Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện ông Ngọc ở vùng đất mới

11:08, 07/08/2017

Để tuyến đường liên ấp xã Lộ 25 (huyện Thống Nhất) - ấp 4, xã Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ) luôn sáng - xanh - sạch - đẹp, Bí thư Chi bộ ấp 4, xã Sông Nhạn Lê Nguyên Ngọc thỉnh thoảng hô hào các "bô lão" là trưởng các chi hội, đoàn thể ấp ra quân làm vệ sinh, phát quang cỏ dại

Để tuyến đường liên ấp xã Lộ 25 (huyện Thống Nhất) - ấp 4, xã Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ) luôn sáng - xanh - sạch - đẹp, Bí thư Chi bộ ấp 4, xã Sông Nhạn Lê Nguyên Ngọc thỉnh thoảng hô hào các “bô lão” là trưởng các chi hội, đoàn thể ấp ra quân làm vệ sinh, phát quang cỏ dại. Ông Ngọc cho hay do người trẻ, khỏe bận lo việc mưu sinh nên các ông, bà già phải rủ nhau đi nhặt rác, dọn cỏ.

Bí thư Chi bộ ấp 4, xã Sông Nhạn Lê Nguyên Ngọc.
Bí thư Chi bộ ấp 4, xã Sông Nhạn Lê Nguyên Ngọc.

Ông Ngọc vốn là Bí thư Đảng ủy đầu tiên của xã Sông Nhạn (chia tách từ xã Xuân Quế). Về hưu, ông nhận lại chức danh Bí thư Chi bộ ấp 4 của 12 năm về trước.

* Đại úy bị ép lấy vợ

Nhập ngũ năm 1972, ông Lê Nguyên Ngọc đi chiến đấu biền biệt cho đến ngày miền Nam được giải phóng. Đất nước thống nhất, nhiều người lính trở về sum họp với gia đình, ông Ngọc vẫn tiếp tục nghiệp binh gia khi đi làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Campuchia.

Rồi ông bị thương (thương binh hạng 4/4) và được đơn vị cho về phép sau thời gian chữa trị. Lần về phép này, Đại úy Ngọc đã 30 tuổi nên bị gia đình ép lấy vợ. Lúc ấy, gia đình chọn cô thôn nữ Lê Thị Phương ở cùng làng và bắt con cưới cho bằng được. Vậy là ông Ngọc có vợ và lần nghỉ phép năm sau thì ông có con gái đầu lòng Ngọc Anh.

Bỏ vợ trẻ, con thơ ở quê nhà, ông Ngọc tiếp tục bôn ba chiến đấu trên đất bạn. Năm 1983, ông Ngọc được người cậu ruột tư vấn đem vợ trẻ, con thơ vào vùng đất ấp 4, xã Sông Nhạn sinh sống và chờ ngày ông ra quân thì vợ chồng lập nghiệp luôn ở đây. Nghe lời cậu, ông Ngọc mua 1,5 hécta đất nằm bên bờ con suối cạn với giá 6 chỉ vàng và cất cái chòi nhỏ cho mẹ con bà Phương ở, rồi ông tiếp tục bôn ba nơi chiến trường.

Đến năm 1988, ông Ngọc được ra quân. Lúc này, 1,5 hécta đất của gia đình được bà Phương trồng kín tiêu, điều… và chờ ông về thu hoạch.

Bà Phương kể, một mình bà lẻ loi nơi vườn rẫy vừa sợ vừa nhớ chồng. Cho nên, ngày ông Ngọc xuất ngũ trở về không bị thêm thương tích mới, bà mừng lắm. Từ đây, bà sinh thêm cho ông Ngọc 3 người con, gồm: Vân Anh, Kiều Anh và Lê Anh.

Bí thư Lê Nguyên Ngọc (bìa phải) cùng các cán bộ ấp 4, xã Sông Nhạn tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường trên các tuyến đường nông thôn mới.
Bí thư Lê Nguyên Ngọc (bìa phải) cùng các cán bộ ấp 4, xã Sông Nhạn tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường trên các tuyến đường nông thôn mới.

* Vùng đất kỷ niệm

Bôn ba qua rất nhiều vùng đất, ông Lê Nguyên Ngọc vẫn quý nhất vùng đất ấp 4, xã Sông Nhạn.

Ông Ngọc kể, ông xuất ngũ về nhà được vài tháng thì Đảng ủy xã Xuân Đường (thời điểm chưa chia tách thành 4 xã: Xuân Đường, Xuân Quế, Sông Nhạn và Thừa Đức) “ấn” cho ông chức danh Bí thư Chi bộ ấp 9 (phạm vi ấp rộng bằng nửa xã Sông Nhạn hiện nay).

Chủ tịch UBND xã Sông Nhạn Nguyễn Thanh Nông cho biết từ khi ông còn làm “lính” ở UBND TX.Long Khánh, ông đã quý ông Lê Nguyên Ngọc. Ông Ngọc thật sự là người lính, đảng viên luôn trách nhiệm, nhiệt huyết với công tác, với xã hội và phong trào.

Cái đồi cao nơi khu rẫy của ông Ngọc thật ra rất nhiều nước, nhưng vì không có điện lại thiếu kinh nghiệm nên ông khoan 2 cái giếng đều không có giọt nước để tưới. Ức quá, ông đến TP.Biên Hòa đặt thợ làm một cái máy bơm thật mạnh; chờ có điện lưới hạ thế về ấp, ông chỉ cần bật công tắc cho nước phun ào ào. Ông Ngọc tiếc tiền khoan giếng nên chống chế với bà Phương rằng đánh trận với ông dễ hơn làm nông nghiệp.

Năm 1992, xã Cẩm Đường chia tách thành 2 xã: Cẩm Đường và Xuân Quế, ông Ngọc đảm nhiệm chức Phó bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch MTTQ xã Xuân Quế. Năm 1994, xã Xuân Quế tiếp tục tách ra thành 2 xã: Xuân Quế và Sông Nhạn, ông Ngọc được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã Sông Nhạn.

Ông Ngọc kể, xã Sông Nhạn lúc vừa chia tách không có điện, không có đường, trường, trạm. Tất cả đều dựa và mượn tạm nhà dân, công ty cao su để hoạt động. Cho nên, Bí thư Đảng ủy xã như ông và nhiều cán bộ chủ chốt khác chẳng hơn gì nông dân.

Cái khó của xã Sông Nhạn ngày đầu thành lập ai cũng biết, đều nhìn thấy, nhưng ít ai biết Bí thư Đảng ủy xã Lê Nguyên Ngọc thật sự đau đầu vì công tác kết nạp đảng viên mới. Việc tìm kiếm những cán bộ ưu tú trong phong trào để đưa vào diện đối tượng kết nạp Đảng không khó, cái khó mà Bí thư Ngọc vấp phải là ở khâu lý lịch.

Dân Sông Nhạn là dân tứ xứ nhập cư, vì cái khó, cái nghèo mà họ đi tìm vùng đất mới sinh sống. Khi rời quê ra đi, họ không mang ý định sẽ làm cán bộ hoặc đảng viên nơi vùng đất mới, mà cố chu toàn cho gia đình no đủ, con cái học hành. Ở vùng đất mới, khi chính quyền mời họ tham gia công tác giúp dân, hỗ trợ chính quyền thì họ nhận lời. Đến khi họ làm tốt công tác chính quyền giao, được người dân quý, chính quyền muốn kết nạp Đảng cho họ lại vướng phải điều kiện lý lịch 3 đời, qua nhiều địa phương xác minh.

Cái khó đó cứ vậy kéo dài đến năm 2000 thì Bí thư Đảng ủy xã Lê Nguyên Ngọc mới tháo gỡ được. Sau khi bàn giao nhiệm vụ cho người khác, ông Ngọc quay trở về làm Bí thư Chi bộ các ấp 2, 4 và kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ không lương khác để nhường vị trí cho lớp trẻ đưa xã Sông Nhạn theo kịp với các xã bạn và xây dựng nông thôn mới thành công vào năm 2017. “Chuyện khó giờ đã có lớp trẻ lo, nay mình thảnh thơi cùng lớp người có tuổi an nhàn với  rẫy vườn, lo công việc nhặt rác, dọn cỏ khi lớp trẻ bận làm ăn xa, lo công tác chính quyền” - ông Ngọc bộc bạch.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều