Báo Đồng Nai điện tử
En

Lối đánh sáng tạo của lực lượng vũ trang Đồng Nai

10:07, 13/07/2016

Ngày mai 15-7, huyện Trảng Bom sẽ long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 65 năm ngày chiến thắng Yếu khu quân sự Trảng Bom và đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh địa điểm chiến thắng Yếu khu quân sự Trảng Bom. Đây là niềm vinh dự, là nguồn động viên to lớn đối với Đảng bộ và nhân dân huyện trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày mai 15-7, huyện Trảng Bom sẽ long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 65 năm ngày chiến thắng Yếu khu quân sự Trảng Bom và đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh địa điểm chiến thắng Yếu khu quân sự Trảng Bom. Đây là niềm vinh dự, là nguồn động viên to lớn đối với Đảng bộ và nhân dân huyện trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

* Biến khó khăn thành ý chí chiến đấu

Ông Nguyễn Xuân Mai (90 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa), nguyên Chính trị viên Đại đội Lam Sơn, đơn vị phối thuộc cùng Tiểu đoàn 303 bộ đội chủ lực tỉnh, đơn vị chủ công tiêu diệt Yếu khu quân sự Trảng Bom, cho biết từ năm 1950-1951, các hoạt động phối hợp của quân dân ta trên khắp các chiến trường đã đẩy thực dân Pháp từ thế chủ động sang bị động. Tuy nhiên, giới phản động hiếu chiến Pháp vẫn ngoan cố theo đuổi cuộc chiến với phương châm “cứ tiến lên bằng đại bác”. Chúng tiếp tục đẩy mạnh công cuộc bình định kết hợp với tấn công quân sự và kinh tế để chia cắt địa bàn thành từng mảnh nhỏ, bao vây cô lập vùng căn cứ kháng chiến nhằm tiêu diệt lực lượng vũ trang và ngăn chặn nguồn vận chuyển, tiếp tế của ta.

Ông Nguyễn Xuân Mai (phải) và ông Nguyễn Hạnh đang kể lại trận đánh Yếu khu quân sự Trảng Bom vào tháng 7-1951.
Ông Nguyễn Xuân Mai (phải) và ông Nguyễn Hạnh đang kể lại trận đánh Yếu khu quân sự Trảng Bom vào tháng 7-1951.

Ở Đồng Nai, Pháp thiết lập thêm các điểm chốt chặn tại các điểm có đồn điền cao su dọc các quốc lộ: 1, 20 và 51, đồng thời liên tục tổ chức càn quét vào các căn cứ địa của ta ở Tân Uyên, Chiến khu Đ, Long Thành..., gây cho ta nhiều khó khăn. Nhiều cơ sở kháng chiến và các phong trào tòng quân giết giặc, hũ gạo nuôi quân ở nhiều nơi bị lắng xuống. Riêng ở Trảng Bom, địch xây dựng Yếu khu quân sự Trảng Bom án ngữ quốc lộ 1, cách TX.Biên Hòa 20km về phía Đông, vừa để bảo vệ TX.Biên Hòa và TP.Sài Gòn từ xa.

Về quy mô, Yếu khu quân sự Trảng Bom thường xuyên có một lực lượng hùng hậu gồm một đại đội lính Âu - Phi thiện chiến gồm 200 tên, thuộc Tiểu đoàn 1, Trung đoàn thuộc địa số 22 và một Trung đội Partisan đóng giữ. Hệ thống phòng thủ bên trong Yếu khu quân sự Trảng Bom gồm: 1 đồn lớn, ở 4 góc có 4 lô cốt kiên cố được trang bị súng trung liên, đại liên, có xe bọc thép yểm trợ. Xung quanh yếu khu được bao bọc bởi hàng rào kẽm gai nhiều tầng. Mục đích của địch chọn nơi này để đặt yếu khu là để kiểm soát, ngăn chặn hành lang liên lạc, vận chuyển của quân cách mạng từ Chiến khu Đ về Long Thành, Bà Rịa và làm căn cứ xuất phát để đánh phá vùng: Đại An - Định Tân - Vĩnh Tân - Đại An (huyện Vĩnh Cửu).

Để phá thế bao vây, cô lập của địch, Trung ương Cục miền Nam đã tổ chức lại lực lượng vũ trang cho phù hợp với điều kiện chiến trường, đẩy mạnh chiến tranh du kích, góp phần đánh bại thực dân Pháp xâm lược.

Theo đó, từ giữa năm 1951, ta tổ chức bố trí lại địa giới hành chính và tổ chức lại lực lượng vũ trang. Tỉnh Biên Hòa hợp nhất với tỉnh Thủ Dầu Một thành tỉnh Thủ Biên. Tỉnh Thủ Biên xây dựng một tiểu đoàn bộ đội tập trung lấy phiên hiệu là Tiểu đoàn 303, với 764 cán bộ, chiến sĩ, biên chế thành 3 đại đội bộ binh (phiên hiệu: 55, 60 và 65 ), 1 đại đội trợ chiến, cùng các trung đội đặc công, trinh sát... làm nhiệm vụ chiến đấu, bảo vệ Chiến khu Đ và hỗ trợ phong trào du kích chiến tranh ở địa phương.

Ngay sau khi thành lập, Tiểu đoàn 303 quyết định tổ chức một trận đánh ra mắt nhằm gây tiếng vang lớn, đột phá một mắt xích quan trọng trong hệ thống đồn bót của địch xung quanh TX.Biên Hòa. Điểm đột phá được đơn vị chọn trong đợt đột kích này là Yếu khu quân sự Trảng Bom.

