Báo Đồng Nai điện tử
En

Người dẫn đường đánh trận lẫy lừng

09:10, 30/10/2017

Năm nay đã 78 tuổi, nhưng ông Nguyễn Hiếu Nghĩa (Hai Nghĩa, ngụ KP.3, phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) vẫn còn nhớ rõ khoảng thời gian ông làm Chính trị viên Đội biệt động TX.Biên Hòa và cùng các trinh sát của lực lượng Pháo binh Miền đi điều nghiên, chọn trận địa đặt súng cối để tấn công Sân bay Biên Hòa vào đêm 31-10-1964.

Năm nay đã 78 tuổi, nhưng ông Nguyễn Hiếu Nghĩa (Hai Nghĩa, ngụ KP.3, phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) vẫn còn nhớ rõ khoảng thời gian ông làm Chính trị viên Đội biệt động TX.Biên Hòa và cùng các trinh sát của lực lượng Pháo binh Miền đi điều nghiên, chọn trận địa đặt súng cối để tấn công Sân bay Biên Hòa vào đêm 31-10-1964.

Ông Nguyễn Hiếu Nghĩa bên kỷ vật thời công tác tại Đội biệt động TX.Biên Hòa.
Ông Nguyễn Hiếu Nghĩa bên kỷ vật thời công tác tại Đội biệt động TX.Biên Hòa.

“Biệt động TX.Biên Hòa cử tôi cùng 2 người nữa (sau này đã hy sinh) cùng trinh sát của Pháo binh Miền đi điều nghiên sân bay từ giữa năm 1964. Lúc đầu, tôi chỉ biết mình dẫn trinh sát pháo binh đi thăm dò, điều nghiên tình hình để đánh sân bay, còn cụ thể thế nào không thể hỏi. Thời đó, bí mật nhiệm vụ luôn được đặt lên hàng đầu” - ông Hai Nghĩa kể lại.

Nhiệm vụ bí mật

Giai đoạn 1964-1965 là lúc Mỹ can thiệp sâu vào chiến trường miền Nam. Tháng 8-1964, Quốc hội Mỹ thông qua Nghị quyết Đông Nam Á (hay còn gọi là Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ, mã số H.J.Res.1145, Công pháp 88-408) cho phép Tổng thống Mỹ điều động quân đội tham chiến tại miền Nam Việt Nam.

Tờ tin Daily News Briefs (dành cho lực lượng Mỹ tại Việt Nam) số ra thứ hai ngày 2-11-1964 đưa tin về việc sân bay Biên Hòa bị tấn công (ảnh: Tư liệu)
Tờ tin Daily News Briefs (dành cho lực lượng Mỹ tại Việt Nam) số ra thứ hai ngày 2-11-1964 đưa tin về việc sân bay Biên Hòa bị tấn công (ảnh: Tư liệu)

Trước đó, Mỹ đã cung cấp một lượng vũ khí, khí tài khổng lồ cho quân đội Sài Gòn. Tại TX.Biên Hòa lúc bấy giờ có Sân bay quân sự Biên Hòa là một trong những yếu điểm của quân đội Sài Gòn phải bảo vệ. Tại đây, máy bay các loại có thể xuất kích tấn công bất cứ khi nào có lệnh.

Vào tháng 9-1964, Bộ Chính trị yêu cầu đẩy mạnh tiến công và nổi dậy ở miền Nam. Ngày 10-10-1964, Quân ủy Trung ương chỉ thị mở đợt hoạt động mùa khô 1964-1965 trên khắp chiến trường miền Nam.

Thực hiện chỉ thị của Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy miền Đông và Tỉnh ủy Biên Hòa, từ tháng 10-1964, các lực lượng pháo binh, biệt động… kết hợp điều nghiên địa hình, cách bố phòng của địch ở Sân bay Biên Hòa và chuẩn bị trận địa cho lực lượng Pháo binh Miền và Quân khu tấn công địch.

Tháng 10-1964, việc trinh sát, tìm trận địa đặt pháo đánh Sân bay Biên Hòa mới bắt đầu, nhưng trước đó nhiều tháng ông Hai Nghĩa đã cùng trinh sát của các đơn vị Miền đi trinh sát quanh khu vực sân bay rất nhiều lần.

Ông Hai Nghĩa kể, trong các nhiệm vụ mật thì nhiệm vụ đưa trinh sát của đơn vị khác đi trinh sát địa bàn mình phụ trách là nhiệm vụ không dễ, vì ngoài việc phải đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ còn phải đảm bảo an toàn, bí mật cho bản thân và các trinh sát.

Khi đó, quanh Sân bay Biên Hòa là rừng cao su, vườn tược của người dân, thậm chí khu vực Hốc Bà Thức (nơi đặt trận địa pháo, nay thuộc phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) xung quanh còn là rừng cao su. Khi đưa trinh sát đi, mỗi người đều trang bị rất nhẹ.

“Lúc nhận nhiệm vụ, chúng tôi được thông báo nếu bị địch phục kích, cả tổ 3 biệt động TX.Biên Hòa chúng tôi phải luôn trong tinh thần sẵn sàng hy sinh để đảm bảo an toàn cho trinh sát của Pháo binh Miền, quyết không để lộ bí mật. Ngoài những lớp mìn, rào kẽm gai, quanh Sân bay Biên Hòa còn có các toán lính đi tuần; chưa kể hỏa lực địch mạnh, nếu nghe động chúng sẵn sàng bắn rát và gọi thêm lực lượng yểm trợ. Do đó, chúng tôi đi phải kín tiếng, về cũng ít lời. Bà ngoại tôi nhiều lần bị địch bắt đưa lên đồn đe dọa tra hỏi thông tin về tôi, nhưng cũng không biết gì để khai vì sau khi vào rừng tôi không còn về nhà nữa để tránh nguy hiểm cho người thân” - ông Hai Nghĩa nhớ lại.

Một góc sân bay Biên Hòa sau cuộc tấn công của Pháo binh Miền (ảnh: Tư liệu)
Một góc sân bay Biên Hòa sau cuộc tấn công của Pháo binh Miền (ảnh: Tư liệu)

Quá trình điều nghiên, thăm dò tình hình địch đã khó, việc trinh sát vẽ bản đồ bố phòng của địch trong sân bay cũng không dễ dàng. Ông Hai Nghĩa đã nhiều lần cùng đồng đội công kênh các trinh sát pháo binh trên vai để nhìn trong sân bay được xa hơn. Những lần đó, chỉ cần một vị trí gác của địch phát hiện lập tức sẽ có vài tốp lính áp sát và tiêu diệt toán trinh sát.

Sau nhiều lần cải trang đi quan sát cả đêm lẫn ngày, cuối cùng toán trinh sát cũng đưa về những thông tin chi tiết để các cấp chỉ huy lực lượng Pháo binh Miền lên phương án tấn công sân bay.

“Đạn cối tuôn cho Mỹ bể đầu…”

Sau 1 tháng trinh sát điều nghiên tình hình Sân bay Biên Hòa, vị trí được chọn đặt súng cối là ở Hốc Bà Thức. Chiều 31-10-1964, các đơn vị pháo đã đưa vũ khí vào địa điểm được chọn với sự hỗ trợ của các đơn vị bạn. Tại các nhánh sông đều có các đơn vị bộ binh trang bị mạnh phục sẵn, đảm bảo an toàn để pháo binh vượt sông, tấn công xong rút lui an toàn. Hàng trăm con người làm nhiệm vụ mật đều giữ im lặng, bí mật, đến cả các công nhân cạo mủ cao su, người dân quanh đó cũng không biết, chỉ đến khi nghe tiếng nổ ầm trời họ mới chạy tản ra xa.

Một máy bay của Mỹ bị hư hỏng sau cuộc tấn công của Pháo binh Miền vào Sân bay Biên Hòa.Ảnh: Tư liệu
Một máy bay của Mỹ bị hư hỏng sau cuộc tấn công của Pháo binh Miền vào Sân bay Biên Hòa.Ảnh: Tư liệu

Chỉ tay về hướng Hốc Bà Thức, ông Hai Nghĩa cố gắng hình dung lại bản đồ khu vực trận địa pháo năm xưa rồi nói: “Nơi đặt trận địa cách sân bay hơn 1km, xung quanh vắng người, nơi đó cũng là chỗ ít khi địch mò đến. Số lượng quân yểm trợ cho pháo binh tôi không rõ, nhưng xung quanh khu vực trận địa pháo đều có người của mình bố trí chặn các ngõ vào; dưới sông, trên bộ, các cổng ra vào sân bay đều có cơ sở cài cắm để cản đường khi thấy địch. Riêng lực lượng Pháo binh Miền đem theo 9 khẩu súng cối 81 ly, 2 khẩu ĐKZ 75 ly lặng lẽ bố trí đội hình theo kế hoạch chờ giờ nổ súng. Tôi ở sát bên họ vì tình hình trận địa lúc ấy nội bất xuất, ngoại bất nhập, sau khi tấn công sân bay còn phải hỗ trợ họ rút lui an toàn, nhanh chóng”.

Đúng 23 giờ 30 ngày 31-10-1964, đồng loạt các loại đạn cối, đạn ĐKZ 75 ly của quân ta liên tục được “rót” vào Sân bay Biên Hòa ở các vị trí đã định. Sau vài loạt đạn, cả Sân bay Biên Hòa bốc khói kèm tiếng còi báo động hú vang liên tục. Trận tấn công chớp nhoáng, nhanh đến mức quân phòng thủ sân bay không kịp điều động lực lượng đánh trả vì thiệt hại nặng nề. Sau khi bắn 15 phút với 130 viên đạn 75 ly và 81 ly, toàn bộ lực lượng tấn công thu quân nhanh chóng rời khỏi trận địa an toàn. Các đơn vị yểm trợ cũng nhanh chóng rút về căn cứ, đề phòng quân đội Sài Gòn phản công.

Nhân viên sân bay Biên Hòa đang dọn dẹp hậu quả sau cuộc tấn công của Pháo binh Miền (ảnh: Tư liệu)
Nhân viên sân bay Biên Hòa đang dọn dẹp hậu quả sau cuộc tấn công của Pháo binh Miền (ảnh: Tư liệu)

“Những ngày sau đó, liên tục các toán quân, cảnh sát chế độ cũ quần thảo quanh khu vực trận địa pháo và các vùng lân cận sân bay. Sau đó, chúng phá hết các cụm rừng, di dời dân khỏi khu vực sân bay và mở rộng vành đai an toàn. Đêm hôm đó sau khi rút về căn cứ an toàn, chúng tôi vẫn chưa biết địch thiệt hại bao nhiêu. Phải đến những ngày sau, khi báo chí đưa tin, cơ sở bí mật trong các đơn vị quân sự chế độ cũ báo ra chúng tôi mới biết được đêm hôm đó phá hủy được cơ sở, khí tài của địch nhiều đến vậy. Đó là một trong những trận đánh làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong thời khắc khó khăn đó” - ông Hai Nghĩa bồi hồi nhớ lại.

Sau 15 phút tiến công, lực lượng Pháo binh Miền đã phá hủy 59 máy bay, trong đó có 21 máy bay ném bom B57, 11 máy bay cường kích AD6, 1 máy bay do thám U2; diệt và làm bị thương 293 tên địch gồm hầu hết là phi công và nhân viên kỹ thuật Mỹ; tiêu hủy và làm nổ tung 2 kho bom đạn lớn, 1 kho xăng, 1 đài quan sát và 18 trại lính. Với bút danh Chiến Sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài khen ngợi các chiến sĩ Pháo binh Miền trên Báo Nhân Dân số 3878 (ngày 12-11-1964), trong đó có 4 câu thơ nổi tiếng: “Uy danh lừng lẫy khắp năm châu/Đạn cối tuôn cho Mỹ bể đầu/Thành đồng trống thắng lay Lầu trắng/Điện Biên, Mỹ chẳng phải chờ lâu”.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều