Báo Đồng Nai điện tử
En

Khổ vì đường cao tốc

07:06, 02/06/2016

Tình trạng người dân chui cống thoát nước, thậm chí băng ngang đường cao tốc không còn là chuyện lạ kể từ khi tuyến đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đi vào hoạt động. Hơn một năm qua, hàng trăm hộ dân sống dọc 2 bên tuyến đường này luôn phải sống trong cảnh "gần nhà mà xa ngõ" vì nhà cửa, đất đai bị chia cắt.

Tình trạng người dân chui cống thoát nước, thậm chí băng ngang đường cao tốc không còn là chuyện lạ kể từ khi tuyến đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đi vào hoạt động. Hơn một năm qua, hàng trăm hộ dân sống dọc 2 bên tuyến đường này luôn phải sống trong cảnh “gần nhà mà xa ngõ” vì nhà cửa, đất đai bị chia cắt.

Không có đường dân sinh, người dân liều mạng băng ngang đường cao tốc dù nhiều phương tiện đang chạy với vận tốc cao.
Không có đường dân sinh, người dân liều mạng băng ngang đường cao tốc dù nhiều phương tiện đang chạy với vận tốc cao.

Đường cao tốc chủ yếu đi qua đồng ruộng và rừng cao su, ít có nhà dân ở hai bên, có lẽ vì thế mà đơn vị thi công công trình ít quan tâm đến việc làm đường gom dân sinh, lối thông cho con đường. Không có đường, nhà cửa bị bít lối đi, người dân buộc phải chui cống thoát nước, băng ngang đường cao tốc bất chấp nguy hiểm đến tính mạng.

* Gần nhà mà xa ngõ

Ông Thành Tâm (ngụ ấp Trầu, xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch) cho biết kể từ ngày con đường hình thành, gia đình ông và hơn chục hộ dân ở khu vực này lâm vào cảnh nhà ở bên này, nhưng làm ruộng phía bên kia đường cao tốc. Vì vậy, mỗi ngày không biết mấy lần họ phải băng đường, đi giữa làn xe cộ đông đúc, đang lao vun vút để đến nơi làm ruộng.

Nhà ông Thành Tâm có gần 2 hécta ruộng trồng lúa và nuôi vịt, rắc rối là ruộng bị chia cắt nằm ở 2 bên đường cao tốc; nếu đi theo đường có sẵn sẽ không thể chạy xe tới tận ruộng được. Vì thế, ai cũng gặp khó khi tìm đủ mọi cách để vận chuyển vật tư, máy móc và lúa. Nhiều người buộc phải “đi tắt” ngay trên đường cao tốc. Ông Thành Tâm phân trần thêm, vào vụ mùa, bà con nông dân phải vác lúa băng qua đường, nếu không thì chuyển lúa lên ghe rồi chui dưới hầm cầu, đợi khi nước lớn mới mang về nhà được.

Không chỉ bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày, mỗi khi bước vào vụ thu hoạch nông sản, người dân sống hai bên đường cao tốc ai cũng kêu trời vì đi lại bất tiện, vận chuyển hàng hóa khó khăn.

Để sang vườn điều, tiêu, khoai mì… đang vào vụ chăm sóc, người dân ở ấp 6, xã Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ) buộc phải chui qua cống thoát nước vì ở đây chưa có đường dân sinh. Cống thoát nước rộng gần 1m nằm dưới đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây tại đoạn km 40. Hầu hết những người chấp nhận đi lại bằng cách này đều có nhà hoặc ruộng vườn phía bên kia đường.

Theo người dân, cống nước dù chật hẹp, biết là nguy hiểm nhưng không đi đường này cũng không còn đường nào để đi. Vào mùa mưa, có hôm nước ngập qua đầu gối cũng phải chui qua. Việc đi lại rất khó khăn, các hộ dân sống quanh đây phải đi đường vòng hơn chục cây số và mất rất nhiều thời gian mới đến được các tuyến đường chính khác.

“Bà con ở đây chủ yếu làm nông nghiệp nhưng không có đường vận chuyển, khổ lắm. Bất đắc dĩ phải băng ngang lộ hoặc chui cống, dù biết rất nguy hiểm và vi phạm an toàn giao thông. Bởi, nếu đi đường khác thì quá xa, phía bên kia cũng không có đường. Đến khi vườn sắp thu hoạch, không thể đi về trong ngày mà phải ở lại để canh giữ, không cho người lạ vào ăn trộm” - ông Nguyễn Văn Thành phân tích.

* Chờ đường gom dân sinh

Khoảng hơn một tháng trở lại đây, do tình trạng mất an toàn giao thông dọc hai bên tuyến đường cao tốc, các lối đi do người dân tự ý mở đã bị đơn vị khai thác đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đóng lại, việc đi lại của người dân từ đó càng thêm khó khăn.

“Không còn đường tắt, chúng tôi buộc phải đi đường vòng xa hàng chục cây số, nên việc vận chuyển lúa từ ruộng đến sân phơi rất khó khăn, tôi phải thuê xe chở, phát sinh thêm chi phí. Thậm chí, việc thuê thợ gặt cũng chẳng phải dễ dàng, vì đi xa họ không muốn làm nếu mình không trả thêm tiền công. Gần 20 hộ dân làm ruộng ở đây ai nấy đều kêu trời vì bị bít lối đi” - bà Lê Thị Bé (ngụ xã Phước Thiền) cho hay.

Không chỉ bức xúc vì không còn lối đi, đất đai bị chia từng phần riêng lẻ với nhà cửa, không ít hộ dân ở khu Cầu Xéo, thị trấn Long Thành (huyện Long Thành) có nhà nằm dưới cầu vượt tỉnh lộ 25A bức xúc vì thường xuyên gặp cảnh nước ngập, tràn vào nhà khi có mưa lớn. Do nền đường được đắp cao, nhà thấp hơn so với mặt đường, trong khi hệ thống thoát nước chưa được xây dựng nên sau mỗi đợt mưa nước đã ngập lênh láng.

Một hộ dân ở xã Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ) nhìn hàng rào bao quanh diện tích đất gia đình đã bị chia đôi do đường cao tốc đi qua.
Một hộ dân ở xã Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ) nhìn hàng rào bao quanh diện tích đất gia đình đã bị chia đôi do đường cao tốc đi qua.

Trên cao là cầu vượt, bên cạnh là đường cao tốc nên các căn nhà lọt thỏm, bì bõm trong nước. Thậm chí, một số đoạn nước ngập đến hơn nửa bánh xe khiến việc đi lại, sinh hoạt của người dân trở nên bất tiện. “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với địa phương phải có phương án chống ngập, thoát nước, nhưng đã bước vào mùa mưa thứ 2 mà không được giải quyết, đường vẫn ngập và dân vẫn phải lội nước ngang đầu gối” - một người dân bức xúc cho biết.

Việc thiếu trầm trọng các đường gom dân sinh, hầm chui… đã ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như sản xuất của các hộ dân sống hai bên tuyến đường. Theo phản ánh của người dân, các ngành chức năng của địa phương và đơn vị chủ quản đường cao tốc đã nhiều lần khảo sát nhằm tìm phương án khắc phục, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp nào được đưa ra. Không còn cách nào khác, hàng ngày người dân buộc phải “liều mạng” băng ngang đường cao tốc để đi vào vị trí đất nhà mình.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam, đơn vị vận hành khai thác tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, thừa nhận những bất cập khi tuyến đường đi vào hoạt động đã gây ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như sản xuất của người dân. Tuy nhiên, theo ông Sơn, việc bố trí đường gom dân sinh, cầu vượt… cần phải phù hợp với tuyến đường để đảm bảo an toàn hành lang giao thông. “Hiện có tất cả 14 cống chui và 4 cầu vượt dân sinh cho đoạn tuyến từ quốc lộ 51 đến nút giao Dầu Giây. Đối với những khu vực có dân cư sinh sống đông, chúng tôi sẽ khảo sát lại để tiến hành bố trí xây dựng đường dân sinh phục vụ nhu cầu đi lại, sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương” - ông Sơn cho biết.

Thanh Hải

 

 

 

 

Tin xem nhiều