Báo Đồng Nai điện tử
En

Huấn luyện viên taekwondo nuôi heo rừng

12:05, 28/05/2016

Nhiều năm bám trụ ở TP.Hồ Chí Minh lập nghiệp, anh Nguyễn Thanh Trí (ngụ ấp Bảo Vinh B, xã Bảo Vinh, TX.Long Khánh) khăn gói về lại quê nhà chăm sóc mẹ già khi cha anh qua đời.

Nhiều năm bám trụ ở TP.Hồ Chí Minh lập nghiệp, anh Nguyễn Thanh Trí (ngụ ấp Bảo Vinh B, xã Bảo Vinh, TX.Long Khánh) khăn gói về lại quê nhà chăm sóc mẹ già khi cha anh qua đời. Sẵn ý định lập trang trại chăn nuôi khi còn ở TP.Hồ Chí Minh, anh bắt tay vào xây dựng chuồng trại. Sau vài lứa gà không mấy hiệu quả, anh Trí chuyển hướng sang nuôi heo rừng. Để lấy ngắn nuôi dài, đêm anh bám chợ đêm Long Khánh làm thuê, ban ngày ở nhà chăm sóc đàn heo rừng.

Anh Nguyễn Thanh Trí kể về kế hoạch vươn lên của mình.
Anh Nguyễn Thanh Trí kể về kế hoạch vươn lên của mình.

Để khát vọng làm giàu thành hiện thực, anh Trí phải phân giấc ngủ làm 2 lần trong ngày, mỗi lần 3 tiếng và tự lập kế hoạch cho tương lai khá chi tiết. Anh Trí tâm sự, quay về quê nhà lập nghiệp, anh bị thúc ép bởi 2 lý do: gia cảnh nghèo khó và muốn có tiền thỏa niềm đam mê võ thuật.

* Dang dở giấc mơ

Gió thổi những hạt mưa to vào người làm rát da thịt, nhưng anh Trí vẫn cố chạy xe máy thật nhanh về nhà lo bữa sáng cho đàn heo rừng trong chuồng. Thành quả sau một đêm thức trắng ngoài chợ của anh ngoài số tiền công 250 ngàn đồng, còn là vô số rau, củ, quả bị giập chở phía sau chiếc thùng kéo. Nhìn đàn heo rừng háu ăn mà anh Trí quên mất đói, mệt. Loay hoay một mình suốt 2 tiếng thì lũ heo trong chuồng mới no bụng tìm nơi ngả lưng, anh Trí lại quay sang dọn dẹp chuồng trại.

Huấn luyện viên tam đẳng Teakwondo Nguyễn Thanh Trí khác hẳn với những gì chúng tôi mườn tượng về chàng bốc vác thuê ở chợ đêm Long Khánh. Để giữ được cơ thể cường tráng khi thời gian biểu khép kín công việc và hạn chế tối đa giấc ngủ, anh Trí phải tự lập cho mình chế độ dinh dưỡng và không bao giờ đụng tới rượu bia, thuốc lá. “Từ 20 giờ hôm trước đến 8 giờ sáng hôm sau: làm việc ngoài chợ. Về nhà lo cho đàn heo ăn, đến 10 giờ mới đi chợp mắt. Đến 13 giờ thì thức dậy lo quét dọn chuồng trại và cho heo ăn. Heo ăn no nê mới nghỉ ngơi để đến 20 giờ ra chợ làm việc” - lịch làm việc đó được anh Trí đặt ra cho bản thân và nó được anh tuân thủ nghiêm ngặt từ tháng 6-2014 đến nay.

Quay về nhà chăn nuôi nghĩa là giấc mơ mở công ty giới thiệu việc làm cho riêng mình sau mấy năm bám trụ TP.Hồ Chí Minh làm việc tan thành mây khói. Đó là sự tủi thân lần thứ 2 trong đời anh Trí.

Anh Trí kể, 10 tuổi anh được cha cho học võ (cha anh Trí là võ sư hồng đai Vovinam). Từ năm lớp 9-12, anh là vận động viên đội tuyển teakwondo của TX.Long Khánh. Sau khi nhận bằng huấn luyện viên tam đẳng teakwondo, anh thi vào Trường đại học Thể dục - thể thao 2 để theo đuổi giấc mơ võ thuật. Học chưa hết năm 2 thì sự cố cuộc đời xảy ra và anh Trí phải rời trường trong sự luyến tiếc và tinh thần suy sụp, vì bị chấn thương.

Anh Trí tâm sự, đó là nỗi đau lớn nhất của người võ sĩ. Giá như lúc ấy gia đình có 20 triệu đồng thì cơ chân bị giãn của anh đã được phẫu thuật, anh có thể tiếp tục theo đuổi đam mê của mình.

* Khát vọng vươn lên

Lang thang trên đất TP.Hồ Chí Minh lập nghiệp được chục năm thì anh Trí quay về quê chăm sóc mẹ khi cha qua đời, còn các anh chị em đã lập gia đình riêng. Nhìn 8 sào đất vườn xơ xác của cha để lại, anh Trí toan tính hướng đi và quyết định lập trại nuôi gà thịt và gà đẻ. Do thiếu vốn, chỉ đầu tư được 500 con nên trại gà của anh cho lợi nhuận chẳng bao nhiêu và gặp rủi ro cao. Vì vậy, sau 3 lứa nuôi, anh chuyển sang mô hình nuôi heo rừng cho tiện. Anh Trí bộc bạch, tiền bán gà anh đầu tư vào việc mua 13 con heo rừng giống và làm chuồng. Trong thời gian chờ đàn heo rừng sinh sôi, anh phải nghĩ cách “lấy ngắn nuôi dài” sao cho phù hợp.

Đêm đi bốc vác, ngày anh Nguyễn Thanh Trí ở nhà chăm sóc đàn heo rừng.
Đêm đi bốc vác, ngày anh Nguyễn Thanh Trí ở nhà chăm sóc đàn heo rừng.

Vậy là anh Trí lân la ngoài chợ đêm Long Khánh tìm công việc bốc vác để đêm làm, ngày về chăm heo. Luôn tiện, anh xin được nguồn thức ăn thải loại từ các cô bác bán rau, củ, quả về cho đàn heo ăn nhằm giảm bớt chi phí đầu tư. Suốt đêm quần quật bưng bê ngoài chợ, 8 giờ sáng về nhà nhìn đàn heo khỏe mạnh anh Trí quên hết mệt nhọc và cơn buồn ngủ. “Tháng 6-2014, đàn heo giống của tôi chỉ có 13 con, nay tăng lên 30 con. Riêng heo thịt, có trên 20 con rồi. Đến năm 2017, tôi mới bán heo con ra thị trường khi đàn heo nái đạt 50 con” - anh Trí nói.

“Tôi đến với võ thuật do cha hướng dẫn, còn quay về Bảo Vinh lập trại nuôi heo vì chữ hiếu, gia cảnh thúc bách và có cả khát vọng quay lại võ đường” - anh Nguyễn Thanh Trí thổ lộ.

Trong lúc chờ khát vọng thành hình, anh Trí phải nỗ lực lao động để có tiền nuôi thân, chăm mẹ già và lo cho đàn heo. Công việc ngoài chợ đêm xô bồ, nghiệt ngã, anh Trí vẫn kiên trì bám việc để từng bước hoàn thành kế hoạch tương lai mà bản thân đã vạch sẵn.

Anh Trí cho hay, kế hoạch tương lai mà anh tự đặt ra và quyết tâm hoàn thành trong 2-3 năm tới phải là người cung cấp heo rừng giống cho bà con trong và ngoài thị xã. Có tiền rồi, anh sẽ đi bệnh viện phẫu thuật phục hồi lại cơ chân bị giãn để quay lại con đường võ thuật.

Cơn mưa đầu mùa cho chúng tôi thêm thời gian để tỉ tê câu chuyện với anh Trí. Ngồi trong nhà nhìn ra cái ao lục bình mà 2 cha con tự đào bằng tay suốt 3 tháng hè khi còn học lớp 11, anh Trí cởi mở điều mình ấp ủ. Anh Trí cho hay, khi kinh tế ổn định anh sẽ hỗ trợ thanh niên và nông dân nghèo về giống để họ có cơ hội ổn định cuộc sống. Từ con heo rừng, anh sẽ quay lại đầu tư thêm chuồng trại nuôi gà thịt, gà đẻ mà lúc đầu anh bỏ dở vì thiếu vốn. Điều cháy bỏng nữa mà anh muốn thực hiện theo lời cha dặn và khát vọng của bản thân là mở một câu lạc bộ võ thuật nho nhỏ của riêng mình để truyền dạy võ học cho trẻ em, thanh niên trong vùng.

Với anh Trí, ý định mở câu lạc bộ võ thuật chỉ là đem niềm đam mê, sự bù đắp lại khoảng thời gian trống trải, hụt hẫng lo mưu sinh chứ không vì tiền. Bởi, võ thuật đã giúp cho anh ý chí, nghị lực, sức khỏe vượt qua những trắc trở cuộc đời, vì vậy anh muốn đem ra truyền dạy lại cho các em nhỏ, tạo sân chơi và giao lưu với bạn bè cho thỏa niềm đam mê. “Khát vọng làm kinh tế của tôi là để nuôi dưỡng đam mê võ thuật. Một khi kinh tế định hình, tôi sẽ đi bệnh viện phẫu thuật sự cố giãn cơ chân để lấy lại phong độ. Sau đó, học nâng cao chuyên môn, kỹ thuật và đại học” - anh Trí bộc bạch.

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều