Báo Đồng Nai điện tử
En

Trọn tình với quê hương

11:05, 23/05/2016

Là người con của xã Anh hùng lực lượng vũ trang Phước Khánh (huyện Nhơn Trạch), ông Nguyễn Văn Việt (còn gọi là Bảy Việt, Bí thư Chi bộ ấp 2) cảm nhận được sự đổi thay của quê hương theo thời gian.

Là người con của xã Anh hùng lực lượng vũ trang Phước Khánh (huyện Nhơn Trạch), ông Nguyễn Văn Việt (còn gọi là Bảy Việt, Bí thư Chi bộ ấp 2) cảm nhận được sự đổi thay của quê hương theo thời gian.

Từ phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới…, những chiếc cầu tre bắc qua kênh rạch dần được thay thế bởi cầu đúc; con đường đất sình lầy được bê tông hay nhựa hóa; những căn nhà lá xơ xác trở thành nhà xây… Tất cả đều có sự đóng góp nhỏ nhoi của ông Bảy Việt.

* Cơm nhà, việc xã

Sau năm 1975, vùng bưng biền Phước Khánh rất cần bàn tay con người xây dựng, nhanh chóng làm lành vết thương chiến tranh và ở tuổi đôi mươi sung sức, ông Bảy Việt tình nguyện tham gia lực lượng du kích xã để góp phần.

Ông Bảy Việt cùng học sinh bên cây cầu bê tông được làm từ sức dân.
Ông Bảy Việt cùng học sinh bên cây cầu bê tông được làm từ sức dân.

Ông Bảy Việt kể, lúc đó tình hình trật tự xã hội vẫn còn phức tạp, tàn dư chế độ cũ vẫn còn, nhất là tình hình vượt biên trái phép ra nước ngoài kéo theo nhiều hệ lụy xã hội. Vì vậy, ngoài nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân cùng chính quyền ổn định đời sống, không hoang mang trước những lời xuyên tạc của các thế lực bên ngoài…, du kích xã và các lực lượng khác phải cùng với dân xây dựng các công trình xã hội chủ nghĩa, như: đắp đê, dựng trường học, làm cầu…

Từ một du kích xã, ông Bảy Việt liên tục được Đảng ủy, chính quyền xã Phước Khánh phân công đảm nhiệm nhiều chức vụ chủ chốt của Đảng ủy, chính quyền. Ông Bảy Việt bộc bạch, chức vụ to hay nhỏ không quan trọng, điều ông quan tâm nhất là làm sao hoàn thành thật tốt nhiệm vụ cấp trên giao và đem lại thật nhiều lợi ích cho người dân trong ấp, xã.

Lúc ông Bảy Việt làm Phó trưởng công an xã, ông đã vận động người dân xã Phước Khánh bỏ sức cả gần tháng trời để hoàn thành con đập ngăn mặn Rạch Muỗi tại ngã ba Đồng Tranh. Ban ngày ông Bảy Việt cùng bà con chở đất, đá tập kết sẵn trên bờ đất. Tối đến, ông lại cùng lực lượng công an, du kích xã canh gác. Ngày nào kịp mang theo cơm thì ăn, không mang được thì ông ăn đỡ bữa cơm do dân san sẻ cho ấm lòng.

Ông Bảy Việt cười tít mắt cho hay, giữa đại công trường chẳng phân biệt đâu là dân quân, du kích, cán bộ xã với dân. Trong lao động, tất cả đều lưng trần, quần tà lỏn vác đất, dầm nước đóng cọc. Cán bộ, du kích, công an xã chỉ khác dân lúc nghỉ ngơi vì luôn kè kè khẩu súng bên mình.

Vì tích cực với phong trào và nhiệm vụ công an xã, ông Bảy Việt được kết nạp Đảng và được Đảng phân công về phụ trách Chi đoàn thanh niên xã (lúc ấy địa phương chưa đủ nhân sự thành lập được Đoàn thanh niên xã). Với công tác Đoàn, ông Bảy Việt ví von ông như “cá gặp nước” khi được tổ chức phân công nhiệm vụ mới. Hăng chí, hết ngày này đến ngày khác, ông huy động lực lượng thanh niên, đoàn viên trong xã triển khai các công trình xã hội chủ nghĩa, như: đắp sân bóng, làm trường học, đào kênh, đắp bờ bao chống ngập… Công trình triển khai tới đâu đều được người dân hô hào mang dụng cụ ra góp sức, nên nhanh chóng hoàn thành.

Cái công của ông Bảy Việt giúp bà con Phước Khánh rất nhiều trong thời gian kiến thiết quê hương. Nhưng ông cũng từng bị dân hiểu lầm, dẫn đến chuyện lén bỏ thuốc cháy (lấy từ quả bom xăng, gặp nắng là phát lửa) lên nóc nhà ông cho bõ tức.

Ông Bảy Việt chạnh lòng tâm sự, do chính sách trả lại ruộng đất cho nông dân theo chủ trương của Trung ương vào năm 1986 chưa được địa phương triển khai, đồng thời do giữ chức Phó chủ tịch UBND xã (phụ trách nội chính, kiêm Trưởng công an xã) buộc ông phải làm quyết liệt theo chỉ đạo của cấp trên nên dân bức xúc. May sao, nhà ông chỉ mới phát lửa, được hàng xóm phát hiện kịp thời nên không thiệt hại gì.

* Tự hào…

Dù bị dân “giận” oan, ông Bảy Việt vẫn không nản lòng. Ông càng cố gắng tìm cách làm tốt hơn để dân hiểu ông, hiểu rõ chủ trương của cấp trên. Đến khi sự việc được giải quyết thấu đáo, ông mới thật sự nhẹ lòng.

Sau sự việc đó, uy tín của ông Bảy Việt tăng lên chứ không mất đi, nên ông được tín nhiệm giữ chức Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, rồi Bí thư Chi bộ xã. Với vai trò lãnh đạo Đảng, tập hợp khối đại đoàn kết dân tộc, ông Bảy Việt quyết liệt vận động dân đắp đê bao ngăn mặn, giữ ngọt; cải tạo ruộng một vụ thành 2-3 vụ lúa, hoặc trồng mía; đưa các giống lúa, mía mới vào đồng ruộng để tăng năng suất, tăng thu nhập… Chẳng bao lâu, dân Phước Khánh ổn định, kinh tế khá lên.

Dân ấp 1 vẫn còn nhớ tới ông Bảy Việt qua các công trình đắp đê, nâng đường, xóa cầu khỉ.
Dân ấp 1 vẫn còn nhớ tới ông Bảy Việt qua các công trình đắp đê, nâng đường, xóa cầu khỉ.

Trong những năm 1995-2000 làm Bí thư Chi bộ xã, ông Bảy Việt phát triển thêm được gần 20 đảng viên mới để tiến tới thành lập Đảng bộ. Khi có người mới kế nhiệm, ông được giao nhiệm vụ Chủ tịch Hội Nông dân kiêm Bí thư Chi bộ ấp 1.

Ông Bảy Việt cười hề hề nói rằng, Đảng phân công thì ông phải chấp hành. Nhờ vậy, cây lúa, cây mía, con vịt… vùng bưng biền Phước Khánh nhanh chóng nổi tiếng bởi năng suất, chất lượng. Riêng bà con ấp 1 được hưởng rất nhiều công trình phúc lợi xã hội về đường, điện, nước sạch do ông Bảy Việt xin về, hoặc tự ông vận động dân đầu tư.

Ấp 1 thời ông Bảy Việt làm Bí thư chi bộ do nằm ngoài khu vực đê bao Ông Kèo nên nước mặn xâm nhập đến đầu gối, đi lại khó khăn, trồng trọt chẳng được. Lúc ấy, ông tự nhủ, đập Ông Kèo không bảo vệ được dân thì ông đứng ra vận động dân đắp, nâng cao bờ đập để vừa bảo vệ nhà cửa, ruộng vườn vừa làm đường giao thông để đi lại cho tiện. Dưới sự hô hào của ông Bảy Việt, Ban điều hành ấp, những người cựu chiến binh, bà con ấp 1 đã gác lại việc riêng, theo ông ra đồng đắp đê, nâng cao đường đi. Đường 1m sình lầy thì ông vận động dân mở rộng 2-4m, đổ thêm đất sỏi hoặc đá mi. Còn đường rộng 2-4m thì mở ra đến 6-8m và đổ bê tông (hay xi măng) dưới sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước.

Năm 2009, ấp 1 hãnh diện đón nhận bằng khen về phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư” do Ủy ban MTTQ Trung ương tặng. Ông Bảy Việt được dân ấp 1 khen hết lời. Nhờ có ông mà dân ấp 1 có đường, điện, nước, nhà xây khang trang hơn các ấp khác.

Năm 2012, ông Bảy Việt nghỉ hưu. Ông Bảy Việt xởi lởi chia sẻ: “Tui không nghỉ ngơi được. 3 năm nay, ấp 2 của tui cái gì cũng đạt và đang đẩy mạnh các chương trình nâng cao các tiêu chí nông thôn mới, nên giờ bộ mặt ấp đẹp, sang trọng, sung túc, khác hẳn so với trước kia”.

Đoàn Phú

 

 

 

Tin xem nhiều