Báo Đồng Nai điện tử
En

Cha con họa sĩ

11:05, 22/05/2016

Gần 20 năm qua, họa sĩ Võ Tấn Thành đã giúp lực lượng công an cả nước phác thảo chân dung gần 100 đối tượng tội phạm với trên 50 vụ trọng án.

Gần 20 năm qua, họa sĩ Võ Tấn Thành đã giúp lực lượng công an cả nước phác thảo chân dung gần 100 đối tượng tội phạm với trên 50 vụ trọng án. Nhận thấy hiệu quả và hướng phát triển của việc phác thảo chân dung tội phạm, họa sĩ Thành đã đào tạo con trai Võ Tấn Phát, để anh có thể làm tốt chuyên môn kỹ thuật hình sự mà mình theo đuổi.

Họa sĩ Võ Tấn Thành (trái) hướng dẫn con trai Võ Tấn Phát về kỹ năng phác họa chân dung tội phạm.
Họa sĩ Võ Tấn Thành (trái) hướng dẫn con trai Võ Tấn Phát về kỹ năng phác họa chân dung tội phạm.

Cơn mưa chiều như trút nước, căn nhà nhỏ trên đường Nguyễn Tri Phương (phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) của họa sĩ Võ Tấn Thành như ấm cúng hẳn lên với những tác phẩm và hình lưu niệm gần 20 năm ông hỗ trợ công an phá án.

* Trợ thủ đắc lực của cha

Họa sĩ Võ Tấn Thành kể, ông cộng tác với cơ quan công an bắt đầu hết sức tình cờ. Khoảng năm 1998-1999, dọc quốc lộ 51, đoạn thuộc huyện Long Thành, liên tiếp xảy ra nhiều vụ trộm, cướp tài sản và hiếp dâm. Tình hình điều tra của cơ quan công an lúc bấy giờ gặp khó khăn vì chứng cứ, dấu vết hung thủ để lại quá ít ỏi, chỉ có những lời khai của nạn nhân về kẻ gây án. Trong lúc khó khăn đó, Công an tỉnh đã mời họa sĩ Thành tiếp xúc với các nạn nhân phác thảo chân dung kẻ gây án thông qua lời kể của họ.

Gần 20 năm cộng tác phá án, họa sĩ Võ Tấn Thành đã được Bộ Công an tặng kỷ niệm chương Vì an ninh Tổ quốc (năm 2007), Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam trao bằng lao động sáng tạo 2 năm liền 2007, 2008. Ông Võ Tấn Thành còn phục dựng chân dung các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các liệt sĩ qua lời kể của thân nhân, đồng đội.

“Được công an nhờ hỗ trợ phá án, tôi đắn đo mãi mới dám nhận lời vì đây là công việc khó, nếu vẽ không đúng có thể dẫn đến bắt lầm người, gây oan sai. Một thời gian suy nghĩ tôi mới quyết định nhận lời. Lúc mới tiếp xúc với các nạn nhân, họ rất hoảng loạn nên phải mất nhiều giờ tôi mới nhận được những mô tả nhận dạng kẻ gây án. Đến khuya, khi không gian trở nên yên tĩnh, tôi đem những thông tin mình ghi chép được ra nghiền ngẫm rồi bắt đầu vẽ. Lúc thấy chân dung phác thảo, nhiều nạn nhân khẳng định rất giống đối tượng gây án và đến khi công an bắt được hung thủ tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Từ đó, những vụ án lớn ở các tỉnh, khi cần đến họa sĩ phác thảo chân dung tội phạm, cơ quan công an lại mời tôi cộng tác” - họa sĩ Thành cho hay.

Gần 10 năm tham gia phác thảo chân dung tội phạm, đến năm 2006 khi nhận thấy tiềm năng của công việc này và yêu cầu ngày càng cao của cơ quan công an, ông Thành đã quyết định đào tạo con trai nối nghiệp. Mỗi khi được công an mời cộng tác, ông đều đưa anh Võ Tấn Phát theo cùng để vừa giúp ông ghi chép vừa nghe ông hướng dẫn công việc. Từ cách nói chuyện với nạn nhân, cách gợi vấn đề, cách mô tả hình dáng khuôn mặt hung thủ để nạn nhân nhận dạng…, ông Thành đã chỉ dẫn hết mọi kiến thức tích lũy nhiều năm cho anh Phát.

