Báo Đồng Nai điện tử
En

Những điểm tựa vững chắc trong gia đình

10:07, 09/07/2017

Vừa lo toan việc nhà, chăm sóc người thân bị bệnh vừa đi làm để có thu nhập nuôi sống gia đình, nhiều phụ nữ vì hoàn cảnh đã trở thành điểm tựa chính của gia đình. Với họ, chỉ cần được chăm sóc cho gia đình mỗi ngày, được thấy nụ cười nở trên môi của những thành viên trong nhà là đủ hạnh phúc.

Vừa lo toan việc nhà, chăm sóc người thân bị bệnh vừa đi làm để có thu nhập nuôi sống gia đình, nhiều phụ nữ vì hoàn cảnh đã trở thành điểm tựa chính của gia đình. Với họ, chỉ cần được chăm sóc cho gia đình mỗi ngày, được thấy nụ cười nở trên môi của những thành viên trong nhà là đủ hạnh phúc.

Bà Nguyễn Thị Phượng (xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ) bóp chân cho mẹ chồng mỗi khimẹ đau nhức.
Bà Nguyễn Thị Phượng (xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ) bóp chân cho mẹ chồng mỗi khi mẹ đau nhức.

Là con gái út trong gia đình có 2 anh em, từ 7 năm nay chị Nguyễn Thị Ngọc Hiền (ngụ ấp Tân Phong, xã Xuân Tân, TX.Long Khánh) đã phải lo toan mọi việc trong nhà sau cơn bạo bệnh của mẹ.

Đôi tay xoay xở mọi việc trong, ngoài

Thầm lặng lo việc nhà, chăm sóc người thân một cách chu toàn và làm tốt việc xã hội nên bà Lê Thị Kim Phương, bà Nguyễn Thị Phượng và chị Nguyễn Thị Ngọc Hiền vừa được vinh danh trong chương trình biểu dương 158 người con hiếu thảo tỉnh Đồng Nai lần thứ I, do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, Tỉnh đoàn, Đài PT-TH Đồng Nai và Báo Đồng Nai phối hợp tổ chức cuối tháng 6-2017.

Chị Hiền nhớ lại, vào năm 2010 khi đang là sinh viên năm 2 trọ học ở TP.Biên Hòa, chị nhận được tin mẹ bị tai biến phải nhập viện. Từ đó về sau, chị phải về nhà ở để chăm sóc mẹ và lo việc gia đình. Mỗi ngày, chị đón xe buýt từ TX.Long Khánh lên TP.Biên Hòa học và xong giờ học lại tất tả chạy về Long Khánh để kịp lo cơm nước cho mọi người trong gia đình.

“Ngày đó, tôi tưởng mọi thứ sụp đổ trước mắt mình. Cha thì già (thời điểm đó đã 81 tuổi), anh trai mắc bệnh thần kinh từ nhỏ, mẹ nằm một chỗ nên lương hưu hơn 4 triệu đồng của cha tôi phải trang trải cho 4 người trong nhà. Sau khi học xong, tôi xin về làm tại điểm công nghệ thông tin phường Phú Bình (TX.Long Khánh) để tiện lo cho gia đình. Hiện tại, thu nhập từ lương của tôi và lương hưu của cha được khoảng 7 triệu đồng, tạm đủ chi tiêu trong nhà, lo tiền thuốc cho mẹ. Để sắp xếp việc nhà và việc cơ quan, mỗi sáng tôi phải dậy từ 5 giờ để lo cơm nước, cha ở nhà sẽ cho mẹ ăn. Buổi trưa và chiều, sau khi từ cơ quan về, tôi tiếp tục lo cơm nước. Do buổi tối và ngày nghỉ tôi chỉ ở nhà lo việc gia đình, không tốn chi phí giải trí vui chơi, nhờ đó cả nhà sống tạm ổn dù thu nhập không cao” - chị Hiền chia sẻ.

Với trường hợp bà Nguyễn Thị Phượng (ngụ ấp 1, xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ), vợ chồng không có con, mẹ chồng bà (82 tuổi) bệnh liệt nửa người 12 năm nay, chồng bà bị di chứng từ vụ tai nạn gãy chân trước kia đi lại rất khó khăn, nên việc gia đình chủ yếu do bà Phượng gánh vác.

Bà Phượng cho biết công việc chính của bà là làm thuê, ai gọi gì làm nấy và ở nhà nuôi dê; còn chồng bà vừa phụ nuôi dê vừa đi lấy cây gòn bán mỗi khi có người đặt hàng. Thu nhập của vợ chồng bà cộng lại khoảng 10 triệu đồng/tháng, vừa đủ chi tiêu sinh hoạt cho cả nhà và lo thuốc men cho mẹ chồng. Không chỉ lo chu đáo việc nhà cửa, bà Phượng còn làm Tổ trưởng Tổ an ninh ấp. Hàng xóm, bạn bè có ai đau bệnh mà hoàn cảnh khó khăn thường tìm đến bà và bà sắp xếp việc nhà để đưa họ đi TX.Long Khánh khám bệnh.

“Do hoàn cảnh gia đình nên tôi trở thành lao động chính, gánh vác mọi việc lớn nhỏ trong nhà. Lúc đầu cũng khó khăn lắm, nhưng lâu dần rồi quen. Vợ chồng tôi không có con nên tôi dành thời gian để đi làm và chăm lo sức khỏe cho các thành viên trong nhà. Nhà chồng tôi có đông anh chị em ở xung quanh nên có việc cần nhờ mọi người cũng tiện. Hiện tôi còn là Chi hội phó Chi hội Phụ nữ ấp; chị em trong xóm có việc gì gọi, tôi sắp xếp được là đi ngay, từ hòa giải đến việc giúp nhau lúc đau bệnh. Với tôi, gia đình là quan trọng nhất nên nhiều lúc dù rất vất vả, nhưng thấy mọi người trong nhà khỏe mạnh, bình an là tôi vui rồi” - bà Phương chia sẻ.

Những nàng dâu hiếu thuận

Từ tỉnh An Giang về ấp 9, xã Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ) làm dâu hơn 13 năm nay, bà Lê Thị Kim Phương một tay chăm sóc cha mẹ chồng và các em chồng (cha và 2 em chồng của bà Phương là nạn nhân chất độc da cam/dioxin, trong đó có người em chồng không thể tự chăm sóc bản thân, mẹ chồng bà mới mất được vài năm nay).

Bà Lê Thị Kim Phương (xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ) chăm sóc người em chồng bị nhiễm chất độc da cam/dioxin.
Bà Lê Thị Kim Phương (xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ) chăm sóc người em chồng bị nhiễm chất độc da cam/dioxin.

Hàng ngày, bà Phương phải dậy từ sớm để lo cơm nước cho cả nhà. Thu nhập của cả gia đình bà chỉ trông chờ vào lương hưu, tiền làm thêm của cha chồng và lương hàng tháng của chồng bà. Để trang trải cho cuộc sống hàng ngày, bà Phương phải tính toán chi tiêu thật kỹ, dè xẻn từng đồng.

“Hồi trước nhà chồng tôi nghèo lắm. Để có tiền lo cho các em, chồng tôi phải đến quê An Giang của tôi làm mướn và chúng tôi quen biết nhau từ đó. Nhà tôi ở xa, nên tôi chỉ về thăm nhà vào dịp giỗ, tết thôi. Do cha chồng còn đi làm được nên gánh nặng kinh tế gia đình không quá áp lực, tôi yên tâm ở nhà chăm sóc nhà cửa, lo lắng cho 2 em. Trong 2 người em chồng là nạn nhân chất độc da cam/dioxin, có 1 người bị nặng nên mỗi ngày tôi phải lau người, thay đồ, cho em ăn uống, chăm sóc như một đứa trẻ vậy. Cũng vì duyên nợ mà làm vợ chồng với nhau; gia đình chồng cũng như gia đình tôi nên tôi phải chăm sóc tất cả mọi người như chị em ruột thịt của tôi” - bà Phương tâm sự.

Còn bà Nguyễn Thị Phượng, nhà mẹ ruột ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhưng vì phải lo toan việc nhà và đi làm kiếm tiền nên bà chỉ tranh thủ về thăm nhà vào dịp tết. Mấy năm trước, khi bệnh của mẹ chồng còn nặng, nhiều lúc bà Phượng phải cõng mẹ chồng khi bà muốn di chuyển cho khuây khỏa. Giờ bệnh tình của bà đã đỡ, gần đây bà Phượng có thể chở mẹ chồng lên UBND xã nhận quà tặng cho người cao tuổi.

Mỗi sáng, bà Phượng phải dậy sớm lo cơm nước cho chồng và mẹ chồng ở nhà ăn, rồi bà mới đi làm. Nhờ làm việc gần nhà nên bà có thể tranh thủ thời gian chạy về nhà được nhiều hơn. Bà Phượng tâm sự những lúc chồng có việc đi xa, bà phải thường xuyên về nhà để xem mẹ chồng có cần gì không, ăn uống ra sao, vì để mẹ chồng ở nhà một mình bà thấy lo lắm.

“Gia đình ít người nên ai cũng dành tình cảm và sự quan tâm cho nhau, khi bình thường cũng như khi ốm đau. Thu nhập không cao nhưng nếu biết vun vén, biết điều chỉnh thu chi cũng đủ sống. Ngay cả với công việc xã hội, không thể làm hài lòng bất cứ ai, nhưng tôi luôn cố gắng hết mình giúp các chị em trong xóm. Bởi, trong xóm có nhiều người khó khăn, không phải ai cũng có thể tự lo toan tất cả, sẽ có khi đau yếu, đó là lúc tình cảm chị em hàng xóm thể hiện rõ nhất” - bà Phượng vui vẻ cho biết.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều