Báo Đồng Nai điện tử
En

Gắng tròn phận con hiếu thảo

07:10, 24/10/2017

Đang làm công nhân ổn định tại Công ty TNHH sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (Biti's, ở TP.Biên Hòa), bà Nguyễn Thị Hạnh Lệ (40 tuổi, ngụ ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) đã nghỉ việc (được 6 năm nay) để dành thời gian chăm sóc cha mẹ già.

Đang làm công nhân ổn định tại Công ty TNHH sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (Biti’s, ở TP.Biên Hòa), bà Nguyễn Thị Hạnh Lệ (40 tuổi, ngụ ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) đã nghỉ việc (được 6 năm nay) để dành thời gian chăm sóc cha mẹ già. Đến nay, sau khi cha mất được 3 năm, bà vẫn hàng ngày làm tròn bổn phận một người con hiếu thảo, lo cho mẹ già.

Bà Nguyễn Thị Hạnh Lệ lo toan cơm nước hàng ngày cho 7 người trong nhà.
Bà Nguyễn Thị Hạnh Lệ lo toan cơm nước hàng ngày cho 7 người trong nhà.

Là con gái út trong gia đình có 5 anh chị em nên từ nhỏ bà Nguyễn Thị Hạnh Lệ đã được gia đình dành tình cảm và những điều kiện học tập tốt nhất. Tuy nhiên, học đến năm lớp 6 thì bà phải bỏ học vì nhà nghèo, cha mẹ làm lụng vất vả mà không đủ sức nuôi mấy anh chị em.

Dang dở đường đến trường

Bà Lệ nhớ lại, cha bà làm thợ hồ nhưng có bệnh về hô hấp nên ông không làm việc nhiều và lâu được. Cũng vì vậy mà ít người gọi ông đi xây nhà, thu nhập kiếm được ít dần theo thời gian. Còn mẹ bà Lệ làm ruộng, nhưng vì nhà ruộng ít nên phải đi làm thuê, làm mướn cho người khác, thu nhập không cao. Anh chị em bà Lệ học hết tiểu học là nghỉ, chỉ có bà học cao nhất.

Bà Nguyễn Thị Hạnh Lệ ngày ngày chăm sóc mẹ già không thể tự đi lại.
Bà Nguyễn Thị Hạnh Lệ ngày ngày chăm sóc mẹ già không thể tự đi lại.

“Mẹ tôi sinh cả chục người con (một số người mất khi còn nhỏ) nên tôi cách chị cả đến 12 tuổi. Nhà nghèo lại đông con nên mấy anh chị lớn của tôi phải đi làm từ sớm để kiếm tiền phụ giúp gia đình, nhưng cũng không khá nổi; cha mẹ lại bệnh nên tốn tiền thuốc liên miên. Còn tôi, sau khi đi làm công nhân hơn 10 năm có ý muốn học lại cũng không được nữa - đó là điều đáng tiếc nhất cuộc đời tôi” - bà Lệ cho hay.

Sau mấy năm đi mót lúa, hái rau, bắt ốc... phụ giúp cha mẹ, năm 18 tuổi, bà Lệ xin đi làm công nhân. Đến năm 2011, thấy sức khỏe cha mẹ ngày càng yếu trong khi các anh chị đều đi làm cả ngày, cộng thêm bản thân hay bị khó thở khi vào xưởng nên bà Lệ quyết định nghỉ việc để có thời gian chăm sóc cha mẹ.

Từ một công nhân có thu nhập đều đặn mỗi tháng, bà Lệ ở nhà lo cơm nước và đi làm việc thời vụ. Gia đình nào có nhu cầu thuê người dọn dẹp nhà cửa thì gọi bà đến làm. Tháng nào làm việc đều đặn, bà Lệ kiếm được gần 2 triệu đồng để lo cho cha mẹ. Tuy nhiên, vì làm công việc thời vụ nên cũng có tháng bà chỉ kiếm được vài trăm ngàn đồng, phải nhờ có sự phụ giúp từ các anh chị mới đủ tiền xoay xở thuốc thang, sinh hoạt phí hàng ngày cho cha mẹ.

“Năm rồi, một người chị gái về cất căn nhà khang trang gần nhà cũ của cha mẹ nên chúng tôi mới có căn nhà cao ráo để ở, chứ nền nhà cũ thấp hơn đường, mỗi lần mưa lớn nước lại tràn vào nhà. Hồi trước, chúng tôi xây đến mấy hàng gạch chắn cửa và các lối bên trong nhà cũng không ngăn được nước mưa tràn vào nhà. Mỗi lần như vậy, tôi chỉ biết đợi mưa tạnh để tát nước ra ngoài, chứ không thì nhà lạnh cóng, mẹ đau khớp càng đau hơn” - bà Lệ nói.

“Mẹ già như chuối chín cây”

Mẹ bà Lệ năm nay đã 75 tuổi, đi lại khó khăn vì biến chứng của bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến khớp gối. Hiện nay, bà Lệ cùng mẹ và một người anh trai không lấy vợ sống cùng gia đình người chị gái. Mỗi bữa ăn của 7 người trong nhà (gia đình chị gái của bà Lệ có 4 người) đều do bà Lệ tự tay phụ trách.

Mỗi khi có ai gọi quét dọn, phụ giúp việc nhà theo giờ, bà Nguyễn Thị Hạnh Lệ đều chăm chỉ làm để có tiền chăm lo cho mẹ già bị bệnh tật (ảnh: Minh Thành)
Mỗi khi có ai gọi quét dọn, phụ giúp việc nhà theo giờ, bà Nguyễn Thị Hạnh Lệ đều chăm chỉ làm để có tiền chăm lo cho mẹ già bị bệnh tật (ảnh: Minh Thành)

Bà Lệ kể mỗi ngày bà phải dậy từ lúc 5 giờ 30 để cùng chị gái đưa mẹ đi tắm rửa, thay đồ rồi đưa mẹ ra giường trước hiên nhà nằm. Sau đó, bà Lệ đi chợ rồi về nấu cơm, quanh quẩn bóp chân, ngồi nói chuyện với mẹ và lau dọn nhà. Khi có người gọi đi làm thì bà sắp xếp công việc nhà để đi. Hiện mọi chi tiêu của bà và mẹ đều do các anh chị phụ giúp, người góp 1 triệu đồng/tháng, người vài trăm ngàn đồng, cộng với tiền làm thời vụ của bà cũng đủ xoay hàng ngày.

Tần tảo sớm hôm chăm lo mẹ già, lại siêng năng mỗi khi có gia đình nào gọi làm việc nhà theo giờ, dần dần bà Nguyễn Thị Hạnh Lệ được chị em trong xóm và Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hiệp Hòa đề cử vào danh sách người con hiếu thảo và được vinh danh trong chương trình biểu dương người con hiếu thảo tỉnh lần thứ I-2017 do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, Tỉnh đoàn Đồng Nai, Đài PT-TH Đồng Nai và Báo Đồng Nai phối hợp tổ chức vào ngày 27-6.

“Hồi trước, cha tôi bị té ngã mấy lần nhưng vẫn thích đi chơi nên con cháu phải canh chừng. Khoảng 3 năm trước, mẹ tôi bệnh nằm một chỗ, tôi không thể canh chừng 2 người mãi được nên có một lần cha đi bộ trong xóm chơi bị té, hàng xóm chạy đến nhà báo tin làm tôi muốn rụng rời chân tay. Anh chị em chúng tôi đưa cha đi bệnh viện, bác sĩ cứu chữa hết cách nhưng không cứu được và hôm sau thì ông qua đời vì bị tai biến mạch máu não. Từ đó, chúng tôi chỉ còn mẹ. Cũng vì vậy mà tôi càng thương mẹ hơn, tối nào mẹ con cũng nằm thủ thỉ với nhau, bao mệt nhọc trong ngày cũng vơi hết” - bà Lệ lau nước mắt kể lại.

Năm 2010, bà Lệ có lập gia đình, nhưng được một thời gian thì người chồng của bà bỏ nhà đi biệt tăm. Tuy nhiên, bà Lệ không vì vậy mà thấy buồn, vì giờ đây tất cả tình cảm của bà đều dành cho mẹ, vẹn tròn như ngày cha mẹ bà dành cho từng đứa con nhỏ. Lau nước mắt mỗi khi nhắc đến những ngày tháng tiếp theo, bà Lệ nói bản thân bà không lo, chỉ nghĩ đến mẹ già như chuối chín cây, nếu một mai mẹ bà mất đi có lẽ bà sẽ rất khó đứng vững.

“Hồi tôi còn nhỏ, là con gái út nên miếng ngon nhất trong nhà cha mẹ đều dành cho tôi. Lớn lên, tôi lại là người được học hành tốt nhất nhà. Giờ cha tôi không còn, chỉ còn mẹ nên mọi thứ tốt nhất tôi đều muốn dành cho mẹ, báo đáp lại tình cảm cả một đời cha mẹ đã lo lắng cho anh chị em chúng tôi. Mẹ tôi giờ không còn đi lại được như ngày xưa, nhưng mỗi ngày được nói chuyện với mẹ là tôi đã đủ động lực để tiếp tục chăm sóc gia đình hàng ngày rồi. Hiện tôi chỉ ước sao mẹ sống khỏe” - bà Lệ mắt đỏ hoe, chực khóc khi nhắc đến mẹ.

Minh Thành

Tin xem nhiều