Báo Đồng Nai điện tử
En

Vươn mình cùng chồi xanh

11:07, 19/07/2017

Mưa nhiều, vườn tràm giống của nông dân KP.4, thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu) thêm xanh. Nông dân Nguyễn Văn Bằng (ngụ tổ 17) tỏ bày cây tràm trên vùng đất sỏi KP.4 rất cần có nước để phát triển những chồi xanh, còn ông cần những chồi tràm xanh non ấy để nuôi con học đại học.

Mưa nhiều, vườn tràm giống của nông dân KP.4, thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu) thêm xanh. Nông dân Nguyễn Văn Bằng (ngụ tổ 17) tỏ bày cây tràm trên vùng đất sỏi KP.4 rất cần có nước để phát triển những chồi xanh, còn ông cần những chồi tràm xanh non ấy để nuôi con học đại học.

Ông Nguyễn Văn Bằng (phải) trao đổi với người cắt tràm hom cho gia đình ông. Ảnh: Đ.PHÚ
Ông Nguyễn Văn Bằng (phải) trao đổi với người cắt tràm hom cho gia đình ông. Ảnh: Đ.PHÚ

Chuyện vợ chồng ông Nguyễn Văn Bằng nuôi 3 con học đại học và tạo dựng sự nghiệp cho các con từ những chồi tràm xanh non luôn được các bà, các chị cắt tràm hom chia sẻ với nhau, và xem đó là động lực lao động để rồi tỉ mỉ chăm sóc vườn tràm của mình thêm xanh.

* Về vùng đất sỏi

Trưởng KP.4, thị trấn Vĩnh An Nguyễn Đình Đà cho hay đất đai ở KP.4 tuy sỏi nhiều, nhưng lại thích hợp với việc trồng tràm hom. Nhờ phong trào trồng tràm bán hom mà con em nông dân ở KP.4 có điều kiện học đại học, cao đẳng. Trong đó, gia đình ông Nguyễn Văn Bằng là một điển hình tiêu biểu của khu phố về nghị lực vượt khó, hiếu học.

Năm 1995, vùng đất đỏ KP.4, thị trấn Vĩnh An bắt đầu trơ những hạt sỏi trên bề mặt lớp đất thịt. Đất xấu nên người dân đến trước tranh thủ chuyển nhượng cho người đến sau để đi tìm vùng đất phì nhiêu hơn tạo lập vườn cây ăn trái. Trong khi đó, mới chân ướt chân ráo từ vùng núi tỉnh Bắc Giang về KP.4, thị trấn Vĩnh An lập nghiệp, vợ chồng ông Bằng lại mừng khi mua được đất với giá rẻ. Với vợ chồng ông, đất đai ở KP.4 dù sỏi đá vẫn hơn hẳn vùng quê nghèo Bắc Giang gia đình ông vừa rời xa.

Thấy đất rẻ, vợ chồng ông Bằng gom hết vốn liếng mang theo và vay mượn thêm tiền của đồng hương mua 6 sào đất để dựng chòi ở và trồng trọt. Những ngày đầu, vườn điều xơ xác trên đất sỏi sau thu hoạch không được bồi bổ phân bón càng trơ những nhánh già, vợ chồng ông Bằng chưa có gì để thu hoạch nên vác cuốc đi khắp vùng tìm việc làm thuê.

Có tiếng là giỏi việc, siêng năng nhưng tiền công làm thuê chỉ đủ để vợ chồng ông Bằng mua ít gạo ăn no trong ngày và chỉ phòng thêm 1-2 ngày thất nghiệp. Vậy mà, ông Bằng vẫn bàn tính với bà Lành (vợ ông) cố gắng vài tháng đầu làm thuê mướn kiếm gạo để lũ trẻ trong nhà được no bụng đi học; sau khi quen việc, quen người, vợ chồng cùng đi thuê thêm đất trồng trọt mới thoát cảnh làm thuê.

Nghe lời chồng, lo cơm nước cho gia đình xong bà Lành lại vác cuốc theo chồng, hoặc theo các chị em nghèo trong xóm đi xa đi gần tìm việc. Ông Bằng là trụ cột gia đình nên ai kêu làm khoán, làm công là đi không kịp ăn cơm. Vừa làm công, ông vừa hỏi thăm các chủ đất có thừa đất để ông thuê. Chủ rẫy có điều kiện kinh tế thì lắc đầu hoặc nói giá thuê cao; còn các chủ rẫy nghèo thì chỉ ông những khu đất sỏi, nhiều cỏ dại đang bỏ hoang.

Vẫn cái ý nghĩ đất sỏi ở đây vẫn hơn ở quê nghèo, ông Bằng thuê 3 khu đất hoang rồi dọn dẹp trồng mì. Trong thời gian này, đôi tay bà Lành chai sần thành cục vì bà vừa cùng chồng dọn dẹp rẫy thuê vừa chạy việc làm thuê để chờ cây mì ngoài rẫy tạo củ. “Đây là giai đoạn khó khăn nhất của vợ chồng tôi khi về đây lập nghiệp. Mỗi ngày, vợ chồng tôi chỉ dám ăn cho ấm bụng để có sức đi làm. Tội nghiệp mấy đứa con phải cơm nước qua loa rồi đi bộ đến trường. Đi học về, các con còn phụ giúp cha mẹ thêm việc nhà, việc rẫy” - bà Lành kể lại.

Kinh tế khá giả, ông Nguyễn Văn Bằng thêm nhiệt tình đóng góp cho các phong trào xã hội khi được cán bộ khu phố vận động. Trong ảnh: Ông Nguyễn Văn Bằng (phải) trao đổi công việc với Phó chủ tịch Hội Người cao tuổi thị trấn Vĩnh An Nguyễn Ngọc Luyện.
Kinh tế khá giả, ông Nguyễn Văn Bằng thêm nhiệt tình đóng góp cho các phong trào xã hội khi được cán bộ khu phố vận động. Trong ảnh: Ông Nguyễn Văn Bằng (phải) trao đổi công việc với Phó chủ tịch Hội Người cao tuổi thị trấn Vĩnh An Nguyễn Ngọc Luyện.

* Những lứa tràm xanh

Lứa mì đầu tiên cho thu hoạch, vợ chồng ông Bằng gác lại việc làm thuê và huy động các con ra các khu rẫy thuê của gia đình nhổ, bào, xắt mì giữa cái nắng khô hanh ngày tết và sương lạnh buốt về đêm. Vậy mà vợ chồng ông Bằng và các con mừng lắm nên hí hoáy làm từ sáng sớm tới tối mịt mới về nhà cơm nước. Cơm nước xong, vợ chồng ông lại quay ra rẫy chong đèn làm tới sáng, khi mệt thì ngủ luôn ngoài bãi mì.

Nhờ những vụ mì, vợ chồng ông Bằng tích cóp được ít vốn liếng nên giảm bớt thời gian làm thuê mướn để tập trung vào cải tạo đất vườn nhà và 3 hécta đất thuê. Trên 6 sào đất của gia đình, ông thuê xe múc thành cái ao rộng 2 sào nuôi cá làm thức ăn hàng ngày và nuôi 2 con heo nái để nhân đàn, lấy phân xanh cải tạo đất, bón cây.

Năm 2001, vùng đất sỏi KP.4, thị trấn Vĩnh An chỉ có vài hộ nông dân trồng tràm hom bán cho các mối lái ở huyện Trảng Bom. Thấy nghề trồng tràm hom còn mới mẻ và có thu nhập cao, ông Bằng lân la hỏi thăm cách trồng và ông được người đồng hương Ngà nhiệt tình hướng dẫn cách trồng lẫn mối lái. Vụ tràm năm đó được giá nên ông Bằng hoàn vốn đầu tư trên cả 3 hécta đất thuê trồng mì vừa chuyển sang trồng tràm hom.

Vui mừng như nhà trúng xổ số, ông Bằng táo bạo hùn hạp với 3 nông dân khác trồng thêm 3 hécta tràm hom thì năm sau tràm rớt giá. May là các ông bỏ công nhiều hơn vốn đầu tư nên chẳng có ai thua lỗ. Riêng 3 hécta tràm của ông Bằng thì có chút ít lời.

Năm tiếp theo, tràm hom được giá, ông Bằng bắt đầu có dư và 3 người con của ông không phải 1 buổi đi học, 1 buổi ở nhà phụ giúp cha mẹ mà tập trung hoàn toàn vào học tập. Ông Bằng tâm sự, khi kinh tế bắt đầu ổn định, vợ chồng ông chỉ động viên 3 con hàng ngày chịu khó vượt qua con dốc Đề Bô (đường tỉnh 768, tổ 2, KP.4) đến trường và học thật giỏi là ông bà vui, hãnh diện với bà con trong xóm.

Tràm trên rẫy thuê ngày một xanh nhờ phân heo trong chuồng và bàn tay chăm sóc tỉ mỉ của vợ chồng ông Bằng. Cũng nhờ các lứa tràm này, vợ chồng ông nuôi được 3 con: Đồng, Liên, Hương học đại học và lo việc làm, nhà ở khi các con lập gia đình riêng.

Ông Bằng tự hào khoe, nhờ trồng tràm hom cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm, vợ chồng ông mua đất cất được nhà cho các con và dâu, rể. Không chỉ gia đình ông, nhiều hộ trồng tràm hom trong khu phố xuất thân từ nghèo khó vẫn nuôi được con học đại học.

Bên 7 sào đất trồng tràm mới mua, ông Bằng mừng khấp khởi trong lòng vì ý nguyện lập nghiệp, có nhiều đất ở KP.4 của ông giờ thành hiện thực. Khi kể cho chúng tôi nghe lại cái cảnh cơ cực ngày ông bà mới về KP.4 lập nghiệp, đôi mắt ông cay xè sung sướng vì những viên sỏi ở KP.4 ưu đãi những tháng ngày “chịu thương, chịu khó” của vợ chồng ông và nỗ lực học tập của các con.

Thành Nhân

Tin xem nhiều