Đã được cha dạy vẽ, cách quan sát từ nhỏ, nhưng khi bắt đầu công việc với những nạn nhân, nhân chứng trong trạng thái tinh thần hoảng loạn, lúc đầu anh Phát đã gặp không ít khó khăn.

“Phần lớn các vụ án cơ quan công an cần cha tôi hỗ trợ đều là trọng án, xảy ra ở các nơi xa, có những nơi tận Kiên Giang, Tây Nguyên… Khi tiếp xúc với nạn nhân, nghe họ nói rồi tổng hợp tất cả thông tin để vẽ ra một khuôn mặt chi tiết là điều rất khó khăn, nhất là nhiều trường hợp nạn nhân có người bị hại vào ban đêm, hay lời khai của nạn nhân về hung thủ không nhất quán. Phải qua một thời gian tôi mới rút kinh nghiệm cho bản thân” - anh Phát tâm sự.

* Theo đuổi ngành kén người

Những năm đi theo cha, anh Phát dần trở thành trợ lý đắc lực, rèn luyện được tay nghề và khả năng xử lý công việc nhạy bén, cách tiếp xúc khéo léo với nạn nhân để lấy thông tin phục vụ việc phác họa chân dung hung thủ gây án. Công nghệ thông tin ngày càng phát triển nên khả năng sử dụng máy tính thành thạo của anh Phát đã hỗ trợ rất nhiều cho cha phác họa chân dung đối tượng. Rất nhiều lần, họa sĩ Thành chỉ phác thảo đường nét cơ bản khuôn mặt đối tượng rồi giao cho anh Phát hoàn chỉnh. Điều này giúp anh tiến bộ hơn và việc hoàn thành chân dung tội phạm nhanh chóng, chính xác hơn.

 Họa sĩ Võ Tấn Thành (trái) và anh Võ Tấn Phát (ngồi trước laptop) vẽ chân dung đối tượng cướp ở Kiên Giang năm 2009.
Họa sĩ Võ Tấn Thành (trái) và anh Võ Tấn Phát (ngồi trước laptop) vẽ chân dung đối tượng cướp ở Kiên Giang năm 2009.

Ông Thành nhận định, công việc vẽ chân dung tội phạm rất kén người, ngoài năng khiếu, họa sĩ làm việc này còn phải kết hợp nhiều khả năng, nhất là thủ pháp tâm lý khi tiếp xúc với nạn nhân. Nhiều trường hợp, cha con họa sĩ Thành tiếp xúc với nhiều nạn nhân để vẽ ra chân dung nhiều hung thủ trong một vụ án. Việc này kéo dài nhiều ngày và họa sĩ phải làm việc với cường độ cao, nhất là khi gặp những đối tượng gây án sử dụng khẩu trang, đội nón che mặt. Ngoài ra, công việc đòi hỏi đi lại nhiều, nghe nhiều chuyện vụ án thương tâm nên đòi hỏi người họa sĩ phải có sức khỏe tốt và tâm lý vững vàng. Vì vậy, niềm đam mê với công việc là điều không thể thiếu ở người họa sĩ làm công việc phác thảo chân dung tội phạm.

Anh Phát chia sẻ, quá trình vẽ phác họa chân dung tội phạm không thể chỉ trong một ngày, mà phải liên tục chỉnh sửa. Lần đầu vẽ xong sẽ cho nạn nhân, nhân chứng xem lại, sau đó tiếp tục chỉnh sửa theo mô tả của họ, đến khi giống 80% là đạt rồi, chủ yếu phải giống khuôn mặt, mắt, mũi, miệng… Thường thì để xong cơ bản một bức chân dung tội phạm mất vài ngày, nếu được nghe nạn nhân, nhân chứng mô tả rõ ràng. Tuy vậy, với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, người họa sĩ hoàn thành tác phẩm nhanh hơn nhờ vào các phần mềm chuyên dụng.

Năm 2009, với quyết tâm theo đuổi lĩnh vực kỹ thuật hình sự, anh Phát đã đăng ký thi vào ngành công an. Do lần đầu thi không đậu, anh Phát đã đăng ký phục vụ có thời hạn trong Công an Đồng Nai. Không từ bỏ ước mơ được đào tạo từ trường lớp chính quy, anh Phát tiếp tục dự thi những năm sau và đến năm 2011 anh đã đậu vào Trường đại học cảnh sát nhân dân để thực hiện đam mê phác họa chân dung tội phạm của mình.

Đăng Tùng

 

 

 

Tin xem nhiều