Báo Đồng Nai điện tử
En

Những người phụ nữ đam mê khoa học

11:06, 03/06/2016

Không chỉ hoàn thành tốt việc gia đình, nhiều phụ nữ còn tích cực nghiên cứu khoa học để phục vụ cho sự phát triển của địa phương.

Không chỉ hoàn thành tốt việc gia đình, nhiều phụ nữ còn tích cực nghiên cứu khoa học để phục vụ cho sự phát triển của địa phương. Từ các vùng nông thôn xa xôi đến các phòng thí nghiệm, suốt nhiều năm ròng, bằng sự đam mê nghiên cứu của bản thân, nhiều chị em đã có những đóng góp ấn tượng trong các lĩnh vực gắn liền với đời sống xã hội.

* Sức trẻ không ngại khó khăn

Nằm khuất sau những cánh rừng cao su ven hương lộ 10 (xã Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ), các chuyên viên của Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai (thuộc Sở Khoa học - công nghệ, gọi tắt là trung tâm) đang miệt mài dồn tâm sức cho các dự án, đề tài nghiên cứu của trung tâm. Theo Phó giám đốc trung tâm Lê Thị An Nhiên, các dự án, đề tài của trung tâm chủ yếu tập trung vào nghiên cứu ứng dụng, gắn liền với thực tiễn tại các địa phương trong tỉnh. Do đó, các cán bộ, chuyên viên của trung tâm phải thường xuyên đi thực tế tới các địa phương xa trong nhiều ngày, cùng hợp tác với nông dân để có được kết quả nghiên cứu tốt nhất.

Chị Hồ Thị Như Ý nghiên cứu tài liệu để hoàn thành đề tài nghiên cứu.
Chị Hồ Thị Như Ý nghiên cứu tài liệu để hoàn thành đề tài nghiên cứu.

“Khi bắt tay vào làm một đề tài hay một dự án, tôi phải đến các xã vùng sâu, vùng xa, cùng với cán bộ xã làm việc trực tiếp với nông dân, thuyết phục họ để nhóm nghiên cứu tiến hành thực nghiệm trên cây trồng, vật nuôi của họ. Nhiều lúc bị nông dân lầm tưởng núp bóng cơ quan Nhà nước để bán các sản phẩm kém chất lượng, chúng tôi đã bị nông dân đuổi đi, phải mất công thuyết phục họ mới chịu cho tiến hành nghiên cứu. Có một điều may mắn là, chính những người phản ứng dữ dội nhất lúc đầu lại là những người chịu hợp tác nhất và rất thương đoàn nghiên cứu của trung tâm” - bà Nhiên chia sẻ.

Mỗi đề tài, dự án kéo dài vài năm, buộc các chủ nhiệm đề tài phải tập trung toàn bộ công sức, liên tục theo dõi, ghi nhận tiến triển của nghiên cứu nên có khi nhóm nghiên cứu phải ngủ lại các xã đến hàng tháng trời để tiện cho công việc. Liên tục phải đi xa, ăn nghỉ trong điều kiện thiếu thốn là thế, nhưng khi nghiên cứu được thuận lợi, kết quả thu về tốt, các thành viên trong nhóm rất vui mừng. Tuy vậy, để kết luận một đề tài, dự án phải cần có sự theo dõi lâu dài, chỉ cần một sơ sót nhỏ thì kết quả thu về sẽ sai thực tế.

Nghiên cứu khoa học là một công việc đầy gian khó đối với cả nam lẫn nữ, nhưng phụ nữ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn vì vừa phải hoàn thành tốt việc ở cơ quan, vừa phải giỏi việc gia đình. Tuy vậy, nhiều phụ nữ hiện nay vừa làm tốt vai trò người mẹ và người vợ, đồng thời thể hiện năng lực bản thân thông qua những đóng góp thiết thực cho địa phương, xã hội bằng các nghiên cứu khoa học được ứng dụng rộng rãi.

Vì là nghiên cứu ứng dụng nên phải dựa vào nền tảng khoa học có sẵn, công việc này đòi hỏi sự nhẫn nại và tinh thần tập trung cao độ, cùng sự tỉ mỉ trong thời gian dài, mỗi lần thí nghiệm đều được ghi chép cẩn thận và chi tiết. Bà Nhiên kể lại, có lần tiến hành thử nghiệm thuốc giảm mùi hôi trong chất thải trên một đàn heo của nông dân, nhóm nghiên cứu của trung tâm chia chuồng heo làm 2 bên, một bên cho dùng thuốc, một bên không dùng thuốc để so sánh. Khi chuồng được xịt thuốc cho kết quả khả quan, giảm rõ rệt mùi hôi thì chủ trại heo tự ý phun thuốc cho chuồng còn lại khiến kết quả thu về của các chuồng dùng thuốc giống hệt các chuồng không dùng. Nếu lúc đó nhóm nghiên cứu không kiểm tra lại các ghi chép từ trước dễ đưa ra kết luận vội vàng. Vì vậy, các nhóm nghiên cứu phải rất thận trọng để tránh bị sai sót.

Chị Phan Thị Thùy Dung (cán bộ trung tâm), chủ nhiệm đề tài “Xây dựng mô hình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phế phụ phẩm trồng nấm và nông nghiệp tại Đồng Nai”, cho biết: “Từ đầu năm 2012, tôi bắt đầu thực hiện đề tài và chúng tôi dùng những sản phẩm phụ của quá trình trồng nấm để sản xuất phân bón sử dụng vào việc trồng trọt. Đó là cách xử lý chất thải, bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí sản xuất phân bón. Phần lớn đất sau khi trồng cao su lâu năm đã không còn màu mỡ, nên dùng phân hữu cơ vi sinh sẽ phát huy hiệu quả cao, còn làm “giàu” cho đất sau khi thu hoạch. Trước khi bắt đầu chọn đề tài, chúng tôi đều phải suy nghĩ rất nhiều đến hiệu quả thực tiễn mà nó mang lại cho nông dân trong tỉnh”.

* Trăn trở với nỗi đau của người bệnh

Đã 25 năm từ ngày bác sĩ Nguyễn Lê Đa Hà (Giám đốc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai) về công tác tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, từ khi mới là bác sĩ trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm, bà đã bắt tay thực hiện công trình nghiên cứu y học đầu tiên của bản thân về đề tài viêm màng não mủ.

Bác sĩ Hà cho hay, vào những năm 1998-1999, bệnh viêm màng não mủ xuất hiện rất nhiều ở trẻ nhỏ; tuy phương pháp chẩn đoán phát hiện bệnh đã được thực hiện rất tốt nhưng quá trình theo dõi lâm sàng về những dấu hiệu tái phát bệnh vẫn còn chưa rõ. Vì vậy, bác sĩ Hà chọn đề tài để vừa gắn với thực tiễn vừa giúp bà nâng cao hiểu biết chuyên môn trong lĩnh vực này.

Bác sĩ Hà tâm sự: “Khi đó tôi mới nhận công tác nên còn phải học hỏi từ đàn anh, đàn chị đi trước rất nhiều. Vừa học tập vừa làm việc và nghiên cứu nên quãng thời gian đó đối với tôi rất áp lực. Sau hơn một năm nghiên cứu, tôi đã báo cáo thành công công trình nghiên cứu và công trình đã được áp dụng tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai từ năm 2003 đến nay”.

Bác sĩ Nguyễn Lê Đa Hà (trái) hướng dẫn bác sĩ trẻ trong quá trình thăm khám bệnh nhân.
Bác sĩ Nguyễn Lê Đa Hà (trái) hướng dẫn bác sĩ trẻ trong quá trình thăm khám bệnh nhân.

Kể từ đó đến nay, bác sĩ Hà đã có hơn 10 công trình nghiên cứu y học mang tính ứng dụng xung quanh các bệnh: tay chân miệng, rối loạn nhịp tim, nhiễm trùng máu… Tuy nhiên, những năm gần đây trên cương vị giám đốc bệnh viện, bà đã lui về “hậu trường” để đóng vai trò hướng dẫn, hỗ trợ cho các bác sĩ trẻ thực hiện đề tài. Cách nói chuyện gần gũi, hướng dẫn tận tình bác sĩ Hà luôn nhận được sự nể trọng và yêu quý từ các đồng nghiệp.

Chị Hồ Thị Như Ý, y sĩ thuộc Trung tâm y tế huyện Long Thành, chia sẻ gần 3 năm kể từ khi tốt nghiệp đại học đến nay, chị làm nhiệm vụ tư vấn chính và hỗ trợ khám các bệnh nhân đến điều trị tại cơ sở điều trị cai nghiện ma túy bằng Methadone số 3 (ở huyện Long Thành). Vào ngày 19-5, khi báo cáo đề tài tại hội nghị khoa học- kỹ thuật ngành y tế Đồng Nai lần VI-2016, chị là báo cáo viên có tuổi đời trẻ nhất và đó cũng là đề tài đầu tiên của chị khi bước vào con đường nghiên cứu khoa học.

 “Với đề tài nghiên cứu này, tôi đã mất 6 tháng để gặp gỡ, ghi chép, đánh giá từng bệnh nhân trong quá trình điều trị. Nhưng không phải dễ thuyết phục bệnh nhân chịu nói thật về quá trình nghiện ma túy của họ nên phải có kiến thức vững, quan sát tốt mới đánh giá đúng tình trạng bệnh. Trong quá trình nghiên cứu, tôi còn phải nhờ đến sự giúp đỡ không nhỏ từ đàn anh, đàn chị đồng nghiệp mới hoàn thành được đề tài đầu tay này. Làm nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực y tế, nếu không có tấm lòng với người bệnh khó làm lắm” - y sĩ Như Ý bộc bạch.

Đăng Tùng

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều