Báo Đồng Nai điện tử
En

Bước chân không mỏi

11:07, 26/07/2017

Trở về đời thường, thương binh 1/4 Nguyễn Văn Tường (57 tuổi đời, 34 năm tuổi Đảng, Phó trưởng ban điều hành KP.4, phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) vẫn miệt mài tham gia công tác khu phố...

Trở về đời thường, thương binh 1/4 Nguyễn Văn Tường (57 tuổi đời, 34 năm tuổi Đảng, Phó trưởng ban điều hành KP.4, phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) vẫn miệt mài tham gia công tác khu phố. Dù công việc ở khu phố một thời gian dài không có phụ cấp, nhưng ông Tường vẫn khập khiễng từng bước chân đi vận động người dân trong khu phố làm đường, kéo điện, xây dựng gia đình văn hóa mới…

Thương binh Nguyễn Văn Tường tàn nhưng không phế.
Thương binh Nguyễn Văn Tường tàn nhưng không phế.

Đường KP.4, phường Tân Phong năm 1993 chưa được bê tông hóa nên gồ ghề khó đi. Cho nên, chuyện thương binh Tường bị “đo đường” vì cái chân giả cà thọt đạp thắng, tay giả cầm lái chiếc xe Cub50 cà tàng, người dân nhìn thấy ai cũng thương.

* Người con Đất Đỏ

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Tân Phong Đỗ Xuân Khánh cho hay về thành tích công tác của ông Nguyễn Văn Tường với bằng khen, giấy khen của Trung ương, tỉnh, TP.Biên Hòa và UBND phường thì khỏi phải chê. Riêng ông Khánh rất quý, nể ông Tường ở chỗ sống mẫu mực, tích cực, trách nhiệm với công tác và xứng đáng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thương binh tàn nhưng không phế”.

Vốn là người con vùng Đất Đỏ (xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), năm 19 tuổi ông Tường tình nguyện tòng quân, làm nhiệm vụ quốc tế trên nước bạn Campuchia. Trong một lần cùng đồng đội đi rà phá mìn dọn đường cho đơn vị hành quân, ông Tường bị thương phải tháo khớp chân phải, tay trái và hỏng mắt trái với tỷ lệ thương tật trên 60%.

Quả mìn vỏ nhựa mà tàn quân Pol Pot cài xung quanh những quả mìn chống tăng rất hiểm ác. Để dọn đường an toàn cho bộ đội tình nguyện Việt Nam hành quân, vận chuyển khí tài và lương thực, có ngày người lính công binh Tường gỡ được mấy chục quả mìn. “Xung quanh mìn chống tăng có vài quả mìn vỏ nhựa. Mìn này có vỏ bọc bằng nhựa nên phải rà bằng tay mới phát hiện để tháo gỡ. Dưới mỗi quả mình chống tăng, địch còn gài 1 quả mìn díp (M14), chỉ cần công binh sơ suất khi tháo mìn chống tăng sẽ bị mìn díp kích nổ, gây thương vong lớn” - ông Tường xoa xoa phần bắp chân nhọn hoắt để gắn phần chân giả đang thâm tím vì đi lại nhiều rồi bộc bạch.

Ngày 28-12-1983, ông Tường cùng 2 đồng đội Ngữ và Long được giao nhiệm vụ dò đường cho đơn vị chuẩn bị hành quân. Tổ của ông đến một thôn nhỏ ở tỉnh Siem Reap (Campuchia) thì vướng ổ mìn do địch gài. Người lính trẻ Ngữ hy sinh, ông Tường và đồng đội Long bị thương nặng. Những ngày nằm điều dưỡng nơi trại thương binh, ông Tường thường xuyên được người bạn học cùng lớp Trần Thị Nga đến thăm hỏi, động viên. Tình yêu dần nảy nở và cả 2 nên duyên vợ chồng.

Ông Tường kể, lúc ông nói lời yêu và được bà Nga đồng ý, tim ông như vỡ vụn vì hạnh phúc khi có một cô bạn gái chung tình, không chê ông tàn phế.

Không bi quan về thương tật, ông Tường càng kiên trì tập luyện bước đi, làm việc phụ giúp bà Nga bằng chân, tay giả và năm 1993 thì ông đưa cả gia đình về KP.4, phường Tân Phong sinh sống bằng nghề may vá, đan lát tại nhà. Lúc này, cái tay giả của ông vẫn mau mắn lộn ngược cái bao tay bà Nga vừa may xong để chuyển qua cho con trai út bó thành bó 10 cái (5 đôi), hoặc ngồi bệt xuống nền đất lem luốc tay cầm dao cắt những sợi lạt, sợi chỉ may thừa. Có lúc sơ ý, ông chặt vào cái tay giả làm mẻ một miếng nhỏ nên tặc lưỡi tiếc rẻ.

Thương binh 1/4 Nguyễn Văn Tường (giữa) luôn nhiệt tình với nhiệm vụ Phó trưởng ban điều hành KP.4, phường Tân Phong.
Thương binh 1/4 Nguyễn Văn Tường (giữa) luôn nhiệt tình với nhiệm vụ Phó trưởng ban điều hành KP.4, phường Tân Phong.

* Tàn tật vẫn đóng góp cho đời

Nhờ bà Nga lo việc nhà chu toàn, ông Tường có điều kiện tham gia công tác ở khu phố, phường. Có giai đoạn, ông Tường phụ trách chức danh Phó trưởng ban điều hành khu phố kiêm nhiều chức danh không thù lao khác, như: đảng ủy viên phường, Bí thư Chi bộ, Chi hội phó Chi hội Cựu chiến binh khu phố… Hễ cán bộ và người dân trong khu phố cần, ông Tường lại xách xe máy ra cửa, dùng cái chân lành lặn đạp máy mạnh một cái rồi vọt xe đi luôn.

Thấy chồng làm được nhiều việc có lợi cho dân, khu phố và ai cũng yêu quý nên bà Nga để ông Tường lo việc cho xã hội; còn bà lo chu toàn việc trong nhà để có cái ăn hàng ngày và lo cho các con ăn học. Tuy vậy, đôi lúc bà cũng đứng ngồi không yên vì lo ông Tường cà thọt đi làm về khuya, hay những lúc ngoài đường trời mưa bão. Bà Nga cũng có khi bất ngờ và người dân trong khu phố lao xao chuyện ông Tường bắt kẻ trộm và được đưa lên báo, đài của TP.Biên Hòa và tỉnh rần rần.

Ông Tường kể, sáng đó ông ra UBND phường có việc. Vừa đi được một đoạn, nhìn thấy kẻ trộm từ mái nhà một người dân nhảy xuống đường, ông tri hô và lao thẳng xe máy vào kẻ trộm. Kẻ trộm ngã nhào ra đường sau cú tông xe của ông Tường nên bị người dân gần đó bắt và chuyển cho cơ quan công an xử lý.

Chuyện ông thương binh Tường can đảm bắt trộm được mọi người tán dương. Nhưng với ông, đó chỉ là chuyện hy hữu, không có gì phải kể nhiều; điều ông muốn kể cho chúng tôi nghe là chuyện ông cùng các đời trưởng khu phố, như: Nguyễn Sính, Ân Ngọc Thăng, Trần Sĩ Huân, Nguyễn Minh Khôi bền bỉ vận động người dân trong khu phố kéo điện sinh hoạt, thắp sáng đường đi và góp tiền làm đường xi măng…, giúp khu phố liên tục 16 năm giữ vững danh hiệu khu phố văn hóa…

Qua 24 năm làm việc với các đời trưởng khu phố, ông Tường thấy mỗi người đều có cái hay, cái táo bạo và đáng học tập. Ông Tường bộc bạch vì sức khỏe của ông chỉ có vậy nên ông vui vẻ làm phó, làm cộng sự tích cực cho các đời trưởng khu phố. Cũng vì cái tính nhiệt huyết, tích cực, gần dân nên các trưởng khu phố ở đây rất an tâm khi được ông Tường giúp sức.

KP.4, phường Tân Phong là khu phố có nhiều cán bộ, đảng viên về hưu lẫn đương chức. Vì có nhiều cán bộ, đảng viên trên địa bàn nên người dân KP.4 rất ý thức và trách nhiệm cao trong việc chung tay đóng góp xây dựng giao thông, các loại quỹ, như: Vì người nghèo, Khuyến học, Chữ thập đỏ… Chính sự tích cực, trách nhiệm, nhiệt huyết của ông, từ người già đến lớp trẻ ai trong khu phố cũng biết, cũng quý.

Mưa nhiều, con đường xi măng ở KP.4 có chỗ trũng nước nên trơn trượt. Bí quyết để đi xe bằng tay chân giả của ông Tường được ông bật mí mà thương, cảm phục vô cùng: “Xe tui vỏ bao giờ cũng mới. Thắng trước, thắng sau xe phải ăn từ từ, để khi thắng gấp không bị ngã nhào đầu. Còn một con mắt tui cũng phải căng ra nhìn, quan sát trước sau nên bà xã tui không phải lo, bận tâm gì cả” - ông Tường bộc bạch.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều