Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 2: Trung tâm huấn chính Biên Hòa

10:11, 28/11/2016

Trung tâm huấn chính Biên Hòa (còn gọi là Nhà tù Tân Hiệp, nay thuộc phường Tân Tiến) nằm cách trung tâm TP.Biên Hòa độ 2km về hướng Hố Nai; nằm bên quốc lộ 1, ở phía đối diện với Bệnh viện tâm thần trung ương 2.

[links()] Trung tâm huấn chính Biên Hòa (còn gọi là Nhà tù Tân Hiệp, nay thuộc phường Tân Tiến) nằm cách trung tâm TP.Biên Hòa độ 2km về hướng Hố Nai; nằm bên quốc lộ 1, ở phía đối diện với Bệnh viện tâm thần trung ương 2. Thời Mỹ - Diệm, Nhà tù Tân Hiệp là một trong 6 trại giam lớn ở miền Nam, gồm: Thủ Đức, Chí Hòa, Phú Lợi, Tân Hiệp, Côn Đảo và Phú Quốc.

Nhà tù Tân Hiệp nằm trên khu đất hình chữ nhật, rộng tới 3.680m2. Cách nó không xa, chừng 1km về hướng nội ô, chính quyền Diệm đặt Bộ Tư lệnh Sư đoàn dã chiến số 4, Sân bay Biên Hòa và các cơ quan đầu não của tỉnh. Tuy nhiên, Nhà tù Tân Hiệp không thuộc quyền quản lý của chính quyền sở tại mà do Nha Cảnh sát và Công an Nam phần trực tiếp phụ trách.

Chốn giam cầm

Nhà tù Tân Hiệp được bao bọc xung quanh bởi 2 lớp kẽm gai chằng chịt trên các trụ gỗ và 9 tháp canh. Trên mỗi tháp canh đều có trang bị súng trường Mas 36, tiểu liên Mas 49, trung liên F5. Riêng cửa nhà tù bằng thép dày, rộng 4m, cao 2,4m. Bên kia đường, trước cổng chính là nhà thăm nuôi cho thân nhân tù các loại.

Việc bố trí tù nhân ở các trại theo từng loại hẳn hoi. Mỗi trại chưa đến 200m2, mái lợp tole fibro-ciment, xung quanh đóng vách ván, nền xi măng, các bên có cửa sổ đóng mành sắt. Vậy mà, đến cuối năm 1956, Nhà tù Tân Hiệp có tới 1.872 tù nhân.

Sinh hoạt thường ngày trong Nhà tù Tân Hiệp được bố trí khá quy củ. Việc nhà bếp buổi sáng được giám đốc nhà tù giao cho viên giám thị cùng với lính bảo an đưa độ 20 tù nhân, chủ yếu là lực lượng giáo phái đã qua “tố cộng”, tiến hành từ 5 giờ sáng. 6 giờ 15, theo tiếng kẻng, tất cả tù nhân tập hợp trước trụ cờ để nghe giám thị chỉ định công việc trong ngày, khi thì học “tố cộng”, lúc làm vệ sinh, lao động vườn rau... Buổi chiều, sau giờ cơm, công việc tuần tự như ban sáng đến 18 giờ, tù nhân phải xếp hàng vào trại. Hàng đêm, từng trại đều có công an và lính bảo an đến kiểm lại tù nhân.

Bảo vệ Nhà tù Tân Hiệp có đến 3 trung đội lính bảo an, gồm 168 người thuộc Nha bảo an Nam phần, Tỉnh đoàn bảo an Biên Hòa, Tỉnh đoàn bảo an Gia Định. Kho vũ khí của lực lượng bảo an không thiếu thứ gì, từ trung liên 24-29, tiểu liên Thompson, súng trường Mas, đến súng phóng lựu, lựu đạn. Mỗi ca gác của lính bảo an gồm 30 người, từ 17 giờ 45 ngày hôm trước đến 17 giờ 45 ngày hôm sau. Trên tất cả các tháp canh đều có đèn chiếu sáng bảo vệ quanh rào. Đường dây điện thoại của Nhà tù Tân Hiệp nối liền với Bộ Tư lệnh Sư đoàn dã chiến số 4 để sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra.

Nói chung, Nhà tù Tân Hiệp được chính quyền Sài Gòn tổ chức bài bản, giám sát chặt chẽ với mục đích rõ ràng là tiêu diệt ý chí đấu tranh của các chiến sĩ cộng sản và những người yêu nước, đồng thời tôn vinh chế độ Ngô Đình Diệm.