* Hợp đồng tác chiến giành thắng lợi

Chuẩn bị cho trận đánh tiêu diệt Yếu khu quân sự Trảng Bom, ông Nguyễn Hạnh, nguyên xạ thủ súng máy Đại đội trợ chiến Tiểu đoàn 303, kể lại việc chuẩn bị cho trận đánh được tiến hành rất công phu.

Từ tháng 5-1951, ta đã xây dựng được các cơ sở bí mật hoạt động hợp pháp tại Trảng Bom, gồm: chị Nguyễn Thị Bông (Hai Thi) làm nghề bán thuốc nam dạo; chị Hai Sẩm và chị Mười bán cơm tại thị trấn Trảng Bom. Quán cơm của chị Hai Sẩm bán ngon, giá phù hợp nên thường ngày bọn lính trong yếu khu ra quán cơm ăn rất đông. Bọn lính còn giới thiệu chị Hai Sẩm nấu cơm tháng cho tên phiên dịch trong yếu khu và mang cơm vào tận nơi ở của tên này. Nhờ vậy mà bố phòng bên trong Yếu khu quân sự Trảng Bom, thông tin về tình hình địch được chị Hai Sẩm nắm rõ và báo cáo cho ta.

Để giành thắng lợi mang tính quyết định cho trận đánh, Ban chỉ huy Tiểu đoàn 303 đã chỉ đạo lực lượng đặc công phối hợp với Đại đội Lam Sơn và nội tuyến trong yếu khu tổ chức vẽ sơ đồ toàn bộ căn cứ, cũng như nắm quy luật hoạt động của địch. Sau khi có đầy đủ thông tin, Tiểu đoàn 303 tổ chức nhiều cuộc thực tập đánh Yếu khu quân sự Trảng Bom trên sa bàn. Khi đã thực tập kỹ phương án tác chiến, Ban chỉ huy Tỉnh đội Thủ Biên đã phân công lực lượng tham gia trận đánh.

Ông Nguyễn Xuân Mai chia sẻ, sau khi tham gia trận đánh Yếu khu quân sự Trảng Bom, ông càng thêm yêu quý, trân trọng những tấm gương dũng cảm quên mình, xả thân vì đồng đội của bộ đội ta. Như đồng chí Cậy, Tiểu đội phó, Đại đội 60 đã dũng cảm lấy thân mình đè lên quả lựu đạn đã rút chốt khi quả lựu đạn được quăng vào phòng của tên Chỉ huy trưởng yếu khu, nhưng bị vật cản văng ra ngoài và đồng chí Cậy đã anh dũng hy sinh.

Cụ thể, Tiểu đoàn 303 đánh vào yếu khu, Đại đội Lam Sơn tiêu diệt đồn địch ở vòng ngoài và hỗ trợ Tiểu đoàn 303 chiếm giữ mục tiêu khi cần thiết. Các đơn vị còn lại, như: Du kích huyện Vĩnh Cửu sẽ phá đường, lập chướng ngại vật trên quốc lộ 1, đoạn từ Hố Nai đến Trảng Bom và chiến đấu chặn địch tăng viện từ Biên Hòa đến. Đội vũ trang tuyên truyền Xuân Lộc phá quốc lộ 1 và chặn chi viện từ Xuân Lộc đến. Một trung đội thuộc Đại đội Nguyễn Văn Nghĩa và 1 trung đội thuộc Đại đội 55, Tiểu đoàn 303 cùng Đội biệt động tỉnh hóa trang thành công nhân làm đường đi trên xe cam-nhông của Sở Cao su tập kích từ cổng chính. Đại đội 60, Tiểu đoàn 303 ém quân tại bìa rừng cách yếu khu quân sự Trảng Bom 500m và xung phong đánh chiếm yếu khu khi lực lượng tập kích cổng chính nổ súng. Thời điểm trận đánh được chọn vào lúc 16 giờ 45 ngày 20-7, khi bọn lính trong yếu khu ra sân chơi bóng hoặc ra thị trấn đi chợ. Tỉnh đội trưởng Huỳnh Văn Nghệ trực tiếp chỉ huy trận đánh.

Ông Nguyễn Xuân Mai nhớ lại, theo đúng kế hoạch, vào chiều 20-7, lực lượng tham gia trận đánh đã hành quân đến các vị trí quy định. Đúng 16 giờ 40, như thường lệ, 2 xe cam-nhông chở 75 công nhân làm đường (thực chất là bộ đội hóa trang) chạy từ hướng Bàu Cá về Trảng Bom. Lúc này, bọn lính trong yếu khu tỏa ra sân đá bóng. Khi xe chạy đến trước cổng yếu khu thì bất ngờ dừng lại, bộ đội ta nhanh chóng nhảy xuống xe giết tên lính gác cổng, rồi xông vào dùng bộc phá đánh các lô cốt và chiếm giữ xe bọc thép. Khi các mục tiêu quan trọng trong yếu khu bị quân ta đánh chiếm thì ở bên ngoài, Đại đội Lam Sơn đã đánh dứt điểm đồn lính ngụy ở sân bóng.

Bị tiến công bất ngờ từ 2 phía, bọn địch bên trong yếu khu và bên ngoài sân bóng bỏ chạy tán loạn. Sau 30 phút chiến đấu, quân ta tiêu diệt 50 lính Âu - Phi, bắt sống 50 tên khác, phá hủy 1 xe bọc thép, thu 200 súng các loại, hàng chục tấn đạn, lương thực, thực phẩm và rút về chiến khu an toàn.

Đức Việt

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều