Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỳ thú Côn Đảo (bài cuối)

10:10, 01/10/2017

Côn Đảo với tên trong hải đồ thế giới là Poulo Condor (tức quần đảo Côn Lôn), bao gồm 16 hòn đảo quây quần bên nhau giống như một hạm đội tiền tiêu canh giữ vùng biển trời Tổ quốc.

Bài Cuối: Bảo vệ chủ quyền giữa đầu sóng ngọn gió

Côn Đảo với tên trong hải đồ thế giới là Poulo Condor (tức quần đảo Côn Lôn), bao gồm 16 hòn đảo quây quần bên nhau giống như một hạm đội tiền tiêu canh giữ vùng biển trời Tổ quốc. Xác định được vị thế quan trọng của Côn Lôn nên trong quá trình mở cõi xứ Đàng Trong, các chúa Nguyễn rất quan tâm đến việc thực hiện chủ quyền quốc gia đối với vùng biển đảo.

>>> Bài 1: Rùng mình với “địa ngục trần gian”

>>> Bài 2: Nửa đêm ở Nghĩa trang Hàng Dương

Du khách đi chơi biển ở Côn Đảo.
Du khách đi chơi biển ở Côn Đảo.

Đời Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), Côn Lôn đặt dưới sự quản lý của đội Hoàng Sa. Mọi việc tuần tiễu, khai thác hải sản ở các quần đảo: Trường Sa, Hoàng Sa và Côn Lôn đều được thực hiện chu đáo, cẩn mật và thường xuyên. Côn Lôn nằm ngoài Biển Đông, một vị trí lưu thông hàng hải Đông - Tây vô cùng thuận lợi nên từ lâu, với phương tiện hiện đại, giới hàng hải phương Tây đã để mắt đến quần đảo này.

* THAM VỌNG BẤT THÀNH CỦA TƯ BẢN ANH

Cuối thế kỷ 17, giới tư bản Anh, Pháp trong quá trình thăm dò các nước phương Đông đã bắt đầu dòm ngó Côn Lôn.

Cuối năm 1686, Công ty Đông - Ấn của Pháp phái Véret đến Côn Lôn điều tra, khảo sát thực địa. Đầu năm sau, Công ty Đông - Ấn của Anh đã cử William Dampier đến vịnh Tây - Nam của quần đảo Côn Lôn trực tiếp vẽ bản đồ.

Đến năm 1702, đích thân Giám đốc Công ty Đông - Ấn của Anh là Allen Catchpole chỉ huy cuộc chiếm đóng Côn Lôn. Ông ta đưa một đơn vị lính thợ người Macassar (thổ dân trên đảo Sulawesi của Indonesia) đến xây dựng pháo đài. Tuy nhiên, vào đêm 3-2-1705, sau một tiếng hú man rợ vang lên từ trong rừng, đám lính thợ vùng lên tiêu diệt bọn chủ người Anh, chỉ còn ít người đang ở ngoài pháo đài, như: bác sĩ Paund, ông Salomom Llyod chạy thoát.

Theo một báo cáo có tiêu đề “Poulo Condor: T.F.E.O. Sài Gòn 1947”, nguyên nhân cuộc nổi dậy là do bọn lính thợ Macassar đã hết hạn hợp đồng nhưng chủ không cho về quê, phải sống cảnh thiếu thốn, khí hậu khắc nghiệt.

Đại Nam nhất thống chí thì ghi: “Đời vua Hiển Tông triều Nguyễn (1691-1725) vào năm Nhâm Ngọ (1702) có thuyền An - Liệt của bọn hải phỉ vào đậu ở đảo Côn Lôn. Tù trưởng là bọn Tô - Thích, Già - Thi chia người làm 5 ban và đảng lõa hơn 200 người, kết tập trại sách, tích trữ của báu như núi và những đồ bánh trái hào soạn, 4 mặt đều đặt hỏa pháo phòng thủ… Quan trấn thủ ở biên trấn là Trương Phúc Phan mộ 15 người nước Đồ Bà mật khiến chúng trá hàng, nhân khi ban đêm phóng lửa đốt cả trại sách của chúng. Giết được ban nhất, ban nhì, bắt được ban năm, còn ban ba và ban tư thì trốn thoát ra biển… Trương Phúc Phan được tin bèn khiến binh thuyền ra đảo, tóm thâu được cả đồ vàng lụa đem dâng nộp”.

Thì ra, cuộc nổi dậy đêm 3-2-1705 là do quan quân triều Nguyễn bày binh bố trận nhằm giành lại chủ quyền biển đảo bằng một kế hoạch chu đáo là cài người vào nội bộ địch, lợi dụng sự bất mãn của bọn lính thợ để gây cuộc binh biến, kết hợp với sự hỗ trợ từ bên ngoài. Đặc biệt là sự việc được giải quyết gọn lẹ, không gây rắc rối trong quan hệ ngoại giao vì đã có tù binh trong tay, địch khó lòng chối cãi; đồng thời tránh được sự dòm ngó của một cường quốc có lực lượng hải quân hùng mạnh vào bậc nhất thời bấy giờ trong thời gian lâu dài.

* CẮM CỜ CHIẾM ĐẢO

Với quyết tâm xâm lược Việt Nam, ngày 1-9-1858, quân Pháp tấn công Đà Nẵng, sau đó chuyển hướng đánh chiếm Gia Định và Định Tường. Cũng thời điểm này, mấy nhà quân sự Pháp nhận ra tầm quan trọng của quần đảo Côn Lôn, một vị trí chiến lược cần phải chiếm giữ trước khi quân Anh nhảy vào hớt tay trên.

Ngày 10-7-1861, Bộ trưởng Hải quân và thuộc địa Pháp là Chasseloup Laubat tìm cách cho Đô đốc Bonard sang thay Đô đốc Charner, Chỉ huy trưởng quân viễn chinh Pháp ở Việt Nam, với mệnh lệnh: “Phải cố gắng chiếm lấy Côn Lôn, lấy cớ là để xây dựng một ngọn hải đăng”.

Vừa đến Sài Gòn, Bonard đã triển khai việc chiếm giữ Côn Lôn. Biết rõ quân binh triều đình Huế ở hải đảo không đáng kể, lúc 10 giờ ngày 28-11-1861, chiếc thông báo hạm Norzagaray do một trung úy hải quân chỉ huy vào tới Vũng Đầm, đột nhập lên đảo kéo lá cờ Pháp và lập biên bản chiếm lĩnh rồi công bố chủ quyền.

Tiếp đó, quân Pháp tuyển dụng đơn vị ngục tốt An Nam 80 người do 4 vị điều hành dưới quyền của một vị chánh bát phẩm đang canh giữ 119 tù nhân của triều đình để thành lập đại đội lính bản xứ; đồng thời tiến hành dựng một loạt nhà giam bằng tranh tre nứa lá có sức chứa 200 tù. Liền sau đó, 50 người tù đầu tiên của Pháp được tàu Écho chở ra Côn Lôn.

Ngày 1-2-1862, Thống đốc Nam kỳ Louis Adolphe Bonard ra quyết định thành lập nhà tù Côn Lôn và cử Trung úy hải quân Félix Roussel làm quản đốc...

* DẤU ẤN CỦA CUỘC PHẢN KHÁNG ĐẦU TIÊN

Đêm 28-6-1862, nhà tù Côn Lôn bùng lên cuộc nổi dậy. Viên chỉ huy và binh lính người Việt trong đại đội canh tù bản xứ đã bí mật liên kết với tù nhân phá xiềng, trang bị vũ khí, đốt phá doanh trại, phòng giam…, làm chủ cả quần đảo Côn Lôn. Quân Pháp đã huy động lực lượng hùng hậu đánh ròng rã suốt 13 ngày đêm mới chiếm lại Côn Lôn.

Nghĩa quân cùng người dân trên đảo đã đồng tâm hiệp lực kháng cự rất quyết liệt, gây cho quân Pháp rất nhiều thương vong; nhưng do tương quan lực lượng quá chênh lệch, cuộc khởi nghĩa tháng 6-1862 ở Côn Lôn bị nhấn chìm trong máu. Tuy nhiên, đây là lời cảnh báo đối với quân xâm lược về tinh thần đấu tranh bất khuất của người dân Việt và sau này đã được nhân lên bằng ý thức tự giác của các tổ chức Đảng trong giai đoạn trường kỳ kháng chiến với thực dân Pháp, đế quốc Mỹ trong nhà tù Côn Đảo...

Tháng 6-1783, bị quân Tây Sơn đuổi đánh ở Côn Lôn, Nguyễn Ánh phải bỏ chạy về Phú Quốc và đã cầu viện nước Pháp để giành lại ngôi vương. Tháng 12-1784, Nguyễn Ánh giao ấn tín và hoàng tử Cảnh cho Bá Đa Lộc (Khâm sai tòa Thánh ở Gia Định) sang Pháp cầu viện. Ngày 28-11-1787, thay mặt “Hoàng đế An Nam” Nguyễn Ánh, Bá Đa Lộc ký Hiệp ước Versailles với đại diện vua Pháp là De Montmorin. Theo đó, Pháp hứa giúp Nguyễn Ánh 1,2 ngàn lính, 200 pháo thủ, 250 lính Phi, 4 tàu chiến. Đổi lại, Nguyễn Ánh nhượng cho Pháp chủ quyền ở Cửa Hàn (Đà Nẵng) và quần đảo Côn Lôn, cho Pháp được độc quyền thương mại ở Nam kỳ. Tuy nhiên, chế độ quân chủ của nước Pháp lúc bấy giờ đang khủng hoảng trầm trọng. Hiệp ước Versailles trong thực tế được ký rồi để đó. Ngay Bá tước De Montmorin cũng gửi chỉ thị mật cho Conway đang chỉ huy lực lượng Pháp ở Ấn Độ không thực hiện vì… tình hình tài chính không cho phép. Không chịu thất bại, Bá Đa Lộc lại tìm gặp một số thương nhân Pháp vận động giúp đỡ. Tháng 9-1788, tàu Driaole và La Garonne chở tới Côn Lôn 1 ngàn khẩu súng trường và mấy khẩu đại bác.

Bùi Thuận

Tin xem nhiều