã cấp cứu kịp thời và khoảng 20 phút sau thì cháu bé đã có hơi thở đều trở lại.

Thượng tá Nguyễn Đình Hải cho hay, cả 2 trường hợp trên chỉ cần đưa đi cấp cứu trễ chừng 5-10 phút thì nạn nhân khó có cơ hội qua khỏi, nên lực lượng trực tại bệnh xá đều luôn đặt trong tình trạng sẵn sàng.

Bác sĩ Lê Hồng Khánh tâm sự, mỗi lúc cấp cứu thành công một ca bệnh, anh thấy rất vui, đồng thời tích lũy thêm được những kinh nghiệm xử lý tình huống khi cấp cứu. “Kiến thức chuyên môn là một chuyện, cách xử lý các tình huống mới là điều quan trọng nhất. Nếu bác sĩ không bình tĩnh trước áp lực của ca cấp cứu sẽ dễ thao tác sai, dẫn đến hậu quả khó lường. Vì vậy, những bác sĩ trẻ luôn được lãnh đạo bệnh xá động viên và hướng dẫn tận tình để có thể ứng phó với các tình huống khẩn cấp tốt nhất” - bác sĩ Khánh bộc bạch.

Bác sĩ tại bệnh xá khám cho người bệnh.
Bác sĩ tại bệnh xá khám cho người bệnh.

Chị Cao Thị Diệu, người dân xã An Viễn, cho biết: “Khu vực tôi ở cách Bệnh viện đa khoa Long Thành và các bệnh viện tuyến trên cả chục km. Gặp trường hợp cấp cứu, sợ đi bệnh viện xa không kịp nên chúng tôi ghé vào đây cấp cứu bệnh và cảm thấy rất yên tâm với cách làm việc của các y, bác sĩ ở đây. Họ nhiệt tình với bệnh nhân lắm!”.

Không chỉ khám, chữa bệnh tại bệnh xá, các y, bác sĩ ở Bệnh xá Trường đại học Nguyễn Huệ còn tổ chức đi khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người lớn tuổi, các gia đình chính sách trong và ngoài tỉnh từ 3-5 lần/năm. Từ những chuyến đi đó, các y, bác sĩ lại có điều kiện gần gũi hơn với người dân và rèn giũa thêm tư cách đạo đức để ngày càng được người dân tin tưởng.

Câu chuyện về các quân y bệnh xá còn dở dang thì bác sĩ Hải và các đồng nghiệp nhận được tin báo có trường hợp tai nạn giao thông vừa chuyển đến cấp cứu, nên họ chạy vội về phòng cấp cứu để xem xét tình hình. Bóng họ khuất dần sau hành lang, nhưng câu nói: “Vui vì cứu chữa được người dân, nhưng buồn vì số lượng cấp cứu mỗi ngày không thuyên giảm” cứ in đậm vào đầu chúng tôi khi nghĩ về họ, những bác sĩ mặc áo lính lặng lẽ giúp đời bằng những việc thầm lặng.

Đăng Tùng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều