Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngày lễ lao động ở Melbourne

11:03, 17/03/2017

Nếu như ở Việt Nam, Ngày quốc tế lao động được tổ chức cố định vào 1-5 hàng năm, thì ở nước Úc các bang, vùng lãnh thổ được quyền chọn lựa ngày lễ cho riêng mình. Trong đó, ngày lễ lao động của bang Victoria được quy định là ngày thứ hai của tuần thứ 2 trong tháng 3.

Nếu như ở Việt Nam, Ngày quốc tế lao động được tổ chức cố định vào 1-5 hàng năm, thì ở nước Úc các bang, vùng lãnh thổ được quyền chọn lựa ngày lễ cho riêng mình. Trong đó, ngày lễ lao động của bang Victoria được quy định là ngày thứ hai của tuần thứ 2 trong tháng 3. Vì vậy, Ngày Lao động năm nay ở Melbourne, thành phố chính của bang Victoria là ngày 13-3.

Đoàn Việt Nam thể hiện cảnh đám cưới truyền thống. Ảnh: T.THÚY
Đoàn Việt Nam thể hiện cảnh đám cưới truyền thống. Ảnh: T.THÚY

Trước đó, từ tối thứ sáu đến chủ nhật (ngày 10 đến 12-3), Melbourne có nhiều hoạt động tưng bừng nhân dịp lễ, như: thi lướt ván nghệ thuật, đua thuyền kayak trên sông Yarra; tổ chức hội chợ, biểu diễn văn nghệ, chiếu phim miễn phí, bắn pháo hoa... Nhưng đỉnh điểm của ngày lễ được mọi người trông đợi nhất là lễ diễu hành, gọi là Moomba festival. Nghe nói, từ “moomba” có nguồn gốc từ ngôn ngữ của thổ dân Úc, có nghĩa là giao lưu, hội ngộ. Đúng như tên gọi, Moomba festival là dịp để các cộng đồng các dân tộc, sắc tộc ở đây giới thiệu nét đặc sắc và giao lưu, kết nối văn hóa.

* Ngày hội của âm thanh và sắc màu

Đoàn Việt Nam thể hiện hình ảnh đám rước dâu trong đám cưới cổ truyền, cô dâu chú rể trong áo dài đỏ truyền thống, che đôi lọng đỏ, theo sau là quan viên hai họ với mâm quả phủ vải đỏ, đội múa quạt mặc áo dài, áo tứ thân cùng nón quai thao, cũng để lại những hình ảnh đẹp. Tuy may mắn bốc thăm xếp hàng thứ 5 của đoàn diễu hành, nhưng đoàn Việt Nam (do những Việt kiều ở khu Sunshine - khu vực có đông người Việt Nam sinh sống đảm nhiệm) vì quá nền nã và kín đáo, nền nhạc bài Đám cưới trên đường quê cũng êm đềm nên bị chìm trong những ca khúc sôi động rộn ràng khác. Nhưng đó cũng chính là nét “duyên ngầm” của văn hóa Việt.

Theo thông báo của ban tổ chức, 10 giờ 30 lễ diễu hành mới bắt đầu. Nhưng từ 8 giờ, mọi người từ khắp nơi đã đổ về khu vực Vườn thực vật hoàng gia nằm cạnh bờ sông Yarra đông như trẩy hội. Toàn bộ khu vực này từ cầu Princes Bridge gần Quảng trường Federation (nằm trước nhà ga Flinders Street) cho đến cầu Swan Street, kể cả các đường nhánh rẽ vào, như: St Kilda, Southbank, Swanson... đều được ngăn lại không cho xe cộ lưu thông để người dân thoải mái dự lễ hội, xem diễu hành.

Đoàn diễu hành bắt đầu từ Shrine of Rememberance di chuyển đến National Gallery, kéo dài trên đoạn đường khoảng 4-5km, thế nhưng suốt 2 bên đường người xem, cổ vũ đông nghẹt. Dẫn đầu đoàn diễu hành là nhóm hóa trang thổ dân Úc - lớp cư dân đầu tiên của vùng đất, với khuôn mặt bôi vẽ vằn vện, trong tay cầm boomerang gỗ gõ lốc cốc hòa theo những giai điệu hoang dã và kiểu nhảy múa đặc trưng. Theo sau là mô hình diều hâu Bunjil - loài chim được xem như là tô-tem (vật thiêng) của thổ dân Úc, đã tạo ra núi non, sông ngòi, muôn loài và đàn ông. Trong văn hóa của thổ dân Úc không thể thiếu hình ảnh chiếc thuyền theo truyền thuyết của bộ tộc Gullibul, đã đưa anh em Mamoon, Yar Birrain và Birrung là những người đầu tiên đặt chân đến châu Úc.

Đoàn vũ công Nam Mỹ nóng bỏng trong điệu nhảy samba.
Đoàn vũ công Nam Mỹ nóng bỏng trong điệu nhảy samba.

Tiếp sau thổ dân là lớp di dân từ các nước châu Âu đến sinh sống, định cư, xây dựng và phát triển nước Úc, trong đó không thể không kể đến những người đi tìm vàng trong “kỷ nguyên vàng” bắt đầu từ năm 1851, đã góp phần tạo nên sự thịnh vượng của các thành phố lớn trên nước Úc, trong đó có Melbourne. Là một xã hội đa chủng tộc, nên nét đặc trưng của văn hóa Úc chính là đa văn hóa, là sự dung nạp và hòa hợp nhiều nền văn hóa của các cộng đồng cư dân cùng sinh sống, mà tại Moomba festival điều này thể hiện rất rõ. Người xem lễ hội có thể nhìn thấy trang phục của các sắc tộc người Hoa, từ Hán, Mãn, Hồi, Bạch, Bố Y cho đến Tarta, Kazakh... Đoàn Hà Lan xuất hiện với những “cô gái Hà Lan” mang tạp dề, chân đi giày gỗ nhảy trên đường phố thành tiếng lách cách rất độc đáo. Đoàn Ấn Độ không chỉ thu hút bởi những vũ nữ múa bụng, mà còn có cả xe hoa cùng mô hình chú voi khổng lồ trang trí thật diêm dúa. Rồi đoàn Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, các nước châu Phi... với trang phục truyền thống, nhảy múa theo giai điệu của nước mình vừa vui tai lại đã mắt. Hấp dẫn công chúng nhất có lẽ là các vũ nữ nhảy samba nóng bỏng trong trang phục bikini cắm đầy lông chim, lắc mông vô cùng nhiệt tình và... nảy lửa. Có những “vũ nữ bà bà” rất tự tin khoe “bụng một thùng, hông sáu múi” nhưng công chúng cũng cổ vũ không ngớt.

Không chỉ giới thiệu văn hóa các dân tộc, Moomba festival còn là một lễ hội đường phố với nhiều nhóm hóa trang sinh động, như đoàn hóa trang robot - nước Úc hướng về tương lai do thiếu nhi thể hiện; nhóm những nàng tiên Tinker Bell nhỏ bé xinh xắn ngồi vắt vẻo trong quả dâu; nhóm hóa trang thành trái cây táo, lê, dâu nhằm tôn vinh nền nông nghiệp Úc. Có cả những chiếc xe cổ thời thuộc địa với những gentlemen (quý ông) đội mũ ống cao, ladies (quý bà) mặc váy đầm có vòng khung phồng xòe như chiếc lồng - thời trang thịnh hành ở thế kỷ 19...

* Lễ hội của văn hóa

Bắn pháo hoa tối 12-3 trên sông Yarra.
Bắn pháo hoa tối 12-3 trên sông Yarra.

Cái hay của Moomba festival không chỉ nằm ở tính vui chơi giải trí, mà còn ở những điều đáng suy nghĩ, học hỏi trong công tác tổ chức. Ước tính, có khoảng gần 200 ngàn người tham gia lễ hội nhưng hoàn toàn không có cảnh chen lấn, mất trật tự. Người già, trẻ em được ưu tiên chiếm những vị trí tốt. Ban tổ chức đặt thùng rác ở khắp nơi, cộng thêm ý thức cao của người dân nên sau lễ hội đường phố vẫn sạch trơn, không hề thấy rác thải của giấy vụn, bao bì thức ăn, vỏ chai lọ. Bia, rượu và các chất kích thích bị cấm tuyệt ở lễ hội, không phải chỉ vì cảnh sát cùng lực lượng tình nguyện được bố trí ở nhiều nơi, mà còn vì sự khó chịu, xem thường, phê phán của người xung quanh với kẻ vi phạm nên hầu như ai cũng tuân thủ quy định. Cứ cách một quãng, ban tổ chức đặt lều y tế và tìm trẻ lạc.

Với số lượng “diễn viên quần chúng” đông đảo, trang phục, âm thanh, xe hoa... hoành tráng như thế, sẽ là gánh nặng nếu lễ hội sử dụng kinh phí ngân sách. Nhưng chính quyền TP.Melbourne có cách “xã hội hóa” khá hay. Các tổ chức, câu lạc bộ, cộng đồng, doanh nghiệp... được vận động tự nguyện tham gia, tự sáng tạo và đóng góp kinh phí, chính quyền chỉ làm vai trò cầu nối và “định hướng” theo ý tưởng chung. Và điều đáng học hỏi nữa, là lễ hội không có cảnh giới thiệu quan chức, đại biểu dài lê thê, không có diễn văn phát biểu dằng dặc làm giảm niềm hứng khởi của công chúng...

Thanh Thúy

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích