Báo Đồng Nai điện tử
En

Dịu dàng sắc hoa Sa Đéc

11:08, 18/08/2017

Không nổi bật bởi các loài hoa sang trọng, cây cảnh quý hiếm nhưng những năm gần đây hoa từ làng hoa Sa Đéc (phường Tân Quy Đông, TX.Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) cứ âm thầm tỏa hương, góp mặt ở khắp nơi nhất là các lễ hội, thậm chí chiếm lĩnh thị trường ở "vương quốc hoa" Đà Lạt trong các dịp festival hoa.

Không nổi bật bởi các loài hoa sang trọng, cây cảnh quý hiếm nhưng những năm gần đây hoa từ làng hoa Sa Đéc (phường Tân Quy Đông, TX.Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) cứ âm thầm tỏa hương, góp mặt ở khắp nơi nhất là các lễ hội, thậm chí chiếm lĩnh thị trường ở “vương quốc hoa” Đà Lạt trong các dịp festival hoa.

Vườn trồng “đồ lỡ” như tường vi, cây lá màu ở làng hoa Sa Đéc. Ảnh: H.L
Vườn trồng “đồ lỡ” như tường vi, cây lá màu ở làng hoa Sa Đéc. Ảnh: H.L

Làng hoa Sa Đéc ngày nay không chỉ là đầu mối cung cấp hoa, cây cảnh mà còn trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách từ sắc hoa dịu dàng cho đến nét chơn chất, mộc mạc của người làng hoa.

* Xứ sở của hoa và “đồ lỡ”

Những năm gần đây, làng hoa Sa Đéc hấp dẫn du khách khắp nơi bởi nét độc đáo riêng của mình. Nhất là dịp cận Tết Nguyên đán, những chậu hoa kiểng dành chưng tết như: cúc mâm xôi, cúc tiger, cúc đồng tiền, cát tường; hồng Grada màu tím sen, hồng Cleopatre màu hồng phấn, hồng Korokit màu cam, hồng Masseille màu trắng, hồng Elizabet phơn phớt, hồng vàng Confidence, hồng nhung đỏ thắm; khế kiểng, cau, sung, si, mai, vạn niên tùng, mai chiếu thủy… vào độ khoe sắc luôn thu hút khách đến xem, chụp ảnh hoặc mua chưng tết. TP.Sa Đéc cũng rất chú trọng đầu tư để vừa phát triển nghề hoa, vừa tăng cường du lịch.

Nằm cạnh bờ Nam sông Tiền, đường vào làng hoa Sa Đéc hẹp mà dài, chừng trên 2km, uốn lượn theo con rạch Sa Nhiên và khoe sắc màu bởi 2 bên đường đều là vườn hoa.

Ở đầu làng, người dân làng hoa thiết kế 2 cổng bằng hoa kiểng “cây nhà lá vườn” rất nên thơ, khẳng định thương hiệu làng hoa.

Gần như nhà nào cũng thấy hoa, kiểng. Hoa kiểng nơi đây không trồng theo luống mà trồng trong chậu, vì thế có thể “di động” khắp nơi từ mảnh vườn nhỏ phía trước, bên hông nhà cho đến “mọc” trên những giàn cao, phía dưới là rạch nước, người chăm sóc hoa cứ chèo thuyền thủng thẳng theo con nước đến từng hàng hoa, lúc xuất bán hoa cũng được chuyển bằng xuồng nhỏ, đậm phong vị độc đáo sông nước miền Tây chỉ thấy được ở làng hoa Sa Đéc.

Vừa bó chậu mấy chậu hoa tường vi bán cho khách, ông Hên - người trồng hoa lâu năm ở làng hoa - vừa cười vui vẻ nói: “Ối, ai mà biết làng hoa này ra đời từ hồi nào, chắc có từ đời ông cố, ông sơ tới giờ. Có điều tui nghe kể hồi xưa ít nhà trồng hoa hơn bây giờ, chánh gốc trồng hoa là người làng Tân Quy Đông nên còn gọi là làng hoa Tân Quy Đông, sau này dân bên Tân Khánh Đông cũng trồng nhiều lắm, mấy xã xung quanh cũng có trồng nhưng ít hơn".

Cũng theo ông Hên, hoa ngày xưa trồng lèo tèo mấy loại như vạn thọ, cúc, mồng gà, trang, trâm ổi… chớ không có nhiều như bây giờ. Giống hoa ở đây bây giờ nhiều vô thiên lủng, hổng ai biết hết được có bao nhiêu giống, loại, ước tính chắc cũng cỡ mười mấy ngàn loại. Có cả những giống hoa đem từ ở nước ngoài về, quý lắm, bán mắc gấp 8, gấp 10 lần so với hoa giống nội địa mà thiên hạ mua nườm nượp.

Không chỉ hoa, một số nhà vườn còn phát triển nghề trồng kiểng trang trí.
Không chỉ hoa, một số nhà vườn còn phát triển nghề trồng kiểng trang trí.

Chỉ ra con đường làng trước mặt láng nhựa thẳng băng, ông Hên hào hứng kể tiếp: “Tui nghe kể hồi xưa trồng hoa cực hơn bây giờ, phải đi mua xác cá về ủ làm phân bón, mỗi lần giở lu ủ phân là mùi hôi bay rùm trời, vậy mà ba má tui quanh năm phải đội thúng phân cá để bón đó chớ. Giờ thì nông dân làng hoa sướng rồi, phân bón hóa học, phân vi sinh đầy đủ, thứ bón lá, thứ thúc bông nở bự".

Nhiều nhà trồng hoa bây giờ đã đầu tư công nghệ tưới phun, không phải cầm vòi xịt đi tưới, khỏe re. Thu nhập trồng hoa hơn hẳn so với trồng lúa, trồng đồ hàng bông làm chơi mà ăn thiệt nên có đâu cũng cỡ trên 2 ngàn hộ theo nghề. Đó, hồi đầu năm 2015, Nhà nước vừa đầu tư cho làng hoa con đường nhựa mười mấy tỷ đồng, giờ xe “ăn hàng” cứ chạy bon bon.

Khi tôi đến, làng hoa Sa Đéc chưa vào vụ hoa tết mà đang trong vụ trồng “đồ lỡ”. Chị Mười, nhà vườn trồng hoa dạ yến thảo, giải thích: hoa tết mỗi năm có một vụ, nếu chỉ trồng hoa bán tết rồi nghỉ thì chỉ có nước… cạp đất sống, nên sau mùa hoa tết người dân làng hoa xoay qua trồng các loại hoa ngắn ngày, thường dùng để chưng, trang trí như: dừa cạn, dạ yến thảo, mười giờ, trâm ổi, trang, cát tường, cây lá màu, tường vi… Hoa lỡ mùa lỡ vụ, nên gọi là đồ lỡ.

* Nghề nào cũng có trạng nguyên

Làng hoa Sa Đéc thu hút không chỉ vì hoa, mà còn ở cái tính xởi lởi, nhiệt tình của người miền Tây. Dù biết tôi chỉ là khách tham quan, chẳng mua bán gì, nhưng chị Võ Ngọc Anh Thy ở Công ty TNHH một thành viên hoa kiểng Ngân Cường vẫn vui vẻ tiếp đón.

Chị Thy cho biết trước đây, người dân làng hoa chỉ biết trồng và bán hoa, thu nhập phụ thuộc vào thị trường và thời tiết nên “năm ăn năm thua”. Giờ thì rất nhiều cơ sở đã chủ động tìm thị trường, ký kết hợp đồng rồi mới lên kế hoạch sản xuất.

Trồng hoa trên rạch nước là nét độc đáo của người dân làng hoa Sa Đéc.
Trồng hoa trên rạch nước là nét độc đáo của người dân làng hoa Sa Đéc.

Các nhà vườn cũng bắt đầu tập trung sản xuất theo phân khúc thị trường: có cơ sở chuyên về hoa, cơ sở khác chuyên về kiểng, mà kiểng cũng có nhiều loại: kiểng sân vườn, kiểng trang trí trong nhà. Một số cơ sở thì tập trung mảng cung cấp giống, vật tư, phân bón, chậu hoa, bình hoa, chậu kiểng trang trí… rất đa dạng, vừa bớt “giẫm chân” nhau vừa có thể hỗ trợ nhau cùng kiếm tiền.

Như công ty của chị Thy ngoài trồng hoa còn chuyên về thiết kế, cung cấp cây công trình (loại cây phục vụ các công trình cảnh quan đô thị, thiên về những giống cây đẹp bốn mùa, ít rụng lá, cần ít công chăm sóc, chịu được thời tiết tốt); cung cấp dịch vụ trồng cỏ các loại...

Bước vào giai đoạn hội nhập, nông dân làng hoa Sa Đéc biết vận dụng khoa học - kỹ thuật như trồng hoa trong nhà màng, bổ sung nhiều giống hoa quý hiếm, mới lạ ở nước ngoài nên nghề trồng hoa ngày càng sinh động, khởi sắc.

Nói đến nông dân Nguyễn Văn Xuân, người trong nghề ai cũng thán phục bởi ông là người thành công trong việc trồng được loài hoa cát tường - vốn trước đây chỉ thích hợp với khí hậu ôn đới, giờ đây không chỉ trồng được ở làng hoa mà còn ở các địa phương khác.

Nông dân Trần Văn Tiếp thì nổi tiếng bởi “tung” ra được giống hoa trúc mai, loại hoa cánh giống như hoa mai nhưng to như cái chén và lâu tàn. Các nghệ nhân cây kiểng ở làng hoa cũng được nhiều người trong giới chơi cây kiểng biết đến bởi tạo thành công nhiều cây kiểng “độc”.

 Bên cạnh đó, Nhà nước còn hỗ trợ trong việc lai tạo, nhân giống, cấy mô, lập chợ đầu mối tiêu thụ hoa kiểng cũng như công tác quảng bá, mở festival hoa, phát triển du lịch làng hoa… nên làng hoa Sa Đéc ngày càng được nhiều người biết đến, xây dựng được thương hiệu riêng. Làng hoa đã thành lập câu lạc bộ hoa kiểng để các nghệ nhân, nông dân mở rộng giao lưu hợp tác, trao đổi kinh nghiệm.

Hà Lam

Tin xem nhiều