Dùi sắt và kẻng sắt

Lý Văn Sâm và Dương Tử Giang bị đưa vào Nhà tù Tân Hiệp giữa lúc tình hình chính trị ngày một xấu thêm. Bên ngoài trại giam, viên tướng Phòng nhì Mai Hữu Xuân mở trận càn đẫm máu kéo dài nhiều ngày lấy tên “Chiến dịch Trương Tấn Bửu” đánh vào các chiến khu, cơ sở cách mạng ở đồn điền cao su. Bên trong trại giam, tên Đại úy Tống Đình Bắc, Trưởng ty Đặc cảnh miền Đông, tha hồ ra lệnh tra khảo, truy bức tư tưởng, thậm chí giết lén tù chính trị. Ngày nào cũng có xe chở bọn mật vụ P.S.E. từ Sài Gòn lên đầy ắp trước nhà tên giám đốc, chủ ngục Huỳnh Văn Tín. Độ 10 hôm, có một chuyến đi đày Côn Đảo, Phú Quốc; nửa tháng một lần xáo trộn các trại để cách ly những người chúng cho là cộng sản sang trại khác. Các loa phóng thanh đặt trước mỗi trại ra rả suốt ngày đêm về sự ưu việt của “chánh nghĩa quốc gia” và chửi móc, nói xấu đủ điều về cộng sản.

Trước năm 1956, trong Nhà tù Tân Hiệp đã có một chi ủy Đảng bí mật. Đến tháng 2-1956, số đảng viên bị địch bắt ở các nơi về nhiều, đã tìm cách móc nối thành lập lại và sau đó hình thành Đảng bộ, do anh Nguyễn Trọng Tâm, cán bộ của Ban Binh vận Xứ ủy miền Nam làm bí thư. Các trại giam giữ chiến sĩ cách mạng, những đảng viên cộng sản trung kiên và đồng bào yêu nước và trại bệnh đều có chi bộ. Lý Văn Sâm và Dương Tử Giang được giao phụ trách công tác tuyên huấn. Anh em tù cộng sản còn tổ chức học bổ túc văn hóa, đưa người ra vào ban đại diện công khai, giám sát cả chế độ ăn uống...

Hôm mới vào trại, Lý Văn Sâm được xếp ngay vào tổ rửa cầu tiêu. Anh Bảy Thơ là người điều khiển tổ này. Anh Bảy Thơ vốn quê ở Thủ Dầu Một. Hồi kháng chiến 9 năm, anh là cán bộ văn phòng Ủy ban hành chính tỉnh. Những người trong tổ được lựa chọn khá kỹ.

Hàng tuần, gia đình các tù nhân được thăm nuôi 2 lần, thứ ba và thứ sáu. Bọn giám thị, công an vừa có dịp hốt bạc, vừa thực hiện được mưu mẹo của trùm lính kín Tống Đình Bắc là làm cho “Việt cộng nhão tinh thần”, “quen ăn không quen nhịn”, dần hồi rã rời hàng ngũ.

Tuy nhiên, tinh thần cảnh giác luôn thường trực ở những anh em tù cộng sản. Dương Tử Giang sáng tác bài thơ, lấy nhan đề Giữ dạ sắt đinh, phổ biến ngầm, nhưng rộng rãi ở các trại giam giữ chiến sĩ cách mạng, những đảng viên cộng sản trung kiên và đồng bào yêu nước.

Tàn bạo nào ngăn được bất bình?/Một dòng máu đỏ, một niềm tin.

Khảo tra không nhụt lòng gang thép/ Lừa mị đâu mềm dạ sắt đinh…

Con đường tranh đấu con đường sống/ Mãi mãi bên nhau vẹn nghĩa tình.

Còn anh Huỳnh Văn Trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban hành chính huyện Xuân Lộc, làm bài thơ mỉa mai cay độc lời khuyến dụ về chốn “thiên đường của những con người lầm đường dân tộc” mà bọn chúa ngục thường rêu rao:

...Chúng bảo đây là thiên đường/Ta thét vào mặt chúng: đây quả là địa ngục.

Địa ngục này, có ngày ta giẫm nát/Tìm về mùa xuân riêng của lòng ta.

Lý Văn Sâm từ lâu đã không làm thơ nữa. Thế nhưng, anh Bảy Thơ phân công anh làm một bài thơ binh vận để phân hóa và giác ngộ bọn lính trại giam. Bữa nọ, thấy có người lính bảo an ngày ngày cầm cái bù lon sắt đánh leng keng vào cái kẻng sắt treo gần cửa lớn Nhà tù Tân Hiệp báo giờ giấc theo lịch của trại, bèn nảy ý làm bài thơ Dùi sắt và kẻng sắt:

Dùi sắt và kẻng sắt/Cùng một gốc sanh ra/Ni tấc tuy có khác

Anh em chung một nhà/Khi đánh vào kẻng sắt/Có nghe kẻng kêu đau?...

Bùi Quang Huy

Bàì 3: Vùng lên phá khám

 

Tin xem nhiều