Báo Đồng Nai điện tử
En

Chông chênh cầu tạm...

10:10, 26/10/2017

Những cây cầu tạm bắc qua suối vốn xuống cấp, rệu rã, lại thêm các trận mưa lớn, khiến cho việc đi lại của người dân càng trở nên nguy hiểm. Nhiều nơi cầu lại chưa được sửa chữa nâng cấp kịp thời...

Những cây cầu tạm bắc qua suối vốn xuống cấp rệu rã lại thêm các trận mưa lớn khiến cho việc đi lại của người dân càng trở nên nguy hiểm. Nhiều nơi cầu chưa được sửa chữa nâng cấp nên người dân mong mỏi sớm có một cây cầu vững chãi bắc qua suối để việc đi lại thuận tiện hơn.

Cầu Bà Huế nối phường Hố Nai với phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa) chỉ là cây cầu dân sinh nhưng mỗi ngày phải “gánh” những chiếc xe tải di chuyển đêm ngày.
Cầu Bà Huế, nối phường Hố Nai với phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa) chỉ là cây cầu dân sinh nhưng mỗi ngày phải “gánh” những chiếc xe tải di chuyển đêm ngày.

Gần 10 năm qua, cầu Đa Kai nối xã Phú Bình (huyện Tân Phú) với xã Đa Kai (huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận) chưa một lần được sửa chữa.

Phập phồng lo sợ

Trước đó, để thuận tiện cho việc đi lại, người dân đã tự đóng góp tiền đúc cọc bê tông làm cây cầu treo Đa Kai để qua lại hàng ngày. Do làm sơ sài nên chỉ vài năm sau cầu lại xuống cấp rệu rã. Người dân mỗi lần có việc đi qua đây chỉ dám nhẹ chân ga cho xe máy chạy từ từ vì không biết cây cầu có thể “trụ” được bao lâu, bởi không chỉ những tấm gỗ lót mặt cầu đã mục nát mà hàng lưới sắt và dây cáp treo thành cầu cũng bị gỉ sét nặng.

Phó giám đốc Sở Giao thông - vận tải Từ Nam Thành cho biết trên địa bàn tỉnh vẫn có nhiều cây cầu tạm, cầu dân sinh trong diện phải xây mới, nhưng một số địa phương còn gặp khó khăn do thiếu kinh phí để xây dựng ngay. Trước mắt, Sở Giao thông - vận tải đã yêu cầu các địa phương sớm có biện pháp đảm bảo việc đi lại thuận lợi và ổn định cuộc sống cho người dân.

Dù đã xuống cấp, nhưng nhiều năm qua cầu Đa Kai vẫn tồn tại và trở thành cầu nối lưu thông cho người dân 2 bên bờ. Phần lớn người dân từ xã Phú Bình sang xã Đa Kai mưu sinh bằng việc làm rẫy thuê, còn người dân từ xã Đa Kai do cách xa trung tâm huyện Đức Linh nên mọi chuyện từ học hành của các con đến việc chợ búa, buôn bán phải sang xã Phú Bình.

Vào mùa mưa, con suối Cọp chảy dưới cầu Đa Kai trở nên hung dữ hơn. Mỗi khi trời mưa to gió lớn, người dân nơi đây đều phập phồng lo sợ cầu bị nước cuốn trôi. Đến nay cầu đã hư hỏng nặng và bị sập đến 2 lần. Nguy hiểm luôn chực chờ, việc đi lại vô cùng khó khăn nên người dân như đánh cược tính mạng của mình.

“Biết cầu tạm rất nguy hiểm nhưng chúng tôi vẫn phải sử dụng vì không còn cách khác. Đây là cách duy nhất giúp chúng tôi đi lại, vận chuyển nông sản qua suối. Năm ngoái cán bộ phụ trách địa chính xã đến đo đạc nói để xây cầu, cứ tưởng mùa mưa này sẽ có cây cầu mới, nhưng đến giờ vẫn phải đi cầu tạm” - ông Nguyễn Văn Luôn (ngụ xã Phú Bình) nói rồi thở dài.

Không ít lần cây cầu tạm nối xã Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất) với xã Phú Cường (huyện Định Quán) chìm sâu trong nước mỗi khi trời mưa lớn. Mặt cầu là những thanh sắt được ghép lại với nhau một cách tạm bợ, nhiều chỗ bung lên tạo thành “gờ” cao khá nguy hiểm cho những ai chạy xe máy.

Lan can cầu hiện đã rệu rã, gỉ sét phá bung các mấu hàn nên bên có bên không trông rất nhếch nhác. Cây cầu mỏng manh, xiêu vẹo, xuống cấp không đảm bảo an toàn khi mưa lũ nên người dân lưu thông qua đây luôn trong tâm trạng bất an, lo lắng hơn bao giờ hết.

Theo ông Nguyễn Văn Phong (ngụ xã Gia Tân 3), những trận mưa lớn nước chảy cuồn cuộn, nhấn chìm cây cầu và cả các vạt cỏ 2 bên. Nếu không phải người thông thạo đường sá quanh khu vực này thì khó đi lại an toàn được. Những hôm nước dâng cao, ông không dám về nhà mà phải quay vào ở qua đêm trong lán trại tại rẫy điều của gia đình.

“Cầu vốn nhỏ hẹp nên xe cộ đi lại đêm hôm không thấy đường, dễ lọt xuống suối. Quanh đây có nhiều nhà dân sinh sống nên mọi sinh hoạt, vận chuyển hàng hóa cũng khó khăn hơn vì phải chạy vòng mấy cây số, trong khi qua cầu chỉ cách vài trăm mét là tới đường nhựa” - ông Phong bộc bạch.

Mong ước cây cầu mới

Không chỉ các xã vùng sâu, vùng xa mà ngay tại TP.Biên Hòa vẫn tồn tại những cây cầu dân sinh bắc qua suối không đảm bảo an toàn. Thế nhưng, hàng ngày những chiếc cầu này vẫn phải gồng gánh khá nhiều phương tiện qua lại, thậm chí cả xe tải nặng.

Cầu tạm nối xã Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất) với xã Phú Cường (huyện Định Quán) yếu và hẹp nên người dân phải chờ xe kia qua khỏi cầu mới dám di chuyển.
Cầu tạm nối xã Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất) với xã Phú Cường (huyện Định Quán) yếu và hẹp nên người dân phải chờ xe kia qua khỏi cầu mới dám di chuyển.

Ngay tại suối Săn Máu, nhiều năm qua cây cầu Bà Huế nối phường Hố Nai với phường Trảng Dài chịu áp lực khá lớn bởi hàng chục chiếc xe tải các loại chở hàng hóa đi qua rầm rập suốt ngày đêm. Cầu tồn tại đã lâu, lại không đảm bảo an toàn, nhưng 2 bên cầu lại không có biển cảnh báo nào.

Mỗi khi có mưa, nước từ đầu nguồn đổ về rất lớn và chảy xiết khiến mặt cầu trở thành dòng suối nguy hiểm. Dù địa phương thường cắt cử người ra hướng dẫn việc lưu thông cho các phương tiện qua lại, nhưng nhiều người vẫn bất chấp vượt qua. Không ít lần cả người và xe bị dòng nước cuốn đi, nhưng may mắn được người dân sống 2 bên bờ cứu hộ kịp thời.

Thời gian qua có không ít vụ sập cầu, người đi đường bị nước cuốn trôi dẫn đến tử vong khi qua cầu tạm thực sự khiến người dân bất an. Mong mỏi của bà con là sớm có cây cầu mới thay thế những cây cầu tạm để việc lưu thông được thuận lợi và dễ dàng.

Ông Nguyễn Văn Chữ (ngụ phường Trảng Dài) cho biết sau vụ nam thanh niên bị nước cuốn trôi ở cầu Kim Bích (nối phường Trảng Dài với phường Hố Nai) vào cuối tháng 9-2017, hiện nay cây cầu này vẫn là lối đi chính của người dân. Sau gần 1 tháng vụ tai nạn xảy ra, cầu Kim Bích vẫn chưa được tu bổ, người dân khi qua đây ai nấy đều rùng mình lo sợ. Nguy hiểm vẫn còn đó, bởi mỗi ngày có rất đông công nhân từ phường Trảng Dài đến các khu công nghiệp chủ yếu theo hướng này để ra đường Nguyễn Ái Quốc.

“Những năm gần đây do tình trạng xây cất, san lấp, lấn chiếm lòng suối đã làm cho lũ quét bất thường và dữ dội hơn. Vì vậy, chúng tôi mong sớm xây một cây cầu kiên cố thay cây cầu cũ vốn đã xuống cấp rệu rã; đồng thời chính quyền địa phương phải khẩn trương nạo vét thông luồng suối Săn Máu để không còn tình trạng ngập cục bộ mỗi khi mưa lớn” - ông Chữ bày tỏ mong mỏi của ông và nhiều người dân địa phương.

Thanh Hải

Tin xem nhiều