Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhớ anh - những người con ưu tú Gạc Ma

07:07, 15/07/2017

Tối 14-7, hàng trăm người đã cầm nến đứng bên công trình Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (phía Bắc bán đảo Cam Ranh, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) hướng mắt ra biển để tưởng nhớ 64 liệt sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ trên đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa vào rạng sáng 14-3-1988.

Tối 14-7, hàng trăm người đã cầm nến đứng bên công trình Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (phía Bắc bán đảo Cam Ranh, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) hướng mắt ra biển để tưởng nhớ 64 liệt sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ trên đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa vào rạng sáng 14-3-1988. Công trình được khánh thành giai đoạn 1 sáng nay 15-7.

Trong số đông người có mặt, có người là cha mẹ, có người là anh em ruột, có người là đồng đội của những liệt sĩ hy sinh tại Gạc Ma. Ngoài ra còn có rất đông cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân và tuổi trẻ tỉnh Khánh Hòa.

Những người con dũng cảm

Công trình Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma được xây dựng trên diện tích 2,5 hécta, khởi công xây dựng tháng 3-2015 với tổng vốn đầu tư 130 tỷ đồng do công nhân lao động và các tổ chức Công đoàn trong cớc đóng góp.

Ông Lê Hữu Thảo, cựu chiến binh thuộc Lữ đoàn 146, từng tham gia nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng đảo Gạc Ma khi bị Hải quân Trung Quốc tấn công ngày 14-3-1988. Ông Thảo kể: “Vào ngày 14-3-1988 khi chúng tôi đang làm nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng đảo Gạc Ma theo chỉ đạo của cấp trên thì Hải quân Trung Quốc tới yêu cầu chúng tôi phải rút khỏi đảo này. Thấy chúng tôi cương quyết bảo vệ đảo nên Hải quân Trung Quốc đã bắn về phía chúng tôi. Chúng tôi đã chiến đấu dũng cảm và có 64 người hy sinh”.

Ông Thảo chia sẻ, sau khi tấn công lực lượng ta, tàu Hải quân Trung Quốc rút đi, chính ông là một trong số những người đã bơi ra các bãi đá để cứu những đồng đội bị thương, đưa xác đồng đội hy sinh vào bờ và cho lên tàu chở vào đất liền. Ông Thảo kể thêm: “Khi Hải quân Trung Quốc tấn công, chúng tôi không chỉ cương quyết bảo vệ đảo mà còn cương quyết bảo vệ lá cờ Tổ quốc thiêng liêng cắm trên đảo để
khẳng định chủ quyền”.

Ông Trần Thiên Phụng là một trong số 9 chiến sĩ hải quân của ta bảo vệ đảo Gạc Ma bị Hải quân Trung Quốc bắt làm tù binh hơn 1 năm sau cuộc chiến ngày 14-3-1988. Ngày đến Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, ông xúc động chia sẻ: “Đó là một trận chiến không cân sức, địch có nhiều tàu khu trục, tàu hộ vệ tên lửa và súng đạn hiện đại. Nhưng chúng tôi đã chiến đấu rất dũng cảm để khẳng định chủ quyền trước Hải quân Trung Quốc. Đồng đội của chúng tôi dù bị  trọng thương nhưng tay vẫn nắm chắc lá cờ Tổ quốc”.

Ông Lê Văn Xuân là cha đẻ của liệt sĩ Lê Văn Xanh hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988. Ông Xuân kể: “Trận Gạc Ma kết thúc, tôi nghe tin báo con mình là một trong 64 người đã hy sinh trong trận này. Lúc đó nước mắt tôi cứ trào ra, tim tôi đau nhói. Tôi lấy bình tĩnh để trở về nhà và nói với vợ về sự hy sinh của con trai. Con tôi đã hy sinh gần 30 năm nhưng tôi cảm thấy ấm lòng hơn khi Đảng, Nhà nước và nhân dân không bao giờ quên sự hy sinh của con tôi và các liệt sĩ. Đó là nguồn động viên rất lớn cho gia đình tôi”. 

Sự hy sinh xương máu của các cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ đảo Gạc Ma sẽ trở thành bất tử. Những lễ giỗ tập thể cho các cán bộ, chiến sĩ hy sinh trên đảo Gạc Ma vẫn được các đồng đội còn sống tổ chức đều đặn vào ngày 14-3 hàng năm. Trong các chuyến công tác bằng tàu ra thăm quân và dân trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, mỗi lần tàu đi qua đảo Gạc Ma đều dừng lại để dành phút mặc niệm tưởng nhớ các liệt sĩ. Những vòng hoa và những dòng nước mắt tiếc thương các anh chính là tình cảm dạt dào nhất để thể hiện tấm lòng tri ân với những người ngã xuống.

Không quên sự hy sinh

Hôm nay 15-7, công trình Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma chính thức được khánh thành giai đoạn 1. Công trình này càng trở nên có ý nghĩa hơn khi được khánh thành vào dịp cả nước kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ. Ông Đặng Ngọc Tùng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, xúc động cho biết ông  may mắn được ra thăm các đảo thuộc quần đảo Trường Sa từ cuối những năm 1980. Từ năm 2011 khi ông là Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất với tỉnh Khánh Hòa cho cấp một mảnh đất đủ rộng để xây dựng công trình Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Vị trí xây dựng hiện tại thuộc phía Bắc của bán đảo Cam Ranh (thuộc huyện Cam Lâm) là vị trí hướng ra đảo Gạc Ma.

Nhận được rất nhiều sự ủng hộ, tháng 3-2015 công trình Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma được khởi công giai đoạn 1, đến nay đã hoàn thành. Điểm nhấn của công trình là tượng đài chiến sĩ Gạc Ma cao 12m với chủ đề “Những người nằm lại phía chân trời” với “Vòng tròn bất tử” rộng 7m. Phía trước công trình là một quảng trường rộng, phía sau có một bảo tàng ngầm trưng bày các hình ảnh và di vật của liệt sĩ. Chính giữa bảo tàng là biểu lượng lá cờ đỏ sao vàng với 64 bông hoa nở xung quanh hướng vào cờ Tổ quốc tượng trưng cho 64 chiến sĩ Gạc Ma. Công trình còn có một tấm bia lớn khắc tên tuổi và quê quán của 64 liệt sĩ. Công trình có một công viên hòa bình, biểu tượng cánh chim bồ câu bằng đá trắng tượng trưng cho ước vọng hòa bình.

Đứng trước tượng đài chiến sĩ Gạc Ma, bà Trần Thị Ngọ, mẹ của liệt sĩ Bùi Bá Kiên (ở Hải Phòng), xúc động chia sẻ: “Con tôi hy sinh năm 22 tuổi, khi chưa kịp lập gia đình. Mẹ nào mà chẳng đau xót khi con mình hy sinh nhưng tôi cảm thấy sự hy sinh của con mình là rất đáng tự hào. Cuối đời tôi còn có được niềm an ủi lớn, khi được tạo điều kiện để chứng kiến ngày công trình tượng đài tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma”.

Ông Lê Hữu Thảo, cựu chiến binh Gạc Ma, đứng trước tấm bia đá ghi danh những người đồng đội của mình từng chiến đấu và hy sinh 29 năm về trước không khỏi bùi ngùi. Ông cho biết đồng đội và nhân dân sẽ không bao giờ quên công lao của 64 liệt sĩ và rất nhiều cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu và bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. Ông Thảo chia sẻ thêm, ông vẫn thường xuyên được các trường học và Đoàn thanh niên ở nhiều nơi mời tới giao lưu về cuộc chiến đấu và hy sinh dũng cảm của các chiến sĩ Gạc Ma. Điều đó làm cho ông cảm thấy tự hào về chính bản thân mình và các đồng đội…

Ông Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam:

Công trình tượng đài tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma chính là tấm lòng tri ân của hàng triệu công nhân lao động trong cả nước bằng những đóng góp tự nguyện và đầy trân trọng. Thời gian tới, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ tiếp tục vận động đóng góp xây dựng để có thể triển khai giai đoạn 2. Công trình này không chỉ là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho công nhân lao động mà còn cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Công Nghĩa
(từ Cam Lâm, Khánh Hòa)

Tin xem nhiều