Báo Đồng Nai điện tử
En

Quán bún nhỏ nuôi 3 con nên người

08:10, 10/10/2017

Quán bún nhỏ của bà Nguyễn Thị Lâu (ở nhà A1/132, KP.1, phường Tân Vạn, TP.Biên Hòa) là địa chỉ thân quen của người lao động trong khu phố. Quán bún của bà Lâu bán không chỉ ngon, rẻ mà còn chất chứa nghị lực vượt khó nuôi con ăn học của người đàn bà sớm gãy gánh chuyện tình duyên.

Quán bún nhỏ của bà Nguyễn Thị Lâu (ở nhà A1/132, KP.1, phường Tân Vạn, TP.Biên Hòa) là địa chỉ thân quen của người lao động trong khu phố. Quán bún của bà Lâu bán không chỉ ngon, rẻ mà còn chất chứa nghị lực vượt khó nuôi con ăn học của người đàn bà sớm gãy gánh chuyện tình duyên.

Thỉnh thoảng, bà Nguyễn Thị Lâu đem giấy khen, phần thưởng trong học tập của các con ra lau bụi, nhìn ngắm để lấy thêm động lực mưu sinh vất vả mà nuôi con.
Thỉnh thoảng, bà Nguyễn Thị Lâu đem giấy khen, phần thưởng trong học tập của các con ra lau bụi, nhìn ngắm để lấy thêm động lực mưu sinh vất vả mà nuôi con.

Dù nhiều bữa ăn bún thay cơm, 2 cô con gái của bà Lâu là Trúc My (sinh viên Trường đại học sư phạm TP.Hồ Chí Minh) và Trúc Linh (sinh viên Trường đại học Đồng Nai) vẫn giữ thành tích học sinh giỏi nhất khối qua các năm học tại Trường THPT Ngô Quyền (TP.Biên Hòa). Cậu con trai Hoàng Sang tuy không giỏi bằng 2 chị, nhưng vẫn luôn đạt học lực khá tại các cấp học.

* Một mình nuôi con

Trưởng KP.1, phường Tân Vạn Phạm Hồng Sơn cho biết dù khu phố quyết tâm thực hiện chủ trương giảm nghèo, nhưng vẫn để gia đình bà Lâu thuộc trường hợp hộ nghèo để có nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ bà nuôi 3 con ăn học. “Cái nghèo của bà Lâu sẽ chấm dứt vài năm tới khi 3 con của bà lần lượt học xong đại học. Điều này cả khu phố đều biết và chia sẻ để động viên 4 mẹ con bà Lâu vững tin, tiếp tục nỗ lực vượt qua hoàn cảnh khó khăn hiện tại” - ông Sơn nói.

Vì quan niệm lạc hậu của cha mẹ “con gái không cần ăn học nhiều” nên học hết lớp 9, bà Lâu và người chị gái rời quê nhà Quảng Ngãi vào TP.Biên Hòa tìm việc làm để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Nhờ một người đồng hương giới thiệu, chị em bà Lâu được một chủ quán bún ở khu vực ngã ba Tân Vạn nhận vào phụ việc.

5 năm phụ việc cho quán bún, bà Lâu quen với ông H. và 2 người nên duyên vợ chồng. Lấy chồng, sinh con rồi bà Lâu vẫn phải phụ bán quán ăn cho mẹ chồng. Chồng bà Lâu vốn là tài xế xe tải chạy tuyến đường dài nên ít quan tâm đến cuộc sống của mẹ con bà.

Sống chung với nhà chồng 3 năm thì vợ chồng bà Lâu mua được miếng đất nhỏ ở KP.1, phường Tân Vạn để cất căn nhà chưa đầy 40m2 để ra riêng. Chồng đêm ngày lái xe trên những cung đường dài, bà Lâu sáng chiều 2 buổi phụ quán ăn cho người quen để kiếm tiền cùng chồng nuôi 3 con nhỏ.

Sóng gió gia đình ập đến, ông H. bỏ lại 4 mẹ con bà Lâu nơi căn nhà nhỏ tạm bợ để theo người mới. Không còn bờ vai của chồng để nương tựa, bà Lâu tự sắm xe hủ tiếu gõ và mưu sinh ở vỉa hè đường Bùi Hữu Nghĩa.

Buôn bán mới được vài tháng thì phường Tân Vạn có chiến dịch dẹp lòng lề đường cho thông thoáng. Vậy là xe hủ tiếu gõ của bà Lâu được kéo về nhà. Thương cảnh ngộ của 4 mẹ con bà Lâu, bà Tư hàng xóm và Ban điều hành khu phố cho bà Lâu che tạm một góc nhỏ nơi khu đất trống của bà Tư và Văn phòng khu phố để dựng quán bún, hủ tiếu nhỏ buôn bán hàng ngày. Các cán bộ công an, du kích, UBND phường Tân Vạn thì nhận “trách nhiệm” mỗi sáng đến ủng hộ quán ăn của bà Lâu.

Thu nhập từ quán bún, hủ tiếu không đủ nuôi con, tranh thủ lúc quán ế khách (khoảng 11 giờ trưa), bà Lâu lại tất tả đi mua ve chai dạo.

Bà Lâu tâm sự, vào những tháng mưa quán ế thì 4 mẹ con bà ăn bún, hủ tiếu thay vì nấu bữa cơm tốn kém. Được khu phố đưa vào diện nghèo để chăm lo, 3 con nhỏ của bà Lâu sau buổi học đều biết phụ bà bán quán, phân loại ve chai.

Em Hoàng Sang luôn chăm học, biết giúp mẹ việc quán, việc nhà.
Em Hoàng Sang luôn chăm học, biết giúp mẹ việc quán, việc nhà.

* Mẹ con nghị lực

Quán ăn nhỏ hẹp, chắp vá bởi mấy tấm bạt ny-lông, nơi ở thì chật hẹp, tối om vì bộn bề đồ đạc, 2 em Trúc My và Trúc Linh vẫn 12 năm liền là học sinh giỏi, đạt nhiều thành tích cấp thành phố và tỉnh về môn Hóa và Toán. Đặc biệt, trong 3 năm học ở Trường THPT Ngô Quyền, 2 chị em năm nào cũng đạt danh hiệu giỏi nhất khối và được học bổng của trường.

Càng học lên cao, đường đến trường càng xa, 3 chị em: Trúc My, Trúc Linh và Hoàng Sang được UBND phường Tân Vạn tiếp sức bằng những chiếc xe đạp. Thỉnh thoảng bà Lâu cũng chở con đi học.

Bà Lâu kể có hôm bà chở Trúc My đi học thêm ở trường xong thì quay về nhà chở Trúc Linh đến học thêm. Để khỏi quay về mất thời gian, bà ngồi ở mái hiên nhà dân ngủ một giấc chờ con tan học rồi chở về. Một lần đạp xe đi học Trúc Linh bị một người đàn ông say xỉn gây tai nạn phải nằm bệnh viện điều trị nửa tháng. Vậy là tự nhiên bà Lâu phải gánh thêm một khoản nợ lớn ngoài ý muốn.

Sau vụ tai nạn đó, bà Lâu được Hội Liên hiệp phụ nữ phường Tân Vạn giúp thêm một đầu vốn để mua chiếc xe máy chở con đi học. Cũng nhờ chiếc xe máy này mà bà bớt vất vả, 2 em Trúc My và Trúc Linh rời mái Trường THPT Ngô Quyền để học đại học, đi dạy kèm. “Nay cháu Trúc My đã là sinh viên năm cuối Trường đại học sư phạm TP.Hồ Chí Minh, Trúc Linh là sinh viên năm nhất Trường đại học Đồng Nai, còn Hoàng Sang đang học lớp 12. Hai con gái chọn ngành sư phạm để học nên tôi cũng giảm bớt chi phí” - bà Lâu nói.

Gánh nặng học phí, sinh hoạt của 2 cô con gái Trúc My và Trúc Linh không làm bà Lâu lo lắng bằng việc nhà bà Tư hàng xóm và Văn phòng khu phố 1 sửa sang lại, bà phải dời quán đi nơi khác. Lần dời quán đầu tiên, bà Lâu phải gánh số nợ gần 50 triệu đồng vì buôn bán ế ẩm, người chủ cho thuê lấy lại mặt bằng. Trong cái rủi có cái may, lần này bà Lâu được một thầy giáo cũ của con gái cho mượn khu đất mở lại quán bún để mưu sinh.

Thương mẹ vất vả vì các con sau buổi học ở trường Trúc My và Trúc Linh tranh thủ đi dạy kèm để kiếm tiền ăn học. Vì vậy, ngôi nhà nhỏ nằm lọt thỏm nơi con hẻm sâu của mẹ con bà Lâu thỉnh thoảng cất lên tiếng trẻ thơ học bài, tiếng giảng bài của Trúc Linh. Riêng em Hoàng Sang thì ngồi trong góc bếp lặt hành, bóc vỏ tỏi để chuẩn bị cho mẹ bán bún.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều