Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện may cờ cho ngày giải phóng

10:04, 29/04/2016

Ngày 30-4-1975, TP.Biên Hòa rực rỡ bởi rừng cờ cách mạng tung bay trên khắp mái nhà, đường phố, cơ sở công quyền và trên nóc dinh lũy của địch.

Ngày 30-4-1975, TP.Biên Hòa rực rỡ bởi rừng cờ cách mạng tung bay trên khắp mái nhà, đường phố, cơ sở công quyền và trên nóc dinh lũy của địch. Màu cờ đỏ thắm thiêng liêng gắn bó với dân tộc suốt chặng đường đấu tranh cách mạng đã được người dân thành phố giương cao trong ngày toàn thắng, đánh dấu cuộc đổi đời của một thành phố sau hơn 1/4 thế kỷ đắm chìm trong xiềng xích của bọn thực dân, đế quốc.

“Để có được những lá cờ cách mạng tung bay trên thành phố trong ngày vui toàn thắng, trước đó các má, các dì, những chiến sĩ cách mạng và quần chúng trung kiên hoạt động trong lòng địch đã trải qua nhiều khó khăn, nguy hiểm, thậm chí đổ máu để tìm được những thước vải may cờ” - ông Phan Văn Trang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, nguyên Bí thư Thị ủy Biên Hòa thời kháng chiến, đầy ắp cảm xúc khi nhắc lại câu chuyện đã đi vào lịch sử cách đây 41 năm.

* Chuẩn bị chu đáo

Ông Phan Văn Trang kể, từ đầu tháng 2 đến tháng 4-1975, trên khắp các chiến trường, trước sức tấn công thần tốc, vũ bão của quân giải phóng, quân địch bị tan rã từng mảng, chính quyền Sài Gòn đứng trước giờ phút cáo chung. Lúc bấy giờ, Khu ủy miền Đông đã chỉ đạo lực lượng cách mạng các địa phương chuẩn bị mọi điều kiện, chờ thời cơ để tổ chức quần chúng nổi dậy cướp chính quyền. Trước diễn biến nhanh chóng này, để tranh thủ thời cơ, Thị ủy Biên Hòa đã chỉ đạo các đồng chí hoạt động nội thành bằng mọi giá phải thành lập Ban Khởi nghĩa để vận động quần chúng vùng lên cướp chính quyền.

Nhân dân TP.Biên Hòa thu gom súng địch trong ngày giải phóng (ảnh tư liệu).
Nhân dân TP.Biên Hòa thu gom súng địch trong ngày giải phóng (ảnh tư liệu).

Bà Võ Thị Huệ (còn gọi là Tám Huệ, hiện ngụ tại KP.4, phường Thanh Bình, TP.Biên Hòa, nguyên Bí thư Chi bộ mật chợ Biên Hòa lúc bấy giờ) nhớ lại, nhận chỉ đạo của Thị ủy, trực tiếp là đồng chí Phan Văn Trang, bà đã cùng các đồng chí trong Chi bộ mật chợ Biên Hòa bí mật ra Long Hải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện nay) tổ chức cuộc họp phân công nhiệm vụ. Tại đây, Ban Khởi nghĩa cướp chính quyền ở Biên Hòa chính thức ra đời. Đồng chí Trần Thị Ngọc (còn gọi là Chín Ngọc), một quần chúng trung kiên của Đảng, được bầu làm Trưởng ban. Mọi hoạt động chuẩn bị chờ thời cơ để cướp chính quyền cũng được chi bộ bàn bạc thật kỹ tại cuộc họp này.

Trở lại Biên Hòa, cùng với việc gấp rút chuẩn bị kế hoạch cướp chính quyền, các má, các dì trong Chi bộ mật chợ Biên Hòa bàn với nhau phải may thật nhiều cờ giải phóng để chuẩn bị cho ngày khởi nghĩa. Nhưng vấn đề nan giải lúc đó là việc thu gom vải màu xanh, đỏ may cờ không đơn giản. Vì lúc ấy, bọn mật thám, chỉ điểm lùng sục khá gắt gao, chúng tung người đi khắp các ngõ ngách để tìm tung tích “Việt Cộng”; ai mua nhiều vải màu xanh, đỏ sẽ gặp rắc rối to với chúng. Trước khó khăn đó, để tránh sự theo dõi của bọn mật thám, các má, các dì đã phân công tỏa ra các chợ, mỗi người chia nhau mua từng mét vải rồi trao lại cho bà Tám Huệ để may cờ.

Ngày cũng như đêm, trong căn nhà ẩm thấp, chật chội của ông Mười Hậu, một cơ sở cách mạng ở phường Tân Mai (TP.Biên Hòa), bà Tám Huệ cùng các thành viên trong gia đình ông Mười cặm cụi bên chiếc máy may cũ kỹ, gấp rút may hàng trăm lá cờ Tổ quốc, cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam để sử dụng trong ngày vui toàn thắng, mặc cho nguy hiểm bên mình, mặc cho kẻ thù rình mò, tìm kiếm.

* Lá cờ trên dinh

Đêm 29, rạng sáng 30-4-1975, khi được cơ sở nội tuyến báo cáo tình hình địch đang hoang mang và chuẩn bị tháo chạy khỏi thành phố, bà Tám Huệ đã triệu tập chi bộ và Ban Khởi nghĩa để kiểm tra kế hoạch hành động lần cuối. Tại cuộc họp này, chi bộ phân công bà Chín Ngọc nắm lại tình hình địch, phát lời kêu gọi của Ban Khởi nghĩa. Các bà: Trần Thị Vườn (còn gọi là Năm “Trầu Cau”), Trương Thị Sáu (Sáu Long) và Lê Thị Hiền chuẩn bị cuốc, xẻng vận động quần chúng phá Nhà lao Tân Hiệp, giải phóng các đồng chí, đồng bào bị địch giam cầm. Vui mừng đến trào nước mắt, 30 năm chỉ có một ngày, các má, các dì thức thâu đêm chuẩn bị kế hoạch thật chu đáo để chuẩn bị bước vào trận chiến đấu mới.

Sáng 30-4-1975, Biên Hòa chan hòa ánh sáng. Trên các đường phố, hàng ngàn tên lính Sài Gòn với đủ sắc lính cởi bỏ quần áo tìm đường tháo chạy. Sinh hoạt xã hội gần như hỗn loạn bởi tiếng súng nổ, tiếng chửi bới, văng tục của bọn lính thua trận, dù lúc này bộ đội ta mới tiến đến các mục tiêu bên ngoài thành phố.

Lúc bấy giờ, Thị ủy Biên Hòa cũng chưa có chỉ thị gì mới nên bà Tám Huệ cùng các má, các dì trong Ban Khởi nghĩa hơi lo. Nhưng khi nghĩ đến việc được Đảng phân công phụ trách ở đây, nhiệm vụ của mình mình phải lo nên bà Tám Huệ nhắc nhở chị em trong Ban Khởi nghĩa phải thật khéo léo để tránh thiệt hại, dồn sức để giành thắng lợi trọn vẹn. Riêng bà tất tả chạy đến nhà ông Mười Hậu gom vội hàng trăm lá cờ được cất giấu cẩn thận dưới gốc chuối, quanh bờ vườn rồi vội vã ngược ra Công trường Sông Phố.

Với bà Võ Thị Huệ (phải), chuyện cắm cờ trong ngày giải phóng là sự kiện mãi khắc sâu trong ký ức.
Với bà Võ Thị Huệ (phải), chuyện cắm cờ trong ngày giải phóng là sự kiện mãi khắc sâu trong ký ức.

Đã bao nhiêu năm hoạt động trong lòng địch, vượt qua bao khó khăn, gian khổ, khi làm lao công cho Hãng đá Tân Thành (phường Bửu Long, TP.Biên Hòa ngày nay), khi giả làm người bán cá khô, lúc làm thợ may... chỉ với mục đích cho nước nhà được độc lập, quê hương được tự do, đó là mục tiêu, lý tưởng mà bà Tám Huệ đã thề trước lá cờ thiêng liêng của Đảng kể từ khi bước chân vào con đường cách mạng. Hôm ấy, thời cơ ấy đã đến, bà Tám Huệ sung sướng nhưng cũng không tránh khỏi hồi hộp, lo âu. Trước mắt bà Tám Huệ và các đồng chí trong Ban Khởi nghĩa lúc này, kẻ thù dù đang giẫy chết, nhưng trong đội quân thua trận ấy vẫn còn nhiều tên ngoan cố chưa chịu buông súng đầu hàng. Điều gì sẽ xảy ra nếu như bà Tám Huệ và các đồng chí trong Ban Khởi nghĩa xông lên cắm lá cờ cách mạng tận sào huyệt của địch là Tòa hành chánh tỉnh Biên Hòa và dinh lũy của tên tướng tư lệnh Quân đoàn 3 Nguyễn Văn Toàn?

Trong giây phút âu lo ấy, bà Tám Huệ thầm nghĩ: “Phải cùng các đồng đội cắm cho được lá cờ cách mạng trên nóc hang ổ của giặc, dù cho có chết cũng hoàn thành được nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó”.

Trong giây phút âu lo ấy, bà Tám Huệ thầm nghĩ: “Phải cùng các đồng đội cắm cho được lá cờ cách mạng trên nóc hang ổ của giặc, dù cho có chết cũng hoàn thành được nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó”. Nghĩ vậy, bà nhanh chóng lấy lại sự bình tĩnh, 2 tay nâng cao ngọn cờ chạy băng băng vào dinh tướng Nguyễn Văn Toàn.

Họng súng đen ngòm của những tên lính ngoan cố vội vã giương lên, hướng về người phụ nữ nhỏ nhắn đầy gan dạ, rồi ngay sau đó chúng vội vã buông súng cùng với những quần áo lính bỏ lại. Trong giây phút thiêng liêng ấy, ngọn cờ cách mạng đã có sức thu hút hàng ngàn người có mặt. Cùng lúc đó, cách chỗ bà Tám Huệ không xa, ngọn cờ cách mạng cũng được đồng chí Trương Thị Sáu cắm lên Tòa hành chính tỉnh Biên Hòa phần phật tung bay trong ngày toàn thắng. Ngọn cờ thay cho lời tuyên bố đanh thép đầy tự hào: “Chính quyền đã về tay nhân dân”.

Đức Việt

 

 

Tin xem nhiều