Báo Đồng Nai điện tử
En

San sẻ yêu thương

11:04, 03/04/2016

Không ít bạn trẻ ngày nay đã kết lại thành nhiều nhóm bạn để cùng nhau làm những việc ý nghĩa hướng đến cộng đồng. Có nhóm chỉ thích "phượt", trải nghiệm cuộc sống kết hợp làm việc thiện để nhân thêm lòng nhân ái trong cộng đồng, nhóm khác dành thời gian quyên góp vật chất rồi mang đến hỗ trợ các gia đình, cá nhân có hoàn cảnh khó khăn với mong muốn cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn…

Không ít bạn trẻ ngày nay đã kết lại thành nhiều nhóm bạn để cùng nhau làm những việc ý nghĩa hướng đến cộng đồng. Có nhóm chỉ thích “phượt”, trải nghiệm cuộc sống kết hợp làm việc thiện để nhân thêm lòng nhân ái trong cộng đồng, nhóm khác dành thời gian quyên góp vật chất rồi mang đến hỗ trợ các gia đình, cá nhân có hoàn cảnh khó khăn với mong muốn cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn…

Sinh viên Trường đại học Lạc Hồng thăm hỏi, giúp đỡ các trường hợp người già có hoàn cảnh neo đơn ở xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu).
Sinh viên Trường đại học Lạc Hồng thăm hỏi, giúp đỡ các trường hợp người già có hoàn cảnh neo đơn ở xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu).

Vào những ngày cuối tuần, gần 15 bạn trẻ trong nhóm “Hành trình” do Lê Ngọc Đại (ngụ phường Hố Nai, TP.Biên Hòa) làm trưởng nhóm lại tập hợp để lên kế hoạch cho chuyến du lịch “bụi” sắp tới. Nhóm di chuyển bằng xe máy, điểm đến là các xã vùng sâu, vùng xa trong tỉnh; xa hơn nữa là các tỉnh: Lâm Đồng, Bình Thuận, Ninh Thuận...

* Vừa du lịch vừa làm việc thiện

Theo chia sẻ của Đại, ở mỗi nơi đến ngoài việc được trải nghiệm về thiên nhiên, cuộc sống và con người địa phương, các bạn trẻ còn kết hợp làm từ thiện để tăng mục đích và ý nghĩa của chuyến đi. “Mục tiêu ban đầu của nhóm là tạo ra một “sân chơi” cho các bạn trẻ có cùng sở thích du lịch “bụi”, muốn khám phá những vẻ đẹp tuyệt vời của đất nước. Nhưng sau mỗi chuyến đi, tiếp xúc với cuộc sống của người dân, trong đó có nhiều hoàn cảnh cần giúp đỡ, vậy là nhóm quyết định phải đóng góp chút gì đó cho họ” - Đại hồ hởi nói.

Nhóm của Đại hoạt động chính thức khoảng 2 năm nay. Từ ngày thành lập, nhóm đã tổ chức nhiều chuyến đi có ý nghĩa, giúp đỡ được nhiều người dân, nhất là các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Các thành viên trong nhóm, mỗi người mỗi công việc; có người làm kinh doanh, nhiều người đang là sinh viên, người làm nghề cắt tóc, kỹ sư cơ khí… Số thành viên tuy không nhiều, nhưng mỗi chuyến đi mọi người đều cố gắng tham gia đầy đủ.

Do tự tổ chức đi lại nên trước mỗi lần xuất phát, các thành viên trong nhóm phải tính toán, chuẩn bị rất cẩn thận từ chuyện xe cộ, chỗ ăn ngủ đến việc làm thiện nguyện nơi sẽ đặt chân đến. “Có chỗ chúng tôi chỉ ghé qua để tặng quà, trao quần áo, sách vở học tập, nhưng có nơi thì tổ chức cắt tóc cho trẻ em, sửa chữa tivi, quạt điện cho các hộ gia đình nghèo…” - Nguyễn Phan Tuấn, một thành viên của nhóm “Hành trình”, cho hay.

“Chúng tôi thích du lịch, thích trải nghiệm và hơn thế là đem những việc làm thiện nguyện nhỏ nhoi của mình để nhân thêm lòng nhân ái trong cộng đồng. Có những chuyến du lịch “bụi” xa hơn trăm cây số, các thành viên trong nhóm đã trải qua một đêm không ngủ giữa những bản làng dân tộc miền núi xa xôi, nhưng ai cũng vui vì có trải nghiệm thú vị” - Lê Ngọc Đại, Trưởng nhóm “Hành trình”  cho hay.

Để hoàn thành những “mục tiêu” này, mọi người trong nhóm đều phải cố gắng hết sức mình. Hầu hết chuyến đi thường rơi vào các ngày cuối tuần, các bạn phải xuất phát từ sáng sớm, trải qua hàng chục cây số vượt đèo, leo núi mới đến được đích. Mỗi người một việc làm, hành động cụ thể mà đóng góp thêm cho chuyến đi. Riêng Tuấn và 3 thành viên khác nhờ làm nghề cắt tóc nên trong túi lúc nào cũng có dụng cụ hành nghề cắt tóc bất cứ lúc nào.

Không ít lần, sự hiện diện của các bạn trẻ đã khiến người dân nơi họ đặt chân đến yêu thương và quý mến. Mới đây, trong lần tổ chức chuyến “phượt” đến Vườn quốc gia Cát Tiên, nhóm “Hành trình” đã ghé làng dân tộc thiểu số ở ấp 4, xã Tà Lài (huyện Tân Phú). Tại đây, Tuấn và những người khác tổ chức cắt tóc miễn phí cho học sinh nghèo. Những người thợ cắt tóc “đặc biệt” đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Sau vài giờ xuất hiện, “khách” của Tuấn đã đứng chờ thành một hàng dài. “Mọi người ai cũng mệt nhưng vui vì sự chất phác của người dân nơi đây. Chúng tôi sẽ sớm quay lại với các em, góp thêm những việc làm nhỏ bé, giản đơn này” - Tuấn chia sẻ.

* Hạnh phúc là được sẻ chia

Giới trẻ ngày nay đến với hoạt động thiện nguyện với thái độ tích cực trong cảm nhận và nhận thức về sự sẻ chia với cộng đồng, để hoạt động ngày càng thêm phong phú và ý nghĩa. Chính những việc làm này đã phát huy, khơi dậy hướng suy nghĩ tích cực trong cuộc sống đối với các bạn trẻ. Nhiều người cho rằng, phải đi mới trải nghiệm được nhiều điều thú vị để có những hành động có ích cho cộng đồng.

Thời điểm này, nhóm của Đỗ Đình Khoa (sinh viên Trường đại học Đồng Nai) khá bận rộn với việc học tập khi vừa bước vào học kỳ mới. Tuy nhiên, vào những ngày nghỉ, các thành viên trong nhóm lại tập hợp bàn kế hoạch cho đợt từ thiện sắp tới. Từ ngày đầu hoạt động cho đến nay, các bạn thường đi thu nhận quần áo cũ, sau đó mang về giặt sạch cẩn thận rồi đem trao cho người nghèo, các hoàn cảnh neo đơn, người vô gia cư…

Nhóm các bạn trẻ tổ chức cắt tóc miễn phí cho trẻ em nghèo ở ấp 4, xã Tà Lài (huyện Tân Phú).
Nhóm các bạn trẻ tổ chức cắt tóc miễn phí cho trẻ em nghèo ở ấp 4, xã Tà Lài (huyện Tân Phú).

Chứng kiến những cảnh đời khó khăn, đáng thương, Khoa và các bạn trong nhóm thấy mình cần phải làm nhiều hơn để giúp đỡ những người thiếu may mắn hơn mình. Để có kinh phí hoạt động, nhiều bạn trong nhóm còn kiếm việc làm thêm, trích tiền lương đóng góp vào quỹ chung. Một số khác còn vận động người thân, bạn bè… hỗ trợ thêm vật chất cho nhóm duy trì các hoạt động thiện nguyện.

Trong khi đó, nhóm sinh viên của Nguyễn Ngọc Anh Thơ (Khoa Ngoại ngữ Trường đại học Lạc Hồng) lại có cách hoạt động khác. Các bạn trẻ đã trực tiếp liên hệ địa phương nơi mình sinh sống để nhận chăm sóc các trường hợp người già neo đơn. Nhiều bạn đã bỏ cả những thói quen tụ tập cùng bạn bè để tìm đến những trường hợp cần giúp đỡ. Tới đây, nhóm sẽ tổ chức tặng sách, truyện cho trẻ em ở Trung tâm bảo trợ và huấn nghệ cô nhi Biên Hòa.

“So với những nhóm, hội thiện nguyện mà các thành viên có việc làm ổn định, sinh viên thường gặp khó trong việc gây quỹ, nhưng chúng tôi đã có cách làm riêng, hướng đến đối tượng cần giúp đỡ là người già neo đơn, trẻ em khuyết tật. Những việc làm đầy ý nghĩa nhân văn ấy đã nâng đỡ, tiếp thêm nghị lực sống cho nhiều hoàn cảnh. Hạnh phúc là được sẻ chia” - Nguyễn Ngọc Anh Thơ tâm sự.

 

Thanh Hải

 

 

 

 

Tin xem nhiều