Báo Đồng Nai điện tử
En

Cô gái "nhỏ" không đầu hàng số phận

07:10, 21/10/2017

Sau nhiều cơn sốt, cả tay và chân của chị Phạm Tuyết Trinh (quê tỉnh Hà Tĩnh, hiện ngụ KP.3A, phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) co rút, teo nhỏ dần khi chưa tròn 1 tuổi. Vượt qua số phận nghiệt ngã, chị Tuyết Trinh đã vươn lên bằng ý chí và nghị lực của bản thân.

Sau nhiều cơn sốt, cả tay và chân của chị Phạm Tuyết Trinh (quê tỉnh Hà Tĩnh, hiện ngụ KP.3A, phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) co rút, teo nhỏ dần khi chưa tròn 1 tuổi. Vượt qua số phận nghiệt ngã, chị Tuyết Trinh đã vươn lên bằng ý chí và nghị lực của bản thân.

Chị Phạm Tuyết Trinh với công việc hàng ngày trên máy vi tính tại nhà.
Chị Phạm Tuyết Trinh với công việc hàng ngày trên máy vi tính tại nhà.

Với công việc ổn định, hiện chị Tuyết Trinh không chỉ có nguồn thu nhập phụ giúp gia đình, mà còn tiếp thêm ý chí phấn đấu cho những người khuyết tật giống chị.

* Tinh thần “thép”

Lúc Phạm Tuyết Trinh 9 tháng tuổi, cha mẹ phát hiện chị thường xuyên bị sốt cao, người lúc nào cũng mệt lả, yếu dần. Lúc đầu cha mẹ tưởng chị bị những chứng bệnh thông thường của trẻ con, nhưng khi đưa đi bệnh viện thì cha mẹ chị thực sự bị sốc khi nghe bác sĩ kết luận Tuyết Trinh bị teo cơ bại liệt, không thể có cơ thể như người bình thường.

Chị Phạm Tuyết Trinh (trái) chơi với em gái ruột cũng bị khuyết tật.
Chị Phạm Tuyết Trinh (trái) chơi với em gái ruột cũng bị khuyết tật.

Cơ thể ốm yếu nhưng Tuyết Trinh lại có tinh thần “thép”. Từ nhỏ đến lớn, việc đi lại gắn với xe lăn, chiếc ghế xoay và trên lưng cha mẹ, bạn bè nhưng Tuyết Trinh vẫn kiên trì đến lớp mỗi ngày. Suốt 12 năm học phổ thông, năm nào Tuyết Trinh cũng đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi.

Chị Tuyết Trinh nhớ lại: “Từ nhỏ, mọi người đã nhìn tôi bằng ánh mắt tò mò chứ không châm chọc khi tôi có một cơ thể nhỏ bé, tay chân yếu ớt. Chuyện đi lại phải nhờ người khác nên tôi mong ước có một cơ thể lành lặn hoặc ít nhất có thể tự đi lại, tự làm mọi thứ mà không cần ai giúp đỡ”.

Năm 2014, sau khi lỡ hẹn với cánh cửa đại học, chị Tuyết Trinh vẫn quyết tâm tiếp bước con đường ăn học để mong sau này có nghề nghiệp, có thu nhập ổn định để ít nhất có thể nuôi sống được bản thân.

Tìm hiểu trên mạng xã hội, chị Tuyết Trinh biết đến Trung tâm Nghị Lực Sống chuyên dạy nghề và định hướng phát triển cho người khuyết tật của bà Nguyễn Thảo Vân (một người khuyết tật có nghị lực vươn lên xây dựng một trung tâm giúp đỡ người cùng cảnh ngộ ở quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội) nên đã xin phép cha mẹ cho theo học ở trung tâm này 6 tháng.

Trong 6 tháng theo học ở Trung tâm Nghị Lực Sống, Tuyết Trinh đã học được nhiều thứ. Khi trở về TP.Biên Hòa, chị bắt đầu có ý tưởng kinh doanh qua mạng xã hội và quyết tâm thực hiện điều đó.

* Giúp người cùng cảnh ngộ

Cũng như bao người khác, khi mới bắt đầu kinh doanh, chị Tuyết Trinh cũng gặp rất nhiều khó khăn, như: thiếu vốn, không biết cách thuyết phục khách hàng, bị khách trả lại hàng…, nhưng chị vẫn quyết tâm theo đuổi đến cùng. Từ việc bán quần áo…, đến nay chị chuyển qua bán hàng mỹ phẩm.

Mọi việc di chyển trong nhà của chị Phạm Tuyết Trinh đều phải nhờ mẹ giúp đỡ (ảnh: Đăng Tùng)
Mọi việc di chyển trong nhà của chị Phạm Tuyết Trinh đều phải nhờ mẹ giúp đỡ (ảnh: Đăng Tùng)

Chị Tuyết Trinh cho hay người truyền lửa đầu tiên cho chị là Nick Vujicic (quốc tịch Australia), một người khuyết tật có nghị lực kiên cường và dần trở thành một diễn giả, tác giả nhiều cuốn sách truyền cảm hứng sống cho nhiều người khuyết tật khác trên thế giới (từng sang Việt Nam diễn thuyết năm 2013). Tiếp đó là cuộc đời, nghị lực vươn lên của bà Nguyễn Thảo Vân ở Trung tâm Nghị Lực Sống. Qua những tấm gương đó, chị Tuyết Trinh đã có một nguồn động lực rất lớn để tự tin theo đuổi con đường chị đã lựa chọn.

“Tôi luôn cho rằng, muốn theo đuổi một mục tiêu phải thực hiện 4 điều quan trọng. Đầu tiên, bản thân phải nỗ lực không ngừng, thứ hai là phải luôn tích cực trong suy nghĩ và hành động, thứ ba là phải chấp nhận khó khăn và cuối cùng là phải có những thần tượng để làm nguồn động lực. Mỗi ngày phải biết tự tạo động lực cho bản thân thì chắc chắn mình sẽ vượt qua được những khó khăn, trở ngại để đạt được mục tiêu đề ra” - chị Tuyết Trinh chia sẻ.

Chị Phạm Tuyết Trinh kể lại quá trình 6 tháng học tại Trung tâm Nghị Lực Sống là quãng thời gian rất tuyệt vời đối với bản thân chị. Ở đây, chị học được cách san sẻ với mọi người, thấy những hoàn cảnh khó khăn hơn bản thân chị nhưng vẫn tràn đầy sức mạnh tinh thần. Sau khi về TP.Biên Hòa, chị luôn duy trì mối quan hệ với những người bạn khuyết tật và chị rất mừng khi thấy những bạn học ở trung tâm đều có việc làm ổn định, tự vươn lên từ cơ thể khiếm khuyết. Hơn hết, họ vẫn giúp đỡ nhau mỗi khi có việc khó khăn.

Hiện nay, sau hơn 1 năm nỗ lực trong kinh doanh, chị Tuyết Trinh đã trở thành nhóm trưởng của đội ngũ bán hàng online thương hiệu mỹ phẩm Oriflame với trên 100 thành viên, thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng. Số tiền kiếm được, ngoài việc sử dụng chi tiêu cho bản thân và để dành tiết kiệm, chị còn dành một phần phụ giúp cha mẹ nuôi em gái bị bệnh (em gái chị Tuyết Trinh năm nay 19 tuổi, cũng mắc bệnh như chị).

“Tôi tạo một số group trên mạng xã hội để các bạn trong đội ngũ bán hàng online có thể chia sẻ tài liệu, quy trình làm việc giúp công việc đạt hiệu quả hơn. Ngoài ra, mỗi tối tôi còn vào mạng xã hội nói chuyện với mọi người trong các nhóm, người khuyết tật có, người bình thường có. Các bạn đặt câu hỏi tôi sẽ trả lời để chia sẻ kinh nghiệm và động lực sống với mọi người trong nhóm” - chị Tuyết Trinh bộc bạch.

Để có được kết quả như hôm nay là cả quá trình phấn đấu không ngừng của chị Tuyết Trinh. Hiện tại, ngoài việc mong muốn làm tốt công việc bán hàng online, chị Tuyết Trinh còn ấp ủ ước mơ viết sách kể lại câu chuyện của bản thân. Chị nghĩ những người khuyết tật như chị cần một nguồn động lực, một điểm tựa tinh thần và hơn hết là cần một tấm gương đi trước để noi theo. Nếu có những thứ đó, với sự nỗ lực của bản thân, mỗi người khuyết tật đều có thể làm được nhiều việc không thua kém những người bình thường.

“Mẹ tôi luôn nói rằng tôi phải cố gắng để biến mọi ước mơ của bản thân thành hiện thực rồi làm tấm gương để em gái noi theo. Mẹ bảo làm điều đó không phải để kiếm tiền phụ giúp cha mẹ mà là để 2 chị em tôi có thể tự lập, có thể đứng vững trước những khó khăn của cuộc sống vì cha mẹ ngày càng lớn tuổi, không phải lúc nào cũng có thể giúp chị em tôi đi lại và cũng để cha mẹ có thể yên tâm khi về già” - chị Tuyết Trinh vui vẻ cho biết.

Lê Thủy - Đăng Tùng

Tin xem nhiều