Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 1: Trắng đêm theo chân "cát tặc"

10:09, 23/09/2016

"Người ta tổ chức hút trộm cát sông một cách công khai, ồ ạt ngày đêm như một "đại công trường". Hàng chục hécta ruộng đất trồng lúa của chúng tôi đã bị trôi tuột xuống lòng sông bởi nạn hút trộm cát gây ra sạt lở.

[links()] “Người ta tổ chức hút trộm cát sông một cách công khai, ồ ạt ngày đêm như một “đại công trường”. Hàng chục hécta ruộng đất trồng lúa của chúng tôi đã bị trôi tuột xuống lòng sông bởi nạn hút trộm cát gây ra sạt lở. Chúng tôi đã phản ánh sự việc với chính quyền địa phương mà ít thấy bọn “cát tặc” bị xử lý” - một người dân địa phương bức xúc cho biết.

Trời chưa tắt nắng nhưng những chiếc ghe “bạch tuộc” đã bắt đầu cắm ống xuống sông bơm hút cát. (Ảnh chụp chiều 20-8 trên sông Đồng Nai, đoạn qua xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch).
Trời chưa tắt nắng nhưng những chiếc ghe “bạch tuộc” đã bắt đầu cắm ống xuống sông bơm hút cát. (Ảnh chụp chiều 20-8 trên sông Đồng Nai, đoạn qua xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch).

 Chiều 20-8, theo sự hướng dẫn của người dân địa phương, chúng tôi thuê ghe men theo những con lạch nhỏ tại xã Long Tân hướng ra dòng sông Vàm Môn, nơi tập kết ghe hút trộm cát trên sông Đồng Nai, để chứng kiến hoạt động của các đối tượng bơm hút trộm cát.

Ngang nhiên hoạt động giữa ban ngày

Trên sông Vàm Môn, mới 17 giờ nhưng chúng tôi đã thấy hàng chục chiếc ghe gỗ loại tải trọng lớn, trang bị hệ thống máy bơm công suất lớn, hệ thống ống hút cát loại phi 200 trở lên đang đậu bên các bụi dừa nước. Theo người dẫn đường, những chiếc ghe hút trộm cát thường được gọi là “bạch tuộc” hay “vòi rồng”.

Ra khỏi sông Vàm Môn, chúng tôi tiếp tục chứng kiến vài chục chiếc ghe gỗ đang buông neo san sát trên sông Đồng Nai, đoạn ngay ngã ba sông Vàm Môn và sông Đồng Nai. Những chiếc ghe này chuyên chở cát do những chiếc ghe “bạch tuộc” hút cát từ dưới sông đổ vào để vận chuyển đến các bãi kinh doanh vật liệu xây dựng trong vùng và đi các tỉnh miền Tây tiêu thụ. Ngoài ra, nằm rải rác phía bờ sông Đồng Nai, khu vực thuộc xã Long Tân, chúng tôi còn thấy vài điểm neo đậu của một số ghe, sà lan chở cát.

Theo quan sát của phóng viên, trung bình 1 giờ mỗi ghe “bạch tuộc” có thể hút khoảng 40m3 cát từ dưới sông lên các ghe trung chuyển. 1m3 cát được “sang tay” trực tiếp cho các ghe trung chuyển giá khoảng 100 ngàn đồng (giá cao hay thấp còn tùy vào chất lượng cát). Các ghe chở cát sẽ bán lại cho các bãi cát trong khu vực, hoặc một số ghe đi miền Tây. Với việc bơm hút cát liên tục trong đêm, mỗi ghe “bạch tuộc” có thể thu được hàng chục triệu đồng/đêm. Chính vì nguồn lợi thu được quá hấp dẫn nên các đối tượng “cát tặc” tìm đủ cách trộm cát, bất chấp việc ảnh hưởng tới dòng chảy, gây sạt lở đất ở 2 bên bờ sông.

Người dân địa phương cho biết những ông “trùm” khai thác cát lậu trên sông Đồng Nai ở khu vực xã Long Tân phải kể đến các ông: H.D., N.A. (đều ngụ xã Long Tân). Mỗi ông “trùm” khai thác cát lậu đều sở hữu trên 10 chiếc ghe “bạch tuộc” cùng nhiều ghe, sà lan chở cát. Thậm chí, ông H.D. có cả một bến bãi chuyên sửa chữa ghe hút cát, cùng các ghe chở dầu cung cấp cho các ghe “bạch tuộc”, ghe hút cát khác.

Hướng về khu vực cầu Cù Lao, dù mới hơn 17 giờ nhưng chúng tôi đã thấy 2 chiếc ghe “bạch tuộc” đang thọc các ống nhựa cỡ lớn xuống lòng sông (khu vực gần bờ xã Long Tân) hối hả hút cát lên những chiếc ghe gỗ cặp sát bên. Trên mỗi chiếc ghe “bạch tuộc” này, có khoảng 5-7 thanh niên đang tất bật điều khiển những chiếc máy bơm có công suất lớn. Cát từ những chiếc ống hút trực tiếp dưới lòng sông được xả qua chiếc sàng sắt nhằm loại bỏ rác trước khi chảy vào một khoang chứa cát “thành phẩm” phía dưới. Từ khoang chứa cát “thành phẩm”, một hệ thống máy bơm hút khác tiếp tục bơm cát sang những chiếc ghe gỗ đậu sát bên.

Theo người dẫn đường, hệ thống ống hút cát trên các ghe “bạch tuộc” đã được “cải tiến” nên “năng suất” hút cát cao hơn. Trước đây, muốn hút cát các chủ ghe phải cho người lặn xuống sông cắm sào, đặt ống…, còn bây giờ các ống hút cát được trang bị quạt hút ngay đầu ống hút nên chủ ghe chỉ cần thả ống xuống đáy sông là có thể vô tư bơm hút cát. Tiếp tục hướng về phía hạ nguồn, chúng tôi lại bắt gặp một chiếc ghe “bạch tuộc” đang ngang nhiên bơm hút cát.

“Đại công trường” khai thác cát trong đêm

Khi màn đêm buông xuống, tình trạng bơm hút trộm càng trở nên sôi động. Tại ngã ba Miếu Vàm Môn khi trời tối ghe “bạch tuộc” sẽ đổ ra khu vực này để thi nhau cắm sào bơm hút trộm cát.

23 giờ, chúng tôi thấy những chiếc ghe lớn, sà lan chở cát thả neo trên sông chờ những chiếc ghe “bạch tuộc” bơm cát. Đến khoảng 24 giờ, từ phía sông Vàm Môn, khoảng 20 chiếc ghe “bạch tuộc” lũ lượt tiến ra giữa dòng sông Đồng Nai, rồi hối hả thả những chiếc vòi “bạch tuộc” xuống lòng sông để bơm hút cát lên những chiếc sà lan, ghe chở cát cập kề bên. Tiếng máy bơm gầm rú vang một góc trời. Hoạt động bơm hút trộm cát diễn ra một cách rầm rộ chẳng khác nào một “đại công trường” đang khai thác khoáng sản hợp pháp.

Khi phát hiện ghe chúng tôi tiến lại gần, những ánh đèn pin của những người trên ghe hút trộm cát liên tục rọi thẳng về phía chúng tôi. Chúng tôi phải cho ghe dạt ra xa và chạy về phía khu vực chân cầu Long Thành. Trên đường đi, chúng tôi thấy hàng chục chiếc sà lan đậu sẵn ở khu vực này chờ đến “tài” để “ăn hàng”.

Sau nhiều giờ thi nhau bơm hút cát lên những chiếc sà lan, ghe chở cát, đến khoảng 4 giờ sáng hôm sau (21-8), tiếng máy bơm hút cát của những chiếc ghe “bạch tuộc” từ “đại công trường” giữa sông Đồng Nai giảm dần. Khi trời sáng hẳn, những chiếc ghe “bạch tuộc” lần lượt rời khu vực khai thác cát, tiến về địa điểm ẩn nấp trong những con rạch nhỏ để chờ đến đêm lại hoạt động...

Thời gian qua, nhiều người dân xã Long Tân (huyện Nhơn Trạch) rất bức xúc trước tình trạng bơm hút trộm cát sông Đồng Nai diễn ra như một “đại công trường”. Điều khiến người dân lo lắng là không chỉ nguồn tài nguyên khoáng sản bị khai thác một cách vô tội vạ, mà còn gây ảnh hưởng tới dòng chảy và hàng chục hécta đất ruộng của người dân đã bị “hà bá nuốt” do tình trạng bơm hút trộm cát gây ra sạt lở.

Trần Danh - Văn Chính

Bài 2: Ruộng đất trôi tuột xuống lòng sông

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều