Báo Đồng Nai điện tử
En

"Giao thông chiến", cách đánh độc đáo (Bài 1)

07:05, 10/05/2016

Trải qua 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng vũ trang nhân dân Đồng Nai đã lập nhiều chiến công, góp phần đánh đuổi đế quốc Mỹ và thực dân Pháp xâm lược, giữ gìn độc lập tự do cho dân tộc.

Trải qua 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng vũ trang nhân dân Đồng Nai đã lập nhiều chiến công, góp phần đánh đuổi đế quốc Mỹ và thực dân Pháp xâm lược, giữ gìn độc lập tự do cho dân tộc. Đặc biệt, quân dân Đồng Nai đã sáng tạo ra nhiều lối đánh độc đáo mang đậm dấu ấn nghệ thuật quân sự Việt Nam, một dân tộc biết đánh giặc và biết thắng giặc.

Chuẩn bị trận địa phục kích trong trận đánh xe lửa Bảo Chánh.
Chuẩn bị trận địa phục kích trong trận đánh xe lửa Bảo Chánh.

Trong kháng chiến chống Pháp, bằng lực lượng ít đánh nhiều, tận dụng vũ khí thu được của địch để đánh địch, lực lượng vũ trang (LLVT) Đồng Nai đã gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại nặng nề. Tiêu biểu cho lối đánh độc đáo đó là những trận đánh phục kích giao thông địch trên đất Đồng Nai trong giai đoạn 1947-1948.

* Cắt đứt “mạch máu” giao thông địch

Nhắc lại những “giao thông chiến” mấy mươi năm trước, ông Dương Minh Hên, nguyên Chính trị viên Phân 6, Chi đội 10, cho biết cuối năm 1946, hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ và Chỉ thị của Trung ương Đảng: “Không để cho Pháp đem hết tài sản chiếm được ở Nam bộ ra đánh Trung, Bắc”, đồng thời làm thất bại âm mưu “tách Nam bộ ra khỏi cuộc chiến tranh, biến Bắc bộ thành chiến trường chính” của thực dân Pháp, cuối tháng 1-1947, Chi đội 10 đã triệu tập hội nghị chỉ huy mở rộng ở Chiến khu Đ và thống nhất: “Quân địch phải tập trung quân ra chiến trường miền Bắc nên việc vận chuyển vũ khí và quân lính trên các tuyến giao thông sẽ tăng lên nhiều. Do vậy, ta tổ chức phục kích đánh địch trên các trục đường giao thông sẽ là cách tốt nhất để tiêu diệt địch, thu vũ khí và quân dụng trang bị cho bộ đội, đồng thời cũng là biện pháp tốt nhất để ngăn chặn sự chi viện của địch cho chiến trường chính miền Bắc”.

Sau hội nghị, Chi đội 10 nhanh chóng triển khai phong trào đánh giao thông địch trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, đoạn qua địa bàn Xuân Lộc, vì đây là đoạn nằm lọt giữa 2 bên rừng dày, địch có nhiều sơ hở, thuận tiện cho ta vừa công vừa thủ.

Ông Dương Minh Hên nhớ lại, sau khi xác định vị trí, vào ngày 19-5-1947, kỷ niệm sinh nhật lần thứ 57 của Bác Hồ, Đại đội B, Chi đội 10 đã tổ chức đánh trận đầu tiên phục kích đoàn tàu hỏa của địch trên đoạn đường sắt Bảo Chánh. Để tổ chức tốt trận đánh này, các chiến sĩ quân giới Chi đội 10 đã đi tìm, thu gom đầu đạn đại bác 75 ly không nổ của địch đem về cải tạo thành những quả mìn rồi đem chôn giữa đường ray.

Chuẩn bị xong cho trận đánh, quân ta nhận được tin báo sáng 19-5-1947, địch sẽ cho một đoàn tàu chở đầy hàng hóa và binh lính đi qua trận địa phục kích của Chi đội 10. Chớp thời cơ này, bộ đội ta nhanh chóng triển khai đội hình chiến đấu. Hơn 9 giờ sáng cùng ngày, đoàn tàu chở đầy vũ khí và binh lính Pháp lọt vào ổ phục kích, bộ đội ta nhanh chóng kích nổ các “quả mìn”, khiến cả đoàn tàu trật khỏi đường ray nằm bất động. Bộ đội ta nấp 2 bên đường đồng loạt xông lên diệt gọn bọn lính áp tải, thu hết số vũ khí, đạn dược trên tàu và rút về căn cứ an toàn.

Sau chiến thắng chớp nhoáng trong trận đầu đánh giao thông địch ở Bảo Chánh, Chi đội 10 đã họp rút kinh nghiệm và tiếp tục tổ chức phục kích đánh tiếp 3 trận nữa vào các đoàn tàu địch ở Trảng Táo - Gia Huynh, Bảo Chánh và Bàu Cá, gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề. Trong đó, trận đánh vào tuyến đường sắt ở Bàu Cá (Trảng Bom) đã tiêu diệt 200 tên địch, thu 60 súng các loại.

* Trận đánh làm rung chuyển nước Pháp

Bằng lối đánh phục kích táo bạo và độc đáo, gây tổn thất lớn sinh lực địch trên các tuyến đường sắt, Ban chỉ huy Chi đội 10 nhận xét trình độ tác chiến của bộ đội đã có bước tiến bộ, có thể đánh một trận giao thông đường bộ quy mô lớn để tạo tiếng vang chính trị. Chi đội trưởng Huỳnh Văn Nghệ đã chỉ đạo trinh sát điều nghiên quốc lộ 20, con đường huyết mạch nối Sài Gòn - Đà Lạt để thực hiện trận đánh, bởi trên con đường này mỗi tuần có 4 chuyến xe quân sự của Pháp qua lại trên đường.

Giữa năm 1947, Ban chỉ huy Chi đội 10 nhận được tin báo, vào đầu tháng 3-1948 quân Pháp sẽ tổ chức một hội nghị tại Đà Lạt để thảo luận việc thành lập chính phủ bù nhìn Bảo Đại với sự tham gia của nhiều quan chức cao cấp Pháp. Thấy thời cơ đã đến, Ban chỉ huy Chi đội 10 đã phân công lực lượng theo dõi nắm quy luật đi lại của địch trên quốc lộ 20, đồng thời chọn trận địa phục kích tại km104, cách đồn La Ngà 3km về phía Sài Gòn, cách đồn Định Quán 2km về phía Đà Lạt, để thuận lợi cho việc phục kích và rút lui của bộ đội.

Trận đánh giao thông La Ngà đã gây chấn động dư luận trong và ngoài nước, khiến Quốc hội Pháp chất vấn Chính phủ về trận La Ngà. Đại tá Talles, Chỉ huy trưởng khu vực Đồng Nai thượng, phải tự tử.

Ông Nguyễn Xuân Mai, nguyên Chính trị viên đại đội, thuộc Tiểu đoàn 303 Thủ Biên, đơn vị tăng cường cho Chi đội 10 đánh trận phục kích giao thông La Ngà, nhớ lại vào cuối tháng 12-1947, công tác chuẩn bị cho trận đánh đã hoàn tất. Chi đội 10 quyết định chia trận địa phục kích thành 3 khu vực: khu vực A từ km 111-113; khu vực B từ km107-111 (đoạn giữa) làm nhiệm vụ chia cắt, tiêu diệt toàn bộ quân địch di chuyển trong khu vực; khu vực C từ km114-117 (phía cầu La Ngà), có nhiệm vụ khóa đuôi, tiêu diệt địch và đánh quân tiếp viện từ đồn La Ngà lên.

Sáng 1-3-1948, đoàn xe quân sự Pháp gồm 70 chiếc xuất phát sớm từ Sài Gòn lên Đà Lạt. Khi qua khỏi Biên Hòa, đoàn xe phải dừng lại nhiều lần để dọn dẹp chướng ngại vật do du kích bố trí trên đường và để đối phó với việc bắn tỉa của bộ đội. Khi đoàn xe đến La Ngà thì trời đã về chiều. Nhóm xe đi đầu lần lượt đi qua trận địa phục kích ở các khu vực C và B, cả trận địa im phăng phắc. Đợi cho chiếc thiết giáp mở đường vừa đến khúc cua trái của khu vực phục kích A, 3 quả địa lôi do bộ đội ta cài sẵn được kích nổ, hất tung xe thiết giáp cùng 2 xe chở lính hộ tống lên trời, viên chỉ huy đoàn xe cùng bộ phận thông tin tan xác tại chỗ.

Mất liên lạc vô tuyến, các xe phía sau vẫn nối đuôi nhau tiến lên và dồn cục tại khu vực trận địa A. Các chiến sĩ Đại đội B cùng Quốc vệ đội Xuân Lộc dùng hỏa lực diệt tiếp chiếc xe chở lính hộ tống thứ 3 và đồng loạt xông ra mặt đường đánh giáp chiến với giặc.

Trận đánh chỉ diễn ra trong 50 phút, ta thiêu hủy 59 chiếc xe quân sự, bắt sống 200 tù binh, tiêu diệt tại chỗ 150 lính lê dương, 25 sĩ quan chỉ huy,  thu nhiều vũ khí và đồ dùng quân sự.

Đức Việt

 

 

Tin xem nhiều