Báo Đồng Nai điện tử
En

"Du mục" ở đồng hoang

10:03, 20/03/2017

Vào mùa nắng, khi vạt cây, bụi cỏ chết khô thì những người chăn nuôi gia súc lại phải vất vả tìm những "cánh đồng hoang" để thả bầy trâu, bò, dê để chúng tìm thức ăn. Cuộc sống của họ phải di chuyển thường xuyên, quanh năm suốt tháng nên ai cũng gọi là "du mục".

Vào mùa nắng, khi vạt cây, bụi cỏ chết khô thì những người chăn nuôi gia súc lại phải vất vả tìm những “cánh đồng hoang” để thả bầy trâu, bò, dê để chúng tìm thức ăn. Cuộc sống của họ phải di chuyển thường xuyên, quanh năm suốt tháng nên ai cũng gọi là “du mục”.

Chăn thả bò trong các khu công nghiệp còn đất trống, cỏ mọc nhiều.
Chăn thả bò trong các khu công nghiệp còn đất trống, cỏ mọc nhiều.

Nhiều người trong số họ có thể là chăn gia súc thuê cho các chủ đàn, cũng có không ít người tự bỏ tiền mua trâu, bò về vỗ béo để bán kiếm lời.

* “Mục đồng” chân chất

Các khu đô thị bỏ hoang, dự án dang dở hay các khu công nghiệp chưa lấp đầy chỗ trống ở huyện Nhơn Trạch vốn là nơi những người nuôi gia súc dựng chuồng trại chăn thả. Ở đây ít người qua lại, cây cỏ mọc um tùm, lâu dần trở thành những “cánh đồng hoang” thích hợp với việc chăn thả gia súc. Những đàn trâu, bò, dê cả trăm con mặc sức tìm kiếm lấy thức ăn.

Vào mùa nắng mưa thuận lợi, cỏ mọc cao quá đầu người, đàn gia súc thoải mái tìm thức ăn nên con nào cũng nhanh béo tốt.

Ông Bùi Văn Hoan (ngụ xã Long Tân) chia sẻ, từ chỗ làm đủ nghề, kinh tế không dư dả, ông đã đầu tư nuôi bò và cuộc sống có thể nói đã ổn định hơn trước. Cách đây 8 năm, thấy những căn nhà ở, biệt thự ở khu đô thị Long Thọ - Phước An bị bỏ hoang, ông Hoan dốc hết số tiền có được mua 3 cặp bò về chăn thả.

Đàn trâu do một người giữ thuê có khi lên đến hơn trăm con
Đàn trâu do một người giữ thuê có khi lên đến hơn trăm con

Đất rộng, cỏ tốt, bò nhanh lớn mà ít khi bệnh tật. Chỉ chưa đầy 2 năm, ông đã có trong tay đàn bò hơn chục con và hiện tại thì trở thành một chủ nuôi giàu có. Khi kinh tế vững vàng, ông vẫn bám trụ với nghề này dù nhiều công việc khác nhàn hạ và sạch sẽ hơn. Bởi với ông Hoan, cuộc đời gần như gắn với đàn bò, quen sống du mục trên những “cánh đồng hoang”. Đàn bò bao nhiêu con, ông hiểu hết tính nết, thói quen của từng con; thậm chí mỗi con ông còn đặt cho chúng những cái tên riêng.

Không chỉ ông Hoan, những ai chăn thả trâu, bò ở đây đều đặt tên cho vật nuôi như người ta đặt tên cho chó, mèo. Với họ, như thế để dễ phân biệt, nếu xảy ra mất mát hay trâu, bò đi lạc việc tìm kiếm cũng thuận lợi hơn.

“Thường thì tôi dựa vào hình dáng để gọi tên mấy con trâu cho dễ nhớ. Đàn trâu hơn 60 con của tôi, sau một ngày chăn thả, tối lùa về chuồng nếu không có tên thì sao biết được về đủ hay chưa, trong đàn có trâu lạ đi lạc vào không?” - anh Lê Văn Thưởng (ngụ xã Long Thọ) lý giải.

Anh Thưởng tâm sự, nghề này thực sự vất vả, bởi một mình tự xoay xở với đàn trâu mấy chục con. Muốn trâu nhanh lớn phải đưa chúng đi ăn xa để có cỏ non, trâu ăn ở đâu thì người phải luôn túc trực tại đó. Là vật nuôi, đến khi lớn thì xuất bán, nhưng người nuôi phải biết yêu thương chúng. Chỉ cần lớn tiếng gọi tên là con trâu ngoan ngoãn chạy lại gần chủ, dù lạc đàn vẫn nhớ đường về.

Điều đặc biệt mà anh Thưởng được nhiều người khâm phục là khả năng chăm bẵm đàn trâu của mình. Anh kể, gần nửa số trâu trong đàn được anh mua lại từ các chủ khác trong vùng. Đó là những con trâu bé, gầy ốm, chủ nuôi hoài không lớn nên tìm cách bán đi. Lúc đó, anh mua về vỗ béo. Chỉ trong thời gian ngắn, qua bàn tay chăm sóc của anh, chúng nhanh lớn, không thua gì những con khác trong đàn.

“Cứ nửa năm tôi bán một đợt khoảng 5-7 con, sau khi trừ tiền vay mượn để mua trâu thì lãi được vài chục triệu đồng. Nếu năm nào được thêm mấy con nghé do bầy trâu đẻ thì năm đó lời to. Chỉ cần nuôi tốt là 3 năm sau từ trâu nghé có thể xuất bán được rồi” - anh Thưởng vừa nói vừa vuốt ve con nghé mới sinh chục ngày.

* Luôn tìm những vùng đất hoang

Ông Bùi Văn Hoan chia sẻ: “Quanh khu vực nhà ở bị bỏ hoang nhiều năm nay ở Nhơn Trạch có hàng chục người làm nghề chăn thả gia súc. Những đàn trâu, bò, dê có khi lên đến hơn ngàn con, được thả rong giữa những bãi cỏ rộng lớn, hoang vu”.

Với những người chăn thả gia súc trên những vùng đất hoang, mùa khô bao giờ cũng vất vả và tốn công nhất. Nắng nhiều đám cỏ chết cháy, trơ trụi khiến đàn trâu, bò bị bỏ đói, gầy xơ xác. Không đành lòng nhìn gia súc ốm đói, những người nuôi, chăn thuê lại đi tìm nguồn thức ăn cho chúng.

“Khu này rộng cả mấy trăm hécta. Hôm nay thả ở đây, mai di chuyển qua chỗ khác. Nếu nguồn cỏ cạn kiệt thì lùa trâu chạy vào bãi đất trống ở các khu công nghiệp. Cứ thế mà đi từ vùng này sang vùng khác, có khi vài chục cây số một ngày, chứ lấy đâu rơm, cỏ cho đàn trâu khi mùa khô còn kéo dài” - ông Năm Thiện (ngụ xã Vĩnh Thanh) chia sẻ.

 Đàn trâu ông Thiện chăn thuê có 30 con, chúng ăn rất nhiều cỏ nên người giữ luôn phải tìm khu cỏ non mới. Nhiều năm qua, cuộc sống của ông gần như gắn bó với những bãi cỏ, công trình ngổn ngang ở các khu công nghiệp. Ông dựng chuồng trại ngay giữa trời, chỗ nghỉ ngơi cũng là tấm lán giản đơn với bạt nhựa phủ xung quanh.

Để bớt buồn, ông kết thân với 2 người khác cùng làm nghề chăn gia súc thuê gần đó. Cuộc sống ở đây thiếu điện và nước, vì xung quanh không có nhà dân nên đàn trâu mấy trăm con họ giữ thuê mỗi lúc tập hợp lại chẳng ảnh hưởng đến ai. Hàng ngày, ông chỉ việc thả trâu đi ăn dạo, đến chiều thì dắt về ở bãi đất trống. Đêm xuống, ông tự kiếm củi đốt lửa để giữ ấm cho trâu và ngăn muỗi đốt chúng.

“Việc cơm nước cũng khá đơn giản, cách mấy ngày chúng tôi cử một người ra chợ mua thức ăn, gạo, đồ khô về dùng. Mỗi tháng, chủ trả công giữ 200 ngàn đồng/con trâu, với số tiền này thực ra không có dư, nhưng nếu chăm tốt, trâu mẹ đẻ nhiều thì cuối năm vẫn được họ chia thêm tiền” - ông Thiện cho biết thêm.

Theo những người làm nghề chăn thả gia súc ở những vùng đất hoang, họ ít làm chuồng kiên cố vì phải di chuyển thường xuyên. Trâu, bò thả ngay giữa trời mà không lo mất trộm vì được họ chăm sóc cẩn thận. Suốt một ngày thả tự do, đến chiều tối lùa về chuồng và ngày mai lại đi tiếp.

“Công việc này giống như sống du mục. Càng cách xa các khu dân cư thì gia súc mới có nhiều thức ăn. Những lúc rảnh, tôi còn đi cắt thêm cỏ ngon cho đàn trâu ăn. Vất vả, nhưng chỉ cần còn sức khỏe thì tôi vẫn làm tiếp. Bữa nào nhớ nhà quá thì nhờ “đồng nghiệp” giữ hộ rồi chạy về, mai quay lại tiếp tục công việc” - ông Thiện tâm sự.

Thanh Hải

Tin xem nhiều